Sau gần ba tháng người Hồng Kông biểu tình phản đối Dự luật dẫn độ, hôm 4/9 vừa qua Đặc khu trưởng Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) đã tuyên bố chính thức hủy bỏ Dự luật dẫn độ, nhưng từ chối thành lập “Ủy ban điều tra độc lập”. Đáp lại, đông đảo người biểu tình ở tuyến đầu và phái dân chủ chỉ trích quyết định này “quá nhỏ nhoi, quá muộn”, và họ nhấn mạnh sẽ tiếp tục đấu tranh.
Trong phát biểu khoảng 8 phút trên truyền hình, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đề cập thực hiện 4 hành động, bao gồm: bao gồm: (1) Chính thức rút lại dự thảo luật dẫn độ; (2) Mời bà Dư Lê Thanh Bình và ông Lâm Định Quốc tham gia vào Hội đồng Khiếu nại Cảnh sát Độc lập (IPCC); (3) Đối thoại với người dân; (4) Mời các chuyên gia học giả tham gia nghiên cứu về những vấn đề sâu rộng trong xã hội.
Theo thông tin, hai thành viên mới được bổ nhiệm vào IPCC đều là “thân tín” của bà Lâm.
Bà Lâm chỉ trích tình trạng bạo lực thường xuyên xuất hiện đã làm lung lay nền tảng pháp trị của Hồng Kông, ngoài ra hành vi của số ít người vấy bẩn quốc kỳ quốc huy và tấn công trụ sở của ĐCSTQ tại Hồng Kông là thách thức chính sách “một quốc gia, hai chế độ”. Chính phủ sẽ nghiêm trị theo luật pháp.
Trước khi bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga phát biểu trên truyền hình (6 giờ tối), vào khoảng 4 giờ chiều, bà Lâm đã có cuộc gặp mặt các Đại biểu nhân đại khu vực Hồng Kông và giới nghị sĩ thân ĐCSTQ. Khi đó đông đảo giới truyền thông chờ đợi bên ngoài cửa nhưng bà Lâm và các quan chức tham gia họp kín đã không chịu ra mặt.
Liên quan đến hành động của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, ông nghị sĩ Điền Bắc Thìn, đại biểu nhân đại khu vực Hồng Kông và ủy viên lập pháp của đảng Roundtable cho biết, hành động rút Dự luật dẫn độ đến quá muộn. Hiện nay tâm điểm chú ý của xã hội đã không còn chỉ là vấn đề này, mọi người muốn thành lập ủy ban điều tra độc lập, đây là việc chắc chắn phải làm.
Ông Điền cũng cho biết, tuyệt đối tránh tình trạng trùng lặp nhiệm vụ giữa Ủy ban điều tra độc lập và IPCC, vì ứng cử viên cho Ủy ban điều tra độc lập chắc chắn không được có khuynh hướng chính trị, có vai trò độc lập điều tra cả cảnh sát cũng như những người biểu tình. Ông cũng cho biết không nên điều tra lẻ tẻ vụn vặt sự kiện cá nhân mà phải theo nguyên tắc hướng dẫn tổng thể, ví dụ chứng cứ cảnh sát làm nhiệm vụ theo “đặt hàng” hoặc những người biểu tình nhận tiền để biểu tình.
Phe Trại Dân chủ Hồng Kông cũng cho biết họ không chấp nhận việc rút Dự luật dẫn độ cũng như “bốn hành động lớn” đề xuất của bà Lâm, động thái đã quá muộn, vấn đề bây giờ là chuyện cảnh sát Hồng Kông lạm dụng vũ lực và cáo buộc thông đồng với xã hội đen, do đó cần thiết phải thành lập Ủy ban điều tra độc lập mới có thể giải quyết được.
Cô gái đi biểu tình hôm 11/8 tại trạm xe buýt bên ngoài đồn cảnh sát Tsim Sha Tsui bị nghi ngờ trúng đạn túi vải của cảnh sát bắn vào mắt. (Ảnh: Getty Images)
Cô Mao Mạnh Tịnh, người triệu tập của Trại Dân chủ đã mô tả rằng, cho dù rút Dự luật dẫn độ thì vết thương của xã hội Hồng Kông vẫn đang chảy máu. Cô cũng cáo buộc rằng cả hai người mới được đưa vào IPCC đều là “người nhà” của cảnh sát Hồng Kông, cô lo lắng sau động thái hủy bỏ Dự luật dẫn độ này, Chính phủ sẽ tiếp tục vu cáo đối với những người đấu tranh và qua đó âm thầm đàn áp, khi đó cộng đồng quốc tế rất khó hỗ trợ Hồng Kông.
Chủ tịch đảng Dân chủ Hồ Chí Vỹ cho biết, đến nay đã có 8 người ủng hộ phong trào đấu tranh bị thiệt mạng, có người mất thị lực, hơn 1.000 người đã bị bắt giữ, vì vậy hành động của bà Lâm là “quá nhỏ bé, quá muộn, quá giả tạo”.
Ông cho rằng cách làm của bà Lâm là “giả nhượng bộ, thật đấu tranh”, những người chịu đau khổ là những người đấu tranh ở tuyến đầu của xã hội Hồng Kông, ông nghi ngờ trong thời gian dài Chính phủ làm ngơ trước thịnh nộ của người dân đối với vấn đề cảnh sát lạm dụng quyền lực để khiến tình hình leo thang, dựa vào đó làm cơ sở cho việc giữ lại “Luật trường hợp khẩn cấp”. Ông nhấn mạnh chưa thể nguôi giận vì động thái nhỏ bé này của Lâm, phải “ngăn chặn cảnh sát dùng bạo lực và làm tình hình hỗn loạn” mới xoa dịu được tình hình.
Ngày 4/9, Mặt trận Nhân dân về Nhân quyền (CHRF), một tổ chức đã nhiều lần huy động được đông đảo người dân Hồng Kông tham gia biểu tình, tuyên bố rằng nếu bà Lâm từ bỏ Dự luật dẫn độ từ đầu tháng Sáu thì đã không dẫn đến chuyện cảnh sát nhiều lần mất kiểm soát gây cảnh bạo lực, giới xã hội đen cũng không nhân cơ hội tình cảnh hoảng loạn gây chuyện. Do đó CHRF cho rằng chính phủ bà Lâm vì kiêu ngạo đã mắc sai lầm chính trị nghiêm trọng, dung túng cho bạo lực của cảnh sát và xã hội đen, cho nên sự kiện này không đơn giản là rút lại Dự luật dẫn độ mà bình yên được.
CHRF nhấn mạnh rằng, toàn bộ cơn bão chính trị này do một tay bà Lâm gây ra. Qua kinh nghiệm vài tháng qua càng thấy rõ máu lạnh của chuyên chế độc tài, khiến họ càng quyết tâm hơn trong đấu tranh giành quyền bầu cử trực tiếp phổ thông đầu phiếu để chọn Trưởng Đặc khu và Hội đồng lập pháp, vì vậy họ sẽ tiếp tục đấu tranh cho đến khi giành được 5 yêu cầu chính!
“Hội phóng viên quần chúng” do một nhóm người sử dụng Internet thành lập cũng ra tuyên bố vào hôm 4/9 rằng, động thái rút Dự luật dẫn độ không thể bù đắp được bao nhiêu máu và nước mắt của người Hồng Kông trong trong ba tháng qua. Họ nhấn mạnh rằng phong trào chống Dự luật dẫn độ này chỉ là một mồi lửa nhưng đã lột được mặt nạ của chính quyền hiện nay.
Họ còn khẳng định sẽ tiếp tục chiến đấu chống lại lạm quyền của cảnh sát, đe dọa khủng bố trắng, doanh nghiệp tự kiểm duyệt, ĐCSTQ nhe nanh ra oai, sự sụp đổ niềm tin với bộ máy cầm quyền này không chỉ đơn giản là rút lại Dự luật dẫn độ là yên ổn. Vì vậy 5 yêu cầu chính của người dân Hồng Kông là dựa trên bằng chứng vững chắc.
Họ cũng lo lắng về việc liệu đây có phải chiêu trò nhằm bình ổn tình hình trước ngày ĐCSTQ tổ chức kỷ niệm 70 năm xây dựng chính quyền để rồi sẽ trả thù sau mùa thu. Ngoài ra trong số 1118 người bị bắt có 77 người đều bị buộc tội bạo loạn. Họ nhấn mạnh rằng sẽ tiếp tục đấu tranh, sẽ kiên trì đến cùng cho đến chiến thắng cuối cùng. Bây giờ đã đến thời khắc quan trọng nhất, không thể lùi bước, “Chúng tôi khát khao tự do và công lý, không bao giờ dừng lại cho đến khi 5 yêu cầu chính được thực hiện đầy đủ.”
Ông Hoàng Vệ Quốc, giảng viên thỉnh giảng Khoa Khoa học Xã hội Đại học Giáo dục Hồng Kông mô tả động thái của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga là “quá nhỏ bé, quá muộn và không chân thành”, vì thế tin rằng người dân Hồng Kông sẽ tiếp tục đấu tranh. Hiện phong trào phản đối không còn giới hạn ở chống Dự luật dẫn độ mà bao gồm nhiều vấn đề khác: vấn đề không truy cứu trách nhiệm đối với bà Lâm, sự can thiệp thô bạo của Bắc Kinh, cảnh sát câu kết xã hội đen, quân đội ĐCSTQ cải trang vào Hồng Kông.
Ông cũng tin rằng động thái từ bỏ Dự luật dẫn độ lần này của bà Lâm là chủ ý của Bắc Kinh. Ông cáo buộc Bắc Kinh và bà Lâm lợi dụng lẫn nhau. ĐCSTQ muốn sử dụng Hồng Kông để làm những việc bẩn thỉu, coi bà Lâm là lá chắn. Còn bà Lâm lợi dụng ĐCSTQ giúp bà ta thao túng Hồng Kông.
Ông Hoàng Vệ Quốc phân tích rằng người Hồng Kông giờ đã không thể quay đầu trở lại. Khoảng thời gian ba tháng qua đã in sâu trong ký ức người dân Hồng Kông, bao gồm cả trẻ nhỏ. Về việc cuộc chiến này của người Hồng Kông đi đến đâu, ông cho rằng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có việc Mỹ thông qua “Dự luật Tự do nhân quyền và dân chủ ở Hồng Kông” trở thành áp lực đối với ĐCSTQ như thế nào.
Huệ Anh
Xem thêm:
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…