Trong phần lớn cuộc đời mình, ông Rajeevan đã chứng kiến con sông tuổi thơ từ từ hấp hối.

Trong 2 thập niên, con sông Kuttemperoor ở huyện Alappuzha, bang Kerala, Ấn Độ đã dần dần bị bức tử dưới làn sóng khai thác cát tràn lan và hàng đống xà bần của nhiều công trình xây dựng trong vùng. Bờ sông cổ xưa thu hẹp dần, cá và các loài thủy sinh biến mất, dòng sông rì rào thời thơ ấu của ông Rajeevan đã thu hẹp thành những ao tù dơ bẩn chứa đầy mầm mống bệnh tật.

kuttemperoor ban dau
Dòng sông Kuttemperoor trong trạng thái đầy cỏ dại và không có dòng chảy (ảnh: indianexpress)

Nhưng gần đây tình thế đã thay đổi. Một nhóm 700 dân làng, đa số là phụ nữ, đã dành nhiều tuần lội qua dòng nước chết, qua từng đám tảo và nhiều loại rủi ro khác để khơi thông và làm sạch con sông.

Sau 70 ngày lao động cật lực, kết quả bắt đầu hiện rõ. Dòng sông 12km bắt đầu đầy nước tràn bờ, mùi hôi thối đã biến mất và trẻ con lại được chơi đùa trên bờ sông xanh một lần nữa.

“Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng con sông Kuttemperoor sẽ lại hồi sinh,” ông Rajeevan, một tài xế 55 tuổi cho biết.

Nhưng điều đó không hề dễ dàng. Những nữ nhân công của làng Budhanoor nhớ lại nhiều người trong số họ đã ngã bệnh, nhưng hạn hán năm này qua năm khác và việc thiếu nước kinh niên đã cho họ quyết tâm. “Tôi bị sốt xuất huyết phải nằm liệt giường 2 tuần, nhưng vẫn quay lại công việc đào bới này ngay khi đứng lên được,” một nữ nhân công cho biết.

dong song Kuttemperoor 3
Một nhóm dân làng đang dùng thuyền để nạo vét lòng sông

Kuttemperoor là một nhánh sông nhỏ nối giữa 2 con sông lớn, nhưng nó đóng vai trò sống còn đối với người dân ở khu vực này khi các nguồn nước ngày càng bị ô nhiễm.

“Khi nạn khan hiếm nước trở nên không thể chịu đựng được nữa, chúng tôi quyết định phải hồi sinh con sông. Ban đầu có nhiều người nói rằng việc đó chỉ tốn kém sức lực và tiền bạc. Nhưng chúng tôi đã chứng minh họ sai,” ông Vishwambhara Panicker, trưởng làng Budhanoor, cho biết. Ông được xem là người khởi xướng và thúc đẩy công việc này.

Người dân địa phương nhớ lại cảnh đô thị hóa chóng mặt những năm 1990 và 2000 đã thu hẹp dòng chảy rộng gần 40m thành chỉ còn kênh nước đen 6m ra sao. Nạn khai thác cát trái phép cũng làm xói mòn và ô nhiễm thêm lòng sông. Chán nản với phản ứng chậm chạp của chính phủ và cơn hạn hán thiêu đốt, các dân làng đã tập hợp vào tháng 11 năm ngoái và bắt đầu làm việc theo thang lương quốc gia cho lao động tại nông thôn.

Họ bắt đầu bằng việc loại bỏ cỏ dại và rác thải nhựa, túi ni lông bám cứng dưới lòng sông. Bước tiếp theo là nạo vét các thứ gây ô nhiễm và rác thải đổ xuống trong nhiều năm.

“Một khi đã lấy đi các chất thải, dòng sông bắt đầu tự phục hồi và vào ngày thứ 45, dòng chảy đã trở lại. Đối với các chị em phụ nữ, đây không chỉ là công việc vì tiền mà còn mang ý nghĩa khôi phục nguồn sống cho vùng đất này,” một tình nguyện viên trong Dự án quốc gia lao động tại nông thôn cho biết. Dòng chảy đã được phục hồi hoàn toàn vào ngày thứ 70.

>> New Zealand và Ấn Độ: 3 dòng sông đã được công nhận những quyền như con người

kuttemperoor hoi sinh
Con sông được hồi sinh (ảnh: indianexpress)

Nhưng đối với những người dân làng đầy quyết tâm, nhiệm vụ của họ vẫn còn một chặng đường dài. Họ phải di dời một số lượng lớn người lấn chiếm lòng sông và đảm bảo rằng dòng nước được hồi sinh sẽ không bị ô nhiễm trở lại.

Tin vui là các giếng nước ở gần dòng sông đã đầy ắp trở lại. Dân làng sẽ phải nghĩ ra cách để đối phó với những kẻ khai thác cát và lấn chiếm lòng sông, nhưng ít ra thì giờ đây nỗ lực to lớn của họ đã làm ngôi làng xuất hiện trên nhiều dòng tít lớn của các trang báo.

“Nơi nào có ý chí nơi đó có con đường, câu chuyện đã cho thấy điều đó. Bỏ qua rào cản chính trị, các quan chức, đại biểu và người dân đã cùng chung tay để hiện thực hóa giấc mơ này. Họ xứng đáng được tán dương,” ông G Sudhakaran, Bộ trưởng Bộ lao động công ích của Ấn Độ cho biết. Ông đã đến tận nơi và đi thuyền du ngoạn trên chính con sông được hồi sinh này.

Theo hindustantimes.com,
Sơn Vũ tổng hợp

Xem thêm: