Giấc mơ cho con đi du học

Bước sang năm mới, mỗi người làm cha làm mẹ đều có những ước mơ khác nhau cho các con của mình… Một trong những ước mơ đó có thể là cho con đi du học. Từ trải nghiệm của gia đình chúng tôi, hiện có 3 con đang theo học tại Singapore và Mỹ, chúng tôi hiểu rằng ‘cho con đi du học’ là cả một cuộc hành trình, trong đó đòi hỏi cả cha mẹ và con trẻ đều cần cùng nỗ lực, cùng trả giá…

Làm cha, làm mẹ, ai cũng muốn làm những điều tốt nhất cho các con của mình. Không ít cha mẹ coi sự trưởng thành và thành đạt của con cái làm mục đích và động lực sống cho mình. Bản thân vợ chồng chúng tôi cũng vậy, việc giúp các con mình có môi trường học tập tốt hơn, đã là một ‘giấc mơ’ mà chúng tôi theo đuổi nhiều năm, với không ít những cái giá đã phải trả, những khó khăn và thách thức đã phải vượt qua…

Vào đầu thập niên 90, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, nhờ chút vốn tiếng Anh, tôi đã từng có được việc làm ở văn phòng đại diện cho một công ty của Nhật Bản và sau đó là một hãng máy tính hàng đầu của Mỹ. Còn nhớ, trong những ngày làm việc đầu tiên, tôi đã hết sức lúng túng khi cần viết một lá thư hẹn gặp khách hàng, khi cần làm việc theo nhóm, và càng lúng túng hơn khi cần xử lý tình huống trong công việc. Trong một lần phỏng vấn, tôi bất ngờ khi được hỏi “Bạn muốn trở thành con người như thế nào trong 5 năm tới?” – Thú thực, tôi chưa từng nghĩ tới điều này, và hầu hết các sinh viên ra trường ở Việt Nam cũng vậy. Những thiếu hụt đó chính là ‘sự khác biệt’ của hệ thống giáo dục Việt Nam so với các nước phát triển..! Qua những gì được học hỏi, trải nghiệm, đặc biệt trong môi trường doanh nghiệp của Nhật và Mỹ, đã thôi thúc trong tôi một mong muốn, rằng các con mình cần được du học. Giấc mơ “Cho con đi du học” của tôi hình thành từ đó. Nó đã trở thành động lực và lý do cho những lựa chọn của chúng tôi trong nhiều năm sau đó. Đó là cuộc hành trình của cả gia đình..!

Gia đình anh Lê Thanh Hải năm 1998

Hành trình thực hiện giấc mơ

Vì nhiều lý do, hệ thống giáo dục Việt Nam vẫn còn có rất nhiều hạn chế và bất cập. Mọi nỗ lực cải tiến ngành giáo dục, dường như càng làm nó thụt lùi hơn so với thế giới. (Theo bảng xếp hạng chất lượng đại học Châu Á năm 2018 do tạp chí Times Higher Education vừa công bố, Việt Nam không có một đại diện nào.) Tuy nhiên, một thực tế mà chúng ta đều biết là năng lực học của học sinh Việt Nam lại không hề thua kém học sinh các nước khác. Trong danh sách đạt giải ở các kỳ thi toán, lý, hóa quốc tế hàng năm, luôn có tên học sinh Việt Nam. Bởi vậy, rào cản đối với học sinh Việt Nam khi đi du học không phải là năng lực học, mà là trình độ ngoại ngữ. Trừ số ít các em đạt học bổng, thách thức tiếp theo chính là tài chính (khả năng chi trả học phí) của gia đình.

Qua một đồng nghiệp Singapore đã từng du học tại Mỹ, tôi được biết, với một trường đại học không quá danh tiếng, học phí cho 4 năm học tại Mỹ (chưa tính ăn, ở) là trên dưới 250.000 USD. Với mức lương của tôi lúc đó là 2.000 USD/tháng, tôi giật mình khi nghe thấy con số này. Dù tôi làm việc thêm 15 – 20 năm nữa với công việc đang có, cũng khó lòng tích đủ số tiền cần thiết để cho một đứa con đi du học. Chưa nói là, sau đó chúng tôi còn có thêm 2 cháu nữa.

Biến khó khăn thành động lực, tôi đã quyết định nghỉ việc ở hãng máy tính, bước ra ngoài tự kinh doanh, để có thể tạo dựng tài chính cần có. Tôi đã lần lượt phải trải qua rất nhiều áp lực và thăng trầm khác nhau trong công việc kinh doanh của mình, có những lúc dường như muốn bỏ cuộc. Nếu không phải vì ước mơ cho con, hẳn tôi đã không đủ động lực để vượt qua..

Sự thay đổi thường kèm theo khó khăn, nhưng lại có thể mở ra những lựa chọn mới. Nhờ những mối quan hệ trong công việc mới, tôi đã gặp được cơ hội cho gia đình sang cư trú dài hạn tại Singapore. Quãng thời gian đó, gia đình chúng tôi phải “một chốn đôi nơi”. Trong nhiều năm liền, ngày sinh nhật của các con hầu như tôi đều vắng mặt. Bù lại, các cháu đã được hưởng một môi trường giáo dục tốt hơn, có sự chuẩn bị tốt hơn để du học tại Mỹ hoặc quốc gia khác…

Lựa chọn phút cuối – Giấc mơ cho ai?

Thời gian thấm thoắt trôi đi, con gái đầu của chúng tôi đã hoàn thành chương trình phổ thông và 2 năm dự bị đại học (Junior College) tại Singapore một cách xuất sắc. Với kết quả thi ‘A-level’, cháu nhận được đề xuất nhận học từ trường Đại học Quốc gia Singapore (NUS), là trường đang được xếp hạng 12 trên thế giới, và trường Đại học Quản trị Singapore (SMU). Cả hai trường đều cho phép học sinh ở mức điểm đó được học hai chuyên ngành (double degree), và SMU còn đề xuất thêm học bổng toàn phần cho cả 4 năm học.

Đồng thời, với kết quả thi SAT (Scholastic Aptitude Test), cháu cũng được một số trường đại học tại Mỹ nhận học. Vấn đề phát sinh lúc này là, nên lựa chọn thế nào (?!) — Nếu sang Mỹ học, thì mức học phí trường mà cháu muốn học là 67.000 USD/năm ($268.000 cho 4 năm). Còn nếu, tiếp tục học đại học tại Singapore thì gia đình sẽ bớt được học phí và cháu có thể hoàn thành hai chương trình học sau 4 năm. Quả là không dễ để chọn..!?

Lúc đó, tôi đã dừng lại và tự hỏi, rốt cuộc đây là giấc mơ cho bố mẹ hay cho con..?! Nếu là giấc mơ cho con, thì cần phải để cho con chọn, con quyết định. Con là người đi du học, không phải bố mẹ!

Trong thực tế, không ít cha mẹ vô tình áp đặt điều mình muốn thành điều con muốn, giấc mơ của mình thành giấc mơ của con. Có phụ huynh còn chia sẻ, lý do cho con đi du học là vì để con ở Việt Nam thì sẽ hư mất, không quản được! Khá nhiều cháu đi du học theo mong muốn hay sức ép của gia đình, sau đó đã bỏ dở giữa chừng, thậm chí sa ngã vào những việc tiêu cực. Đó là điều đáng tiếc và nên tránh!

Bắt đầu với câu hỏi ‘Tại sao?’

Biết được con mình cũng đang lúng túng trước hai sự lựa chọn này. Tôi đã gợi ý, con hãy bắt đầu với câu hỏi ‘Tại sao?’; ‘Để làm gì?‘ — Điều gì con muốn đạt được, con người mà con muốn trở thành sau khi ra trường? — Nếu mục đích của 4 năm học chỉ thuần tuý là có tấm bằng đại học, thì chọn học tại Singapore là một thuận lợi lớn về tài chính và có thể đạt được hai bằng. Nhưng nếu mục đích là sự phát triển toàn diện về con người, thì con cần một môi trường mới, khác biệt với nơi mình sinh ra và lớn lên để học hỏi thêm nền văn hóa, lối sống và cách tư duy khác. Trong trường hợp đó, thì sang Mỹ học sẽ là lựa chọn tốt hơn.

Khi hiểu ra, con gái chúng tôi tự quyết định sẽ sang Mỹ học.

Hành trang đi du học…

Chuẩn bị cho con sang đất Mỹ học, vợ chồng tôi không khỏi lo lắng. Đây là lần đầu cháu rời vòng tay của bố mẹ, sang nơi đất khách quê người, mọi thứ đều là mới lạ… Gần đến ngày đi, cháu mới nói với mẹ, “mẹ hướng dẫn con cách dọn nhà vệ sinh với ạ”. Chúng tôi thực sự giật mình! Giống như hầu hết các phụ huynh Việt Nam khác, chúng tôi luôn có suy nghĩ, các con cần tập trung việc học và chỉ học thôi. Nhất là trong môi trường học rất cạnh tranh như ở Việt Nam hay Singapore. Hầu như các cháu không phải động tay vào việc nhà, và cũng chưa từng được hướng dẫn những điều cần thiết cho một cuộc sống tự lập. Đây là một khiếm khuyết lớn trong hành trang khi các cháu bước ra ngoài với một cuộc sống độc lập, xa gia đình..!

Ngoài ra, mỗi quốc gia khác nhau có những quy định pháp luật và văn hóa ứng xử trong xã hội khác nhau. Một hành vi được cho là bình thường ở quốc gia này, có thể là bất thường hoặc vi phạm luật ở quốc gia khác. Do vậy, để giúp các con tránh những rắc rối không đáng có khi đi du học, cha mẹ cũng nên tìm hiểu và giúp con mình có những hiểu biết nhất định về văn hóa và luật pháp của nước sở tại. Ví dụ, việc ăn kẹo cao su ở nơi công cộng là hoàn toàn bình thường ở Việt Nam và nhiều quốc gia khác, nhưng nếu điều đó xảy ra ở Singapore thì là phạm luật. Và còn rất nhiều thói quen và ý thức tự giác, như việc tự trả tiền khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, không nói to, không vứt rác… Phần lớn du học sinh đến từ Việt Nam thường chưa có được những thói quen này, nên đã vi phạm một cách rất tự nhiên!

Sự khác biệt

Hiện giờ con gái chúng tôi đã bước sang năm học thứ ba ở một trường đại học tại Boston (Mỹ), chuyên ngành quản trị marketing. Trong kỳ nghỉ gần nhất cháu về thăm nhà, chúng tôi rất vui nhận thấy cháu đã trở nên tự tin và năng động hơn rất nhiều. Được biết, ngoài việc học ở trường, cháu còn chủ động tham gia rất nhiều hoạt động ngoại khóa, và tự mình đi xin được việc làm thực tập (co-op program), là một phần bắt buộc trong chương trình học.

Con gái anh Lê Thanh Hải hiện đang du học tại Mỹ

Các trường đại học ở Mỹ đều rất chú trọng việc đào tạo và trang bị cho sinh viên những kiến thức thực tế và các kỹ năng mềm ngay trong quá trình học. Bởi vậy, sinh viên sau khi ra trường đều có được sự tự tin cần thiết và có thể làm việc một cách độc lập… Đây là khác biệt lớn của hệ thống giáo dục phương Tây và Mỹ, so với giáo dục trong nước thường nặng về lý thuyết mà thiếu thực hành. Hơn thế nữa, trong hệ thống giáo dục ở các nước phát triển tạo môi trường và khích lệ sinh viên tính chủ động và tư duy sáng tạo. Các giáo viên kể cả các giáo sư chủ yếu đóng vai trò hướng dẫn và hỗ trợ (facilator), thay vì áp đặt kiến thức như cách dạy truyền thống.

Không thể phủ nhận, việc đi du học sẽ giúp các con được học tập trong một hệ thống giáo dục tiên tiến hơn, học hỏi từ xã hội văn minh hơn và đặc biệt có tầm nhìn tốt hơn về cuộc sống. Tuy nhiên, đó không phải là con đường duy nhất, và không phải tất cả du học sinh sau này đều trở thành người thành đạt. Mỗi đứa trẻ có những đặc điểm và năng lực phát triển khác nhau, mỗi gia đình cũng có những hoàn cảnh khác nhau. Do vậy, sự lựa chọn cũng cần phải phù hợp với đặc thù của con và điều kiện của gia đình. Nếu có ý chí thì luôn còn cơ hội ở phía trước…

Chúng tôi cũng nhận thấy, dù đi du học hay học trong nước, đều không ai có thể thay thế được vai trò của cha mẹ trong việc ‘giáo dưỡng’ con trẻ, bao gồm giáo dục đạo đức và giúp con phát triển tính cách. Tôi thường nhắc các con điều mà tôi đã học được: “Đừng bao giờ nghi ngờ mình sẽ đi được bao xa, nhưng cũng đừng bao giờ quên nơi mọi thứ bắt đầu.” Chỉ khi nào biết trân quý con đường đã đi qua, mới có thể tiến bước tốt trên đoạn đường tiếp theo, đó chính là đạo lý!

Lê Thanh Hải
Doanh nhân – Singapore

Xem thêm các bài khác của doanh nhân Lê Thanh Hải:

Lê Thanh Hải

Published by
Lê Thanh Hải

Recent Posts

Gia Lai: Hiệu trưởng nhiều ngày không đến trường, giáo viên huyện biên giới bị chậm lương

Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…

9 phút ago

Tiệm vàng tại Nghệ An mở sổ tiết kiệm như ngân hàng

Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…

32 phút ago

Bị phạt 20 tháng tù vì hỗ trợ ĐCSTQ đàn áp Pháp Luân Công tại Mỹ

Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…

1 giờ ago

Biểu tình bảo vệ quyền lợi ở Trung Quốc tăng mạnh – Báo cáo của Freedom House

Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…

1 giờ ago

Ngoại trưởng Ukraine Andrey Sibiga bác bỏ khả năng nhượng bộ lãnh thổ

Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…

2 giờ ago

Chuyện danh y thời Tống tích âm đức cải biến mệnh

Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…

2 giờ ago