Tối 2/11, kênh truyền hình Mỹ CNN đã phát sóng chương trình “Biểu tượng Hà Nội” (Iconic Hanoi) dài 30 phút.
Đây là một phần trong “Chương trình hợp tác quảng bá TP. Hà Nội trên kênh CNN quốc tế” giai đoạn 2019 – 2024, được ký kết giữa UBND TP Hà Nội và CNN vào tháng 5/2019 với tổng kinh phí 4,2 triệu USD, lấy từ ngân sách thành phố.
Các sản phẩm do CNN sản xuất trong 5 năm sẽ bao gồm: các phim quảng cáo 30 giây, các phim ngắn 60 giây, và loạt chương trình đặc biệt 30 phút trên truyền hình (như chương trình “Những người gìn giữ”, “Biểu tượng Hà Nội”, “Sea Games”, “Hà Nội- Thành phố công nghệ” và “Hà Nội- Thành phố tương lai).
Trong đó, chương trình dài 30 phút “Biểu tượng Hà Nội” được phát sóng trên CNN từ 2/11 đến 6/11. Trong chương trình này, CNN giới thiệu về các biểu tượng của thành phố thủ đô trong các lĩnh vực thời trang, kinh doanh, công nghệ và môi trường.
Đáng lưu ý, chương trình dành ra thời lượng khá dài để giới thiệu về xe máy điện Vinfast (thuộc tập đoàn Vingroup) và điện thoại Bphone (thuộc tập đoàn công nghệ BKAV) như những “biểu tượng” công nghệ của Hà Nội.
Trong đoạn phim, CNN nhận định xe máy là phương tiện thống trị đường phố tại Việt Nam. “Tình yêu với phương tiện 2 bánh là điều hiển nhiên ở đây. Người dân Hà Nội xem xe máy là phương tiện vừa nhanh, rẻ, tuyệt vời cho việc dạo phố, ngắm cảnh”, CNN cho biết.
Sau đó, hãng tin đề cập đến công ty Vinfast, cho biết công ty đã ra mắt thị trường xe máy điện Klara năm 2018, được cho là “thân thiện với môi trường, có thể trở thành biểu tượng của thành phố, vừa hiện đại nhưng vẫn giữ được truyền thống.”
Sau xe điện của Vinfast, CNN giới thiệu về Bphone và khát vọng xây dựng ngành sản xuất smartphone Việt Nam của BKAV.
Thông tin trên CNN cho biết nhà phát triển phần mềm Bkav là công ty điện thoại thông minh hàng đầu Việt Nam, muốn “đem sự đổi mới sáng tạo cho đất nước”. Hãng đã bỏ ra 20 triệu USD và mất 6 năm nghiên cứu để cho ra sản phẩm Bphone vào năm 2015, được cho là “một trong những chiếc điện thoại thông minh mang thương hiệu nội địa đầu tiên của Việt Nam.”
Ngoài một số linh phụ kiện phải mua từ nước ngoài, thì những công đoạn còn lại, từ thiết kế đến sản xuất đều được thực hiện ngay tại Việt Nam, CNN dẫn lời BKAV.
“Trong lĩnh vực công nghệ, một công ty sản xuất smartphone thành công có thể trở thành biểu tượng của quốc gia”, ông Nguyễn Tử Quảng, CEO của BKAV, nói trong chương trình.
Việc CNN lựa chọn hai thương hiệu Việt nói trên thành “biểu tượng” Hà Nội đã tạo ra nhiều luồng ý kiến khác nhau trên mạng xã hội, trong đó nhiều ý kiến cho rằng những sản phẩm đó chưa đủ tầm để trở thành “biểu tượng” cho một thành phố ngàn năm văn hiến như Hà Nội, nhất là khi đó đều là sản phẩm mới xuất hiện, chưa thu hút người tiêu dùng thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.
Ngoài ra, các ý kiến còn nhận định hiếm khi họ thấy quảng bá về một thành phố nào đó lại dành nhiều thời lượng để quảng bá cho sản phẩm riêng của doanh nghiệp, hơn nữa lại là chương trình lấy tiền từ ngân sách thành phố.
Ngoài 2 thương hiệu nói trên, chương trình “Biểu tượng Hà Nội” trên CNN còn giới thiệu về “Thời trang bền vững” của Vũ Thảo trong đó kết hợp phong cách, lịch sử và di sản của Việt Nam với thiết kế đương đại; “Kiến trúc nông nghiệp bền vững” của An Việt Dũng ứng dụng yếu tố nuôi trồng tự động vào các dự án đô thị; và KOTO – một doanh nghiệp xã hội được công nhận đầu tiên ở Hà Nội đã điều hành các nhà hàng và một trường đào tạo nơi thanh thiếu niên kém may mắn trải qua chương trình dạy nghề hai năm để học các kỹ năng cần thiết cho sự nghiệp trong ngành khách sạn.
Xuân Lan (t/h)
Xem thêm:
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…