PGS. TS Đỗ Duy Cường Viện trưởng, Viện Y học nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cùng các bác sĩ đánh giá biến chứng viêm phổi ở bệnh nhân sởi. (Ảnh: bachmai.gov.vn)
Bệnh viện Bạch Mai ghi nhận ca tử vong do sởi ở người lớn đầu tiên trong năm nay, trên nền bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và đái tháo đường.
Ngày 10/4, Viện Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết đã ghi nhận ca tử vong do bệnh sởi, là nam bệnh nhân N.Đ.H, 51 tuổi, trú tại Hà Nội.
Bệnh nhân có bệnh nền phổi tắc nghẽn mãn tính, đái tháo đường type 2, tăng huyết áp. Trước khi vào viện 3 ngày, bệnh nhân xuất hiện ho khan, sốt, khó thở, ban đỏ nổi từ mặt xuống thân mình.
Nam bệnh nhân được đưa vào nhập viện điều trị 4 ngày, sau đó khó thở tăng dần, được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực, Viện Y học Nhiệt đới Bệnh viện Bạch Mai với chẩn đoán sởi biến chứng viêm phổi, được xử trí thở HFNC.
Sau đó, bệnh nhân khó thở tăng dần, được đặt ống nội khí quản, thở máy. Sau 2 ngày điều trị hồi sức, bệnh nhân xuất hiện sốc nhiễm khuẩn, ngừng tuần hoàn, các bác sĩ cấp cứu, bệnh nhân có mạch trở lại. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân nhiễm vi khuẩn đa kháng.
Tình trạng của bệnh nhân ngày một nặng lên, các bác sĩ đã tiến hành lọc máu và chạy ECMO (tim phổi nhân tạo) để cứu tính mạng người bệnh. Tuy nhiên, bệnh nhân không đáp ứng và đã không qua khỏi.
Đây là ca tử vong do bệnh sởi ở người lớn đầu tiên ở Việt Nam trong năm 2025.
Trước đó, giữa tháng 3, Hà Nội cũng ghi nhận một bé gái 4 tuổi tử vong do sởi, với tiền sử chưa tiêm vắc-xin.
Thống kê, từ cuối năm 2024 đến nay, Viện Y học Nhiệt đới Bạch Mai đã khám, điều trị cho hàng trăm bệnh nhân mắc sởi, trong đó ghi nhận nhiều ca diễn biến nặng với biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, tăng men gan, một số ca phải thở máy xâm nhập, can thiệp ECMO.
Các chuyên gia phân tích sởi không chỉ ghi nhận ở trẻ em mà cả người lớn, đặc biệt là nhóm có bệnh nền hoặc miễn dịch suy giảm.
Đối với người lớn, khi hệ miễn dịch giảm thì cũng cần được tiêm nhắc lại. Nếu chưa tiêm hoặc không nhớ rõ lịch sử tiêm chủng, cần tiêm nhắc lại vaccine sởi-quai bị-rubella (MMR).
Từ đầu năm đến ngày 20/3, Bộ Y tế cho biết cả nước ghi nhận 42.488 ca nghi sởi, trong đó 4.027 ca dương tính, 5 tử vong (TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước).
Số ca mắc 3 tháng đầu năm nay bằng tổng số ca của cả năm 2024. Đa số trường hợp mắc bệnh ở nhóm trẻ em từ 9 tháng tuổi đến dưới 15 tuổi (72,7%).
Bệnh sởi do virus sởi gây ra, lây lan nhanh qua đường hô hấp; thường bùng phát mạnh vào mùa Đông – Xuân, dễ trở thành dịch.
Trẻ em, người suy giảm miễn dịch có nguy cơ cao gặp biến chứng nặng như viêm phổi, viêm não, thậm chí tử vong.
Văn Duy
Giới quan sát cho rằng quyền lực của ông Tập đã bị giảm, nội bộ…
Chiến tranh thương mại Mỹ Trung gần như chặn đứng nguồn hàng từ Trung Quốc,…
Ít nhất 26 người Mỹ bị bắt làm con tin ở nước ngoài đã được…
Chính quyền Trump sẽ chấm dứt tư cách bảo vệ đối với hàng nghìn người…
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump khuyên các quốc gia cho rằng mức thuế quan…
Trung tâm hành chính công tỉnh Quảng Ngãi là nơi tập trung giải quyết gần…