Giới chức tỉnh Lâm Đồng cho biết vắc-xin viêm da nổi cục Navet-Lpvac của Công ty cổ phần Thuốc thú y trung ương (Navetco) lần đầu tiên dùng cho bò sữa ở Lâm Đồng.
Ông Hoàng Sỹ Bích, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, hôm 13/8 xác nhận toàn bộ số bò sữa mắc bệnh tiêu chảy đều nằm trong số bò sữa được tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm da nổi cục và loại vắc-xin này lần đầu sử dụng tại Lâm Đồng.
Về nguyên nhân bò chết hàng loạt, ông Bích cho biết đang được các cơ quan chuyên môn khẩn trương xác định. Dự kiến, trong tuần này sẽ có kết quả chính thức.
Nếu nguyên nhân do vắc-xin gây ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng sẽ có văn bản đề nghị đơn vị cung cấp vắc-xin bồi thường cho người dân.
Theo ông Bích, việc tổ chức đấu thầu vắc-xin được triển khai đảm bảo quy định, vắc-xin tiêm cho bò đã được cơ quan chuyên môn phê duyệt sử dụng. Trước đó, loại vắc-xin này cũng đã được tiêm cho hơn 1.000 con bò sữa ở Long An và 1.000 bò sữa ở Thái Nguyên.
Loại vắc-xin phòng bệnh viêm da nổi cục được tiêm cho đàn bò sữa ở Lâm Đồng là vắc-xin nhược độc đông khô NAVET-LPVAC của Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương NAVETCO (trụ sở tại Thuận An, tỉnh Bình Dương). Đây là lần đầu tiên loại vắc-xin này được triển khai tiêm ở tỉnh Lâm Đồng.
Năm 2024, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng) làm chủ đầu tư gói thầu mua sắm hóa chất phòng, chống dịch bệnh trên động vật năm 2024 trị giá hơn 13,6 tỷ đồng; trong đó có vắc-xin, phòng bệnh viêm da, nổi cục trên trâu bò. Liên danh nhà thầu gồm 5 doanh nghiệp Navetco – Amavet – IVRD – Vetvaco – Cenpharco tham dự và trúng thầu.
Theo ông Bích, từ cuối tháng 7/2024 đã phát sinh bệnh tiêu chảy ở đàn bò sữa tại huyện Đức Trọng, Đơn Dương và Lâm Hà.
Luỹ kế đến 16h ngày 12/8/2024, đã có 5.350 con bò phát bệnh, 237 con bị chết. Trong số đó, huyện Đơn Dương có 2.923 con phát bệnh, 172 chết; huyện Đức Trọng có 2.392 con phát bệnh, 63 chết; huyện Lâm Hà 35 con phát bệnh, 2 con chết.
Cũng theo ông Bích, hàng năm đều xảy ra dịch tiêu chảy trên đàn gia súc, nhưng việc dẫn tới hàng trăm con bò sữa bị chết như thời gian qua là lần đầu.
Hiện tượng bò sữa chết bắt đầu xuất hiện từ ngày 26/7 ở xã Quảng Lập (huyện Đơn Dương), sau đó xảy ra ở nhiều địa phương khác trên 3 huyện.
Trước đó, theo nhận định ban đầu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, qua kiểm tra lâm sàng ghi nhận bò mắc bệnh tiêu chảy có thể do thời tiết tại huyện Đơn Dương và huyện Đức Trọng mưa nhiều trong suốt mấy tuần, môi trường ẩm ướt, kết hợp sức đề kháng của bò giảm nên sau khi tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm da nổi cục đã tạo điều kiện vi sinh vật cơ hội tấn công gây rối loạn đường tiêu hóa.
Thế nhưng, người dân nuôi bò khẳng định rằng nguyên nhân bò bị tiêu chảy rồi chết liên quan tới việc tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm da nổi cục, bởi phần lớn bò tiêm vắc-xin đều bị bệnh, còn bò không tiêm vẫn khoẻ mạnh.
Mỹ sẽ xem xét việc điều chỉnh chiến lược răn đe hạt nhân của nước…
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham cho biết Ukraine có khoáng sản đất hiếm trị giá…
Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa được thành lập để tiếp nhận nguồn viện…
Chứng khoán có dấu hiệu hồi phục nhưng thanh khoản vẫn duy trì ở mức…
Bắc Kinh đang chuẩn bị trở thành nước nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân uranium…
Vì đại diện và biện hộ cho nhiều người tập Pháp Luân Công, ông Vương…