Trong 3 phương án được trình để thông qua, Sở Xây dựng TP.HCM nghiêng về phương án 2 với giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải sẽ tăng theo lộ trình từ 15% (2021) giá nước tới 35% (2024), thu song song cùng thuế giá trị gia tăng (VAT).
Ngày 29/3, Sở Xây dựng TP.HCM trình UBND TP dự thảo quyết định về việc ban hành giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn giai đoạn 2021-2024.
Theo tờ trình, “phí bảo vệ môi trường” sẽ được thay thế bằng tên gọi là “giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải”. Mức thu vẫn tính theo đơn giá sử dụng nước của mỗi hộ. Sở Xây dựng đề xuất 3 phương án để thành phố duyệt, gồm:
Phương án 1: Lấy theo giá nước sạch năm 2019, phí bảo vệ môi trường 10% giá cấp nước. Từ năm 2020 đến 2024 mức thu dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải tăng thêm 3% mỗi năm.
Phương án 2: Lấy theo giá nước sạch năm 2019, phí bảo vệ môi trường 10%. Từ năm 2020 đến 2024 mức thu dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải tăng thêm 5% mỗi năm.
Phương án 3: Lấy theo giá nước sạch năm 2019, phí bảo vệ môi trường 10%. Năm 2020 mức thu dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải bằng 20% giá nước sạch. Từ năm 2021-2024 mức thu tăng 5% mỗi năm.
Theo đánh giá của Sở Xây dựng, phương án 2 được đánh giá là khả thi, “đảm bảo không đột biến gây tác động xã hội đáng kể, không ảnh hưởng đột biến đến nguồn chi ngân sách trong suốt lộ trình”.
Trong phương án 2, với lộ trình mỗi năm tăng 5% giá cấp nước, thì mức giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải qua các năm như sau: 15% (năm 2020), 20% (2021), 25% (2022), 30% (2034), 35% (2024) giá cấp nước.
Nếu tính theo giá nước sạch trung bình năm 2020 tại TP.HCM là 9.590 đồng/m3 thì người dân sẽ chịu 15% của mức giá nước trên trả cho giá dịch vụ thoát nước, tương ứng khoảng 1.439 đồng. Đến năm 2024, giá nước khoảng 12.107 đồng/m3 và mức phí thoát nước 35% thì người dân phải chịu mức phí thoát nước là 4.237 đồng, chưa tính thuế giá trị gia tăng 10% đơn giá sử dụng nước.
Việc thu phí sẽ áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình (gọi chung là hộ thoát nước) có hoạt động xả nước thải sinh hoạt vào hệ thống thoát nước, nguồn tiếp nhận (là các nguồn nước chảy thường xuyên hoặc định kỳ như sông suối, kênh rạch, ao hồ…) tại TP.
Đối với các hộ thoát nước sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung của Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV thì căn cứ vào hóa đơn tiền nước. Đối với các hộ thoát nước không sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng phương án thu tiền dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải; giá thu không thấp hơn mức thu của các hộ thoát nước sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung.
Trong tổng thu từ dịch vụ thoát nước thải, 1% được để lại để chi trả chi phí dịch vụ đi thu, thực hiện các nghĩa vụ thuế và nghĩa vụ tài chính khác (nếu có), phần còn lại nộp vào ngân sách nhà nước để sử dụng cho các mục đích đầu tư, duy trì, phát triển hệ thống thoát nước và các chi phí hợp lệ khác theo quy định hiện hành.
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…