Hệ thống ngoại giao của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã để xảy ra nhiều vụ bê bối, dâm loạn. Gần đây Mạng Truyền hình Trung Quốc (CCTV) lại tiết lộ ba vụ án gián điệp, trong đó một trường hợp là quan chức Bộ Ngoại giao trú tại nước ngoài có nhiều tình nhân và hai con riêng, đặc biệt là đã cung cấp nhiều tài liệu mật cho cơ quan tình báo nước ngoài.
Nhân kỷ niệm 5 năm thực thi Luật chống gián điệp của ĐCSTQ, vào sáng ngày 1/11, CCTV đã đăng tải chuyên đề vạch trần ba tội phạm gián điệp, bao gồm Trần Vĩ (Chen Wei) – quản trị viên mạng của một công ty thuộc viện nghiên cứu quân sự, Trương Hướng Bân (Zhang Xiangbin) – cán bộ của một cơ quan ngang Bộ trú tại nước ngoài, và Khâu Đức Quế (Qiu Degui) – làm việc trong ban tuyên truyền của một huyện ủy vùng duyên hải.
Trong đó thì Trương Hướng Bân (49 tuổi) vào năm 1992 đã tham gia công việc phiên dịch cho một cơ quan cấp Bộ, năm 1996 được đưa đi thường trú tại một quốc gia, trong thời gian ở nước ngoài Trương Hướng Bân nhiều lần quan hệ với gái làng chơi, có quan hệ bất chính với nhiều phụ nữ nước ngoài, thậm chí có nhân tình là một nữ quan chức của Chính phủ nước sở tại và sinh được hai người con ngoài giá thú.
Theo thông tin, Trương Hướng Bân đã quen biết một người tự xưng là điệp viên nước sở tại thuộc Bộ Ngoại giao nước này, do bị đối phương mê hoặc nên sau đó Trương thường xuyên cung cấp cho đối phương tài liệu liên quan đến bí mật ngoại giao trong và ngoài nước của Trung Quốc, trong đó có 14 tài liệu vào loại tuyệt mật.
Tháng Hai năm nay Trương Hướng Bân bị kết án tử hình (hoãn thi hành án) vì tội gián điệp và thu giữ bất hợp pháp bí mật nhà nước. Theo tin tức lưu hành trên internet thì Trương là một quan chức của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam.
Nhân vật thứ hai là Trần Vĩ (34 tuổi), một quản trị viên mạng của một công ty thuộc một viện nghiên cứu quân sự, vào năm 2011 đã quen một người nước ngoài tự xưng là Peter – chuyên gia kỹ thuật, người này cũng bị đối phương dùng tiền bạc mua chuộc và đã cung cấp tài liệu của viện nghiên cứu này cho đối phương với tổng số hơn 5500 văn bản, bao gồm 146 tài liệu cấp cơ mật và 1753 tài liệu cấp bí mật. Vào tháng Ba năm nay Trần Vĩ đã bị kết án tù chung thân vì “tội phạm gián điệp”.
Người còn lại là Khâu Đức Giai, một phóng viên của Trung tâm Tuyên truyền internet thuộc ban tuyên truyền một huyện ủy vùng ven biển, đã bị cáo buộc cung cấp một loạt các tài liệu lưu trữ nội bộ của bộ phận tuyên truyền huyện ủy cho một bộ phận tình báo quân sự nước ngoài, nhận được tổng số tiền thù lao hơn 11.000 Nhân dân tệ. Tháng 6 năm ngoái Khâu Đức Giai bị kết án bốn năm tù vì “cung cấp trái phép bí mật nhà nước ra nước ngoài”.
Theo thông tin mạng internet, trước đó Khâu Đức Giai chỉ là nhân viên bình thường của mạng thông tin Mân Thanh thuộc bộ phận tuyên truyền của Huyện ủy Mân Thanh thành phố Phúc Châu tỉnh Phúc Kiến.
Trong các vụ án trên thì vụ quan chức ngoại giao Trương Hướng Bân là nổi bật nhất. Thực tế thì trong hệ thống ngoại giao ĐCSTQ, những chuyện bê bối tương tự đã xảy ra rất nhiều. Dưới đây là vài vụ án tiêu biểu:
Năm 2016, khi một số quan chức ngoại giao của Đại sứ quán Trung Quốc tại Hàn Quốc dùng bữa tại một nhà hàng ở phường Myeong dong, một địa điểm tham quan nổi tiếng ở Seoul, xảy ra sự kiện dâm loạn như ở nơi không người kéo dài cả tiếng, cảnh tượng ngoài sức tưởng tượng của mọi người này đã gây phản ứng mạnh mẽ ở Hàn Quốc.
Vào ngày 12/5/2016, Trương Côn Sinh (Zhang Kunsheng), Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, đã bị Ủy ban Kỷ luật Trung ương ĐCSTQ khai trừ Đảng và loại khỏi bộ máy công chức vì tội dâm loạn. Theo truyền thông Hồng Kông, quan chức này đã bị điều tra vào cuối năm 2014 vì tình nghi liên quan đến hoạt động gián điệp. Đến nay Trương là quan chức cấp cao nhất trong hệ thống ngoại giao ĐCSTQ bị ngã ngựa.
Vào tháng 10/2015, một vụ nổ súng đã xảy ra tại Tổng lãnh sự quán của ĐCSTQ tại Cebu – Philippines. Trong một buổi tiệc sinh nhật, chồng của một nữ nhân viên Lãnh sự quán ĐCSTQ tại Cebu (là quan chức ngoại giao đã nghỉ hưu) đã bắn phó lãnh sự và một nhân viên cấp cao. Thông tin cho rằng nguyên nhân vì ông ta bị điều tra vì chiếm dụng công quỹ của lãnh sự quán nên căm hận trả thù.
Tạp chí Tiền Tiêu Hồng Kông số tháng 4/2018 đã xuất bản một bài báo chỉ ra thực trạng gia tăng hàng năm các vụ vi phạm pháp luật trong hệ thống ngoại giao của ĐCSTQ. Năm 2007, xảy ra hơn 250 vụ vi phạm kỷ luật trong ngành ngoại giao ĐCSTQ, trong đó đến 50% trường hợp là các vấn đề đạo đức và ngoại tình, tiếp theo là “vi phạm kỷ luật ngoại giao”. Bài viết chỉ ra các vấn nạn tiêu biểu liên quan đến quan chức ngoại giao ĐCSTQ ở nước ngoài: lợi dụng bưu kiện ngoại giao để buôn lậu, lợi dụng đặc quyền miễn thuế của công tác ngoại giao, chiếm dụng hoặc biển thủ các quỹ công để kinh doanh, hoặc âm thầm nhập quốc tịch của nước đến thường trú, xin được quyền cư trú trọn đời; sa đọa tư cách đạo đức, tham nhũng, mang theo tài liệu bí mật bỏ trốn, bị mua chuộc làm gián điệp.
Tuyết Mai
Xem thêm:
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…
Đội hình Phalanx gắn liền với những cuộc chinh phục của Alexander Đại Đế.
Phát biểu của bà Zakharova vào thứ Năm (21/11) mô tả Estonia và các quốc…