Thế giới gỡ bỏ hàng ngàn đập nước – Hồi sinh những dòng sông

Từng là biểu tượng uy dũng của các công trình sư trước thiên nhiên, các đập thuỷ điện trong nhiều thập kỷ qua được nhìn nhận, đánh giá một cách khắt khe và nghiên cứu toàn diện hơn về những tác hại to lớn mà chúng để lại cho môi trường tự nhiên, hệ sinh thái và cuộc sống của con người.

Gỡ bỏ đập Savage Rapids trên sông Rogue, bang Oregon, Mỹ năm 2009. (Ảnh: Oregon State University/Flick)

Phá huỷ hệ thống sinh thái của những dòng sông, làm sụt giảm nghiêm trọng sự phong phú của các loài thuỷ sinh (trong đó có những loài đã biến mất), ăn mòn các quyền lợi và kế sinh nhai của cộng đồng cư dân địa phương, phá huỷ sự phát triển ngành ngư nghiệp…, nhận thức của các quốc gia về lợi ích và tác hại của các đập nước nói chung và đập thuỷ điện nói riêng ngày càng rõ rệt. Sự phục hồi nhanh chóng của ngày càng nhiều những dòng sông trên thế giới trở thành động lực lớn để các nhà chức trách, các tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư tiếp tục mở rộng và thực hiện các chiến dịch gỡ bỏ các đập nước tại nhiều khu vực.

Một thông điệp đang được truyền đi ngày càng rộng trên thế giới: “Những con đập – không phải là mãi mãi. Hãy mang những dòng sông trở về!”

Nước Mỹ gỡ bỏ hơn 1.300 đập nước trong hơn 100 năm qua

Trong những thập niên gần đây, việc gỡ bỏ các đập nước được thúc đẩy và tăng tốc như một chiến lược “hạt giống” ở cả cấp độ quốc gia và quốc tế trong việc hồi sinh những dòng sông.

Phần lớn các chiến dịch gỡ bỏ đập nước trên sông, đặc biệt là các đập thuỷ điện được thực hiện ở Mỹ, nơi có hơn 75.000 đập nước có chiều cao hơn 2m, chặn khoảng 950.000 km dòng chảy.[1]

Người Mỹ đã xây rất nhiều đập nước từ đầu những năm giữa thế kỷ 20. Các nhà nghiên cứu và các nhà hoạt động môi trường dần có những nghiên cứu toàn diện và đánh giá chi tiết về tác động của những con đập này đến dòng chảy của sông, sự phá huỷ nghiêm trọng của nó đối với hệ sinh thái và đời sống, kinh tế của cộng đồng dân cư và sự phát triển lâu dài của đất nước.

Theo Hiệp hội Sông ngòi Mỹ (American Rivers), từ năm 1912 đến năm 2016, nước Mỹ đã phá bỏ 1.384 đập nước. Tính riêng trong năm 2016, có 72 đập bị gỡ bỏ, phục hồi gần 3.400 km dòng chảy, đem lại nhiều lợi ích về an toàn cho cộng đồng, các hoạt động kinh tế địa phương và di sản thiên nhiên quốc gia.[2] Các đập này bao gồm các đập cũ, đập không còn đáp ứng được nhu cầu sử dụng hay các đập làm hạn chế chức năng sinh thái của khu vực.

Trong đó, việc làm sụt giảm nghiêm trọng lượng cá hồi trên lưu vực các con sông; việc biến mất nhiều loài thuỷ sinh…, các con đập không chỉ khiến sự sống của chính dòng sông bị tắc nghẹn mà còn phá huỷ cuộc sống của con người và các hoạt động kinh tế là những nguyên nhân được các nhà khoa học đưa ra cảnh báo sâu sắc.

Do có sự khác nhau lớn về kích cỡ, cảnh quan, các đặc trưng về lòng dẫn và trầm tích trong các hồ chứa, mỗi dự án gỡ bỏ các đập này đều được đánh giá và nghiên cứu chi tiết nhằm xác định phương án tối ưu nhất. Các chủ đầu tư của các công trình này, dù là tư nhân hay Chính phủ, sẽ chịu trách nhiệm chi trả trong quá trình phá bỏ các đập. Chi phí này trong rất nhiều trường hợp là thấp hơn nhiều so với chi phí dự tính cho việc bảo dưỡng, sửa chữa đập dài hạn hay xử lý các vấn đề môi trường liên quan.

Bản đồ các đập nước đã được phá bỏ tại Mỹ. (Nguồn: American Rivers)

Theo một nghiên cứu của Đại học Porland (Mỹ)[3] tháng 5/2018, nếu xu hướng gỡ bỏ các đập nước tiếp tục được thực hiện thì tới năm 2050, nước Mỹ sẽ có khoảng từ 4.000 – 36.000 đập được gỡ bỏ, và chi phí ước tính để gỡ bỏ 36.000 đập này khoảng 25,1 tỷ USD.

Trong khi đó, theo tính toán của Hiệp hội Kỹ sư xây dựng Mỹ (American Society of Civil Engineering), chi phí ước tính cho việc sửa chữa và nâng cấp 2.170 đập có mức độ nguy hiểm cao vào khoảng hơn 45 tỷ USD; còn theo Hiệp hội Giới chức An toàn Đập nước Quốc gia Mỹ (Association of Sate Dam Safety Officials), chi phí để phục hồi tất cả các đập thuỷ điện của nước này nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn ước tính khoảng 64 tỷ USD.

Việc gỡ bỏ các đập nước cho phép nhà đầu tư tư nhân hay Chính phủ tiết kiệm một khoản tiền lớn so với chi phí duy trì và sửa chữa. Như chi phí gỡ bỏ 70 đập nhỏ ở Wisconsin tính trung bình thấp hơn từ 2 đến 5 lần so với chi phí sửa chữa dự tính. Trên dòng sông Baraboo, chi phí gỡ bỏ đập Oak Street cao 3m là 30.000 USD, so với chi phí sửa chữa dự tính là 300.000 USD. Tại bang Maine, chi phí cho việc gỡ bỏ đập thuỷ điện Edwards cao 8m chỉ khoảng bằng 1/9 của con số 9 triệu USD ước tính chi cho việc nâng cấp các bậc thang làm dòng chảy cho cá theo yêu cầu của điều kiện cấp giấy phép.

Đập Elwha cao 33m và đập Glines Canyon cao 64m – hai trong số những đập thuỷ điện cao nhất của nước Mỹ (được xây dựng vào đầu những năm 1900, trên sông Elwha phía Tây Bắc bang Washington) được lên kế hoạch phá bỏ với chi phí được chi trả bởi Chính phủ.

Năm 2014, việc phá huỷ hai đập thuỷ điện này được hoàn thành, giải thoát cho hơn 10 triệu m3 trầm tích được lưu trữ tại hồ chứa của hai đập. Theo thống kê của Công viên Quốc gia (Bộ Nội vụ Mỹ), tổng chi phí cho việc phục hồi sông Elwha là gần 324,7 triệu USD, bao gồm các khoản: Chính phủ mua lại hai đập và nhà máy thuỷ điện từ chủ sở hữu, gỡ bỏ hai đập, công trình xử lý nước của hai nhà máy, các phương tiện bảo vệ người sử dụng nước…[4]

Đập Glines Canyon trước và trong quá trình bị phá bỏ. (Ảnh: soundwaves.usgs.gov)
Đập Elwha trước và trong quá trình bị phá bỏ. (Ảnh: soundwaves.usgs.gov)

Một phát hiện quan trọng được chỉ ra sau khi các công trình đập thuỷ điện được gỡ bỏ là các dòng sông phục hồi mau chóng. Phần lớn các dòng sông trở lại trạng thái ổn định chỉ trong một vài tháng hay một vài năm, mà không cần tới hàng thập kỷ, đặc biệt là khi các con đập được phá huỷ hoàn toàn một cách nhanh chóng mà không phải phá gỡ theo từng giai đoạn.

Theo tổ chức Mạng lưới Sông ngòi Quốc tế (International Rivers Network), một năm sau khi gỡ bỏ đập thuỷ điện Edwards (năm 1999), loài cá di cư đã phục hồi phong phú như trước trên sông Kennebec của bang Maine. Hàng triệu con cá trích (một loài cá di cư phụ thuộc vào việc bơi ngược dòng lên thượng nguồn để đẻ trứng) đã trở lại và phát triển khắp dòng sông – nơi chúng đã không được nhìn thấy trong 160 năm trước đó.[5]

Nước Pháp đi đầu trong việc gỡ bỏ các đập nước tại châu Âu

Từ đầu thế kỷ 20, hàng trăm ngàn đập thuỷ lợi và đập thuỷ điện nhỏ được xây dựng tại châu Âu để phát triển thuỷ lợi và sản xuất năng lượng. Một lượng lớn các cối xay nước được đưa vào sử dụng nhằm cung cấp thêm nguồn năng lượng.

Theo tổ chức Mạng lưới Sông ngòi châu Âu (European Rivers Network), từ năm 1900 đến năm 1970, các đập lớn và rất lớn (có chiều cao từ 5 – 250m và cao hơn) được xây dựng tại các nước công nghiệp quan trọng nhất của châu Âu. Tính riêng các đập nước có chiều cao hơn 15m, đã có hơn 5.000 đập được xây dựng chỉ trong lục địa Âu châu (không tính nước Nga).[6]

Trong hàng thập kỷ, những đập này được sử dụng nhằm tạo ra năng lượng nhưng dần dần, các vấn đề khác phát sinh và được nghiên cứu như việc huỷ hoại nghiêm trọng các dòng sông và hệ thống sinh thái đã dẫn tới những tranh luận về việc gỡ bỏ hay sửa chữa các đập này vào đầu những năm 1980 tại một số quốc gia thuộc châu lục.

Theo xu thế gỡ bỏ các đập nước được thực hiện ở Mỹ trong thời gian này, tại châu Âu, đầu tiên là Pháp, sau đó là Tây Ban Nha, các quốc gia tại bán đảo Scandinavia và Đức cũng dần dần nghiên cứu và tiến hành gỡ bỏ các đập nước.

Theo tổ chức Gỡ bỏ đập nước châu Âu (Dam Removal Europe), là nhà sản xuất năng lượng thuỷ điện lớn nhất của châu lục, 500 đập lớn tại Pháp đã khoá dòng chảy của các loài cá và phù sa, đặc biệt từ dãy núi Alps và Pyrenees. Tính đến ngày 1/1/2017, trên các sông của nước Pháp có tổng số 90.000 công trình chắn nước (trong đó khoảng 70.000 công trình là đập thuỷ điện và đập thuỷ lợi).

Tương tự như Mỹ, một trong những lý do khẩn chính yếu dẫn tới việc gỡ bỏ các đập nước tại Pháp là việc sụt giảm đột ngột số lượng các loài cá di cư, đặc biệt là các đàn cá hồi Đại Tây Dương.

Khi một số đập lớn mới được đề xuất xây dựng dọc sông Loire (con sông dài nhất nước Pháp) và các chi lưu của nó vào năm 1985, trên khắp nước Pháp đã xảy ra làn sóng phản đối kịch liệt. Việc xây dựng các đập lớn đồng nghĩa với việc chấm dứt sự sinh tồn của dòng Loire và loài cá hồi Đại Tây Dương.

Chiến dịch “Loire Vivante”, được giúp sức bởi tất cả các tổ chức môi trường quan trọng ở nước Pháp và Quỹ Động vật hoang dã Thế giới (World Wildlife Fund) đã lan rộng và làm thất bại dự án đề xuất này. Làn sóng phản đối và những hoạt động của cộng đồng cùng các tổ chức sau đó đã dẫn tới việc Chính phủ Pháp chấp nhận “Plan Loire Grandeur Nature” vào năm 1994. Kế hoạch này được coi là nền móng quan trọng cho việc thiết lập các quy định về quản lý nguồn nước nói chung và việc gỡ bỏ các đập nước nói riêng tại Pháp.

Từ năm 1996 đến năm 1998, nước Pháp tiến hành gỡ bỏ 3 đập lớn là: Kernansquillec (cao 15m, trên sông Léguer), đập Maison-Rouges (cao 4 m, dài 300m, trên nhánh sông Vienne) và đập Saint-Etienne-du-Vigan (cao 12m, trên nhánh Allier của sông Loire).

Đập Saint-Etienne-du-Vigan trước khi bị gỡ bỏ. (Ảnh: ern.org)
Đập Saint-Etienne-du-Vigan bị phá bỏ năm 1998. (Ảnh: ern.org)
Sông Allier hồi sinh. (Ảnh: ern.org)

Nước Pháp tiếp tục gỡ bỏ các đập nước trong các năm tiếp theo: Năm 2003: gỡ bỏ đập Brives Charensac (không hoạt động) cao 5m ở thượng nguồn sông Loire; gỡ bỏ đập tại Blois trên dòng Loire (được sử dụng cho các môn thể thao dưới nước) cao 2,5 m, dài 150m; Năm 2006: gỡ bỏ 20 công trình chắn nước nhỏ trên sông Couasnon; Năm 2007: gỡ bỏ đập thuỷ điện Fatou (không hoạt động, cao 7m) ở thượng nguồn sông Loire.

Sau Pháp, nhiều quốc gia châu Âu khác cũng tiến hành gỡ bở nhiều con đập. Theo tổ chức Gỡ bỏ đập nước châu Âu, đến nay đã có 3.450 đập tại các quốc gia ở châu lục này bị gỡ bỏ (gồm dữ liệu từ Thuỵ Điển, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Anh, Thuỵ Sĩ và Pháp).

Tháng 4/2018, Tây Ban Nha phá bỏ đập Yecla Yeltes được xây dựng năm 1958 trên sông Huebra (tỉnh Salamanca); từ năm 2013 – 2016, gỡ bỏ đập Inturia (xây dựng năm 1913 trên sông Leitzaran; năm 2014, bỏ đập Robledo de Chavela (ngừng hoạt động từ năm 1990); năm 2013: bỏ đập Retuerta (được xây dựng trong những năm 1970) sau sự việc hệ thống nước xả của đập khiến cá ở khu vực hồ chứa và hạ lưu chết hàng loạt năm 2012.

Bản đồ các đập nước đã được gỡ bỏ ở châu Âu. (Nguồn: Dam Removal Europe. Bản đồ được cập nhật từ Dữ liệu Quốc gia Thuỵ Điển, Bộ Môi trường Tây Ban Nha (MAPAMA), Viện môi trường Phần Lan (SYKE), Uỷ Ban môi trường và Các nguồn nước xứ Wales.)

Phát triển ồ ạt thuỷ điện và tương lai đầy hiểm hoạ được cảnh báo

Một trong những hệ thống sông khiến các nhà nghiên cứu, các nhà hoạt động môi trường đang lo ngại nhất về việc phát triển thuỷ điện là sông Mekong dài 4.800 km (dài thứ 12 trên thế giới) với diện tích lưu vực gần 800.000 km2, là nơi cư trú của 65 triệu người.

Bắt nguồn từ dãy Himalaya trên cao nguyên Tây Tạng của Trung Quốc, con sông chảy qua 5 nước (Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam) và đổ ra biển Đông. Từ nhiều năm qua, hệ thống thuỷ điện của các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia; kế hoạch chuyển nước ra ngoài lưu vực của Thái Lan nhằm mở rộng diện tích canh tác nông nghiệp và xây dựng các hồ chứa khiến lưu vực của con sông có mức độ đa dạng lớn thứ hai trên thế giới này đang phải đối diện với nhiều hệ luỵ và nguy cơ nghiêm trọng.

Theo dữ liệu từ CGIRA – Nhóm Tư vấn Nông nghiệp Quốc tế, tính đến tháng 6/2018, có tổng cộng 750 con đập đã được hoàn thành, đang xây dựng và đã được lên kế hoạch xây dựng trên dòng Mekong, bao gồm các đập thuỷ điện, đập thuỷ lợi và các công trình chắn nước khác.[7]

Bản đồ các đập nước trên dòng sông Mekong. (Nguồn: CGIAR, tháng 6/2018)

Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi Giám đốc Tư vấn khoa học Christiane Zarfl và các đồng nghiệp tại Viện sinh thái nước ngọt và nghề cá nội địa Leibniz (Đức) năm 2014, việc bùng nổ 3.700 đập thuỷ điện mới đang được xây dựng và đã được lên kế hoạch xây dựng chủ yếu tập trung ở các nước đang phát triển (khu vực Nam Mỹ, Đông Nam Á và châu Phi) sẽ không chỉ không đáp ứng được nhu cầu về điện năng của các quốc gia này mà còn gây ra nhiều hệ luỵ như tình trạng mất đi dòng chảy tự nhiên của 25 trong tổng số 120 hệ thống sông lớn trên thế giới. Một nghiên cứu khác của Giáo sư Jose Constantine tại Đại học Cardiff (Anh) chỉ ra rằng những đập thuỷ điện này còn gây nên lũ lụt, các thảm hoạ tự nhiên và thậm chí là gây ra xung đột về tài nguyên nước.

Theo Hiệp hội Sông ngòi Mỹ, mặc dù thuỷ điện vẫn đang được nhắc tới như một nguồn năng lượng tái tạo và tiếp tục tăng trong tương lai, nhưng việc xây dựng các đập cùng hồ chứa nước được dự đoán sẽ tạo ra lượng khí methane có thể còn gây tác hại nhiều hơn so với nguồn năng lượng được tạo ra. Lượng khí methane này ước tính sẽ đóng góp hơn 20%[8] trong tổng lượng khí thải nhân tạo. Theo đó, thay vì cùng tham gia giải quyết cuộc khủng hoảng về khí hậu, những con đập thuỷ điện dường như còn đóng góp thêm vào quá trình biến đổi khí hậu khắc nghiệt hiện nay.

Cũng theo Hiệp hội Sông ngòi Mỹ, với hàng ngàn con đập trên sông đã được gỡ bỏ tại Mỹ, châu Âu và những bài học về hệ luỵ phát triển ồ ạt thuỷ điện của Mỹ trong lịch sử, các quốc gia đang phát triển – nơi đang lên kế hoạch tiếp tục xây thêm nhiều đập thuỷ điện mới – nên lùi lại một bước và suy xét đến những tác hại của các công trình này đối với môi trường, con người và kinh tế. Theo đó, các quốc gia đang phát triển nên tìm kiếm và chuyển hướng đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo thực sự như: năng lượng gió, năng lượng mặt trời.

Thuỷ Minh

Tài liệu tham khảo:

[1]Marie Oliver, Gordon Grant. Liberated rivers: Lessons from 40 years of dam removal. US Forest Service, United States Department of Agriculture. 2017.

[2]72 Dams Removed in 2016, improving safety for river communities. American Rivers. 2017.

[3]Portland State University, Study finds big savings in removing dams over repairs, 2018, https://phys.org/news/2018-05-big.html

[4]Elwha River Restoration Frequently Asked Questions, National Park Service, 2015.

[5]Dan Beard, Commissioner of the US Bureau of Reclamation (1993 – 1995). Reviving the World’s Rivers: The global view of dam removal. International Rivers Network. 2001.

[6]Dam removal in Europe is no longer taboo, Extract from an article of Roberto Epple for the Swiss magazine Aquaviva, European Rivers Network, 2016.

[7]Dam maps, CGIAR, https://wle-mekong.cgiar.org/maps/

[8] Dam are problem creators, not problem solvers, American Rivers, https://www.americanrivers.org/threats-solutions/energy-development/dams-problem-creators-not-problem-solvers/

Xem thêm:

Thuỷ Minh

Published by
Thuỷ Minh

Recent Posts

Nga bắn tên lửa tầm trung, không phải ICBM — Tổng thống Putin

Trong một bài phát biểu quan trọng được phát sóng truyền hình hôm Thứ Năm,…

29 phút ago

Một ứng viên xin rút công nhận chức danh phó giáo sư năm 2024

HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…

6 giờ ago

Ông Vương Đình Huệ bị kỷ luật cảnh cáo

Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…

7 giờ ago

Ông Musk và ông Ramaswamy viết bài xã luận trên WSJ vạch ra tầm nhìn về DOGE

Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…

7 giờ ago

Kiev: Nga dùng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tấn công Ukraine

Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…

8 giờ ago

Việt Nam và Malaysia nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện

Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…

10 giờ ago