Là người đã đảm nhận nhiều vị trí, từ giáo viên, nhà nghiên cứu, giảng viên đến nhà quản lý giáo dục, ở mỗi vai trò, bà có thấy góc nhìn về giáo dục thay đổi? Điều này có ảnh hưởng như thế nào đối với triết lý giáo dục của bà?
Từ năm 22 tuổi, là năm 1969, tôi bắt đầu đi dạy có lương, nói như bây giờ là đi dạy chuyên nghiệp đó. Tôi từng dạy phổ thông, dạy đại học, làm nghiên cứu, làm quản lý chuyên môn rồi làm quản lý nhà trường. Tất nhiên vai trò khác nhau nhưng có một điều xuyên suốt là ở bất kỳ vai trò nào tôi cũng cảm nhận tôi là một người làm giáo dục. Ngay cả khi tôi làm quản lý, người ta bảo đó là một nghề khác, nhưng đối với tôi, làm quản lý trong giáo dục mà người quản lý đó không giữ mình còn là người làm giáo dục thì theo tôi, nói cách nào đó là rất nguy hại cho cơ sở giáo dục đó và cho việc giáo dục nói chung.
Tất nhiên, mỗi công việc có một đòi hỏi khác nhau, có vui khác nhau, có cực khổ khác nhau. Nếu hỏi khác nhau, thì khi mình làm giáo dục, cho dù là dạy phổ thông hay dạy đại học thì mình cũng đang cùng kiến tạo nên một cái gì đó với người khác. Làm giáo dục có nghĩa là cùng với người học tạo ra những nhận thức mới của người học và của mình nữa. Mỗi lần dạy là một lần khác biệt. Nếu không thì mình trở thành cái máy ghi âm rồi, mỗi lần bấm phát ra y nguyên thông điệp đó – không phải vậy. Cho nên, tôi quan niệm dạy học luôn luôn là quá trình tương tác.
Còn nghiên cứu là một công việc cô đơn, dù trong nghiên cứu mình cũng đi phỏng vấn, đọc sách, tham khảo người này người khác, lấy tư liệu từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng công việc của người nghiên cứu là một công việc cô đơn. Bản thân người đó ngồi suy ngẫm về những tư liệu, những dữ liệu mình đã thu thập được, sự suy tìm cũng là của mình. Tôi cũng từng làm công việc nghiên cứu trong nhóm quốc tế. Nhưng ngay cả khi làm công việc trong nhóm nghiên cứu thì mỗi người vẫn làm đề tài của mình, với quan điểm nghiên cứu của mình, có tranh luận, có tương tác, nhưng cuối cùng những gì mình viết ra thì mình chịu trách nhiệm hoàn toàn.
Trong những chia sẻ về “làm giáo dục”, bà thường đề cao sự tôn trọng và tính độc lập của con người. Chúng ta nên làm gì để thực hiện được điều ấy trong bối cảnh làm giáo dục có nhiều ràng buộc, nhiều giới hạn như hiện nay?
Tôi nghĩ bối cảnh ở nước nào cũng có những thuận lợi và khó khăn. Có thể ở Việt Nam, bối cảnh của giáo dục có ít thuận lợi và nhiều khó khăn hơn. Nhưng rõ ràng, không bao giờ con người ta có tự do tuyệt đối. Con người luôn luôn hành xử trong bối cảnh có thuận lợi và có khó khăn. Luôn có một khoảng cho mình “cựa quậy”…, tức là một không gian cho mình xoay sở và những ràng buộc mà mình không thể vượt qua. Bất kỳ một công việc nào cũng vậy chứ không chỉ riêng công việc giáo dục.
Đối với tôi, đã là một con người thì mình luôn chịu trách nhiệm về hành vi cũng như quyết định và cách làm của mình. Cũng chính vì người đó luôn chịu trách nhiệm về việc mình làm nên họ luôn có một tự do nhất định nào đó. Tôi lấy ví dụ, không có ràng buộc, cản trở nào chi phối tuyệt đối tất cả hành vi, lời lẽ của người thầy trên lớp hay những quan hệ của mình đối với người khác, với đồng nghiệp, với người học… Trong mọi mối quan hệ đó, mình giao tiếp với người ta như thế nào, mình chọn lựa phương pháp sư phạm nào để dạy học…, ở đó luôn có một tự do nhất định cho mình, không có ai quy định từng li từng tí, không ai kiểm soát được tới mức độ nhất cử nhất động.
Vấn đề là trong cùng một khoảng không gian “cựa quậy” không khác nhau nhiều, thì người thầy nào làm được điều này, người thầy khác làm được điều khác. Người thầy này mở rộng được biên độ tư duy của sinh viên, của học sinh, người thầy khác làm nó ít mở rộng hơn hay thậm chí làm nó bó hẹp hơn… đó đều là hành vi cư xử của cá nhân.
Thành ra, vấn đề quan trọng ở chỗ cá nhân người thầy, cá nhân người làm giáo dục có thực sự coi trọng các giá trị đó hay là không. Nếu mình hiểu tôn trọng người khác, đặc biệt là tôn trọng người học là một điều thiết yếu trong giáo dục thì mình khắc có cách làm được điều đó, cho dù ở trong bối cảnh ràng buộc tới đâu. Người ta gọi là “tận nhân lực” rồi mới “tri thiên mạng”, đúng không? Có nghĩa là mình phải làm hết sức rồi mới nói là có ranh giới nào đó mà tôi không vượt qua được. Còn ranh giới thì bao giờ cũng có ranh giới hết.
Tức là trước khi dạy cho người học sinh về tính độc lập thì bản thân người dạy phải mở rộng biên độ về tính độc lập của mình?
Đúng vậy. Nếu bản thân mình không có tư duy độc lập sao mình có thể dạy người khác, có thể truyền đạt cái giá trị đó cho người khác được? Nếu bản thân mình không thực lòng tôn trọng người học thì sao mình có thể truyền đạt điều đó cho người khác?
Có thể nói rõ hơn chút như thế này, tôn trọng không có nghĩa là mình bắt buộc phải đồng ý mọi điều với người kia hay là cho phép mọi hành vi kỳ cục của người đó. Tôn trọng hoàn toàn không có nghĩa như vậy. Có một câu nói nổi tiếng tôi không nhớ đã nói với con tôi hồi nào, nhưng sau này khi con tôi đã lớn lên, trưởng thành, đã là một người cha, có lần bạn ấy nói với rằng: “Có một điều con được học từ mẹ từ hồi nhỏ lắm cho tới bây giờ và con nghĩ suốt đời con vẫn tuân theo được, là sự tự do của con dừng ở chỗ mà nó vi phạm sự tự do của người khác”. Thì đúng rồi, mình có quyền tự do làm điều gì mình muốn, làm điều gì mình nghĩ là đúng, ai cũng có quan niệm của mình về cái đúng cái sai, nhưng nếu việc mình thực thi quyền tự do của mình mà nó xâm phạm tới tự do của người khác, xâm phạm tới sự an toàn của người khác hay sự an toàn của bản thân mình thì nó có giới hạn chứ.
Con người không thể luôn luôn đúng trong mọi trường hợp. Ai cũng có thể có sai lầm nhưng mà ít nhất là mình chân thành làm theo điều mà mình nghĩ là đúng vào thời điểm đó. Rồi nếu thời điểm khác mình thấy rằng nhận thức đó sai thì mình nhận lỗi và mình sửa lỗi nếu như có thể, chứ sao bây giờ? (cười). Nhưng tôn trọng hoàn toàn không có nghĩa là phục tùng tuyệt đối và phục tùng mọi điều kỳ quái và vô nguyên tắc nhất. Cũng như sự độc lập tư duy của bản thân mình hay của người khác hoàn toàn không có nghĩa là mình áp đặt những nguyên tắc, chuẩn mực, những cái mình cho là chân lý lên người khác. Mình chỉ nói rằng, theo quan điểm của tôi thì nó là như thế này, theo tôi suy nghĩ thì nó thế này, còn nếu anh suy nghĩ khác tôi thì đó vẫn là quyền của anh kia mà, và là trách nhiệm của anh luôn, anh chịu trách nhiệm về suy nghĩ của anh.
Làm không bao giờ được đủ nhưng mà phải có làm. Còn hiện tại chúng ta nên tự vấn là chúng ta có làm điều đó hay không? Và chúng ta làm với hiệu quả nào?
Tôi nói điều đó bởi vì tôi biết rằng đa số các bạn trẻ chịu sự tác động, ảnh hưởng của một kiểu tư duy rất vị kỷ. Trào lưu trong xã hội chỉ coi trọng sự thành đạt bằng những biểu hiện rất bề ngoài, như còn nhỏ thì phải vào được trường chuyên, lớn lên đi làm thì phải có lương, có thu nhập cao hơn thiên hạ, có chức vụ ngồi trên đầu thiên hạ.v.v.. Nếu như người ta hiểu những cái đó là biểu hiện của thành đạt thì tất nhiên không bao giờ dẫn đến một ý thức đúng đắn về vị thế của con người trong xã hội.
Con người không sống và hoạt động đơn độc được. Con người phải sống trong cộng đồng, cộng đồng nhỏ và cộng đồng lớn, thành ra phải biết người biết ta, phải biết bên cạnh mình còn có người khác và mình là một bộ phận, một thành viên của một cái gì đó rộng lớn hơn. Mình không thể tự một mình mình đơn độc lớn lên thì mình cũng không thể tồn tại được nếu như mình không có ý thức về nghĩa vụ đối với cộng đồng. Đó là một điều cơ bản của cuộc sống, chứ không phải là sở thích, thích chọn cái này cái kia. Có những cái thuộc về sở thích, ví dụ như bạn có thể có sở thích về mỹ thuật hay âm nhạc… thì đó là quyền lựa chọn riêng. Nhưng đã là con người trong xã hội thì phải có ý thức, trách nhiệm của mình đối với xã hội. Cái đó hiện nay chúng ta không có giáo dục tốt. Từ trong gia đình cho đến nhà trường và xã hội, chúng ta nêu quá nhiều gương xấu. Cho nên các bạn trẻ không có định hướng đúng, hay nói rõ hơn nữa là không có định hướng gì cả, mà chỉ là số đông bị trôi dạt theo những truyền thông đại chúng thôi. Đó là một thảm họa.
Có. Thôi kể chuyện vui đi. Vì khi nói số đông thế này số đông thế kia thì không có nghĩa là không có chuyện vui, chuyện đẹp đúng không?
Một trong những kỷ niệm đẹp nhất của cuộc đời đi dạy của tôi là một lần, không nhớ là năm nào, có một nhóm sinh viên viết email cho tôi nói là cần gặp tôi. Thói quen của tôi ở trường Đại học Hoa Sen là dù tôi ở bất kỳ cương vị nào, dù Đại học Hoa Sen còn hơn 200 sinh viên hay lên tới hàng ngàn sinh viên thì bất kỳ lúc nào sinh viên cũng có quyền viết email cho tôi. Tôi luôn đọc và trả lời chứ không có thư ký nào làm trung gian hết.
Một lần, một bạn viết email cho tôi, nói nhờ tôi hỗ trợ cho một dự án của bạn ấy. Bạn ấy là một sinh viên năm thứ nhất, nhờ tôi một việc làm tôi hết sức bất ngờ. Bạn ấy nói bạn có một dự án quyên góp để hỗ trợ cho người dân ở Nepal khi đó đang bị thảm họa động đất. Tôi nghe cũng không ngạc nhiên lắm vì ở trường Hoa Sen khuyến khích các bạn làm dự án và tạo điều kiện thuận lợi để làm.
Tôi hỏi: “Vậy thì em cần tôi hỗ trợ gì?”. Em ấy nói: “Em muốn cô đóng kịch với tụi em”. “Trời ơi, lỡ như tôi hổng có biết làm cái đó thì sao?” – “Dễ lắm cô, cái này dễ lắm, không cần phải nói gì hết”. Tôi mới nói: “Ủa, nhưng tại sao phải là tôi?”. Bạn ấy là sinh viên năm nhất, mới vào trường học có mấy tháng thôi, nói rằng: bạn ấy học môn truyền thông hay marketing gì đó, nói rằng nếu như có người nổi tiếng xuất hiện trong sự kiện nào thì sự kiện đó sẽ thu hút sự chú ý của người khác, cho nên bạn ấy mới nghĩ ra là nếu như các bạn ấy diễn kịch mà có tôi tham gia thì tự nhiên sẽ thu hút hơn.
Bạn ấy nói nghe rất có lý thì làm sao mà tôi từ chối được. Cho nên tôi mới nói: “Tôi rất muốn giúp em, nhưng lỡ như tôi không có khả năng làm việc đó thì sao?”, vì nói thiệt là từ nhỏ tới lớn tôi hổng có bao giờ đóng kịch hết. Bạn đó nói: “Dễ lắm, hổng có gì hết, để em nói cho cô làm cô làm được à”. Rốt cuộc bạn ấy nói thì tôi cũng thấy dễ thiệt, là cô sẽ đóng vai một cô giáo ở Nepal, đang đứng lớp, dạy học và chăm sóc các em thì có động đất. Cô ôm 1-2 em chạy ra ngoài, khi quay lại thì cả lớp học đã sụp đổ. Tôi hỏi diễn ở đâu, bạn bảo diễn ở sảnh nhà trường, tức là ngay cổng ra vào!
“Vậy cô mặc làm sao?”, tôi hỏi – “Dạ, cô mặc sao cũng được hết, ngày thường cô mặc sao thì mặc vậy”. Tôi bảo: “Ngày thường tôi hay mặc áo dài, mà mặc áo dài thì sao ở Nepal được. Vậy em biết họ mặc sao không? – “Dạ, em cũng không biết nữa” – “Vậy thì tôi cứ mặc áo trắng quần tây là được đúng không”. Sau đó thì tôi diễn cho bạn ấy như thế. (cười)
Dự án ấy được các bạn làm thành công, quyên góp được tiền bạc, quyên góp được cả những thông điệp yêu thương, những thông điệp chia sẻ để gửi đến cho các bạn nhỏ ở Nepal. Các bạn ấy liên hệ với Sứ quán và chuyển được những món quà đến nơi, được Sứ quán gửi lời cảm ơn.
Chủ đề năm học của nhà trường những năm đó là: “Sống tử tế, học đàng hoàng, kết nối năm châu”. Các bạn là sinh viên mới thì mới chỉ được nghe một bài giảng đầu năm để hiểu về các vấn đề của nhà trường, trong đó có chủ đề năm học. Chỉ qua một lần như thế rồi qua các hoạt động bình thường học các môn chuyên môn nhưng do thế nào không biết, các bạn đã thể hiện được phương châm đó của nhà trường một cách rất sinh động và sâu sắc.
Đối với tôi, từ khía cạnh là một người làm giáo dục, tôi hiểu đó là một sự kiện rất đẹp, mặc dù nó rất đau thương. Có những sinh mạng đã phải trả giá và nhiều điều nữa. Nhưng nó vẫn là một sự kiện rất đẹp vì người ta thấy sự dấn thân, sự khẳng định bản thân, sự hy sinh vì đại nghĩa của những người trẻ. Nhưng người ta cũng thấy sự ủng hộ rộng rãi của các tầng lớp nhân dân Hồng Kông đối với các bạn trẻ đó. Các bạn trẻ đó không hề đơn độc. Tôi cho đó là một điều gì đó rất đẹp. Là con người được chứng kiến những cảnh tượng như vậy, thì thực sự điều ấy rất ấm lòng.
Là người làm giáo dục, tôi hiểu đó là thành quả của một nền giáo dục lâu đời, đàng hoàng và tử tế. Được hưởng một nền giáo dục tốt thì mới dẫn đến kết quả là các bạn trẻ có dũng khí đó, có sự sáng tạo đó, thông minh đó, có quyết tâm đó và có năng lực tập hợp được như thế, có năng lực thuyết phục đông đảo người dân Hồng Kông như thế.
Nhưng, một trong những sự kiện mà tôi còn cảm thấy cảm động hơn là khi tôi đọc tin sinh viên Đại học Bắc Kinh, tức là đại học tại lục địa, cũng hưởng ứng các hoạt động của sinh viên Hồng Kông. Tất nhiên, khi nhận được nền giáo dục tốt thì người ta phát triển bản thân một cách tuyệt vời như chúng ta đã thấy ở các bạn trẻ Hồng Kông. Nhưng rõ ràng ở bất kỳ nơi nào, ở Đại học Bắc Kinh hay ở những trường đại học tại lục địa, chắc chắn vẫn phải có những cá nhân thầy cô giáo, nhà giáo tử tế và những bạn trẻ biết tự giáo dục mình một cách tử tế.
GS Hoàng Tụy đã nói: Cả nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục lạc lối. Lạc lối theo nghĩa nó không hiểu đúng sứ mạng của giáo dục là gì.
Thực chất, cho dù là giáo dục ở gia đình, nhà trường hay xã hội, cho dù là giáo dục ở tuổi mầm non hay người trưởng thành thì giáo dục bao giờ cũng là giáo dục con người. Mà con người là một chủ thể. Giáo dục mà không tôn trọng tính cách là chủ thể tự do của con người thì nền giáo dục đó hỏng từ gốc, nó lạc lối.
Khi hiểu con người là một nhân cách tự do, một chủ thể tự do thì mình hiểu rằng để phát triển một cách lành mạnh trong một cộng đồng, con người đó phải có hiểu biết, có kiến thức, nhưng cũng phải có tư duy, tức là có khả năng suy luận, có khả năng suy nghĩ, xử lý những thông tin, những tri thức mà mình tiếp nhận được, và có những giá trị sống, tức là biết cái gì là đúng, là sai, là phải, là quấy, là tốt, là xấu ở trên đời. Cái đó có thể thay đổi, như bạn nói là chuẩn mực có thể thay đổi. Nhưng nếu người ta chủ trương giáo dục là nhồi nhét những chuẩn mực của người dạy hay của chính quyền, của xã hội hay của gia đình cho trẻ em, coi nó như tờ giấy trắng và ráng vẽ lên đó bất cứ thứ gì mình muốn, biến nó thành con người mà mình muốn nó trở thành thì đó chính là cội nguồn của sai lầm. Bởi vì không có nhà trường nào đào tạo con người hết.
Người ta không thể đào tạo con người như sản xuất một cái chai, hay một ly uống nước. Bởi vì cái chai hay ly uống nước là một công cụ do con người tạo ra để phục vụ cho mục đích của con người, ta có công thức để tạo ra nó, có nguyên vật liệu, có công nghệ để tạo ra, nhưng con người thì không thể tạo ra được. Bản thân con người là một chủ thể tự do, cho nên ta chỉ có thể tạo điều kiện tốt nhất để con người đó tự phát triển mà thôi. Mà con người muốn phát triển, muốn tồn tại được thì cũng phải biết không chỉ là tri thức, không phải chỉ biết cái lá nào ăn được, cái lá nào ăn không được, thực phẩm nào dùng được, thực phẩm nào không dùng được, mà còn phải biết suy nghĩ, phân tích, phán đoán, lấy quyết định. Và tất cả những điều đó đều trên cơ sở một số giá trị nhất định. Con người phải được suy nghĩ về những điều đó và chọn lựa những giá trị mà mình theo đuổi suốt cuộc đời mình. Đó là sứ mạng mà giáo dục cần làm, cho dù đó là giáo dục trong nhà trường hay ở gia đình.
Tất nhiên, nếu ở cấp vĩ mô có những chính sách đúng thì tự nhiên hiệu quả sẽ sâu rộng và nhanh hơn gấp nhiều lần chứ, nhưng cái đó không phụ thuộc vào mình. Điều phụ thuộc vào mình và mình luôn luôn làm chủ nó được là sự tự cứu, tức là sự tự giáo dục. Đã sinh con thì phải chịu trách nhiệm dạy con, chứ không chỉ chịu trách nhiệm nuôi con và cưng nó. Hiện nay một số gia đình là như vậy đó, chỉ chú ý xem nó cao bao nhiêu, nặng bao nhiêu. Con mình không thể nuôi như vậy, mình nuôi để con lớn lên thành một con người biết sống tử tế với xung quanh, biết đàng hoàng, an toàn cho bản thân nó và nếu có đóng góp được cho xã hội thì càng tốt. Mình cần hiểu trách nhiệm của cha mẹ là nuôi con để nó thành người, trách nhiệm của nhà trường là giáo dục để cho nên người. Hồi tôi còn nhỏ thì đó là một quan niệm rất phổ biến của xã hội, ai cũng hiểu sinh con ra nuôi con để nó nên người, ai cũng hiểu đi học là để nên người, chứ không có ai nói đi học là để thành ông này ông nọ như bây giờ.
Chính vì mình lạc mất mục tiêu đó, lạc mất định hướng đó, mình lạc lối như thầy Hoàng Tụy nói mà dẫn đến hỗn loạn. Người ta nói là lệch chuẩn chứ thực ra là mất hết mọi chuẩn mực, không còn mọi chuẩn mực nào cả. Ai cũng biết ăn cắp là sai, ai cũng biết tham nhũng là tội ác, nhưng xung quanh, tất cả những điều đó đều đang diễn ra một cách bình thường và không hề bị trừng phạt thì làm sao nó có tác dụng giáo dục được. Khi tôi nói giáo dục của xã hội là tôi nói những điều đó. Nếu nó đã sai thì phải sửa thôi. Mà sửa ở mọi cấp độ, ở cấp độ nào mình làm chủ được thì mình chịu trách nhiệm về nó. Trong bối cảnh nào, nếu mình vẫn đeo đuổi mục tiêu sống để làm người thì mình sẽ biết cần làm thế nào.
Họ không chỉ im lặng, thờ ơ mà họ còn đồng lõa. Họ thực hiện bất cứ khi nào không bị ai đó dòm ngó sau lưng.
Bạn nói là vì họ vị kỷ, nhưng thực ra có phần là vì họ nhìn gần, nói như dân gian là “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”, tức là chưa thấy bản thân mình và gia đình mình sẽ trả giá như thế nào cho những thỏa hiệp đó.
Nếu mình thờ ơ trước những sai trái, nếu mình coi đó là chuyện chưa ăn thua gì tới mình, chưa đụng chạm gì tới mình, hay là nói “tôi bất lực không làm sao được”, thì rốt cuộc “tôi” sẽ là nạn nhân chịu tất cả những hậu quả đó, chứ “tôi” có thoát được đâu. Vì chúng ta đều cùng trên một con tàu mà. Nếu như chúng ta thờ ơ trước những điều đó hoặc chúng ta nói rằng chúng ta bất lực không làm gì cả, thì bây giờ ô nhiễm không khí chúng ta có phải thở không? Tai nạn giao thông kinh hoàng như thế, chúng ta có trở thành nạn nhân một ngày nào đó không? Bệnh tật và tất cả các thứ, chúng ta có cùng chia sẻ số phận đó hay không? Đất nước này đi về đâu, chúng ta có một mình thoát được hay không? Trừ khi là chúng ta chỉ chăm chăm một mục đích là đi lấy thẻ xanh ở đâu đó. Nhưng cái đó không phải trong tầm tay của mọi người, nên đôi khi chúng ta phải trả giá bằng thảm họa 39 người…
Cảm ơn bà vì cuộc trò chuyện.
Nghinh Xuân (thực hiện)
Xem thêm:
Cuối ngày làm việc với Công an huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai), người đàn…
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cell Metabolism (Chuyển hóa Tế bào) cho…
Các nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng số ca tử vong do ung thư…
Chính quyền Biden có thể công bố các hạn chế xuất khẩu mới sang Trung…
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đề cử cựu Tổng chưởng lý bang…
Ông Trump thông báo bổ nhiệm cựu quan chức Bộ Ngoại giao Alex Wong làm…