Dự kiến, hơn 300 ha trong Vườn Quốc gia (VQG) Bạch Mã sẽ được dành để xây dựng Khu du lịch sinh thái tâm linh và nghỉ dưỡng, chưa bao gồm đất xây dựng hạ tầng đường Bạch Mã, trạm cơ sở, tuyến cáp treo…
Mới đây, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên-Huế – ông Lê Trường Lưu cho biết tỉnh Thừa Thiên – Huế đang lập quy hoạch phát triển Bạch Mã thành trung tâm du lịch sinh thái đẳng cấp.
Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch sinh thái Bạch Mã khoảng 400 ha, chia làm 2 khu vực chính. Khu vực 1 gồm đất xây dựng hạ tầng đường Bạch Mã, trạm cơ sở và tuyến cáp treo du lịch (dài khoảng 4 km). Khu vực 2 là khu du lịch sinh thái đỉnh Bạch Mã (khoảng 300 ha), quy mô khách du lịch đến khoảng 500 nghìn người giai đoạn 2020 – 2030 và 1 triệu lượt khách sau năm 2030.
Về chi tiết, quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch sinh thái Bạch Mã gồm có quy hoạch giao thông, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật và quy hoạch không gian kiến trúc cảnh quan.
Đối với quy hoạch không gian kiến trúc cảnh quan, dựa trên các địa điểm có sẵn được người Pháp nghiên cứu và phát triển trước đây, các khu chức năng sẽ được quy hoạch hợp lý và điều chỉnh những yếu tố không còn phù hợp đi đôi với quy hoạch mới, thêm vào những chức năng mới để đảm bảo phục vụ tốt nhất nhu cầu du khách và nhu cầu phát triển trong tương lai.
Trước đó, ngày 26/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức họp để cho ý kiến về Quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch sinh thái Bạch Mã.
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu đánh giá cao các ý tưởng quy hoạch của các chuyên gia tư vấn. Ông Lưu đề nghị các sở, ngành liên quan tiếp tục phối hợp với đơn vị lập quy hoạch và chuyên gia tư vấn để sớm hoàn thành quy hoạch nhằm phục vụ cho công tác quản lý, bảo tồn và khai thác tốt các giá trị thiên nhiên của VQG Bạch Mã và tạo cơ sở pháp lý để thu hút đầu tư phát triển dịch vụ du lịch sinh thái tại đây.
Dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và Hệ thống cáp treo Bạch Mã được đưa vào danh mục các dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2017-2018 và định hướng đến năm 2020, ban hành kèm theo Quyết định số 942/QĐ-UBND ngày 8/5/2017 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Dự án có quy mô 400 ha, mục tiêu là xây dựng khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng trong vườn quốc gia và các dịch vụ đi kèm.
Tháng 10/2018, sau khi trình đồ án quy hoạch lên các bộ ngành, tỉnh Thừa Thiên Huế lần đầu tiên tổ chức hội nghị lấy ý kiến quy hoạch du lịch VQG Bạch Mã.
Theo đồ án quy hoạch của Công ty Wimberly Allison Tong & Goo (WATG – Mỹ), khu du lịch sinh thái tâm linh và nghỉ dưỡng Bạch Mã sẽ có hai phân khu.
Phân khu A rộng khoảng 64 ha nằm tại khe Su (xã Lộc Trì) là nơi để đón tiếp khách du lịch và đặt ga cáp treo. Phân khu B nằm trên đỉnh Bạch Mã với diện tích trên 300 ha, được phân làm 6 khu chức năng chính gồm Làng Trung tâm, Làng Di sản, Làng Đỉnh núi, Làng Dịch vụ, Khu tâm linh và Thung lũng thác nước.
Làng Trung tâm là nơi trung chuyển ga cáp treo, mua sắm, ăn uống và là cửa ngõ của hành trình du lịch tâm linh. Làng du lịch trung tâm sẽ gồm khu dịch vụ, phố thương mại với nhiều cửa hiệu, nhà hàng ẩm thực.
Làng Di sản nằm bên triền đồi kết hợp với các công trình biệt thự Pháp cổ được trùng tu là điểm hướng đến di sản, lịch sử và nghệ thuật. Làng du lịch di sản sẽ xây dựng nhiều nhà khách, nhà nghỉ với 150 giường, chiều cao từ 2-3 tầng, trong đó có cải tạo lại các biệt thự Pháp cổ.
Làng Đỉnh núi là mô hình một phố núi tận dụng ưu thế về tầm nhìn rộng. Tại đây sẽ có 2 khu thương mại, một đài quan sát sử dụng vật liệu gỗ hoặc tre, các thềm ngắm cảnh, vườn dã ngoại và lối đi bộ trên cao.
Làng Dịch vụ sẽ trở thành nơi đặt các nhà nhân viên, nhà hàng, trung tâm đào tạo, dịch vụ, bảo dưỡng…
Khu tâm linh nhằm tạo ra một hành trình tâm linh qua rừng, làm nổi bật một loạt tác phẩm điêu khắc cùng các yếu tố tâm linh tôn giáo.
Thung lũng thác nước gồm các thác nước, Ngũ Hồ và cảnh quan thiên nhiên. Tại đây sẽ có khu nghỉ dưỡng sinh thái 60 phòng nghỉ (120 phòng), cao 1-2 tầng, được xây dựng bám theo 2 sườn núi của thung lũng, kết nối với nhau bằng các cây cầu mang nét đặc trưng. Ngoài ra là nhà hàng ven hồ, công viên thám hiểm rừng, nơi dành cho cắm trại, khu thương mại và nghỉ dưỡng bên thác nước 320 giường…
Về mặt bằng sử dụng đất, WATG đề xuất khu thương mại dành cho ăn uống, mua sắm có diện tích 5,4 ha; diện tích xây dựng chiếm 20%. Đất di sản với việc phát triển làng di sản, nghệ thuật 1,8 ha; đất tâm linh 10,4 ha; khu khách sạn, nghỉ dưỡng 18,9 ha (mật độ xây dựng chiếm 13%); đất khám phá thiên nhiên 7,3 ha…
WATG đề xuất xây dựng tuyến cáp treo và một tuyến đường bộ theo hình chữ S, cả hai đều bắt đầu từ đỉnh Bạch Mã và kết thúc ở chân thác nước để kết nối các phân khu.
Tại buổi lấy ý kiến chuyên gia, bà Lã Thị Kim Ngân, nguyên viện phó Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia nhận xét bản quy hoạch của WATG chỉ nói tổng thể, chưa đi vào chi tiết từng phân khu, đồng thời cho rằng khu B đang dày đặc các công trình lưu trú và thương mại, tuyến cáp treo số 2 từ đỉnh Bạch Mã xuống thác Ngũ Hồ không cần thiết, nên thay thế một phương tiện khác phù hợp hơn.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên giám đốc Sở Văn hóa tỉnh Thừa Thiên Huế cũng cho rằng mật độ xây dựng trên đỉnh Bạch Mã là “quá tải với thiên nhiên ở Bạch Mã“, cho rằng hệ thống cáp treo từ đỉnh Bạch Mã xuống Ngũ Hồ là không nên.
Võ sư Nguyễn Văn Dũng, nguyên trưởng tràng hệ phái Suzucho Karatedo lo ngại về lượng nước thải, chất thải sinh hoạt của 1 triệu người theo bản quy hoạch. Theo ông, với mật độ xây dựng theo bản quy hoạch, không gian vốn có của Bạch Mã sẽ không còn nữa.
GS TSKH Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng viện quản lý rừng bền vững Việt Nam cho hay du lịch sinh thái là một giải pháp để bảo tồn thiên một cách hiệu quả, để giáo dục về môi trường cho người dân. Tuy nhiên, với đồ án quy hoạch khu du lịch sinh thái tâm linh và nghỉ dưỡng Bạch Mã, ông chưa thấy rõ điều đó.
VQG Bạch Mã là một trong 7 khu vực bảo tồn tự nhiên lớn nhất và quan trọng nhất tại Việt Nam. Nơi đây còn lưu giữ cảnh quan thiên nhiên nguyên sơ và hùng vĩ như đỉnh Bạch Mã cao 1.450 m, thác Đỗ Quyên cao hơn 300 m, hệ thống hồ, suối và rừng nguyên sinh, đặc biệt là hệ thống thực vật phong phú, đa dạng, trong đó có nhiều loài đặc biệt quý hiếm. Về động vật, VQG Bạch Mã có 1.715 loài (chiếm 7% tổng số loài trong cả nước). Hệ động vật ở đây rất đa dạng, có nhiều loài đặc hữu và quý hiếm và được thống kê chi tiết, trong đó có 15 loài đặc hữu (chủ yếu tập trung vào lớp Chim), 69 loài quý hiếm có nguy cơ bị đe dọa được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam cần ưu tiên bảo tồn, 2 loài ong mới được phát hiện lần đầu tiên. Về hệ nấm và thực vật, VQG Bạch Mã có 2.373 loài (chiếm gần 17% tổng số loài trong cả nước), trong đó có 204 loài đặc hữu và 5 loài mới được phát hiện lần đầu tiên, 73 loài cần phải được bảo vệ đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam (2007). Năm 1925, dưới thời Pháp thuộc, để bảo vệ loài Gà lôi lam mào trắng (Lophura edwardsii), chính quyền sở tại đã xây dựng và đệ trình lên Bộ Thuộc địa Pháp một dự án thành lập vườn quốc gia. Năm 1986, khu rừng cấm Bạch Mã – Hải Vân được thành lập với diện tích 50.000 ha. Năm 1991, VQG Bạch Mã chính thức được thành lập với tổng diện tích là 22.031 ha trực thuộc Bộ Lâm nghiệp. Năm 2008, VQG Bạch Mã được điều chỉnh mở rộng với tổng diện tích 37.487 ha. Hiện nay, VQG Bạch Mã trực thuộc sự quản lý của Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN-PTNT. |
Nguyễn Quân (T/h)
Xem thêm:
Theo ĐBQH Dương Minh Ánh, biện pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng…
Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…