Sau khi “Luật Cấm che mặt” có hiệu lực, nhiều người dân lo ngại Chính phủ Hồng Kông sẽ tiếp tục ra những chính sách nhằm hạn chế tự do của người dân. Hôm qua, trả lời truyền thông, ông Diệp Quốc Khiêm – ủy viên Hội đồng điều hành Hồng Kông cho biết sẽ cân nhắc mọi biện pháp để ngăn chặn bạo loạn, không loại trừ “cấm Internet” hạn chế liên lạc. Cách làm luật này đã khiến nhiều chính khách và chuyên gia kịch liệt lên án.
Ngày 4/10, Trưởng Đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) tuyên bố “Luật Cấm che mặt”. Nhiều người nhận định rằng đây là dấu hiệu biến Hồng Kông thành xã hội toàn trị, vì điều này đặt ra tiền lệ là Chính phủ Hồng Kông có thể tùy tiện ban hành bất cứ thứ luật nào “thắt chặt kiểm soát”. Nhiều luật gia lên án cách làm luật này của Chính phủ Hồng Kông là hành vi vi hiến.
Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã nhấn mạnh rằng việc vận dụng “Luật Khẩn cấp” không đồng nghĩa là Hồng Kông đang trong tình trạng khẩn cấp, nhưng một khi xung đột bạo lực leo thang thì không loại trừ sẽ có nhiều biện pháp đối phó dựa trên “Luật Khẩn cấp”.
Ngày 7/10, ông Diệp Quốc Khiêm cũng trả lời truyền thông thể hiện quan điểm ủng hộ Lâm Trịnh Nguyệt Nga. Khi được hỏi nếu người biểu tình không nhượng bộ thì Hội đồng điều hành ứng phó như thế nào? Có cấm mạng Internet hay không?
Ông Diệp Quốc Khiêm trả lời rằng ở giai đoạn hiện nay Chính phủ sẽ cân nhắc mọi biện pháp để đạt được mục đích ngăn chặn bạo loạn, nếu cần thiết không loại trừ trong tương lai sẽ “cấm mạng Internet”. Ông Diệp nhấn mạnh rằng trong “Luật Khẩn cấp”, cấm mạng Internet là thuộc phạm trù truyền thông, trường hợp cần thiết có thể thực hiện.
Ngoài ra, trước đó nhiều người kháng nghị đã bày tỏ quan điểm không thể tin tưởng Ban giám sát cảnh sát do Lâm Trịnh Nguyệt Nga thành lập, mọi người vẫn kiên định quan điểm mở Ban điều tra độc lập (là một trong 5 yêu cầu); nhưng Diệp Quốc Khiêm cho rằng “Tôi không tin thành lập như vậy có thể lập tức giải quyết được vấn đề.”
Ngày 4/10, bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện Mỹ, đã đưa ra thông điệp trên Twitter: “Chính phủ Hồng Kông áp dụng Luật khẩn cấp, cấm che mặt, từ chối đáp ứng các yêu cầu của dân chúng, động thái chỉ gây lo ngại hơn về quyền tự do ngôn luận.”
Bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện Mỹ. (Ảnh: Getty Images)
Nghị sĩ Chris Smith thuộc đảng Cộng hòa cũng cho biết: “Dùng nguyên tắc từ Luật khẩn cấp để cấm đeo mặt nạ là không phù hợp thực tế, sẽ chỉ làm tình hình thêm căng thẳng. Người biểu tình mang mặt nạ vì cảnh sát đã sử dụng hơi cay và camera nhận dạng khuôn mặt của Bắc Kinh. Đất nước cảnh sát công nghệ cao mà Tập Cận Bình xây dựng khiến mọi người đều lo lắng.”
Nghị sĩ Chris Smith còn cho rằng, sau nhiều tháng biểu tình, bạo lực leo thang và pháp luật hà khắc đã không giải quyết được vấn đề, ông tiếp tục kêu gọi Chính phủ Hồng Kông cần tìm kiếm một giải pháp theo hướng đáp ứng nhu cầu chính đáng của người biểu tình ôn hòa về quyền dân chủ cơ bản.
Francisco Bencosme, người phụ trách vấn đề châu Á – Thái Bình Dương thuộc chi nhánh Mỹ của Tổ chức Ân xá Quốc tế cho rằng, “Luật Cấm che mặt” vi phạm các tiêu chuẩn quốc tế về tự do biểu đạt và liên kết giữa mọi người với nhau.
Francesco nói: “Lý do duy nhất khiến mọi người đeo mặt nạ là vì bầu không khí khủng bố do cảnh sát Hồng Kông tạo ra, tùy tiện bắt giữ và theo dõi, lạm dụng hơi cay. Việc chính phủ áp dụng quyền lực khẩn cấp và tăng cường kiểm soát người biểu tình là điều đáng lo ngại. Chúng tôi kêu gọi Chính phủ Hồng Kông không làm tình hình căng thẳng bằng cách áp dụng những biện pháp tổn hại nhân quyền.”
Ngày 4/10, ông Trịnh Vũ Thạc, Hiệu trưởng danh dự của Viện Dân chủ người Hoa cho biết: “Điều mọi người lo ngại không phải là vấn đề cấm mặt nạ, vì tác động của luật này vẫn còn hạn chế, vấn đề mọi người lo ngại nhất là việc dùng cách của Luật khẩn cấp để áp dụng cấm mặt nạ. Vì khi áp dụng nguyên tắc từ Luật khẩn cấp mang hàm ý Hồng Kông rơi vào tình trạng khẩn cấp, khi đó chính phủ sẽ có quyền lực vô hạn, không còn bị hạn chế bởi các nguyên tắc vốn có, đó mới là vấn đề nguy hiểm.”
Ông cũng nhấn mạnh rằng “Luật Cấm che mặt” của nhiều nước phương Tây không xây dựng dựa trên tình trạng khẩn cấp mà nằm trong khung luật pháp của Hiến pháp.
Ngày 6/10, ông Vương Hạo Hiền, phát ngôn viên của Tổ chức Theo dõi Dân quyền (Civil Rights Observer) cho biết, rõ ràng là thị dân không hài lòng với việc chính phủ qua mặt Hội đồng Lập pháp, áp dụng nguyên tắc của “Luật khẩn cấp” để xác định tội hình sự mới, ông lên án Chính phủ Hồng Kông chưa rút được bài học từ những lần tùy tiện ra luật trước đây.
Vương Hạo Hiền cũng bày tỏ lo ngại rằng bạo lực sẽ tiếp tục leo thang, dẫn đến thương vong. Ông chỉ trích Chính phủ Hồng Kông chính là thủ phạm gây vấn đề, dùng vũ lực hoặc “luật hà khắc” xử lý mâu thuẫn sẽ chỉ làm mâu thuẫn trầm trọng thêm, ông kêu gọi chính quyền phải nhìn thẳng vào yêu cầu của người dân.
Ông cũng kêu gọi các bên kiềm chế, cảnh sát khi hành động phải áp dụng nguyên tắc vũ lực mức tối thiểu, đồng thời lên án những hành vi lạm dụng dùi cui của cảnh sát nhắm vào đầu nhiều người biểu tình.
Ngày 7/10, trên Facebook cá nhân, ông Thẩm Vinh Khâm, phó giáo sư tại Đại học York ở Canada cho biết, trước thực tế nhiều người Đài Loan chú ý về tăng trưởng kinh tế nhanh chóng tại Đại Lục, hai năm trước ông đã viết phân tích lý giải nguyên nhân, trong đó có nhấn mạnh lo ngại tình hình sẽ gây thảm họa cho Hồng Kông. Điều khiến ông thấy đáng thấy tiếc là lo lắng của ông về Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã thành sự thật.
Theo ông Thẩm Vĩnh Khâm, “cuộc chiến tài chính” Mỹ – Trung đã sẵn sàng, đặc biệt trong tình hình tương lai tốc độ tăng trưởng kinh tế của Đại Lục sẽ chỉ duy trì kéo dài ở mức 3% cùng vấn nạn bong bóng nhà đất và bong bóng nợ, Bắc Kinh không thể “trường kỳ kháng chiến” trước áp lực kéo dài của Mỹ, vì vậy Hồng Kông ngày càng quan trọng đối với Bắc Kinh, nếu “phá hủy vị thế của trung tâm tài chính Hồng Kông sẽ đẩy nhanh thất bại của Bắc Kinh trong cuộc chiến tài chính Mỹ-Trung”.
Sau khi “Luật Cấm che mặt” được đưa ra, tình hình Hồng Kông càng rối loạn, mâu thuẫn giữa cảnh sát và người dân leo thang căng thẳng hơn. Về vấn đề này, ông Nghiêm Thuần Câu, từng là Phó Tổng biên tập New Evening Post và Tổng biên tập Công ty Cosmos Books cũng thể hiện quan điểm bất bình trước những hành vi vô pháp của Chính phủ Lâm Trịnh Nguyệt Nga.
Ông nói: “Ai đã buộc giới trẻ Hồng Kông lao vào tình cảnh hôm nay? Họ đều là những đứa trẻ được nuôi dưỡng trong xã hội Hồng Kông, lâu nay luôn tuân theo các quy tắc và kỷ luật tại Hồng Kông, vậy mà ngày nay họ đã bất kể nguy hiểm sinh mạng, chấp nhận sống trong mệt mỏi và đau đớn, chấp nhận nguy cơ bị bắt và bỏ tù hoặc thậm chí chết trên đường phố, tại sao họ phải lao vào cuộc chiến này?” Hãy nhìn vào phát biểu trước Hội đồng Lập pháp hôm 1/7 của bạn trẻ Lương Kế Bình: Không thể quay lại! Vâng, nếu bỏ cuộc là thành tù nhân, sẽ phải chịu cai trị độc đoán trong nhiều thế hệ, vậy thì tốt hơn là bây giờ hãy quyết chiến!
Ông cũng cho rằng hiện nay người kháng nghị Hồng Kông đã rơi vào tình cảnh không đội trời chung với Lâm Trịnh Nguyệt Nga cùng vài chục nghìn cảnh sát đen. ĐCSTQ muốn giải quyết tình hình Hồng Kông thì trước tiên phải xử lý từ Lâm Trịnh Nguyệt Nga, nhưng ĐCSTQ lại sẵn sàng chà đạp Hồng Kông để giữ Lâm Trịnh Nguyệt Nga. Ở Hồng Kông ngày nay, luật pháp đã bị chính quyền Lâm Trịnh Nguyệt Nga hủy hoại, mục đích làm luật của chính phủ hiện chỉ là để đàn áp sự phản kháng của công chúng, nhưng chính phủ phạm pháp lại bình an vô sự, thậm chí không bị lên án, như vậy cách làm luật này đã không có ý nghĩa gì. Khi chính phủ vô pháp thì không thể buộc công chúng tuân thủ luật pháp, không thể có thứ logic như vậy được.
Tuyết Mai
Xem thêm:
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…