Để chống lãng phí, Bộ Tài chính đang nghiên cứu chính sách thuế với trường hợp nhiều diện tích bất động sản bỏ hoang; chậm đưa đất vào sử dụng. (Ảnh: CTV/Trí Thức VN)
Gần 89% môi giới bất động sản tại Việt Nam hiện không có chứng chỉ hành nghề hoặc đang sử dụng chứng chỉ đã hết hiệu lực, một con số đáng báo động cho thấy sự thiếu chuẩn hóa trong ngành.
Thông tin này được Viện Nghiên cứu Đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam (VARS IRE) công bố tại hội thảo “Chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản: Vướng ở đâu, gỡ thế nào?” do Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) tổ chức chiều 21/4 tại Hà Nội.
Theo khảo sát trên gần 30.000 môi giới, chỉ 11,3% (khoảng 3.390 người) có chứng chỉ hợp lệ. Trong khi đó, 51,8% chưa từng qua đào tạo và không có chứng chỉ, 24,1% đã đào tạo nhưng chưa được cấp chứng chỉ, và 12,8% có chứng chỉ đã hết hạn.
TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS, nhấn mạnh rằng ngành môi giới bất động sản đang ở giai đoạn chuyển giao quan trọng.
Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 có hiệu lực từ 1/8/2024 yêu cầu mọi môi giới phải có chứng chỉ để đảm bảo tính chuyên nghiệp và minh bạch.
Tuy nhiên, hiện nay lực lượng môi giới đang vướng phải “nút thắt thể chế” bởi quy định đã có nhưng hệ thống vận hành thì chưa được khơi thông.
“Các địa phương chưa tổ chức kỳ thi sát hạch, người học không biết nên theo học ở đâu là đúng chuẩn, trong khi các doanh nghiệp thì không thể tuyển dụng đủ nhân sự có chứng chỉ hợp pháp để đảm bảo vận hành theo luật định”, ông Đính nói.
Theo khảo sát, hơn 6.000 học viên đã hoàn thành khóa đào tạo theo Thông tư 04/2024/TT-BXD của Bộ Xây dựng nhưng không thể thi sát hạch do thiếu hướng dẫn; 416 doanh nghiệp môi giới báo cáo thiếu nhân sự đạt chuẩn, làm chậm các giao dịch bất động sản và cản trở sự phục hồi của thị trường, vốn đang tăng trưởng 10% trong năm 2024 so với 2023.
TS. Trần Xuân Lượng, Phó Viện trưởng VARS IRE, gọi đây là “bế tắc pháp lý”. Ông tiết lộ rằng 88% học viên không biết cơ quan nào chịu trách nhiệm tổ chức thi tại địa phương, phản ánh sự thiếu đồng bộ trong phối hợp giữa Trung ương và địa phương.
Dù vậy, một điểm sáng là 93% môi giới được khảo sát bày tỏ mong muốn tham gia thi sát hạch, cho thấy họ sẵn sàng tuân thủ luật và nâng cao chuyên môn.
Nguyên nhân chính của vấn đề nằm ở sự chậm trễ trong hướng dẫn thực thi. Mặc dù luật giao trách nhiệm tổ chức thi cho UBND tỉnh/thành phố, hầu hết địa phương chưa triển khai do thiếu văn bản hướng dẫn cụ thể từ Bộ Xây dựng.
Ông Lượng cảnh báo: “Nếu các địa phương cứ chờ nhau hoặc lo ngại trách nhiệm, kỳ thi sát hạch sẽ mãi chỉ là kế hoạch trên giấy.”
Các chuyên gia cũng như doanh nghiệp, lực lượng môi giới đều mong muốn và đề xuất Bộ Xây dựng sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể để UBND các tỉnh, thành phố có cơ sở triển khai kỳ thi; đồng thời, cần thiết cho phép các đơn vị đào tạo đủ điều kiện được phối hợp tổ chức kỳ sát hạch; xây dựng hệ thống thi trực tuyến hoặc liên tỉnh, nhằm giảm tải áp lực cho từng địa phương…
Trong khuôn khổ hội thảo, VARS IRE đã chính thức công bố khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới bất động sản, điều hành Sàn giao dịch bất động sản theo Thông tư 04/2024/TT-BXD, cùng thư ngỏ và đơn đề nghị UBND các tỉnh phối hợp mở kỳ thi sát hạch.
Theo Nghị định 16/2022/NĐ-CP, môi giới không có chứng chỉ có thể bị phạt 40–60 triệu đồng, còn doanh nghiệp sử dụng nhân sự không hợp lệ bị phạt 120–160 triệu đồng, thậm chí bị đình chỉ kinh doanh.
Phu nhân của cựu Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã chia sẻ trên Facebook…
Trải qua 4 đời Vua, Hoàng Trình Thanh đã ra các kế sạch giúp ổn…
Cựu doanh nhân Thượng Hải, ông Hồ Lực Nhiệm, cho biết sự kiên trì của…
Nguyễn Khoa Đăng được truyền tụng trong dân gian là người mưu trí, xứ án…
Có một số người luôn khiến người khác thấy khó chịu, càng khó có nhân…
Trong bối cảnh ngành dệt may Trung Quốc đang sụp đổ như một chuỗi hiệu…