Sáng 23/1, TAND tỉnh Bắc Giang đã tuyên án 2 bị cáo trực tiếp gây nên oan sai cho ông Chấn với tổng mức hình phạt 20 tháng tù giam cho tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Bị cáo Trần Nhật Luật (cựu Phó giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang) nhận mức án 12 tháng tù giam. Bị cáo Đặng Thế Vinh (cựu trưởng phòng 10 VKSND tỉnh Bắc Giang) nhận mức án 8 tháng tù giam.
Đây là hai người trực tiếp gây nên án oan cho ông Nguyễn Thanh Chấn (55 tuổi, trú tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang), khiến ông Chấn bị kết án chung thân về tội giết người. Ông Chấn chỉ được thả tự do sau 10 năm ngồi tù, khi hung thủ thực sự ra đầu thú.
Trước đó, tại phiên xét xử được mở từ sáng ngày 19/1, đại diện VKSND tỉnh Bắc Giang giữ quyền công tố tại phiên tòa đã đề nghị chuyển tội danh từ làm “Sai lệch hồ sơ vụ án” sang tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” do không có cơ sở quy kết.
Đại diện VKS đề nghị HĐXX phạt bị cáo Vinh từ 8-10 tháng tù treo, phạt bị cáo Luật từ 12-15 tháng tù treo, theo khoản 2 Điều 285 BLHS.
Các mức án này thấp hơn so với khung hình phạt do đại diện VKS đề nghị (tối thiểu 3 năm tù) và càng thấp hơn so với khung hình phạt VKSND Tối cao truy tố (tối thiểu 7 năm tù).
Kết thúc phiên xét xử, Chủ tọa phiên tòa thay mặt HĐXX nhận định các bị cáo bị tuyên án vì tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, vào tháng 8/2003, sau khi nhận được tin báo về một vụ án mạng tại huyện Việt Yên, CQĐT Công an tỉnh Bắc Giang đã khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thu giữ dấu vết một bàn chân dính máu, một lưỡi dao nhọn đã mất cán dao.
Sau đó, CQĐT khởi tố vụ án. Ông Luật được phân công là điều tra viên thụ lý chính điều tra vụ án. Ông Vinh cũng được phân công kiểm sát điều tra, xét xử.
Các điều tra viên lấy mẫu vân chân của 16 nghi can (mẫu của ông Chấn do ông Luật phụ trách) gửi Phòng Kỹ thuật hình sự để kiểm tra, so sánh, truy nguyên dấu vết. Kết quả giám định 16 vết bàn chân không trùng với vết bàn chân dính máu tại hiện trường. Sau đó cán bộ Phòng Kỹ thuật hình sự thông báo bằng miệng cho các điều tra viên biết để không ra quyết định trưng cầu.
Với trách nhiệm là điều tra viên thụ lý chính, ông Luật đã không báo cáo kết quả giám định cho lãnh đạo mà đi đo kích thước bàn chân của ông Chấn, lập biên bản đưa vào hồ sơ vụ án, làm thay đổi bản chất vụ án. Đây là căn cứ để các cấp tòa kết tội ông Chấn.
Tháng 2/2004, sau khi vụ án kết thúc điều tra, ông Vinh phúc cung thì ông Chấn kêu oan, tố cáo các điều tra viên đánh đập, bức cung. Khi hoàn tất hồ sơ để chuyển sang TAND tỉnh Bắc Giang, ông Vinh đã tự ý rút bỏ hai biên bản hỏi cung có nội dung ông Chấn kêu oan và tố cáo các điều tra viên bức cung, dùng nhục hình.
Tháng 3/2004, tại phiên xử sơ thẩm, TAND tỉnh Bắc Giang tuyên án tù chung thân với ông Chấn về tội Giết người dù ông Chấn kêu oan, tố cáo bị ép cung.
Trước khi phiên phúc thẩm diễn ra, luật sư của ông Chấn đã nộp cho tòa nhiều chứng cứ chứng minh ông Chấn ngoại phạm. Tuy nhiên, cựu thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội Phạm Tuấn Chiêm (đang được tạm đình chỉ điều tra về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng) đã không nghiên cứu, đánh giá khách quan các chi tiết này.
Tại phiên phúc thẩm tháng 7/2004, ông Chấn tiếp tục kêu oan; luật sư của ông Chấn đã dẫn nhiều tình tiết mâu thuẫn, chưa đủ căn cứ để buộc tội bị cáo, đề nghị huỷ án sơ thẩm điều tra lại nhưng nhưng HĐXX không chấp nhận, tuyên y án sơ thẩm.
Theo VKSND Tối cao, Thẩm phán Chiêm đã thực hiện không đúng, không đầy đủ các quy định về chức trách, quyền hạn của chủ tọa phiên tòa trong việc đánh giá chứng cứ, vi phạm quy định.
Tuy nhiên, trong phần tranh luận, đại diện VKSND tỉnh Bắc Giang (được VKSND Tối cao ủy quyền công tố) cho rằng không có cơ sở quy kết hai bị cáo Luật, Vinh phạm tội làm sai lệch hồ sơ vụ án.
Theo đại diện VKS, chưa thể kết luận Luật có nhận được thông báo của Phòng Kỹ thuật hình sự về kết quả giám định dấu vân chân hay không, do đó, không có cơ sở để kết luận Luật đã không báo cáo lãnh đạo để đề xuất trưng cầu giám định. Ngoài ra, việc đo, in mẫu dấu chân của ông Chấn đưa vào hồ sơ cũng chưa đủ cơ sở để quy kết Luật phạm tội làm sai lệch hồ sơ.
Về phần bị cáo Vinh, khi biết ông Chấn phản cung, ông Vinh đã báo cáo lãnh đạo, đã đưa hai biên bản phúc cung, phản cung lưu vào hồ sơ kiểm sát. Việc không đưa hai biên bản này vào hồ sơ vụ án không phải là nguyên nhân dẫn đến việc ông Chấn bị oan.
Ngoài ra, đại diện VKS viện dẫn tháng 1/2016, ông Chấn có đơn thể hiện Vinh và Luật không cố ý làm sai lệch hồ sơ mà là do các điều tra viên nên xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho hai bị cáo này.
Theo đó, đại diện VKS đề nghị chuyển tội danh với hai bị cáo thành thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và đề nghị HĐXX phạt bị cáo Vinh 8-10 tháng tù treo, bị cáo Luật 12-15 tháng tù treo theo khoản 2 Điều 285 BLHS.
Chủ tọa phiên tòa – ông Ngô Quang Dũng đã thay mặt HĐXX nhận định: Trong quá trình điều tra, xét xử vụ án giết người xảy ra tại thôn Me, ông Luật là người chịu trách nhiệm chính trong việc điều tra ông Chấn.
Mặc dù, ông Lê Văn Dũng (Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang, cũng là người trực tiếp chỉ huy điều tra vụ án Nguyễn Thanh Chấn) và ông Luật không thừa nhận việc được cơ quan giám định thông báo về việc mẫu vân chân tại hiện trường có thể truy nguyên cá biệt. Nhưng theo lời khai của cán bộ, lãnh đạo phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bắc Giang đã có thông báo kết quả giám định cho cơ quan điều tra hình sự.
Mặt khác, khi cơ quan giám định thông báo bằng miệng với điều tra viên về dấu chân của ông Chấn không trùng khớp với mẫu dấu chân thu được tại hiện trường thì ông Luật đã không trưng cầu giám định và đã không làm tốt chức trách nhiệm vụ của mình trong việc thu thập chứng cứ gỡ tội và buộc tội.
Ông Vinh đã cố ý không đưa vào hồ sơ 2 bản hỏi cung với ông Chấn có nội dung ông Chấn kêu oan và tố cáo các điều tra viên bức cung nhục hình, bắt ông Chấn phải khai nhận.
Trong vụ án này, các bị cáo đều không làm tốt chức trách nhiệm vụ của mình, nhưng các bị cáo đều không có mâu thuẫn với ông Chấn, không có động cơ, mục đích làm oan sai cho ông Chấn nên không có căn cứ xác định các bị cáo có hành vi “Cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án”.
Do hành vi phạm tội của bị cáo Luật có tính chất nguy hiểm hơn nên phải chịu hình phạt là 12 tháng tù giam. Bị cáo Đặng Thế Vinh phải chịu mức hình phạt 8 tháng tù giam.
Nguyễn Quân (T/h)
Xem thêm:
Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…