Liên quan vụ ngộ độc tập thể sau ăn bánh mì ở Đồng Nai, kết quả xét nghiệm cho thấy đa phần các mẫu bệnh phẩm và nguyên liệu từ tiệm này bị nhiễm vi khuẩn Salmonella.
Chiều 7/5, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho biết đã có kết quả xét nghiệm mẫu thực phẩm trong vụ ngộ độc bánh mì ở TP. Long Khánh làm hơn 560 người phải nhập viện điều trị.
Theo phân tích, đa phần các mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân, mẫu nguyên liệu thực phẩm lấy từ tiệm bánh mì bị nhiễm vi khuẩn Salmonella. Ngoài ra, một số mẫu khác nhiễm khuẩn E.coli và một số vi khuẩn khác.
Trước đó, ngày 6/5, theo thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM, bệnh viện cũng tìm thấy vi khuẩn Salmonella trong mẫu bệnh phẩm của bệnh nhi P.H.M. (14 tuổi, một trong những bệnh nhân của vụ ngộ độc sau khi ăn bánh mì tại Long Khánh).
Theo thông tin ban đầu, ngày 30/4, tiệm bánh mì Băng (đường Trần Quang Diệu, khu phố 2, phường Xuân Bình, TP. Long Khánh) đã bán hơn 1.000 ổ bánh mì thịt cho khách hàng.
Đến sáng 1/5, nhiều người trước đó đã ăn bánh mì của tiệm Băng có triệu chứng tiêu chảy, nôn ói nên nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh.
Sau khi nhận được thông tin, cơ quan chức năng đã kiểm tra cơ sở bánh mì này.
Thời điểm kiểm tra, cơ sở này không có Giấy phép kinh doanh, không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Các lực lượng chức năng đã lấy mẫu thực phẩm tại tiệm bánh mì gồm: thịt nguội, dưa muối chua, chả lụa, thịt heo đã qua chế biến, pate gửi kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm tại Viện Y tế công cộng TP.HCM.
Tại tiệm bánh mì này có 4 người làm việc trực tiếp không có Giấy xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, không có Giấy khám sức khỏe.
Ngày 7/5, UBND TP. Long Khánh đã chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra.
Sáng 7/5, còn 124 bệnh nhân nằm theo dõi tại bệnh viện Long Khánh và bệnh viện Cao su Đồng Nai. Tất cả đều ổn định không có dấu hiệu nặng. Riêng ca nặng ở Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM vẫn đang theo dõi, chưa có chuyển biến. Các ca ở bệnh viện Nhi Đồng Nai đều ổn định, một ca nặng đã có dấu hiệu hồi phục tích cực.
Vụ ngộ độc tập thể này đã khiến tổng cộng 568 người phải nhập viện khám và điều trị.
Vi khuẩn Samonella có trong thực phẩm, nguồn nước ô nhiễm. Vi khuẩn này có thể gây ra bệnh tiêu chảy, thường xuất hiện qua đường ăn uống. Khi xâm nhập vào cơ thể, Salmonella sẽ sinh ra độc tố làm tổn thương niêm mạc ruột, dẫn đến các triệu chứng như: đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy. Thông thường, thời gian ủ bệnh khi nhiễm Salmonella là từ 6-72h sau khi ăn. Khoảng từ 18-36h người nhiễm sẽ xuất hiện các triệu chứng như: đau quặn bụng, tiêu chảy, ớn lạnh, sốt, buồn nôn, ói mửa. Các triệu chứng này thường kéo dài từ vài ngày đến một tuần, trong đó, tiêu chảy có thể kéo dài tới 10 ngày. Nhiều trường hợp có thể bị biến chứng nặng nếu nhiễm Salmonella lan rộng, xuyên qua ruột, có thể dẫn đến tử vong. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WTO), ngộ độc Salmonella có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như: mất nước nặng, suy đa cơ quan, thậm chí tử vong. Đặc biệt, trẻ em và người già là những đối tượng dễ bị ảnh hưởng nặng nề bởi ngộ độc Salmonella do hệ miễn dịch của họ còn yếu. Vi khuẩn Salmonella thường có trong thịt gia súc, gia cầm sống hoặc chưa được nấu chín. Ngoài ra, vi khuẩn này cũng có thể lây nhiễm qua rau củ quả chưa được rửa sạch hoặc sữa chưa được tiệt trùng. Theo các chuyên gia, để phòng ngừa ngộ độc Salmonella, người dân cần lưu ý ăn chín, uống chín, đặc biệt là thịt gia súc, gia cầm, trứng và hải sản; rửa sạch tay trước khi chế biến và ăn uống; rửa sạch rau củ quả trước khi ăn; bảo quản thực phẩm đúng cách. |
Khánh Vy
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…