Một báo cáo điều tra do Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) công bố vào Chủ nhật (12/5) chỉ ra rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không ngừng gây “bầu không khí sợ hãi” trong du học sinh Trung Quốc, nhằm ngăn họ tham gia vào các chủ đề bị ĐCSTQ coi là cấm kỵ.
Bên ngoài khuôn viên chi nhánh Los Angeles Đại học California ngày 15/2/2020, sinh viên Trung Quốc và những người ủng hộ đã tổ chức sự kiện tưởng nhớ Tiến sĩ Lý Văn Lượng – một trong những bác sĩ Vũ Hán đầu tiên công khai cảnh báo về COVID-19. (Ảnh: Mark Ralston/AFP/Getty)
Tổ chức Ân xá Quốc tế trong khoảng thời gian từ tháng 10 – 12/2023 đã phỏng vấn 32 sinh viên Trung Quốc đang học tập tại Bỉ, Canada, Pháp, Đức, Hà Lan, Thụy Sĩ, Anh và Mỹ. Nghiên cứu phát hiện ra rằng nỗi lo sợ bị ĐCSTQ quấy rối và trả thù buộc những sinh viên này phải tự kiểm duyệt và hạn chế tham gia các hoạt động chính trị.
Trước khi báo cáo được công bố, giám đốc bộ phận Trung Quốc của Tổ chức Ân xá Quốc tế là Sarah Brooks đã chia sẻ với Epoch Times qua email vào ngày 9/5:
“Khi gặp nhiều sinh viên hơn, chúng tôi nhận thấy rằng dù họ ở đâu, học ở đâu, họ đều chia sẻ cùng trải nghiệm lo ngại bị trả thù vì tự do ngôn luận; lo lắng rằng việc tham gia vào các vấn đề nhân quyền có thể ảnh hưởng đến gia đình, vấn đề an toàn và sự nghiệp của họ, đồng thời họ đều phải đối mặt với áp lực và thất vọng về tìm kiếm hỗ trợ ở trường đại học họ theo học”.
Trong báo cáo (PDF) có tiêu đề “Trong khuôn viên trường của tôi, tôi lo sợ”, tên và trường đại học của những người trả lời đã được ẩn danh để bảo vệ an toàn của họ. Trong số 32 sinh viên Trung Quốc được phỏng vấn có 19 người đến từ Trung Quốc, 12 người đến từ Hồng Kông và 1 người đến từ Ma Cao.
Một trong những sinh viên Trung Quốc là La Văn (Rowan) nói với Tổ chức Ân xá Quốc tế rằng cô đã tham gia lễ tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989 và chỉ vài giờ sau cô nhận được tin nhắn từ cha cô ở Trung Quốc, cho biết các quan chức an ninh ĐCSTQ đã liên lạc với gia đình cô.
Báo cáo cho hay, cha của La Văn được yêu cầu “giáo dục con gái đang du học ở nước ngoài, không tham gia vào bất kỳ hoạt động nào có thể gây tổn hại đến danh tiếng quốc tế của Trung Quốc”.
Một năm sau, La Văn một lần nữa tham gia hoạt động thỉnh nguyện gần Đại sứ quán ngoại giao ĐCSTQ tại thành phố của cô. Trong vòng vài giờ sau đó, cha cô đã liên lạc lại với cô.
La Văn tin rằng ý định của ĐCSTQ là rõ ràng. Cô nói với Tổ chức Ân xá Quốc tế rằng cho dù những người Trung Quốc như cô sống ở đầu bên kia của trái đất nhưng vẫn không ra khỏi phạm vi kiểm soát của ĐCSTQ.
Một trường hợp khác, nghiên cứu sinh Ethan đang theo học tại Bắc Mỹ nói với Tổ chức Ân xá Quốc tế: “Khi mới đến Mỹ, tôi cảm thấy thoải mái khi tham gia nhiều hoạt động khác nhau. Nhưng bây giờ tôi cảm thấy không an toàn…Tôi thường lo lắng bố mẹ tôi bị nhà chức trách ĐCSTQ quấy rối”.
Báo cáo cho biết trong số 32 sinh viên được phỏng vấn có 10 người nói rằng các thành viên gia đình của họ ở Trung Quốc đã bị các quan chức ĐCSTQ “quấy rối” do các hoạt động của họ ở nước ngoài. Các mối đe dọa đối với gia đình họ bao gồm việc bị thu hồi hộ chiếu, mất việc làm, bị từ chối thăng chức và trợ cấp hưu trí, thậm chí bị hạn chế các quyền tự do cá nhân.
Các quan chức ĐCSTQ cũng gây áp lực buộc các bậc cha mẹ Trung Quốc có con du học tham gia các hoạt động dân chủ phải cắt hỗ trợ tài chính cho con cái họ. “Một sinh viên cho biết cảnh sát Bộ Quốc an ĐCSTQ đã chỉ thị cho cha mẹ họ cắt nguồn tài chính của họ, đe dọa những người thân khác rằng họ sẽ gặp rắc rối nếu gửi tiền”, báo cáo viết.
Báo cáo chỉ ra một số du học sinh đã quyết định tự nguyện cắt đứt liên lạc với cha mẹ họ ở Trung Quốc. La Văn nói với Tổ chức Ân xá Quốc tế: “Cắt đứt quan hệ là trường hợp xấu nhất, nhưng đó cũng là cách tốt nhất để bảo vệ người khác”; “Cắt đứt liên lạc với gia đình không phải là biện pháp (bảo vệ) về pháp lý, nhưng nó hiệu quả vì cơ quan an ninh ĐCSTQ không còn có thể sử dụng thủ đoạn đó để gây áp lực với bạn”.
Giám đốc Brooks bộ phận Trung Quốc của Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết, sau các cuộc biểu tình quy mô lớn ở Hồng Kông từ năm 2019 – 2020 và sự cố cầu Tứ Thông (Sitong) ở Bắc Kinh năm 2022, nhiều thanh niên Trung Quốc và Hồng Kông “ngày càng quan tâm đến các hoạt động nhân quyền”.
Brooks nói: “Điều này không chỉ thúc đẩy hình thành những mô hình tổ chức mới và thể hiện sức mạnh đoàn kết quốc tế, mà còn khiến chính quyền Trung Quốc (ĐCSTQ) gia tăng đàn áp”.
Bà cho hay vì bối cảnh đó mà Tổ chức Ân xá Quốc tế đã quyết định điều tra chủ đề này và viết báo cáo này.
Báo cáo lưu ý rằng một số sinh viên cho biết họ tin rằng họ đang bị chính quyền hoặc đặc vụ của ĐCSTQ theo dõi, theo đó có 14 người được hỏi cho biết họ đã “bị chụp ảnh hoặc ghi hình một cách đáng ngờ tại các sự kiện”; có 6 người được hỏi cho biết, do lo ngại nên họ sẽ không tham gia vào các hoạt động chính trị, xã hội hoặc liên quan đến nhân quyền.
Claire, người vừa tốt nghiệp một trường học ở châu Âu, chia sẻ cô sẽ không tham dự bất kỳ sự kiện nào vì sợ bị “những người theo chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc” phát hiện. Cô cho biết những người này có thể báo cáo cho chính quyền Hồng Kông theo Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông, khiến cô trở thành đối tượng điều tra.
Hay như trường hợp Tess, người đang theo học cao học ở châu Âu, cũng có mối lo ngại tương tự. Tess nói với người thực hiện báo cáo nghiên cứu: “Tôi chỉ theo dõi (các cuộc biểu tình) trực tuyến một cách rất an toàn chứ không tham gia các hoạt động ngoại tuyến. Tôi rất lo lắng nếu tôi bị chụp ảnh tại cuộc biểu tình sẽ gây ảnh hưởng đến người thân gia đình”.
Báo cáo viết: “Tổ chức Ân xá Quốc tế nhận thấy rằng bầu không khí ngột ngạt mà các sinh viên được phỏng vấn phải đối mặt cũng ảnh hưởng đến sự lựa chọn của họ trong sự nghiệp học tập. Có 7 sinh viên cho biết họ cảm thấy cần tránh xa các chủ đề nghiên cứu ‘nhạy cảm’, điều này hạn chế đáng kể sự nghiệp học thuật của họ”.
Báo cáo trích dẫn ví dụ về Hannah mới tốt nghiệp, người đã chọn công việc tại một tổ chức phi lợi nhuận thay vì sự nghiệp học thuật. Hannah giải thích rằng việc ở lại giới học thuật có nghĩa là cô sẽ trở thành người của công chúng, từ đó có khả năng tham dự các hội nghị nhân quyền hoặc xuất bản các bài báo liên quan đến nhân quyền. “Khi tôi quyết định không làm việc trong giới học thuật, tôi cảm thấy nhẹ nhõm vì không phải lo lắng về việc đứng tên mình trong các công trình”, Hannah nói, “Khi tôi đi làm [ở một tổ chức phi lợi nhuận], tôi không cần phải đứng tên trên bất cứ công trình công bố nào”.
Hơn một nửa trong số 32 sinh viên được phỏng vấn cho biết, do lo ngại ĐCSTQ theo dõi hoạt động nên họ thường xuyên tự kiểm duyệt khi sử dụng các nền tảng như Facebook, Instagram và X. Một sinh viên quốc tế khác là Henry kể lại việc cảnh sát ĐCSTQ cho cha mẹ anh xem hồ sơ cuộc trò chuyện của anh trên WeChat, qua đó yêu cầu họ thuyết phục anh ngừng tham gia các hoạt động ở nước ngoài.
Báo cáo cho biết: “Không khí sợ hãi [của du học sinh Trung Quốc] tại các trường đại học ở châu Âu và Bắc Mỹ là kết quả của việc chính quyền ĐCSTQ tiến hành đàn áp xuyên biên giới nhắm vào họ, khiến du học sinh phải tự kiểm duyệt trong cả lĩnh vực học thuật và hoạt động xã hội, nhiều du học sinh bị ảnh hưởng có các tác động tâm lý tiêu cực như cảm thấy cô đơn, bị cô lập…”.
Nghiên cứu của Tổ chức Ân xá Quốc tế phát hiện, du học sinh Trung Quốc trước khi ra nước ngoài đều nhận được chỉ dẫn về cách ứng xử ở nước ngoài. Những hướng dẫn này “không đến trực tiếp từ ĐCSTQ”, mà thường được truyền đạt bởi “cơ quan có liên hệ chặt chẽ với ĐCSTQ”.
Một ví dụ được đề cập trong báo cáo là chỉ dẫn được đưa ra thông qua mẹ của một du học sinh. Lãnh đạo của cô ở cơ quan của nhà nước nói với cô: “Con gái cô sắp đi du học. Hãy nhắc nhở con gái cô rằng cô ấy là người Trung Quốc, cô ấy phải quý trọng Chính phủ Trung Quốc, phải luôn nhớ truyền bá ra nước ngoài những thông điệp của Chủ tịch Tập Cận Bình”.
Brooks cho biết, báo cáo này sẽ “tăng cường hiểu biết, đặc biệt là của ban quản lý trường đại học đối với một số sinh viên”. Cô nói thêm: “Báo cáo này cũng nhằm gửi tín hiệu đến chính quyền ĐCSTQ rằng: hành vi vi phạm nhân quyền của họ đối với sinh viên Trung Quốc ở nước ngoài đang bị vạch trần và ghi lại”.
Báo cáo đưa ra một số khuyến nghị:
– Đối với các chính phủ nước sở tại có du học sinh Trung Quốc, nên có biện pháp hỗ trợ du học sinh Trung Quốc, điều tra một cách hiệu quả về tình hình đàn áp xuyên quốc gia của ĐCSTQ tại nước mình, qua đó tích cực thực hiện các biện pháp phòng ngừa, đảm bảo bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trong cộng đồng các trường đại học.
– Đối với các trường đại học chấp nhận sinh viên Trung Quốc, các trường nên xây dựng “các chính sách và hướng dẫn hoạt động liên quan đến đàn áp xuyên quốc gia”, thiết lập cơ chế báo cáo bí mật, đảm bảo rằng sinh viên “hiểu đầy đủ chính sách cấm các hành vi đe dọa đối với sinh viên hoặc giảng viên khác”. Các trường học nên cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho những sinh viên tin rằng họ có thể là mục tiêu giám sát kỹ thuật số của ĐCSTQ.
Báo cáo cũng kêu gọi ĐCSTQ chấm dứt kiểm soát quyền tự do ngôn luận, sửa đổi tất cả các quy định từ luật an ninh quốc gia “để phù hợp với luật pháp và tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế”; kêu gọi ĐCSTQ “chấm dứt mọi hành vi đàn áp xuyên quốc gia vi phạm nhân quyền của sinh viên, nhà nghiên cứu hoặc học giả Trung Quốc ở nước ngoài, các hành vi đó bao gồm: giám sát, quấy rối và đe dọa”...
Mỹ sẽ xem xét việc điều chỉnh chiến lược răn đe hạt nhân của nước…
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham cho biết Ukraine có khoáng sản đất hiếm trị giá…
Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa được thành lập để tiếp nhận nguồn viện…
Chứng khoán có dấu hiệu hồi phục nhưng thanh khoản vẫn duy trì ở mức…
Bắc Kinh đang chuẩn bị trở thành nước nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân uranium…
Vì đại diện và biện hộ cho nhiều người tập Pháp Luân Công, ông Vương…