Vụ án Vạn Thịnh Phát là một vụ án kinh tế đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Việt Nam. Tòa triệu tập 3000 người tham gia tố tụng, trong đó gồm các bị cáo và 200 luật sư.
Sáng nay (ngày 5/3) truyền thông trong nước đồng loạt đưa tin TAND TP.HCM mở phiên tòa xét xử Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan cùng 85 bị cáo liên quan.
Sau khi chủ tọa đã đọc xong quyết định xét xử, phiên tòa bắt đầu phần kiểm tra sự có mặt của các bị cáo, người tham gia tố tụng. Có 78 bị cáo có mặt tại phiên tòa.
Tại phần kiểm tra lý lịch, bị cáo Lan cho biết tinh thần ổn định. Đồng thời khai báo về nhân thân, gia đình. Bị cáo Trương Mỹ Lan cũng cho biết bà bị bắt giữ vào khoảng 20h30 ngày 6/10/2022, khi đang ngoài đường. Trước ngày hầu tòa 2 tuần, bị cáo đã được tống đạt bản cáo trạng truy tố của VKS…
Còn bị cáo Chu Lập Cơ (chồng bà Lan) được các phiên dịch dịch lại. Bị cáo Chu Lập Cơ cho hay sức khỏe ổn định.
Tại phiên tòa, bị cáo Trương Mỹ Lan bị xét xử về 3 tội danh là “Đưa hối lộ”, “Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng” và “Tham ô tài sản”. Gần 60 bị cáo là cựu lãnh đạo, cán bộ SCB và Ngân hàng Nhà nước (NHNN); 3 cựu cán bộ Thanh tra Chính phủ và 1 cựu cán bộ Kiểm toán Nhà nước bị xét xử về các tội “Tham ô tài sản”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng”.
Trong số 86 bị cáo bị xét xử tại phiên tòa có 5 bị cáo bỏ trốn và sẽ bị xét xử vắng mặt gồm: Đinh Văn Thành (cựu Chủ tịch HĐQT SCB), Nguyễn Thị Thu Sương (cựu Chủ tịch HĐQT SCB), Trầm Thích Tồn (cựu thành viên HĐQT SCB), Chiêm Minh Dũng (cựu Phó Tổng giám đốc SCB) và Nguyễn Lâm Anh Vũ (cựu Phó Giám đốc Chi nhánh Bến Thành của SCB). Các bị cáo này đều bị xét về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, các hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” và đều được có luật sư bào chữa.
Trong phiên tòa này, TAND TP.HCM đã triệu tập khoảng 3.000 người tham gia tố tụng. Trong đó có các bị cáo, 200 luật sư bào chữa cho các bị cáo và bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan. Số người còn lại hầu hết là đại diện tổ chức và cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Phiên tòa do thẩm phán Phạm Lương Toản (Chánh tòa Hình sự, TAND TP.HCM) làm chủ tọa. Hội đồng xét xử (HĐXX) ngoài Thẩm phán Phạm Lương Toản còn có các thẩm phán thứ hai, thẩm phán dự khuyết và các hội thẩm nhân dân. Thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động xét xử là 10 Kiểm sát viên thuộc Viện KSND Tối cao và Viện KSND TP.HCM.
Những người được triệu tập tới phiên xử có hơn 2.400 người liên quan gồm: Nhóm người là các cá nhân thuộc SCB (316 người); nhóm người liên quan là các cá nhân đứng tên công ty, đứng tên vay và đứng tên các tài sản thế chấp tại SCB (1.153 người); nhóm người liên quan là các pháp nhân đứng tên vay tiền, nhận tiền tại SCB (692 người); nhóm người liên quan là các cá nhân tại NHNN (42 người) và nhóm người liên quan khác (201 người). Tòa cũng triệu tập một số người phiên dịch cho bị cáo Chu Nap Kee Eric (chồng bị cáo Trương Mỹ Lan) có quốc tịch Trung Quốc.
Bị hại trong vụ án được xác định là Ngân hàng SCB và bị cáo Trương Mỹ Lan ở vụ bị bị cáo Nguyễn Cao Trí (cựu Chủ tịch Tập đoàn giáo dục Văn Lang) lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt 1.000 tỷ đồng.
Trong quá trình xét xử vụ án, HĐXX làm việc tại phòng xử án A của TAND TP.HCM. Đây cũng là nơi đại diện VKS tham gia phiên tòa làm việc và 81 bị cáo cũng được bố trí hầu tòa tại phòng xử án này.
Các luật sư, người liên quan được bố trí ở phòng xử án B và khoảng trống giữa 2 phòng xử án A và B, theo dõi quá trình xét xử qua màn hình truyền trực tiếp từ phòng xét xử A.
Đại diện cơ quan báo chí và phóng viên đưa tin phiên tòa sẽ theo dõi qua màn hình tivi từ 1 phòng làm việc trong khuôn viên tòa án. Số người còn lại theo dõi qua màn hình truyền trực tiếp từ phòng xử án đến Trung tâm báo chí TP.HCM (bên ngoài tòa án). Các phóng viên và luật sư được tòa án bố trí máy tính để sử dụng, tác nghiệp.
Theo cáo trạng, bị cáo Trương Mỹ Lan cùng nhiều đồng phạm đã thực hiện chuỗi hành vi gồm: tuyển chọn, bố trí nhân sự thân tín của mình vào các vị trí chủ chốt tại Ngân hàng SCB, thành lập một số đơn vị thuộc ngân hàng SCB chuyên trách cho vay, giải ngân theo yêu cầu của bà Lan; thành lập, sử dụng hàng ngàn công ty “ma”, thuê nhiều cá nhân; cấu kết với các cá nhân đứng đầu nhiều doanh nghiệp liên quan để thực hiện tội phạm.
Tiếp đó, thông đồng với nhiều công ty thẩm định giá để nâng khống giá trị tài sản bảo đảm; tạo lập số lượng rất lớn hồ sơ vay vốn khống để rút tiền từ ngân hàng SCB; lập phương án rút tiền, “cắt đứt” dòng tiền sau khi giải ngân.
Bị cáo Trương Mỹ Lan bị xác định đã sử dụng hơn 1.000 công ty trong và ngoài nước, lấy Tập đoàn Vạn Thịnh Phát làm trung tâm, chia thành 4 nhóm chính (nhóm định chế tài chính, nhóm công ty có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, nhóm các công ty ma tại Việt Nam, mạng lưới các công ty tại nước ngoài) để lập khống hồ sơ vay. Tổng cộng SCB giải ngân 2.257 khoản/hơn 1 triệu tỷ đồng – chiếm 93% số tiền cho vay của ngân hàng.
Tính đến ngày 17/10/2022, nhóm bị cáo Lan còn 1.284 hồ sơ vay, tương đương dư nợ 677.286 tỷ đồng thuộc nhóm không có khả năng thu hồi. Trong đó, từ tháng 1/2012 đến tháng 12/2017, bị cáo vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, gây thiệt hại hơn 64.000 tỷ đồng.
Trong giai đoạn từ tháng 1/2018 đến tháng 10/2022, bị cáo Trương Mỹ Lan bị xác định gây thiệt hại hơn 304.000 tỷ đồng nợ gốc, và hơn 129.000 tỷ đồng lãi phát sinh, sau khi trừ giá trị tài sản đảm bảo cho các khoản vay.
Khánh Vy (t/h)
Mỹ sẽ xem xét việc điều chỉnh chiến lược răn đe hạt nhân của nước…
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham cho biết Ukraine có khoáng sản đất hiếm trị giá…
Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa được thành lập để tiếp nhận nguồn viện…
Chứng khoán có dấu hiệu hồi phục nhưng thanh khoản vẫn duy trì ở mức…
Bắc Kinh đang chuẩn bị trở thành nước nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân uranium…
Vì đại diện và biện hộ cho nhiều người tập Pháp Luân Công, ông Vương…