Cựu Thống đốc Hồng Kông: Bà Carrie Lam ‘điên rồ’ khi tuyên bố Luật Cấm che mặt
- Tuyết Mai
- •
Trưởng đặc khu Hồng Kông Carie Lam mới đây đã tuyên bố thông qua “Luật Cấm che mặt” bất chấp làn sóng phản đối của người biểu tình. Về vấn đề này, Cựu Thống đốc Hồng Kông Chris Patten cho biết đây là hành động điên rồ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng lập tức có phản ứng đáp trả.
Cựu Thống đốc Hồng Kông lên án bà Carrie Lam ‘điên rồ’ khi tuyên bố Luật Cấm che mặt. (Ảnh: Getty Images)
Chris Patten lên án bà Carrie Lam “điên rồ”
Ông Chris Patten là Thống đốc cuối cùng thời Hồng Kông thuộc Anh cho đến năm 1997 khi Anh chuyển giao chủ quyền Hồng Kông về Trung Quốc, vài ngày trước ông đã trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình BskyB và kể lại những diễn biến tình hình căng thẳng không ngừng leo thang tại Hồng Kông do bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) chậm trễ hủy Dự luật dẫn độ, hiện nay tình hình đã khác khi thị dân Hồng Kông đòi hỏi đáp ứng đủ 5 yêu cầu.
Trong khi những người biểu tình đang tiếp tục đấu tranh giành quyền bầu cử phổ thông đầu phiếu đối với Trưởng Đặc khu và Hội đồng lập pháp thì thứ 6 tuần trước, Chính phủ Hồng Kông lại công bố “Luật Cấm che mặt”, theo đó cấm người dân mang khẩu trang hoặc đeo mặt nạ che mặt khi biểu tình. Sau khi luật này được ban hành đã lại diễn ra cảnh xung đột bạo lực giữa cảnh sát Hồng Kông và người dân.
Ông cho biết cả Chính phủ Hồng Kông và chính phủ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phạm hàng loạt sai lầm, “Thái độ của chính quyền Bắc Kinh và Chính phủ Hồng Kông chỉ dựa vào đạn hơi cay, dùi cui và tòa án với mong muốn chấm dứt chiến dịch biểu tình ôn hòa của hai triệu người.” Ông cũng cho biết rằng ông không chấp nhận hành vi bạo lực, hy vọng người biểu tình từ bỏ hành vi ném bom xăng, nhưng ông cũng chỉ ra rằng Chính phủ và người biểu tình thiếu kênh đối thoại, “Không có ai cùng họ (người biểu tình) đối thoại, có vẻ như không ai nhìn họ (người biểu tình) một cách nghiêm túc.”
Về triển vọng tương lai, ông Patten cảm thấy lo lắng, “Ngoài việc bà Carrie Lam thúc đẩy và nắm rõ tầm quan trọng của hoạt động đối thoại, còn phải thành lập ủy ban điều tra độc lập để tìm hiểu lý do tại sao mọi chuyện diễn biến cho đến nay, nếu không có thể sẽ đến lúc một người biểu tình nào đó không may bị giết hại.”
Patten nói rằng ông không muốn thấy cách cảnh sát Hồng Kông thi hành luật như hiện nay, ông kêu gọi Mỹ và Anh cần lên tiếng mạnh mẽ hơn về tình hình ở Hồng Kông.
Trước những phát biểu của Patten, ngày 7/10, đại diện Bộ Ngoại giao ĐCSTQ tại Hồng Kông đã phản hồi rằng việc Chính phủ Hồng Kông thông qua “Luật Cấm che mặt” là “hành động cần thiết chính đáng”, chỉ trích ông Patten xem thường dư luận chính thống từ nhiều tầng lớp xã hội yêu cầu chấm dứt bạo loạn, phát ngôn “đã phơi bày hoàn toàn bộ mặt thật đạo đức giả, thiên vị, máu lạnh, khiến chúng tôi cương quyết lên án”.
Phản hồi của đại diện Bộ Ngoại giao ĐCSTQ tại Hồng Kông đã kéo theo nhiều tiếng nói chỉ trích từ giới bình luận, theo đó cho rằng tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc không phù hợp thực tế, vì trong phong trào biểu tình kéo dài 4 tháng qua, Chính phủ Hồng Kông không chỉ phớt lờ yêu cầu của người biểu tình mà còn huy động cảnh sát đàn áp bạo lực, thậm chí nổ súng bắn vào người dân khiến tình hình leo thang, bây giờ lại ra Luật Cấm che mặt như đổ thêm dầu vào lửa.
Ngoài ra, nhiều người biểu tình phải đeo mặt nạ để phòng ngừa đạn hơi cay hoặc lo bị nhận diện khiến sau này họ bị tính sổ.
Cảnh sát ĐCSTQ đội lốt cảnh sát Hồng Kông?
Nhiều nhận định cho rằng những phát biểu lo ngại của ông Patten hoàn toàn có lý. Hiện cảnh sát Hồng Kông ngày càng ra tay tàn bạo hơn đối với người biểu tình, nhiều hành động cho thấy thủ đoạn không khác gì cảnh sát của ĐCSTQ. Có thể kể đến vụ đàn áp tại Trạm Prince Edward ngày 31/8 cũng như nhiều vụ việc bị nghi ngờ “tự sát” sau đó, những thủ đoạn gợi nhiều suy đoán rằng quân đội hoặc cảnh sát vũ trang của ĐCSTQ đã được đưa vào trong hệ thống cảnh sát Hồng Kông, thậm chí đã tiếp quản chỉ đạo cảnh sát Hồng Kông.
Gần đây, cộng đồng mạng đăng tải video quay cảnh hàng chục người mặc đồng phục cảnh sát chống bạo động Hồng Kông xuất hiện trong Trại Quân đội Giải phóng quân ĐCSTQ tại Kowloon Tong. Hình ảnh do người dân truyền tải cho thấy một số lượng lớn xe quân sự đã đi qua Đường hầm Aberdeen Hồng Kông.
Quân đội ĐCSTQ đi tuần tra trong khu đô thị Hồng Kông
Sau khi có Luật Khẩn cấp của cơ quan chức năng, ở nhiều khu vực đã xảy ra cảnh ùn tắc giao thông, xuất hiện cảnh xe tải của Giải phóng quân ĐCSTQ trú tại Hồng Kông chở đầy quân lính đi tuần tra trên phố ở Cửu Long.
This footage caught an unusual scene that dozens of people, who dressed like riot police, patrolled INSIDE the People's Liberation Army Barracks in Kowloon Tong. That never happened before. Are they the Chinese troops disguised as riot police and ready for bloody crackdown? pic.twitter.com/oxn3IB4Flh
— Demosistō 香港眾志 ? (@demosisto) October 6, 2019
Gần đây Reuters đưa tin cho biết, kể từ tháng Sáu đến nay, số lượng binh sĩ ĐCSTQ đóng quân tại Hồng Kông ít nhất đã tăng gấp đôi, lên đến 12.000 người. Cái gọi là “luân chuyển quân đồn trú” vào cuối tháng 9, kỳ thực là trá hình của viện binh, đã đưa thêm nhiều cảnh sát vũ trang vào Hồng Kông.
>> Nhân viên hải quan: Xe quân sự TQ liên tiếp vào Hồng Kông
Mặc dù Cảnh sát Hồng Kông phủ nhận những thông tin trên, nhưng hôm 4/10 ông Lưu Mộng Hùng (Lew Mon-hung), Ủy viên Chính hiệp ĐCSTQ đã nghỉ hưu ở Hồng Kông tiết lộ với Đài VOA (Mỹ) rằng, ngày 4/10, có các sĩ quan cảnh sát Hồng Kông đã đăng lên mạng Internet cho biết rằng, không biết vì lý do gì cấp trên yêu cầu phải nghỉ phép, bàn giao quân hàm và số hiệu cảnh sát, dù nhiều cảnh sát tại khu vực đã kháng nghị nhưng cấp trên vẫn không cho đi làm.
Cảnh sát này còn cho biết anh ta thấy một viên cảnh sát trong khu vực cảnh sát của mình làm nhiệm vụ trở về và được cấp trên chào hỏi, nhưng viên cảnh sát kia không thèm quan tâm. Ngoài ra, có đồng nghiệp anh ta nghe thấy ở trong khu vệ sinh những người này trò chuyện với nhau bằng tiếng phổ thông, khiến đồng nghiệp của anh ta cũng nghi ngờ có phải trao quân hàm và số hiệu để cung cấp cho cảnh sát quân sự ĐCSTQ thâm nhập vào cảnh sát Hồng Kông hay không.
Nghi ngờ “Tuyên bố Chính phủ Lâm thời Hồng Kông” có bóng dáng ĐCSTQ
Một sự kiện trùng hợp khó hiểu được giới quan sát chỉ ra là, trong cùng ngày bà Carrie Lam tuyên bố “Luật Cấm che mặt” có hiệu lực, một nhóm người Hồng Kông cũng đọc “Tuyên ngôn Chính phủ lâm thời Hồng Kông”, nhưng ĐCSTQ lại không phản ứng gì trước động thái này. Nhiều nhà quan sát nghi ngờ liệu tổ chức đứng sau trò này có liên quan đến ĐCSTQ?
Ngày 5/10, phát ngôn viên Solomon Yue của đảng Cộng hòa Mỹ chuyên trách vấn đề nước ngoài đã chia sẻ trên Twitter rằng, động thái này có thể là của người biểu tình giả mạo, nếu người dân Hồng Kông thực sự thành lập chính phủ lâm thời sẽ khiến chiến dịch biểu tình dân chủ tại Hồng Kông mang màu sắc chủ trương ly khai, gây cản trở Mỹ thúc đẩy “Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông”, cũng mở đường cho tính hợp lý của việc ĐCSTQ đàn áp Hồng Kông.
Facebook “Khoa học trái tim Bắc Âu” cũng chỉ ra rằng từ ngữ của Tuyên bố này cho thấy có dấu hiệu hình bóng của ĐCSTQ, ví dụ câu đầu tiên “Trong quá trình phát triển nền văn minh loài người, việc từ bỏ những thứ cũ kỹ để xây dựng những thứ tốt đẹp hơn là rất cần thiết, đây là nền tảng của tiến hóa loài người”, câu này là quan điểm thuyết tiến hóa lịch sử của chủ nghĩa Marx. Ngoài ra trong tuyên ngôn sử dụng nhiều lần chữ “nhân dân” là từ mà ĐCSTQ phổ biến dùng, còn người Hồng Kông thường sử dụng từ “thị dân” hoặc “quốc dân”. Thêm nữa là nhiều tổ chức chính phủ lâm thời được đề cập trong Tuyên bố nhưng thực tế hoàn toàn không tồn tại.
Ngày 4/10, Vương Đan, một trong những người tham gia lãnh đạo phong trào đòi dân chủ tại Thiên An Môn ngày 4/6/1989 đã nhận định rằng, việc Chính phủ Hồng Kông ra “Luật Cấm che mặt” rõ ràng là cố tình khiêu khích người dân kháng nghị, không muốn tình hình hòa bình, vì thế nhiều lo ngại rằng Chính phủ Hồng Kông cùng ĐCSTQ có mưu đồ khác nào đó.
Tuyết Mai
Xem thêm:
Từ khóa biểu tình ở Hồng Kông Dòng sự kiện ĐCSTQ trấn áp người biểu tình Hồng Kông Luật Cấm che mặt