Thời gian gần đây, các trang trại và thương lái đều phản ánh tình trạng heo từ Đồng Nai gặp khó khăn khi tiêu thụ tại TP.HCM vì heo ở địa phương này chưa được thực hiện truy xuất nguồn gốc.
Ngày 17/3, Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai kết hợp với Sở Công thương TP.HCM sẽ có buổi làm việc để cùng trao đổi những bước tiếp theo trong việc thực hiện truy xuất nguồn gốc thịt heo để những người chăn nuôi heo tại Đồng Nai tìm được đầu ra cho đàn heo của mình.
Ông Nguyễn Trí Công – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết Hiệp hội đã đồng ý việc áp dụng truy xuất nguồn gốc thịt heo của TP.HCM và sẽ hợp tác với thành phố.
Trước đó, từ ngày 1/3/2017, heo muốn vào được thị trường TP.HCM phải thực hiện việc đeo vòng xác nhận để có thể truy xuất được nguồn gốc. Việc này đã khiến các thương lái Đồng Nai khi mang heo vào tới khu vực thành phố bị chặn lại ở các chợ đầu mối do heo chưa được “đeo vòng” để xác nhận truy xuất nguồn gốc khiến các thương lái và các hộ chăn nuôi rất lúng túng.
Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai sau đó đã cung cấp cho TP.HCM danh sách cũng như địa chỉ của các trang trại heo đạt chuẩn VietGAP và mã số các trang trại chăn nuôi heo. Sở Công thương TP.HCM cũng đã cung cấp các vòng code để Hiệp hội phân phối lại cho thương lái và các trang trại trong tỉnh với giá 3.000 đồng/vòng để phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc heo.
Ông Dương Minh Dũng – Giám đốc Sở Công thương Đồng Nai cho hay hiện tại Đồng Nai có khoảng 1,8 triệu con heo. Trong đó, heo từ 80 kg trở lên có khoảng 350-370 ngàn con. Mỗi ngày, Đồng Nai cung cấp từ 3.500 đến 4.500 con heo đã được kiểm dịch cho thị trường TP.HCM – đáp ứng khoảng 60% nhu cầu tiêu dùng thịt heo tại thị trường này.
Ông Dũng cũng cho hay hiện nay có khoảng 1.000-1.500 con heo thuộc 325 trang trại trong tỉnh Đồng Nai đã tham gia vào đề án truy xuất nguồn gốc heo của TP.HCM. Tuy nhiên, phần lớn các trang trại tham gia vào đề án đều là các trang trại lớn nuôi gia công cho các doanh nghiệp, tập thể, còn các trang trại chăn nuôi hộ gia đình đều chưa tham gia.
Chia sẻ lý do chưa tham gia dự án, ông Phạm Đức Thu – Chủ trang trại heo tại huyện Thống Nhất (Đồng Nai) cho biết những người chăn nuôi heo cũng ủng hộ dự án, tuy nhiên, ông Thu cho rằng thủ tục quy định kiểm tra heo của dự án còn rườm rà, phức tạp, nên rút ngắn quy định kiểm tra kiểm soát cũ hoặc thống nhất thành một quy trình quản lý duy nhất để tránh gây khó cho cả người chăn nuôi và thương lái.
Tại TP.HCM, từ ngày 16/12/2016, Sở Công thương đã áp dụng đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo bằng điện thoại thông minh tại gần 350 điểm bán lẻ thuộc hệ thống bán lẻ hiện đại. Theo đó, người dùng cần trang bị một điện thoại thông minh (hệ điều hành Android, IOS, Windows) có cài đặt phần mềm miễn phí TE – FOOD (do Hội Công nghệ cao TP.HCM thiết kế). Phần mềm giúp người dùng có thể nhận biết các điểm bán thịt sạch trong bán kính 1,5 km. Khi đến các điểm bán thịt sạch, người mua chỉ cần dùng điện thoại để “soi” lên các con tem được dán trên các khay thịt heo. Sau đó, phần mềm sẽ hiển thị ngay cho người mua các thông tin về thịt heo như: trại nuôi, nơi giết mổ, cơ sở phân phối, kiểm dịch,…
|
Ngọc Long (T/h)
Xem thêm:
Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…