Về việc thi trắc nghiệm môn Toán trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng.

Tại sao bây giờ tôi mới nói về chuyện này?

Lý do rất đơn giản: Tôi nằm trong Ban Chấp hành Hội Toán học Việt Nam. Phản ứng cá nhân của tôi về việc thi trắc nghiệm môn Toán đương nhiên nhanh hơn phản ứng của toàn bộ BCH Hội Toán, vì tập thể đòi hỏi một sự đồng thuận. Tôi quan ngại sâu sắc cho tương lai của nền giáo dục Việt Nam, vì sự lạc đường của nó. Tuy nhiên, tôi không thể để xã hội nhầm lẫn giữa phản ứng cá nhân của một thành viên BCH Hội Toán với phản ứng của BCH. Vì thế, lúc đầu tôi im lặng. Sau đó, tôi rơi vào tâm trạng chán chường, không muốn nói nữa.

Bây giờ tại sao tôi lại nói về chuyện này?

Một mùa thi nữa lại đến, mùa thi 2018, lần thứ hai áp dụng trắc nghiệm Toán trong kỳ thi Tốt nghiệp Phổ thông và Tuyển sinh Đại học, Cao đẳng. Chưa bao giờ xã hội Việt Nam nhìn nền giáo dục với tâm trạng khắc khoải, bất an như hiện nay.

thi trac nghiem
Thay vì tìm tòi, trình bày quá trình dẫn tới đáp án, thí sinh chỉ cần chọn 1 trong 4 đáp án được đưa ra sẵn, điều này làm giảm năng lực lập luận của thí sinh. (Ảnh minh họa/Getty Images)

Chiều Thứ Năm 8/9/2016, Bộ GD-ĐT công bố dự thảo phương án thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017:
http://www.moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx…
Ngay lập tức, tranh cãi nổ ra trong xã hội về chuyện thi trắc nghiệm môn Toán.

Vì sao việc thi trắc nghiệm môn Toán không thể chấp nhận được?

Để phản biện một cách có hệ thống, cần vài Hội thảo Khoa học về chuyện này. Ở đây, chỉ xin đưa ra vài ý ngắn gọn. Không chỉ kiến thức mà lập luận toán học mới là linh hồn của môn toán, quyết định tác dụng của nó đối với xã hội. Một câu hỏi vẫn thường đặt ra cho các thầy cô chấm thi Toán: Đáp số đúng nhưng lời giải sai có được điểm hay không? Câu trả lời tất nhiên là “Không”. Tuy vậy, trong thi trắc nghiệm, hễ đáp số đúng là được điểm tối đa. Với mỗi câu hỏi, học sinh chỉ phải chọn 1 trong 4 “đáp số” được dọn sẵn, trong đó chỉ có 1 cái đúng. Rèn luyện bằng cách như thế, học sinh không có khả năng xây dựng, mô tả bất kỳ đối tượng nào. Thi trắc nghiệm sẽ khiến học trò không viết được thành câu, bởi vì họ không bao giờ phải viết bất cứ cái gì.

Có chuyện tiếu lâm thế này. Thủ trưởng bảo nhân viên: “Hãy xây dựng cho tôi một phương án để làm việc này”. Nhân viên trả lời: “Thủ trưởng hãy đưa cho tôi 4 phương án, tôi sẽ chọn 1 cái”. Thủ trưởng: “Tôi bảo anh xây dựng phương án kia mà”. Nhân viên: “Tôi không biết xây dựng, tôi chỉ được học cách chọn”.

Người ta thường viện dẫn thi trắc nghiệm ở Mỹ, thực hư thế nào? Ở Mỹ, SAT là cuộc thi trắc nghiệm do một tổ chức tư nhân điều hành, bao gồm 2 phần: đọc và viết tiếng Anh (tối đa 800 điểm), và Toán (tối đa 800 điểm). Kết quả của kỳ thi này không bắt buộc phải dùng đối với các đại học Mỹ.

Trong các đại học của Mỹ không hề có thi trắc nghiệm. Thi trắc nghiệm ở Mỹ chỉ áp dụng cho những trình độ và đẳng cấp rất thấp. Nhớ rằng, khác với nước ta, nước Mỹ đặt cái lọc tuyển chọn nhân sự ở thời điểm sau khi đương sự đã có bằng đại học. Việc xét tuyển vào đại học của Mỹ vì thế rất nhẹ nhàng. Nếu muốn học theo nước Mỹ, chúng ta có đủ can đảm copy toàn bộ hệ thống tổ chức của xã hội Mỹ hay không? Nếu chỉ học một mẩu thi trắc nghiệm, là hoạt động tư nhân và không bắt buộc, chẳng khác nào bảo rằng con voi giống… con đỉa.

Câu chuyện thi trắc nghiệm đã “thành công” ở ĐHQG Hà Nội thực chất thế nào? Trước khi triển khai cuộc thi trắc nghiệm “Đánh giá năng lực để tuyển sinh vào ĐHQG Hà Nội”, Khoa Toán – Cơ – Tin học thuộc ĐHQG HN và tất cả các giáo sư của Khoa đều không hề được tham vấn về chuyện này. Khi tiến hành kỳ thi trắc nghiệm đó, toàn bộ đề thi của cuộc thi không phải do Khoa Toán – Cơ – Tin học soạn. Những người tham gia ra đề đều chỉ làm với tư cách cá nhân. Ba năm 2014-2016 áp dụng cuộc kiểm tra trắc nghiệm để tuyển sinh vào ĐHQG Hà Nội, chất lượng sinh viên vào Khoa Toán – Cơ – Tin học, và sinh viên vào các ngành khoa học tự nhiên nói chung, kém đi trông thấy. Điều này có thể do nhiều nguyên nhân. Ít nhất, không có cơ sở để kết luận cuộc thi trắc nghiệm đánh giá năng lực ở ĐHQG HN có tác dụng gì tốt trong tuyển sinh.

thi trac nghiem
Làm toán là quá trình rèn tư duy lập luận, chứ không phải chỉ nhằm tìm ra một đáp án duy nhất. (Ảnh minh họa/Getty Image)

Ngay sáng Thứ Hai 12/9/2016, BCH Hội Toán họp khẩn cấp. BCH Hội Toán thống nhất cao về thái độ không thoả hiệp với việc thi trắc nghiệm Toán, đòi xét lại cơ sở khoa học của thi trắc nghiệm Toán, trước hết bằng các Hội thảo toàn quốc, để gây sức ép của toàn thể giới Toán học Việt Nam lên ý định thi trắc nghiệm. Đề nghị “hoãn thực hiện” chỉ là một sách lược mềm dẻo trước mắt.

BCH Hội Toán thảo luận rất thận trọng về việc gửi một bức thư phản biện. Bên cạnh nội dung phản biện, hai vấn đề sau đây được bàn kỹ: Chọn giọng văn nào, nhiệt huyết đanh thép, hay điềm đạm bình thản? Thư sẽ chỉ gửi Bộ trưởng GD-ĐT hay đồng thời gửi Thủ tướng và ông Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục , Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. BCH Hội Toán chúng tôi đã mất quá nhiều thời gian để soạn thảo bức thư.

Thứ Năm 22/9/2016, có tin vào tuần tiếp theo Bộ GD-ĐT sẽ chính thức chuyển “Dự thảo” thành “Phương án” thi năm 2017. BCH Hội Toán hiểu rằng việc bàn thảo thận trọng về câu chữ đã không còn ý nghĩa nữa, phải gấp rút hành động.

Thứ Sáu 23/9/2016, BCH Hội Toán học Việt Nam đã có thư chính thức gửi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về việc triển khai hình thức thi trắc nghiệm đối với môn Toán trong kỳ thi THPT 2017:
http://www.vms.org.vn/index.php….

Trong thư, BCH Hội Toán học Việt Nam chỉ nêu 2 đề nghị đơn giản:

(1) Hoãn việc áp dụng hình thức thi trắc nghiệm khách quan, tiếp tục thi tự luận đối với môn Toán trong kì thi xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh Đại học và Cao đẳng năm 2017.

(2) Tổ chức các Hội thảo quốc gia nhằm phân tích những luận cứ khoa học của việc nên hay không nên thi trắc nghiệm môn Toán; đánh giá hiệu quả thực tiễn của kì thi trắc nghiệm Toán tại một vài nơi của Việt Nam trong những năm qua. Trên cơ sở kết quả các Hội thảo quốc gia, sẽ quyết định có nên chuyển đổi thi môn toán từ tự luận sang trắc nghiệm hay không. Trong trường hợp giả định có chuyển đổi, cần một thời gian chuẩn bị hợp lý. 

BCH Hội Toán học Việt Nam trân trọng đề nghị có cuộc đối thoại giữa Bộ GD-ĐT và BCH Hội nhằm … đạt được sự đồng thuận xã hội…

Chiều Thứ Ba 27/9/2016, Bộ GD-ĐT mời BCH Hội Toán thảo luận về việc thi trắc nghiệm môn Toán. Về phía Bộ GD-ĐT, có ông Thứ trưởng phụ trách chuyện này và một số người giúp việc, chủ yếu là nhân viên các vụ của Bộ. Về phía BCH Hội Toán học Viêt Nam, có Tổng Thư ký, hai Phó Chủ tịch, và Phó Tổng thư ký Hội.

Mở đầu, Thứ trưởng để những người giúp việc trình bày chủ kiến của Bộ.

Đại diện BCH Hội Toán hỏi Thứ trưởng: Trong khi chuẩn bị Đề án này, Bộ GD&ĐT đã tham khảo ý kiến của những nhà Toán học nào, và đã được những ai trong số họ ủng hộ? Nếu coi việc thực hiện thi trắc nghiệm ở ĐHQG Hà Nội trong tuyển sinh như một bước thử nghiệm, câu hỏi trên được lặp lại: ĐHQG HN đã tham khảo ý kiến của những nhà Toán học nào, và đã được những ai trong số họ ủng hộ? Vì sao Khoa Toán – Cơ – Tin học, đơn vị duy nhất nghiên cứu và giảng dạy Toán ở ĐHQG HN không được tham vấn về chuyện này?

thi trac nghiem THPT
Chưa bao giờ xã hội Việt Nam nhìn nền giáo dục với tâm trạng khắc khoải, bất an như hiện nay. Ảnh: Học sinh trong một buổi sinh hoạt chung trên sân trường, tại Nha Trang, (Ảnh minh họa/Getty Images)

Thứ trưởng đã xin lỗi về việc Bộ GD&ĐT không tham vấn ý kiến các nhà Toán học trong khi chuẩn bị Đề án thi trắc nghiệm, cả khi thử nghiệm ở ĐHQG HN lẫn khi đem ra áp dụng trong cả nước.

Đại diện BCH Hội Toán chất vấn Thứ trưởng: BCH Hội Toán nêu ý kiến rất khiêm nhường, đề nghị Bộ GD-ĐT tạm hoãn kế hoạch Thi trắc nghiệm trong năm 2017. Tiến hành các Hội thảo quốc gia về chuyện này; trên cơ sở các kết luận của các Hội thảo ấy, sẽ quyết định có chuyển hình thức thi tốt nghiệp phổ thông sang trắc nghiệm hay không.

Thứ trưởng cương quyết từ chối đề nghị trên.

Suốt cuộc gặp mặt, hai bên giữ nguyên quan điểm của mình. Cuộc gặp mặt thẳng thắn nhưng không đạt được sự đồng thuận nào.

Tham gia cuộc họp, tôi nhận ra rằng lãnh đạo Bộ GD-ĐT chỉ muốn giải thích chủ kiến của Bộ, không có ý định tiếp thu phản biện của Hội Toán học Việt Nam.

Tôi nói với Thứ trưởng: “Từ nãy đến giờ tôi phát biểu với tư cách đại diện Hội Toán học Việt Nam. Nay xin có vài lời với tư cách cá nhân. Các anh là những người có quyền đưa ra những quyết sách. Nếu chọn quyết sách đúng, các anh có công, nếu chọn quyết sách sai, các anh sẽ có tội với dân tộc. Bộ GD-ĐT đã vài lần có những quyết định sai, chẳng hạn việc cải cách chữ viết vài chục năm trước. Cá nhân tôi dám đánh cuộc với anh rằng các anh sẽ thất bại, thậm chí vỡ trận, tối đa trong vòng 10 năm nữa, trong quyết sách cho thi tốt nghiệp phổ thông môn Toán bằng trắc nghiệm.

Tôi xin kể một câu chuyện lịch sử. Năm 1930, Nguyễn Thái Học ý thức được rằng cuộc khởi nghĩa Yên Bái sẽ thất bại, nhưng ông vẫn quyết định khởi nghĩa. Ông nói: “Không thành công cũng thành nhân”.

Hồi tôi còn nhỏ, học Sử, cô giáo theo sử quan Cộng sản, dạy tôi phê phán Nguyễn Thái Học rất nặng lời, cho rằng ông tỏ ra anh hùng cá nhân. Tuy nhiên, càng trưởng thành, tôi càng nhận ra rằng, đôi khi trong cuộc sống, nhất là khi quyền lực nằm trong tay người khác, còn mình chỉ có một tấm lòng, thì việc lựa chọn phải hành động, dù cầm chắc thất bại, theo tinh thần của Nguyễn Thái Học “Không thành công cũng thành nhân”, là lựa chọn chẳng những đúng, mà còn duy nhất đúng. Tôi thanh thản vì hôm nay tôi đã có một lựa chọn như thế.

Ngày 28/9/2016 Bộ GD-ĐT chính thức ban hành “Phương án tổ chức kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia năm 2017”, trong đó môn Toán thi trắc nghiệm: http://www.moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx…

Tôi buồn đến không muốn nói năng gì sau cuộc họp chiều Thứ Ba 27/9/2016 với đại diện Bộ GD-ĐT. Ngay chiều hôm ấy, các phóng viên của nhiều tờ báo uy tín xin phỏng vấn tôi về vấn đề này, nhưng tôi từ chối.

Còn nói gì nữa? Tôi đã bất lực, không góp phần cứu được đoàn tàu, dù tôi đang thấy nó chệch khỏi đường ray. Đành dằn lòng chờ vài năm, rồi nhặt nhạnh những mảnh vỡ của đoàn tàu.

Sự đời đã tắt lửa lòng,
Còn chen vào chốn bụi hồng làm chi.” – Nguyễn Du, Truyện Kiều

Theo Facebook GS Nguyễn Hữu Việt Hưng

(*) Phó Chủ tịch phụ trách Quan hệ Quốc Tế Hội Toán học Việt Nam, Trưởng Bộ môn Đại số – Hình học – Tôpô, ĐHQG Hà Nội.

Xem thêm: