Đại biểu (ĐB) Lưu Bình Nhưỡng cho rằng kết luận từ Bộ Công an và vấn đề ông phản ánh là hai việc khác nhau. “Cho nên không thể lấy vấn đề của Bộ công an để lý giải rằng tôi nghĩ sai và có phát biểu sai”.
Ngày 6/11, Đại biểu (ĐB) Lưu Bình Nhưỡng đã có thông tin phản hồi về báo cáo của Bộ Công an liên quan đến phát biểu “vi phạm của cơ quan điều tra là rất khủng khiếp”.
Theo đó, ĐB Nhưỡng khẳng định ông từ chối đính chính những gì đã nêu tại phiên chất vấn của Quốc hội.
Ông cho rằng những con số mà Bộ Công an đưa ra là để đánh giá về mức độ hoàn thành nhiệm vụ với công việc đó. Còn những điều ông phản ánh tại Quốc hội là đánh giá tỷ lệ vi phạm pháp luật của các cơ quan trong hoạt động tư pháp, điều này đã được nêu trong một phụ lục báo cáo riêng.
“Do đó, đây là hai cách nhìn nhận về hai vấn đề khác nhau, cho nên không thể lấy vấn đề của Bộ công an để lý giải rằng tôi nghĩ sai và có phát biểu sai về vấn đề này.
Tôi cho rằng trong quá trình công tác, lực lượng công an rất cố gắng, xử lý đến 12.000 tin tố giác. Nhưng theo báo cáo của Ủy ban Tư pháp trình trước Quốc hội thì một số chỉ tiêu của ngành vẫn chưa đạt yêu cầu.
Tôi khẳng định chỉ nêu về tỷ lệ so sánh vi phạm giữa các cơ quan trong hoạt động tư pháp. Cái này có tiêu đề, báo cáo đàng hoàng chứ không phải tự tôi nghĩ ra. Những vấn đề này nằm trong cùng một hệ quy chiếu. Có thể do tôi nói nhanh, chưa nói hết được vấn đề. Hôm sau, tôi nói lại rồi, chứ không bịa ra điều đó“ – ông Nhưỡng nói.
Còn liên quan đến việc tranh luận với ĐB Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An) tại Quốc hội, ĐB Nhưỡng cho hay “Tôi đưa ra ý kiến chất vấn nhưng không hề nhận được thông tin phản hồi của các trưởng ngành, đó là điều hết sức đáng tiếc.
Theo quy định khoản 2 điều 19 của Luật Hoạt động Giám sát Quốc hội, việc chất vấn là của quyền của đại biểu với các chủ thể được chất vấn theo quy định. Các chủ thể này có trách nhiệm trả lời, thậm chí có thể yêu cầu chúng tôi nêu ý kiến lại, giải trình hoặc cung cấp thông tin.
Câu chuyện chất vấn là câu chuyện của đại biểu với trưởng ngành, không phải câu chuyện tranh luận giữa đại biểu này với đại biểu khác, không phải quy trình thủ tục của 1 phiên thảo luận.
Đặc biệt, đại biểu này không có quyền chất vấn đại biểu khác, nếu chất vấn như thế là chưa hiểu gì về vấn đề chất vấn và các quy định chất vấn. Các đại biểu có thể tranh luận với nhau nhưng không được đại biểu này chất vấn đại biểu khác.
Chỗ này phải hết sức thận trọng. Với nghị trường, phải tuân thủ sự điều hành của chủ toạ. Khi chủ toạ yêu cầu các bên gặp nhau thì anh không nên giải quyết vấn đề cá nhân. Phải tôn trọng kỷ luật chung, tôn trọng pháp luật.
Đặc biệt, tôi đã cảnh báo, nếu là tài liệu mật thì không được phép công bố. Người làm công tác pháp luật, càng phải hết sức thận trọng. Có thể lúc này chưa gây hậu quả nhưng là vi phạm pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước” – ông Nhưỡng nêu quan điểm.
Trước đó, trên trang FB cá nhân, ĐB Nhưỡng cũng đã chia sẻ thông tin liên quan đến vụ việc. Trong đó, ông có viết:
“… Vừa qua, tôi phát biểu trên Hội trường Quốc hội về tỷ lệ vi phạm trong hoạt động tư pháp của cơ quan điều tra công an. Tôi nói điều đó với mục đích là mong muốn người đứng đầu ngành công an nước ta quyết liệt hơn để nâng cao hiệu quả điều tra phòng chống tội phạm, thực hiện chỉ tiêu Quốc hội giao; đồng thời chấn chỉnh, xử lý những sai phạm của một bộ phận cán bộ công an thoái hoá, biến chất; mà ngay nhiều cử tri là cán bộ, sỹ quan, chiến sỹ trong ngành công an trao đổi với tôi nói rằng không thể chấp nhận. Như các bạn đã biết câu chuyện về các sỹ quan cấp tướng trong ngành công an tiếp tay cho tội phạm; nhiều người vi phạm pháp luật bị xử lý về mặt đảng, thậm chí bị xử lý hình sự… Nỗi đau và sự xấu hổ càng trầm trọng khi mà người đứng đầu cơ quan điều tra phòng chống tội phạm, một người từng được xã hội tung hô, ca ngợi… cũng vướng vào đường dây phạm tội; người đứng đầu cơ quan phòng chống tội phạm công nghệ cao là chính là kẻ tòng phạm, bảo kê cho đường dây đánh bạc ngàn tỷ; rồi mới đây, tiếp tục lại có một số sỹ quan, kể cả cấp tướng sai phạm đã bị phát hiện, bị xử lý… Điều đó làm cho người dân không còn yên tâm, thiếu sự tin cậy với lực lượng chấp pháp…; lực lượng được quan tâm, ủng hộ, trang bị… để giữ cho dân yên, giờ lại là nỗi ám ảnh của người dân? Tình trạng bức cung, nhục hình, bỏ qua lời kêu than của người dân, sử dụng quyền lực người dân trao cho để vun vén lợi ích riêng; sử dụng nghiệp vụ được nhà nước đào tạo để làm những việc không chính đáng… Điều này báo chí, xã hội đều biết.
Với tư cách là người đại biểu hoạt động chuyên trách của Nhân dân, vì sự cẩn trọng và tôn trọng nguyên tắc pháp luật, sự điều hành của Chủ tịch nên tôi chỉ nêu tỷ lệ phần trăm vi phạm của cơ quan điều tra trong các lĩnh vực đã được thống kê trong báo cáo gửi cho ĐBQH nghiên cứu, thảo luận. Và tôi cũng đã cam đoan trước quốc dân đồng bào cử tri cả nước là tôi không nói sai, không hề bịa đặt, không sử dụng bất kỳ thông tin, tài liệu “ngoài luồng” và đặc biệt không áp đặt quan điểm cá nhân với dụng ý xấu xa. Cái mà tôi nói có tính chất “cửa miệng” là “khủng khiếp” chẳng qua là một thói quen bình thường trước một tỷ lệ vi phạm cao khi so sánh với các vi phạm của cơ quan khác trên lĩnh vực đó. Ngay cuối giờ chiều hôm đó, thật may mắn tôi đã được Chủ tịch Quốc hội cho phép trao đổi và tôi đã báo cáo rõ nguồn tài liệu, cách tính và so sánh của tôi để Chủ tịch biết. Các bạn hết sức thông cảm vì tôi không thể nói chi tiết hơn về việc đó, chỉ mong các bạn hãy tin đó là sự thật 100%, với độ chính xác cao với hai con số sau “dấu phẩy”…”.
Hoàng Minh
Xem thêm:
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…