Tiết tháng Chạp năm nay nắng vàng ươm, chỉ thảng qua mấy ngày gió rét pha lẫn mưa phùn. Cái sự nhấp nhỏm, lo âu của người trồng đào dường như năm nào cũng vậy. Vất vả cả năm, vậy mà sát ngày thu hoạch chỉ biết trông trời cầu may, mong trời đừng mưa, đừng nắng để đào bung nở đúng tiết đầu năm. Giáp Tết, cuối năm, ai cũng mong một cái tết đủ đầy…
Làng đào Nhật Tân hình thành từ những lớp phù sa sông Hồng. Xưa có tên là Nhật Chiêu, có cả đồng và bãi, mà trong đó bãi là chủ yếu.
Người làng Nhật Tân cũng là những người đầu tiên tìm ra kỹ thuật ghép các giống đào với nhau, lại biết ‘ép’ đào thất thốn, vốn được những người chơi cảnh gọi là “đặc sản tiến Vua”, ra bông, nở đúng dịp Tết.
Muốn giữ đào chơi lâu, thì nên rửa sạch lọ cắm, dùng nước sạch để cắm hoa, lại để ở nơi khuất gió và giữ ấm thì hoa sẽ bền và tươi lâu.
Đối với đào trồng chậu thì nên tưới bằng nước sạch nhưng không cần ẩm ướt quá, vì đào ưa khô. Nếu tưới nhiều, gốc sẽ úng và rễ bị thối, cây nhanh hỏng.
Một nhành đào bông đơn, 5 cánh
Không rực rỡ như đào bích, sang trọng như đào thất thốn, hay thanh xuân như đào phai, những cánh đào trắng (bạch đào) mang vẻ đẹp mong manh như sương.
Giống như đào đỏ, mỗi đóa hoa đào trắng nở đến 25 cánh kép, nhưng đào trắng sẽ có đường kính nhỏ hơn vài mm. Đào trắng chỉ nở sau tháng Giêng âm lịch nên để đào nở đúng vào dịp Tết, người trồng phải áp dụng kỹ thuật ức chế sinh trưởng, tạo cây ra hoa trái vụ.
Không chỉ hoa đào, làng Nhật Tân còn trồng thêm nhiều loài hoa, trở thành vườn hoa xuân của Hà Nội mỗi dịp tết đến, xuân về.
Vẻ đẹp trong sáng của mùa xuân.
Tháng 12/2015, làng đào Nhật Tân được công nhận làng nghề truyền thống. Nhiều thế hệ vẫn nối tiếp nhau truyền nghề, tìm kỹ thuật mới để chăm đào.
Nhưng người trồng đào không giàu. Cả năm vất vả tìm tòi chăm bón, tới gần Tết vẫn phải cầu trời mong đừng mưa, đừng nắng để đào không thối gốc hay quá tàn. Nhiều năm qua đi, nhưng những chiếc ‘xe hoa’ ấy mỗi dịp cuối năm lại tất tả, vội vã rảo qua phố phường tìm người mua.
Chỉ cần thấy hoa đào, là thấy Tết đã đến nơi rồi.
Cuối năm cận kề, tiết xuân cũng thanh hơn, nhưng chỉ khi nào trong nhà có nhành đào thì mọi người mới hồ hởi: Tết về thật rồi. Tết về cho cháu con thêm tuổi mới, gia đình cùng đón một dịp đoàn viên.
Lê Trai
Ảnh: Phạm An
Xem thêm: