Categories: Thời sựViệt Nam

Việt Nam khẳng định án tù với Nhóm Báo Sạch là hợp pháp

Trước câu hỏi của phóng viên báo quốc tế, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố các bị can trong vụ án vừa xử sơ thẩm liên quan đến fanpage Báo Sạch không thể được coi là nhà báo, quá trình điều tra và xét xử là “đúng trình tự, thủ tục, pháp luật của Việt Nam.”

Ông Trương Châu Hữu Danh bên cạnh bà Nguyễn Thị Loan – mẹ của Hồ Duy Hải sau phán quyết bác kháng nghị, y án tử hình đối với Hồ Duy Hải, chiều ngày 8/5/2020. (Ảnh: Lê Hoàng/Báo sạch/Facebook)

Tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam, chiều 4/11, phóng viên nước ngoài đã đặt câu hỏi: “Cách đây vài ngày có 5 nhà báo vì điều hành một trang fanpage có tên Báo Sạch trên Facebook đã bị bị tòa án Việt Nam buộc tội “đăng tải những thông tin xuyên tạc” và tuyên án tù” và đề nghị Bộ Ngoại giao Việt Nam đưa ra nhận định về việc này.

Phản hồi lại câu hỏi, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao – bà Phạm Thu Hằng khẳng định rằng chính sách nhất quán của Việt Nam tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí.

“Điều này được quy định cụ thể trong Hiến pháp, các văn bản liên quan và được thể hiện rõ ràng qua sự phát triển mạnh mẽ của báo chí Việt Nam trong thời gian qua. Những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam đều được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao” – bà Hẳng nói.

Bà Hằng khẳng định: “Như các quốc gia khác, tại Việt Nam, các hành vi lợi dụng quyền con người để vi phạm pháp luật đều bị xử lý theo quy định pháp luật”, cho rằng vụ việc về nhóm Báo Sạch “đã được báo chí Việt Nam đưa tin công khai, cho thấy quá trình điều tra, xét xử theo đúng trình tự, thủ tục, pháp luật của Việt Nam”.

Đáng lưu ý, đại diện phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam phủ định tư cách nhà báo của nhóm Báo Sạch, căn cứ trên việc họ từng bị tước thẻ nhà báo, dù không nêu cụ thể hoàn cảnh bị tước thẻ.  “Ngoài hành vi bị xét xử trong vụ án này, bị cáo từng bị tước thẻ nhà báo từ nhiều năm trước vì có hành vi sai phạm gây ảnh hưởng đến cơ quan, doanh nghiệp và người dân. Họ không thể được coi là nhà báo”, bà Hằng nói.

Vào chiều 28/10, sau 2 ngày xét xử và 1 ngày nghị án, TAND huyện Thới Lai (TP Cần Thơ) tuyên phạt 5 bị cáo trong nhóm “Báo Sạch” tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Ông Trương Châu Hữu Danh bị tuyên án 4 năm 6 tháng tù; các ông Đoàn Kiên Giang và Lê Thế Thắng cùng bị tuyên 3 năm tù; các ông Nguyễn Phước Trung Bảo, Nguyễn Thanh Nhã cùng bị tuyên 2 năm tù.

Tòa tuyên hình phạt bổ sung cấm cả 5 người hành nghề báo chí trong 3 năm kể từ ngày chấp hành xong án phạt tù.

Một ngày sau bản án được tuyên, ngày 29/10, Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ – ông Ned Price ra thông cáo nói rõ: “Chúng tôi hiểu rằng nhóm nhà báo này tập trung  điều tra về tham nhũng, và đây không phải là hành vi tội phạm. Năm bản án là bản án mới nhất trong xu hướng giam giữ và kết án đáng lo ngại đối với các nhà báo và công dân Việt Nam thực hiện các quyền tự do ngôn luận và báo chí của họ, đã được ghi trong Hiến pháp của Việt Nam.”

“Hoa Kỳ kêu gọi chính quyền Việt Nam hãy bảo vệ những quyền tự do đó, trả tự do cho 5 phóng viên Nhóm Báo Sạch và tất cả những ai bị bắt giữ một cách bất công và hãy cho phép mọi cá nhân tại Việt Nam tự do bày tỏ quan điểm của mình mà không sợ bị trả thù” – theo thông cáo của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Ủy Ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) vào ngày 1/11 phát thông cáo từ Bangkok (Thái Lan), lên án những mức án tù nặng nề mà Việt Nam đưa ra đối với 5 thành viên thuộc nhóm Báo Sạch với cáo buộc tội chống nhà nước, kêu gọi cơ quan chức năng Việt Nam trả tự do cho 5 người này và ngưng đàn áp các thành viên của báo chí.

Đại diện Cấp cao của CPJ tại khu vực Đông Nam Á – ông Shawn Crispin nhận định: “Việc kết án tù các nhà báo Trương Châu Hữu Danh, Đoàn Kiên Giang, Lê Thế Thắng, Nguyễn Phước Trung Bảo và Nguyễn Thanh Nhã là cuộc tấn công thô bạo khác nữa đối với quyền tự do báo chí tại Việt Nam”. CPJ cho hay đã gửi email cho Bộ Công an Việt Nam nhưng không nhận được phản hồi.

Trong bảng xếp hạng 2021 về tự do báo chí trên thế giới của Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) công bố hồi tháng 4/2021, Việt Nam đứng thứ 175 trên tổng số 180 quốc gia. Đây là năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam bị xếp thứ 175 trong báo cáo này của RSF.

Nguyễn Quân

Xem thêm:

Nguyễn Quân

Published by
Nguyễn Quân

Recent Posts

Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM bị khởi tố

Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…

9 phút ago

Vụ án UFO lớn nhất Trung Quốc: 3 lần mất tích bí ẩn

Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…

19 phút ago

Ông Kim Jong Un cáo buộc Hoa Kỳ gây căng thẳng, cảnh báo về chiến tranh hạt nhân

Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…

24 phút ago

Thượng nghị sĩ Mike Rounds giới thiệu dự luật xóa bỏ Bộ Giáo dục Hoa Kỳ

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…

58 phút ago

Bộ Tài chính Mỹ nhắm mục tiêu vào Gazprombank của Nga với các lệnh trừng phạt mới

Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…

1 giờ ago

Một trường tiểu học tồn hơn 185,5 triệu đồng tiền “nước uống” của học sinh

Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…

1 giờ ago