Cơ quan Cảnh sát điều tra phát lệnh truy nã Phó giám đốc Eximbank chi nhánh TP.HCM Lê Nguyễn Hưng.
Ngày 24/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C44 – Bộ Công an) cho biết cơ quan này đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Lê Nguyễn Hưng – nguyên Phó giám đốc Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) chi nhánh TP.HCM để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cơ quan CSĐT xác định ông Hưng đã xuất cảnh khỏi lãnh thổ Việt Nam sau khi chiếm đoạt tiền của một khách hàng gửi tại Eximbank chi nhánh TP.HCM.
Sau khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can, cơ quan điều tra đã phát lệnh truy nã quốc tế ông Hưng.
Ông Lê Nguyễn Hưng sinh năm 1971 tại Đồng Nai, có hộ khẩu thường trú tại phường Bình An, thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương). Làm việc tại Eximbank hơn 20 năm và trải qua nhiều vị trí, chức vụ, ông Hưng được lãnh đạo ngân hàng và nhân viên rất tin tưởng.
Hôm 22/2, lãnh đạo Ngân hàng Eximbank công bố thông tin liên quan đến việc ông Lê Nguyễn Hưng chiếm 245 tỷ đồng của khách hàng rồi bỏ trốn ra nước ngoài.
Đại diện Eximbank cho hay khách hàng bị mất 245 tỷ đồng là bà C.T.B., là khách hàng thân thiết của Eximbank, do gửi số tiền lớn vào ngân hàng nên được chăm sóc theo tiêu chuẩn khách hàng VIP.
Ông Lê Nguyễn Hưng – Phó giám đốc chi nhánh TP.HCM là người trực tiếp thực hiện các giao dịch với bà B. Lợi dụng sự tin tưởng của khách hàng, ông Hưng nhiều lần đến nhà riêng của bà B. để trình bày những khoản đã tất toán dựa theo kỳ hạn gửi. Tuy nhiên, trên thực tế, ông Hưng đã làm giả văn bản người được ủy quyền để rút tiền từ tài khoản của bà B. Cuối năm 2017, nghi ngờ mình bị lừa đảo, bà B. tiến hành đối chiếu số dư sổ tiết kiệm thì phát hiện hơn 245 tỷ đồng trong các tài khoản đã biến mất.
Bà B. đã làm việc với Tổng giám đốc Eximbank và trình báo với Cơ quan Cảnh sát điều tra C44. Đầu tháng 2/2018, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại ngân hàng Eximbank chi nhánh TP.HCM.
Theo kết luận của cơ quan điều tra, ông Hưng đã lấy tiền từ năm 2014 ở nhiều thời điểm khác nhau và ở nhiều sổ tiết kiệm khác nhau của bà B., kéo dài đến năm 2016. Cuối năm 2016, sự việc vỡ lở.
Thông tin về việc vì sao lại có chữ ký thật của bà B. trên giấy ủy quyền, ông Lê Văn Quyết – Tổng giám đốc Eximbank cho hay đây là các chữ ký sẵn của bà B. vì bà là khách hàng VIP khi có số tiền gửi rất lớn, được ngân hàng chăm sóc đặc biệt.
Sau khi có kết luận điều tra, bà B. đã đến làm việc với ngân hàng và mong muốn ngân hàng sớm trả tiền. Tuy nhiên, phía ngân hàng cho hay dù rất chia sẻ mong muốn của bà B. và sự việc cũng đã kéo dài khá lâu nhưng đây là số tiền rất lớn, và chữ ký trên giấy ủy quyền được C44 giám định là chữ ký thật nên Eximbank khó trả tiền ngay cho bà.
Theo đại diện của Eximbank, kết luận của cơ quan điều tra về mặt pháp lý không phải là phán quyết cuối cùng. Bản thân Hội đồng quản trị ngân hàng cũng khó giải quyết vụ việc nếu chỉ dựa trên kết luận của cơ quan điều tra, hai bên cần sớm phối hợp để đưa vụ việc ra tòa thực hiện theo đúng trình tự tố tụng. Khi tòa án có phán quyết Eximbank có trách nhiệm trả ngay số tiền này, ngân hàng sẽ trả ngay cho khách hàng.
Tuy nhiên, bà B. không đồng ý với phương án đưa vụ việc ra tòa như đề xuất của Eximbank vì cho rằng việc này sẽ gây ra nhiều hao tổn về sức lực và tiền của cho cả hai bên. Do vậy, bà mong muốn được giải quyết vụ việc trong hòa bình và được tất toán sổ tiết kiệm để lấy lại tiền của mình.
Nam Phong
Xem thêm:
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…