Từ xưa, vai trò và vị thế của người thầy trong giáo dục, văn hóa của người Việt được đặt trong trình tự: “Quân – Sư – Phụ” – người thầy được xếp trên cha, chỉ dưới hàng vua chúa. Những câu ca dao mộc mạc tôn vinh vai trò của người thầy vẫn được người Việt truyền tụng: “Muốn sang thì bắc cầu Kiều/ Muốn con hay chữ phải yêu mến thầy”, “Trọng thầy thì được làm thầy”, “Không thầy đố mày làm nên”…
Học trò, cha mẹ, xã hội tìm đến thầy không chỉ là tìm đến với tri thức mà còn là tìm đến sự mẫu mực về nhân cách. Người thầy giữ vai trò trung tâm, là yếu tố quyết định thành bại của giáo dục. Tuy nhiên, những thay đổi trong cải cách giáo dục nhiều năm qua khiến vị thế của người thầy bị đảo lộn.
Câu chuyện cô giáo mầm non Hà Tĩnh ngã khuỵu khi nhận quyết định mức lương hưu 1,3 triệu đồng sau 37 năm cống hiến khiến nhiều nhà giáo không khỏi chạnh lòng và bi quan về nghề cao quý mà mình đã chọn.
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, tính đến ngày 31/12/2016, mức lương của giáo viên mầm non và phổ thông công lập dao động từ 3 – 10 triệu đồng. Trong đó, giáo viên mầm non và tiểu học có mức lương khởi điểm là 3.264.300 đồng, của giáo viên THCS là 3.549.000 đồng, của giáo viên THPT là 3.954.600 đồng.
Lương thấp là lý do cơ bản nhất khiến ngày càng nhiều thầy cô giáo bỏ việc. Năm 2017, ngành GD&ĐT Lào Cai có 26 giáo viên (trong số 2.000 thầy cô) viết đơn xin ra khỏi biên chế vì thu nhập thấp; tại Hải Dương, trong 4.056 giáo viên hợp đồng ở tất cả các cấp học, có 1.191 giáo viên ba tháng không nhận được lương, 61 giáo viên xin nghỉ việc.
Lương giáo viên thấp là vấn đề “nóng” của ngành giáo dục được bàn luận tới trong nhiều năm qua. Trăn trở với cải cách giáo dục của Việt Nam, Giáo sư Hoàng Tụy – vị Giáo sư được trao tặng Giải thưởng Phan Châu Trinh 2010 cho “những đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực giáo dục, góp phần phát triển nền giáo dục nước nhà” – đã chỉ ra trong Bản điều trần về cải cách, hiện đại hóa giáo dục năm 2009 kiến nghị đến Trung ương:
“Sự khủng hoảng giáo dục trước hết là khủng hoảng về chất, điều đó cũng có nghĩa là giáo dục không chỉ tụt hậu mà đã đi lạc hướng, trở thành lạc lõng trong trào lưu chung của thế giới hiện đại. […] Sai lầm đầu tiên tai hại nhất, dẫn đến suy thoái trầm trọng đạo đức trong nhà trường, là chính sách đối với người thầy dựa trên quan niệm lệch lạc về sứ mạng và vai trò người thầy trong nền giáo dục hiện đại. Từ chỗ phê phán đúng đắn tư duy lạc hậu trong nhà trường cũ gán cho thầy quyền uy tuyệt đối, biến giáo dục thành quá trình truyền đạt và tiếp thu hoàn toàn thụ động, đã dần dần xuất hiện tư duy cực đoan ngược lại, phủ nhận vai trò then chốt của người thầy đối với chất lượng giáo dục. […]
Trong mọi khâu từ tuyển chọn đến sử dụng và bồi dưỡng người thầy, khâu nào cũng phạm sai lầm lớn. Đặc biệt tệ hại là chính sách lương: trả lương cho thầy, cô giáo dưới mức sống hợp lý, lấy cớ ngân sách eo hẹp […], buộc thầy, cô phải xoay xở kiếm thêm thu nhập bằng mọi cách […]. Có thể nói không quá đáng tất cả những căn bệnh trầm trọng về đạo đức nghề nghiệp: gian dối, tiêu cực, lãng phí, quan liêu… đã tàn phá giáo dục trong nhiều năm đều có nguồn gốc sâu xa liên quan tới cái lỗi hệ thống cơ bản này.”
Mức lương quá thấp cũng là nguyên nhân khiến ngành sư phạm không đủ hấp dẫn những người trẻ tài năng. Trong khi đó, thực trạng 9 điểm/3 môn đỗ ngành sư phạm trong mùa tuyển sinh 2017 là “tiếng chuông báo động” về vị thế của ngành sư phạm và chất lượng đội ngũ giáo viên tương lai.
Không theo sát nhu cầu nhân lực, việc đào tạo tràn lan sinh viên sư phạm ở các tỉnh, thành phố khiến “cung” vượt xa “cầu”, dự báo cả nước sẽ dư thừa khoảng 70.000 cử nhân Sư phạm vào năm 2020. Điều này không chỉ gây lãng phí hàng ngàn tỷ đồng cho công tác đào tạo mà còn là áp lực lớn về giải quyết việc làm, chưa kể đến chi phí và thời gian đào tạo tiếp nếu chuyển đổi sang ngành nghề khác. Cùng với đó, nền giáo dục lại thiếu sự khai phóng khi những người thầy bị “buộc chặt” vào sách giáo khoa độc quyền – chương trình vốn đã có nhiều nội dung quá lạc hậu và xa rời thực tế…
Những sai lầm trong chính sách đối với người thầy khiến giáo dục Việt Nam lạc lõng với thế giới như thế nào?
Thực hiện cải cách từ những năm 1970, Phần Lan, một trong những nền giáo dục hàng đầu thế giới chia sẻ câu chuyện về nền giáo dục “đáng kinh ngạc” – bí quyết giúp quốc gia vốn dựa vào nông nghiệp và ngư nghiệp trở thành nước công nghiệp hóa. “Trái tim” của nền giáo dục Phần Lan là những người thầy xuất sắc và hệ thống đào tạo sư phạm đẳng cấp thế giới.
Là nghề cao quý và được trọng vọng nhất trong xã hội (hơn cả bác sĩ, kiến trúc sư và luật sư – vốn thường được cho là những ngành nghề đáng mơ ước), tất cả giáo viên từ cấp tiểu học trở lên của Phần Lan đều có bằng Thạc sĩ nghiên cứu với mức lương cao hơn mức lương chung của các ngành khác khoảng 10% (theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), lương giáo viên Phần Lan năm 2014 khoảng 42.000 USD/năm).
Là một trong những ngành học có mức độ cạnh tranh cao nhất, thí sinh dự thi ngành sư phạm tiểu học Phần Lan không chỉ thi đỗ kỳ thi tuyển sinh đại học mà còn phải có điểm số cao, tính cách tích cực, kỹ năng giao tiếp xuất sắc và cam kết làm việc lâu dài. Mỗi mùa tuyển sinh, chỉ có một trong số 10 thí sinh được chấp nhận vào chương trình đào tạo giáo viên tiểu học trình độ Thạc sĩ kéo dài 5 năm.
Các cuộc thanh tra trường học bị hủy bỏ từ những năm 1990, không xếp hạng trường học, giáo viên và học sinh theo kết quả thi cử kiểu đỗ – trượt, việc xếp loại giáo viên Phần Lan được thay bằng những cuộc thảo luận hàng năm với lãnh đạo nhà trường về thế mạnh và điểm yếu của từng giáo viên; học sinh phổ thông không có thi cử, chỉ có một kỳ thi duy nhất là thi vào đại học. Cùng dựa trên Chương trình khung Quốc gia, nhà trường và các giáo viên ở mọi cấp học được trao quyền tự chủ trong việc sáng tạo và lựa chọn chương trình, phương pháp giảng dạy nhằm phù hợp với năng lực, tính cách và nhu cầu khác nhau của học sinh. Bởi vậy, giáo viên luôn có cơ hội và động lực mạnh mẽ nhất để nâng cao kiến thức chuyên môn và phương pháp giảng dạy.
Tại Nhật Bản – đất nước có tỷ lệ người không biết đọc biết viết gần như bằng 0%, nghề giáo rất được coi trọng. Việc tuyển chọn giáo viên tại Nhật Bản rất nghiêm ngặt khi hàng năm chỉ có khoảng 14% đơn ứng tuyển của các thí sinh được tiếp nhận vào các trường sư phạm. Theo OECD, mức lương trung bình của một giáo viên THCS 15 năm giảng dạy tại Nhật Bản là 49.408 USD/năm – cao hơn mức trung bình của OECD là 41.701 USD. Với truyền thống tôn sư trọng đạo, việc gia nhập hàng ngũ nhà giáo còn được người Nhật xem là cách để gia tăng vị thế xã hội cho bản thân và gia đình. Theo học giả Catherine Lewis (Đại học Mills, Oakland, California) – người có nhiều năm nghiên cứu về giáo dục Nhật Bản: “Cả hệ thống giáo dục của Nhật Bản được lập ra để nhấn mạnh vai trò của những người thầy”. Họ được kỳ vọng sẽ cống hiến cả cuộc đời mình để thực hiện sứ mệnh dạy dỗ những đứa trẻ trở thành những công dân gương mẫu.
Tại Singapore, dạy học là nghề được kính trọng, đội ngũ giáo viên được đào tạo tại một đơn vị duy nhất là Học viện Giáo dục Quốc gia. Mỗi năm, số lượng chỉ tiêu sinh viên sư phạm được tính toán sát với nhu cầu giáo viên thực tế và chỉ có 5% số sinh viên giỏi nhất được tuyển chọn.
Hạ thấp vai trò của người thầy, cải cách giáo dục Việt Nam đi ngược lại với xu hướng phát triển chung của thế giới. Nhìn lại lịch sử dân tộc, vị thế của người thầy luôn được xã hội tôn quý bởi thầy không chỉ là người truyền thụ tri thức cho trò mà còn là biểu tượng của đạo đức.
Ngạn ngữ Nhật có câu: “Ngàn ngày học chăm không bằng một ngày với thầy giỏi”. Không có thầy giỏi thì không có trò giỏi. Là những người luôn trau dồi tri thức và giữ gìn phẩm cách trong suốt cuộc đời, xã hội gửi gắm ở những người thầy niềm tin về tài năng, đức độ và là hình mẫu để người người vươn tới.
Đưa học trò đến với “biển” tri thức, lựa chọn làm thầy là lựa chọn con đường sự học không ngừng nghỉ, không ngừng tìm tòi và mở mang kiến thức. Học trò tìm đến thầy là tìm đến “kho tàng” về cuộc sống, văn hóa, lịch sử… Tuy nhiên, nhân cách của thầy mới là nguồn sức mạnh có ảnh hưởng lớn nhất đến trò mà sách vở hay những lời răn dạy và bất kỳ hình thức thưởng phạt nào cũng không thể thay thế. Dùng nhân cách để giáo dục nhân cách, dùng “đức” để giáo hóa trò, người thầy xưa được từ bậc Quân vương đến người dân đều trọng vọng, kính ngưỡng.
Dân gian còn truyền tụng câu chuyện vua Lê Hiến Tông (1497-1504) về thăm thầy cũ là Thượng thư Nguyễn Bảo. Chuyện kể rằng khi còn là Thái tử, vua Lê Hiến Tông được sự dạy dỗ của quan Quốc tử giám Tư nghiệp Nguyễn Bảo (hiệu là Châu Khê), người làng Trì Lai (Thái Bình).
Thượng thư Nguyễn Bảo là vị quan thanh liêm, là người thầy mẫu mực, được dân chúng và bạn đồng liêu kính trọng. Vua Lê Hiến Tông lên ngôi chưa được bao lâu thì quan Thượng thư Nguyễn Bảo xin về quê. Nhớ thầy, có lần vua cùng vài vị cận thần về làng Trì Lai thăm thầy. Đón vua tới nhà, thầy Châu Khê phủ phục lạy nhưng vua nhanh chóng đỡ thầy đứng lên và xin thầy xem mình như người học trò cũ. Gặp lại thầy, vua Hiến Tông xin cùng gia đình thầy ăn bữa cơm quê. Rất ngon miệng với bữa cơm giản dị có bát canh cua đồng, nhà vua thân mật nói: “Con vô cùng hạnh phúc vì được gặp thầy, được thầy cho ăn bát canh cua đồng đậm đà hương vị đồng quê, dẫu sơn hào hải vị chốn cung đình cũng không thể sánh tày”.
Quá khứ là như vậy, còn hiện tại, giữa những rối ren của ngành giáo dục, khi mức lương cho giáo viên quá thấp, khi đội ngũ giảng dạy không được tinh chọn… vượt qua những bon chen danh, lợi, vẫn có những người thầy lặng lẽ vun bồi trí tuệ và tâm hồn cho những đứa trẻ. Ở nơi miền sơn cước thiếu những cây cầu, cả thầy và trò vẫn đu dây qua sông để tới trường với con chữ. Không đường, không điện, không có sóng điện thoại… nơi núi cao lạnh giá chỉ có thầy cô với mấy đứa trẻ ê a học bên đống củi nhỏ được đốt để sưởi ấm lớp học tuềnh toàng, bốn bên gió lùa qua vách. Càng yêu người bao nhiêu càng yêu nghề bấy nhiêu. Tình yêu với học trò là động lực giúp những người thầy can đảm đi tiếp con đường gian nan, thầm lặng mà mình đã chọn.
Hải Linh
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…
Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…
Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…
Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…