Categories: Việt NamGiáo dục

Viện trưởng Viện Toán học: Thi trắc nghiệm 100% môn Toán là sai lầm

Nhân việc đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh (đoàn Hà Nội) nêu lại vấn đề “Thi trắc nghiệm” trên nghị trường Quốc hội, GS.TSKH Phùng Hồ Hải, Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam mới đây đã nhắc lại quan điểm được ông nêu lên trong bức thư gửi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từ năm 2018 đối với việc áp dụng mô hình thi trắc nghiệm hoàn toàn môn toán và nhiều môn khác trong kỳ thi THPT quốc gia.

GS.TSKH Phùng Hồ Hải, Viện trưởng Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. (Ảnh: tiasang.com.vn)

GS Phùng Hồ Hải cho hay những gì Hội Toán học Việt Nam khuyến cáo Bộ GD&ĐT khi áp dụng mô hình thi trắc nghiệm môn Toán trong kì thi THPT quốc gia vào cuối năm 2016 đã thành hiện thực.

“Hơn thế nữa, nhiều điều mà chúng tôi khi đó đã dự đoán nhưng vì sự cẩn trọng mà không dám tuyên bố cũng đã thành sự thực”, GS Hồ Hải cho hay.

Trong bức thư, GS Hải đã phân tích 5 điểm bất cập của mô hình thi trắc nghiệm môn Toán trong kỳ thi THPT quốc gia.

Theo ông Hải, đứng từ góc độ của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và một số nhân trí từ Viện Toán học, việc áp dụng mô hình thi trắc nghiệm khách quan được hiểu là để đáp ứng các tiêu chí hiện đại hóa quy trình thi cử, giảm tiêu cực, giảm chi phí, sự vất vả cho học sinh và phụ huynh, đồng thời đưa việc thi cử về cho địa phương quản lý; và hơn nữa, nó đã được sử dụng rộng rãi ở Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, GS Hải chỉ ra rằng ở Hoa Kỳ, mặc dù kỳ thi SAT được tổ chức hết sức chuyên nghiệp nhưng cũng chỉ có một tỷ lệ các trường đại học sử dụng kết quả của kỳ thi này để xét tuyển vào đại học, và kết quả này cũng chỉ được sử dụng như một tiêu chí thay vì là tiêu chuẩn xét tuyển.

Tại Việt Nam, việc áp dụng mô hình thi trắc nghiệm khó có thể áp dụng khi tỷ lệ đỗ của kỳ thi tốt nghiệp THPT bị khống chế lên tới 90% hoặc hơn thế, ở đa số các vùng miền trên cả nước, do bệnh thành tích.

Khống chế tỷ lệ đỗ khiến dùng biện pháp chống tiêu cực một cách không thích hợp lại khiến người ta phải tiêu cực mạnh hơn. Dùng biện pháp trắc nghiệm để tránh quay cóp chỉ khiến cho người ta quay cóp một cách công khai, trắng trợn hơn mà thôi – ông viết. “Những vụ việc đã được phát giác tại Hà Giang là minh chứng cho điều này”. “Và hệ lụy của nó không nằm ở trong mục tiêu đỗ tốt nghiệp nữa. Vì kỳ thi còn có mục tiêu thứ hai, là xét tuyển đại học.”

Ông cho hay khó khăn lớn nhất của thực tế Việt Nam là vấn đề ”con người” chứ không phải vấn đề ”cơ chế”, khi rất nhiều cơ chế rất hay ở nước ngoài có thể thất bại ở Việt Nam. Trong ngành giáo dục, đó là những thất bại của mô hình ”tuyển thẳng học sinh giỏi vào đại học”, của phong trào ”nói không với tiêu cực”, và đang thất bại với mô hình ”thi tốt nghiệp THPT”.

Theo GS Hải, những ứng dụng mới nhất của công nghệ chỉ giúp giải quyết phần nào bài toán ”con người”. Và bản chất của sự thành công này nằm ở hai chữ: công khai và có kiểm soát.

“Nhưng việc tổ chức kỳ thi THPT vừa qua, mặc dù sử dụng công nghệ, lại đi ngược với nguyên lý này. Toàn bộ quy trình xây dựng đề thi, tổ chức thi, coi thi, chấm thi đều không đáp ứng yếu tố công khai và có kiểm soát (mặc dù về hình thức thì có vẻ là có). Và hệ quả của sự mất kiểm soát, trên nền công nghệ, là sự gian lận có thể thực hiện ở phạm vi chóng mặt. Thay vì sửa điểm cho một vài học sinh, người ta sửa cho hàng trăm và mức sửa thực sự là không có giới hạn. Có những bài thi được sửa tới hơn một ngàn phần trăm.”

Đối với riêng môn Toán, theo GS Hải, việc áp dụng mô hình thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học ra sao thì chỉ những nhà Toán học, đang giảng dạy và nghiên cứu ở các trường đại học, viện nghiên cứu, mới có đủ uy tín và thẩm quyền quyết định. Bởi “hơn ai hết chúng tôi hiểu cần phải dạy Toán như thế nào, phải kiểm tra những nội dung gì trong Toán học”, ông viết. Tuy nhiên, theo ông Hải, việc áp dụng mô hình thi 100% môn Toán trong kỳ thi trên được quyết định mà không hề qua tham vấn các nhà Toán học.

Ông Hải cũng cho rằng việc tổ chức thi trắc nghiệm là hoàn toàn không đơn giản, nhất là đối với một kỳ thi trên diện rộng, mà cần một sự chuẩn bị lâu dài và kỹ lưỡng.

“Một đề thi trắc nghiệm tốt khi nó phù hợp được với số đông học sinh dự thi, theo nghĩa đánh giá, phân loại được học sinh ở mức độ chính xác nhất định. Vì thế, để kiểm định chất lượng một đề thi trắc nghiệm không có cách nào khác là kiểm tra bằng việc thử chúng trên số đông.

Không có một chuyên gia hay nhà giáo, thậm chí hàng chục hàng trăm nhà giáo, chuyên gia có thể khẳng định được một đề thi trắc nghiệm là phù hợp với một triệu thí sinh, chỉ có thể khẳng định điều đó qua việc thi thử với hàng trăm ngàn lượt thi. Đó là khó khăn lớn nhất của việc tổ chức thi trắc nghiệm nếu muốn phân loại học sinh.”  – ông viết.

Theo GS Hải, tác hại lớn nhất của kỳ thi liên quan tới mục tiêu thứ hai của nó, là xét tuyển vào đại học, khi kết quả của kỳ thi đang được sử dụng để xét tuyển vào các trường cao đẳng, đại học.

“Đối với môn Toán, năng lực đầu vào của các sinh viên hiện nay đang ở mức báo động. Do đối phó với kiểu thi tốt nghiệp, các em hoàn toàn không được chuẩn bị các kiến thức Toán học căn bản để có thể tiếp thu các kiến thức ở bậc đại học. Đó là chưa nói đến, do chất lượng đề thi mà người ta không chọn được đúng học sinh có năng lực. Ngoài ra, thời gian học đại học thì đang bị rút ngắn. Hệ quả là chúng ta sẽ phải cho ra trường những sinh viên không có mấy chữ trong bụng.”

GS Hải cho hay đã từng chứng kiến nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành Toán thuộc lòng các định lý Toán, và sự việc trở nên tệ hại khi các em nhớ nhầm vài chữ trong đó. Đây mới là điều đáng ngại nhất, vì sinh viên là nguồn lực quan trọng nhất trong kỷ nguyên cách mạng công nghệ lần thứ tư này.

Theo GS Hải, với mô hình thi trắc nghiệm, mỗi năm có khoảng 1 triệu thí sinh đã phải học phải ôn thi đáp ứng yêu cầu ”trắc nghiệm”. Các em học sinh cùng các thầy các cô “phải tìm đủ cách học thuộc lòng khái niệm, tập luyện các mẹo mực nhằm loại trừ các phương án để chọn phương án hợp lý nhất, luyện tập sử dụng máy tính cầm tay để giải phương trình, để tính tích phân mà không cần biết những nguyên lý cơ bản của Toán học, không hề được dạy về phương pháp tư duy Toán học.”

Theo GS Hải, đó là “sự lãng phí thời gian, tuổi trẻ của con em chúng ta” khi “Toán học phổ thông đối với đại đa số các em là một sự hành xác, cốt để đạt được điểm cao tại kỳ thi”.

Trước những thực tế này, người đứng đầu Viện Toán học Việt Nam cho rằng cần tổ chức gấp các hội thảo để rút kinh nghiệm công tác thi cử và đưa ra các biện pháp cho năm tới.

“Tất nhiên, hội nghị hội thảo của chúng ta xưa nay không thiếu, vấn đề là những ai tham dự và ý kiến có được lắng nghe? Tôi chỉ xin có một ý kiến, đối với những vấn đề liên quan tới chuyên môn Toán học, xin hãy lắng nghe những nhà Toán học”, GS Hải đề nghị trong thư.

Vào năm 2016, Hội Toán học đã nhiều lần bày tỏ quan điểm phản đối việc Bộ GD-ĐT quyết định môn Toán sẽ thi trắc nghiệm, bắt đầu từ kỳ thi THPT quốc gia năm 2017.

Tại thời điểm này, GS.TSKH Phùng Hồ Hải – phó chủ tịch, tổng thư ký Hội Toán học, cho biết các thành viên Ban chấp hành Hội Toán học đều cho rằng quyết định chuyển đổi hình thức thi môn Toán sang hình thức trắc nghiệm  là một quyết định gấp gáp.

Ông Hải cho biết mục tiêu của môn Toán không phải chỉ dạy cho học sinh kỹ năng cụ thể tính đạo hàm, tích phân mà quan trọng nhất là dạy cho học sinh phương pháp tư duy, khả năng đặt vấn đề, giải quyết vấn đề. Điều này không phải dành cho Toán học mà dành để học nhiều môn học khác sau khi thi học sinh có thể quên một số kiến thức cụ thể. Nếu áp dụng phương thức thi trắc nghiệm trong kỳ thi THPT đối với môn Toán sẽ phá hủy hoàn toàn mục tiêu đó.

Theo các nhà toán học, học sinh Việt Nam ra nước ngoài có thế mạnh về Toán. Vì vậy, việc thay đổi này có thể ảnh hưởng lâu dài trong mục tiêu truyền thụ tư duy Toán học.

Năm 2007, Bộ GD-ĐT đã phải dừng việc chuyển môn Toán sang thi trắc nghiệm do sự phản đối từ công luận, đặc biệt là từ cộng đồng Toán học, các nhà Toán học uy tín, có nhiều kinh nghiệm, trong đó có GS Hoàng Tụy.

Sơn Nguyên

Xem thêm:

Sơn Nguyên

Published by
Sơn Nguyên

Recent Posts

Thượng nghị sĩ Mike Rounds giới thiệu dự luật xóa bỏ Bộ Giáo dục Hoa Kỳ

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…

31 phút ago

Bộ Tài chính Mỹ nhắm mục tiêu vào Gazprombank của Nga với các lệnh trừng phạt mới

Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…

48 phút ago

Một trường tiểu học tồn hơn 185,5 triệu đồng tiền “nước uống” của học sinh

Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…

57 phút ago

Tổng thống Zelensky thừa nhận Ukraine không thể giành lại Crimea bằng vũ lực

Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…

1 giờ ago

Nga thông báo mục tiêu tấn công “ưu tiên” mới ở Ba Lan

Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…

1 giờ ago

Nhật Bản phát lệnh bắt cậu bé 14 tuổi người Trung Quốc vẽ bậy tại Đền Yasukuni

Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…

2 giờ ago