Sau 8 tháng sống lần hồi do bị nợ 50% lương, chỉ được trả sau khi xuống đường, 154 y bác sĩ, nhân viên y tế tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh (Hà Nội) tiếp tục bị nợ 100% lương trong tháng 2 và 3/2022. “Chúng tôi không muốn đi ăn xin từng tháng”, “Đề nghị Chính phủ thanh tra quy trình tự chủ của Bệnh viện Tuệ Tĩnh”… là hai trong nhiều thông điệp được các y bác sĩ chia sẻ, nhờ tiếng nói từ cộng đồng.
Chiều 22/3, sau giờ làm việc, hàng chục y bác sĩ, nhân viên y tế của Bệnh viện Tuệ Tĩnh tiếp tục cầm băng rôn, bảng chữ, xuống đường kêu cứu. Hàng dài áo blouse trắng đứng cạnh nhau, sát mép đường, cố gắng để người qua lại đọc các thông điệp kêu cứu, yêu cầu bệnh viện trả lương và giải quyết các vấn đề liên quan đến việc cơ cấu tổ chức của bệnh viện.
Chị Minh – Khoa Châm cứu Bệnh viện Tuệ Tĩnh cho hay trước Tết, bệnh viện đã trả hết rồi khoản nợ 50% lương trong 8 tháng, mọi người hy vọng sau Tết, mọi việc sẽ ổn định để yên tâm làm việc.
“Nhưng tháng 2, giờ sang tháng 3 rồi là hoàn toàn không có lương, đến 50% cũng không có. Trong tuần này, các lãnh đạo nói là sẽ trả lương tháng 2 và tháng 3, nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có”, chị Minh cho hay. “Hai tháng vừa rồi không có lương, xăng tăng thì tất cả cũng tăng, nên mọi thứ đều phải nhờ người thân. Vì có người thân trợ giúp nên mình chưa phải vay, nhưng phải tiết kiệm chi tiêu, con cái học hành phải tiết kiệm, chỉ dùng ở mức tối thiểu thôi.”
Chị Minh cho biết lương của chị là hơn 5 triệu đồng/tháng, trước trả 50% là mỗi tháng nhận hơn 2 triệu. Nay bệnh viện nợ 100%, chị không còn nhận được một đồng nào.
Cùng xuống đường với mọi người, anh Chu Thanh Bình – Khoa Dược Bệnh viện Tuệ Tĩnh chia sẻ: “Nhìn các anh chị có con nhỏ, đi thuê nhà vất vả lắm. Nhưng bản thân mình cũng đang túng thiếu nên giúp được gì thì giúp, động viên được thì động viên. Cuộc sống khó khăn hơn nhiều. Tiền xăng trước 12 nghìn, giờ 30 nghìn, nhà thì xa…, nhiều thứ nó bí bách lắm.
Thật sự rất căng thẳng, đi làm không lương nhiều khi cũng đánh vào tự trọng của mình. Còn vật chất, không có tiền thì có thể giảm bớt đi, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Nhưng về tinh thần thì… nhiều khi nhìn anh em, bạn bè… Như bố mẹ mình vừa rồi bị COVID cũng không có đồng nào biếu bố biếu mẹ, thấy áy náy”.
Nhưng khi được hỏi tình cảnh hiện tại có khiến lòng yêu nghề, nhiệt huyết với công việc có bị phai nhạt không, anh Bình cho hay: “Bảo là phai nhạt thì thật sự là rất khó, vì mình đã theo nghề từ những ngày thanh niên, khi còn ngồi trên ghế nhà trường từ cấp 2, cấp 3, nên bảo là phai nhạt thì khó.
Còn chạnh lòng thì có. Nhiều khi nghề không nuôi sống được bản thân. Bảo chuyển nghề mình sẽ không chuyển, mình vẫn phải cố gắng, có tiền hay không có tiền thì mình vẫn phải cố gắng. Giả sử như có bệnh nhân mọi người vẫn tiếp đón rất chỉn chu, không có gì cả”.
Chị Lê Thanh Bình – Tổ trưởng Tổ Công đoàn 1 Bệnh viện Tuệ Tĩnh cho biết đây không phải lần đầu tiên mọi người xuống đường để đòi lương, mà là lần thứ hai. Tại thời điểm tháng 1/2022, bệnh viện nợ lương các nhân viên 8 tháng, từ tháng 5/2021 đến tháng 1/2022. Sau nhiều lần thương thuyết và trao đổi mà vấn đề không giải quyết được, mọi người phải dùng đến biện pháp cuối cùng là cầu cứu sự quan tâm của dư luận. Sau 3 ngày các y bác sĩ xuống đường kêu cứu, các ban ngành liên quan đã chỉ đạo bệnh viện xử lý; đến ngày 25/1, các nhân viên được nhận số tiền lương bị nợ.
Tại thời điểm này, có 3 phương án được các lãnh đạo đưa ra, một là Bệnh viện Tuệ Tĩnh giải thể, hai là Bệnh viện Tuệ Tĩnh sẽ sáp nhập với một đơn vị khác (tại thời điểm này được lựa chọn là Bệnh viện Đại học Y), ba là Học viện sẽ nhận lại Bệnh viện Tuệ Tĩnh là đơn vị thực hành như trước. Lãnh đạo của bệnh viện đã chọn phương án thứ ba là sẽ đưa Bệnh viện Tuệ Tĩnh trở lại vị trí cũ.
Chị Bình cho hay các nhân viên chỉ nhận được kế hoạch là sẽ tái cơ cấu bệnh viện, sắp xếp lại đội ngũ nhân viên, nhưng mọi thứ vẫn y nguyên từ thời điểm cuối năm 2021 đến nay. “Trong suốt 3 tháng qua, chúng tôi không thấy có động thái nào để câu chuyện được kết thúc, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người lao động, cụ thể là tháng 2, tháng 3 các nhân viên hoàn toàn bị nợ lương, 100% phải tự trang trải cuộc sống”, chị Bình nói.
Ngoài ra, việc các lãnh đạo của Bệnh viện vẫn nhận lương thưởng, phụ cấp đầy đủ, các nhân viên của Bệnh viện Tuệ Tĩnh bị nợ 100% lương khiến mọi người bất lực, chán nản.
“Tất cả chỉ là trên lời hứa, tất cả chỉ là trên kế hoạch. Nhưng nếu không có cơm ăn, chúng tôi không thể thực hiện được những kế hoạch đó. Lương, thưởng, tất cả các chế độ các lãnh đạo đều lãnh đầy đủ, chỉ riêng 154 cán bộ, nhân viên Bệnh viện Tuệ Tĩnh chúng tôi không có một cái gì”, chị Bình nói rõ.
Trước câu hỏi về việc xoay sở sinh sống ra sao, chị Bình cho hay không chỉ cuộc sống bị ảnh hưởng mà tinh thần của của mọi người hiện bị tác động nặng nề.
“Vào năm ngoái, khi bị nợ lương chúng tôi đã vất vả lắm rồi. Bị nợ 50% lương kéo dài trong 8 tháng. Ra Tết, giá cả tăng mà chúng tôi còn bị nợ 100% lương thì có thể hình dung chúng tôi vất vả thế nào.
Nhưng điều quan trọng hơn chúng tôi muốn truyền tải là tinh thần của chúng tôi đã bị xúc phạm, bị tổn thương quá nhiều. Không còn niềm tin. Chúng tôi thấy rằng cần một lần đứng lên để bảo vệ danh dự cuối cùng mà chúng tôi có thể bảo vệ được. Vì chúng tôi quá nhỏ nhoi, tiếng nói không thấu lên được những nơi cần phải đến”, chị Bình bày tỏ.
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…
Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…
Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…
Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…