UBND TP.HCM đề xuất hỗ trợ 30% tiền điện, mua bảo hiểm y tế và chi phí học tập cho 245 hộ cận nghèo ở quận 4, quận Gò Vấp, huyện Hóc Môn và huyện Cần Giờ.
UBND TP.HCM vừa gửi HĐND TP.HCM báo cáo đánh giá tác động nghị quyết về hỗ trợ cho hộ gia đình có liên quan đến việc thay đổi tiêu chí xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo trong chương trình giảm nghèo bền vững TP.HCM giai đoạn 2021 – 2025.
Trước đó, ngày 16/7/2024, HĐND TP.HCM ban hành nghị quyết số 15/2024, điều chỉnh chuẩn nghèo đa chiều của thành phố theo quy định của trung ương.
Theo Nghị quyết, về các tiêu chí đo lường nghèo đa chiều, TP.HCM bổ sung tiêu chí thu nhập là 46 triệu đồng/người/năm.
Các dịch vụ xã hội cơ bản có 6 dịch vụ, gồm: y tế; giáo dục; việc làm – bảo hiểm xã hội; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin.
Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản có 13 chỉ số, gồm: dinh dưỡng; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; việc làm; bảo hiểm xã hội; người phụ thuộc trong hộ gia đình; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin.
Cũng theo Nghị quyết, hộ nghèo tại TP.HCM được xác định là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người từ 46 triệu đồng/năm trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.
Hộ cận nghèo là hộ có thu nhập bình quân đầu người từ 46 triệu đồng/năm trở xuống nhưng thiếu hụt dưới 3 chỉ số dịch vụ cơ bản.
Hộ có mức sống trung bình là hộ có thu nhập bình quân đầu người từ trên 46 triệu đồng đến 69 triệu đồng/năm.
Theo giới chức TP.HCM, việc điều chỉnh chuẩn nghèo đa chiều của thành phố ảnh hưởng đến việc phân loại hộ nghèo, cận nghèo và thụ hưởng chính sách tại 4 địa phương gồm quận 4, quận Gò Vấp, huyện Hóc Môn, huyện Cần Giờ. Theo rà soát, 245 hộ nghèo đã chuyển thành hộ cận nghèo.
Trước tình huống này, UBND thành phố đề nghị hỗ trợ để các hộ ổn định cuộc sống, đảm bảo quyền lợi, hạn chế tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới.
Theo đó, TP đề xuất chi 675 triệu đồng cho 245 hộ và 693 thành viên, mức hỗ trợ 30%. Trong đó, hỗ trợ tiền điện 185 triệu đồng, mua bảo hiểm y tế 316 triệu đồng cho 459 người và chi phí học tập 234 học sinh.
Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ khác như y tế, bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội, đào tạo nghề sẽ được chính quyền địa phương rà soát.
Đến ngày 30/6, theo báo cáo kết quả rà soát thường xuyên từ các quận, huyện và TP. Thủ Đức, TP.HCM không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, theo chuẩn nghèo của thành phố, TP.HCM hiện còn 21.454 hộ nghèo, hộ cận nghèo với tổng số 86.662 nhân khẩu, chiếm 0,84% tổng số hộ dân. Dự kiến, đến cuối năm 2024, TP.HCM đặt mục tiêu giảm 0,21% tỷ lệ hộ nghèo và 0,23% tỷ lệ hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của thành phố giai đoạn 2021 – 2025. UBND TP.HCM cũng vừa ban hành Quyết định số 81/2024 về việc mua nhà ở xã hội. Theo đó, hộ gia đình cận nghèo tại khu vực nông thôn được hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng nhà ở với mức 30 triệu đồng. Ngoài ra, đối với việc thuê nhà ở xã hội thuộc tài sản công, các hộ này sẽ được giảm 60% số tiền thuê nhà phải nộp. Đối với nhà ở xã hội được xây dựng theo dự án không sử dụng vốn đầu tư công, hộ gia đình cận nghèo tại khu vực nông thôn được hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng tiền thuê nhà, thời gian hỗ trợ tối đa là 5 năm. |
Minh Long
Hầu như tất cả bộ trưởng trong nội các của Thủ tướng Han Duck-soo muốn…
Thượng nghị sĩ Bernie Sanders đã lên tiếng chỉ trích cách chi tiêu quốc phòng…
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Yong-hyun đứng ra nhận trách nhiệm vụ thiết…
Sau khi Nga và Ukraine khai chiến, xuất hiện nghi ngờ sự cố về tuyến…
Khuya ngày 1/12, tại làng Đại Đôn ở Tp. Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung…
Sở Xây dựng Hà Nội đưa ra 6 tiêu chí cho thuê vỉa hè để…