Theo Sở Y tế, dữ liệu sức khoẻ học sinh sẽ giúp ngành Y tế nhận diện được mô hình bệnh tật học đường của học sinh, để có các giải pháp chăm sóc và can thiệp điều trị kịp thời.
Ngày 7/10, Giám đốc Sở Y tế TP. HCM, ông Tăng Chí Thượng cho biết để thực hiện Đề án “Y tế thông minh giai đoạn 2021 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030”, Sở Y tế sẽ triển khai chuyển đổi số dữ liệu sức khỏe học sinh kể từ năm học 2024 – 2025.
Theo đó, thành phố sẽ có dữ liệu sức khỏe của hơn 1,7 triệu học sinh.
Dữ liệu sức khoẻ học sinh sẽ giúp ngành Y tế nhận diện được mô hình bệnh tật học đường của học sinh để có các giải pháp chăm sóc và can thiệp điều trị kịp thời.
Hơn một năm qua, Sở Y tế đã làm việc với Sở GD&ĐT, chuẩn hóa biểu mẫu khám, tầm soát bệnh tật học đường, hướng dẫn quy trình khám, điều kiện tổ chức đoàn khám sức khỏe tại các cơ sở giáo dục.
Ngành y tế cũng xây dựng chương trình tập huấn cho y bác sĩ tham gia khám, tầm soát và xây dựng phần mềm để nhập liệu thông tin sức khỏe của học sinh sau khi có kết quả khám.
Cụ thể, trong tháng 10/2024, Sở Y tế sẽ tổ chức 3 lớp tập huấn về công tác khám sức khỏe học sinh (lớp 1 từ ngày 7/10 đến ngày 13/10, lớp 2 từ ngày 14/10 đến ngày 20/10, lớp 3 từ ngày 21/10 đến ngày 27/10).
Tham gia giảng dạy là các giảng viên đến từ bệnh viện chuyên khoa đầu ngành như Nhi đồng 1, Răng Hàm Mặt, Mắt, Tai Mũi Họng, Tâm thần, Chấn thương Chỉnh hình, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố và phòng Nghiệp vụ Y, Công nghệ thông tin thuộc Sở Y tế.
Nội dung tập huấn sẽ bao gồm 9 chuyên đề liên quan việc đánh giá tầm soát các bệnh tật học đường, cách tiếp cận và sử dụng phiếu khám mới và cách sử dụng phần mềm trực tuyến để quản lý sức khỏe học sinh.
Tính đến ngày 6/10, đã có 2.966 nhân viên y tế từ 28 bệnh viện, 19 trung tâm y tế, 59 phòng khám đa khoa và hơn 500 cơ sở giáo dục tại thành phố đăng ký tham gia tập huấn.
Sở Y tế sẽ công khai trên cổng thông tin điện tử danh sách các cơ sở đủ điều kiện khám sức khỏe học sinh để trường lựa chọn.
Theo quy định, học sinh từ mầm non đến hết trung học cơ sở được kiểm tra định kỳ để đánh giá tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe, gồm đo chiều cao, cân nặng, huyết áp, nhịp tim, thị lực…
Trẻ cũng được theo dõi tình trạng cong vẹo cột sống, bệnh răng miệng, rối loạn sức khỏe tâm thần và các bệnh tật khác để có hướng áp dụng chế độ học tập, rèn luyện phù hợp.
Cũng theo Sở Y tế, năm 2024 – 2025, hơn 1 triệu người cao tuổi ở TP.HCM sẽ được khám sức khỏe định kỳ miễn phí nhằm được phát hiện, điều trị, quản lý các bệnh không lây nhiễm (ung thư, tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, sa sút trí tuệ…).
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…
UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…