Mái và sàn đá hoa của nhà thờ Bùi Chu đang được tháo dỡ. Câu chuyện về ngôi nhà thờ tráng lệ và duy nhất của kiến trúc nhà thờ Baroque ở Việt Nam khép lại, với nỗi buồn của những người bảo vệ di sản, trong nước và quốc tế, đáng tiếc thay, có thể không phải đợt sóng cuối cùng của những di sản sụp đổ.
Sau hơn một năm trì hoãn (từ tháng 5/2019), trong đó có đợt đã tháo dỡ toàn bộ nội thất, ban thờ để “hạ giải” tòa nhà vào ngày 17/2/2020 (sau đó xin trì hoãn được), đến nay, ngôi nhà thờ Bùi Chu cổ tồn tại hơn một thế kỷ chính thức bị tháo dỡ trong những nỗ lực bất thành.
Ngày 18/7, trang Facebook cá nhân của người phụ trách truyền thông nhà thờ Bùi Chu đã đăng những hình ảnh cho thấy nhà thờ Bùi Chu đang được gỡ mái và nền gạch đá hoa đã bị lật.
Kèm những hình ảnh tháo dỡ nhà thờ Bùi Chu, người này viết: “Nhà thờ chính tòa Giáo phận Bùi Chu chính thức hạ giải, xin mọi người cầu nguyện cho việc xây nhà thờ an toàn trong lòng Chúa thương xót…”.
Vào thời điểm đếm ngược từ ngày 17/2 đến ngày 2/3, ông Martin Rama, Giám đốc dự án của Trung tâm Phát triển đô thị bền vững thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam nỗ lực thảo luận với các cha xứ ở Bùi Chu, liên hệ với lãnh đạo Chính phủ Việt Nam nhằm thuyết phục về lựa chọn xây ngôi thánh đường mới ở cánh đồng liền kề, như thế, có thể giữ lại ngôi thánh đường cổ 135 tuổi mà vẫn đảm bảo an toàn cho giáo dân. Ông Rama cũng cam kết giúp huy động 2 đến 3 triệu USD cần thiết cho việc cải tạo nhà thờ cổ Bùi Chu.
Trên trang cá nhân, tại thời điểm này, ông Rama viết: “Các nhà báo tiếp tục viết rằng nhà thờ mới ở Bùi Chu sẽ được xây dựng giống như ngôi thánh đường cũ. Nhưng điều này là không đúng sự thật. Nhà thờ mới sẽ lớn hơn, và được làm bằng các vật liệu khác. Sự khác biệt quan trọng nhất liên quan đến nội thất, khiến nhà thờ mới trở nên tương tự như một ngôi chùa, hoàn toàn mất đi những nét kiến trúc Baroque đặc biệt của nhà thờ hiện tại.”
Kiến trúc sư Nguyễn Hạnh Nguyên, một trong hơn 20 kiến trúc sư, nhà bảo tồn đã kiến nghị tạm dừng phá dỡ nhà thờ Bùi Chu cho biết không thể coi việc xây một cái mới trên nền cái cũ thì được gọi là bảo lưu giá trị văn hóa, những di sản không chỉ có giá trị kiến trúc mà còn là chứng tính về văn hóa và lịch sử.
“Nguy hiểm nhất là phát biểu của những người đứng đầu ngành bảo tồn lại đề xuất phương án tháo dỡ đến nền móng công trình. Vậy thì cần gì phải xây lại như cũ nữa? Thực tế, đình chùa hơn 100 tuổi cũng đang được các “nhà chuyên môn” tháo xuống tận móng thì còn gì là di tích, di sản nữa? Xây mới hoàn toàn và còn gọi là nhại cổ!
Với tư tưởng này, di sản sẽ cứ hỏng là đập ra xây mới không còn vết tích cũ. Buồn và tiếc cho những ai hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn, văn hóa, lịch sử của Việt Nam!”, bà Nguyên viết.
Với việc chính thức tháo dỡ nhà thờ Bùi Chu này, theo Tuổi Trẻ ngày 19/7, ông Rama chia sẻ ông rất buồn trước quyết định này của các vị linh mục vì trước đó ông vẫn hy vọng có thể cứu được ngôi nhà thờ tráng lệ và duy nhất của kiến trúc nhà thờ Baroque ở Việt Nam. “Tôi có thể hiểu những gì đang xảy ra với nhà thờ Bùi Chu. Nhưng tôi vẫn cảm thấy nản lòng” – ông Rama nói.
Ông chia sẻ thêm không chỉ Bùi Chu, nhiều nhà thờ cổ khác ở Việt Nam cũng đang gặp nguy hiểm bởi làn sóng phá cũ xây mới cần được chính quyền, các linh mục và người dân Việt Nam quan tâm giải cứu chúng.
Nguyễn Quân
(*) Martin Rama, Bùi Chu vẫn có thể được ‘cứu’: Đây là cách!, Người Đô Thị ngày 26/2/2020.
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…