Jack Ma và Triệu Vi (Ảnh từ mạng xã hội)
Liên minh Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) mới đây công bố báo cáo điều tra mang tên China Targets, theo đó, doanh nhân Trung Quốc H (chồng cũ của Triệu Vy – Hoàng Hữu Long, tên phiên âm Huang Youlong), trong thời gian chờ phiên điều trần dẫn độ tại Bordeaux, Pháp, đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phát lệnh truy nã đỏ thông qua Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế. Báo cáo cũng tiết lộ, người sáng lập Alibaba – Jack Ma – từng bị chính quyền Trung Quốc yêu cầu đích thân gọi điện thuyết phục H hồi hương để phối hợp trong chiến dịch thanh trừng cựu Thứ trưởng Bộ Công an Tôn Lực Quân.
Theo tờ The Guardian hôm 29/4, Liên minh Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) cho biết vào năm 2021, dưới áp lực từ Bắc Kinh, ông Jack Ma đã trực tiếp gọi điện cho một doanh nhân tên H (bị cáo buộc rửa tiền) đe dọa rằng nếu chịu hồi hương và hợp tác với chiến dịch điều tra Tôn Lực Quân, mọi cáo buộc đối với H có thể sẽ được xóa bỏ.
Theo báo cáo, doanh nhân H năm nay 48 tuổi, là công dân Singapore sinh ra tại Trung Quốc. Vào năm 2020, khi ông đang cư trú tại Bordeaux, Pháp, Trung Quốc đã cáo buộc ông phạm tội tài chính và phát lệnh truy nã. Trong thời gian đó, Bắc Kinh đã nhiều lần gây áp lực buộc ông trở về Trung Quốc, bao gồm gọi điện quấy rối liên tục, bắt giữ người thân của ông, thậm chí phát lệnh truy nã đỏ thông qua Interpol. Vì vậy, chính quyền Pháp đã thu giữ hộ chiếu của ông và đang cân nhắc việc dẫn độ.
Vào tháng 4/2021, H nhận được cuộc gọi từ Jack Ma, hai người quen biết nhau nhiều năm. H đã ghi âm lại cuộc gọi này, giống như những lần ông từng ghi âm các cuộc gọi từ bạn bè hoặc nhân viên an ninh quốc gia ĐCSTQ.
Jack Ma nói với ông: “Tôi nghĩ là anh không còn đường nào khác, họ đã đưa ra cách làm này, nếu giờ anh không về, họ chắc chắn sẽ dồn anh đến chết.” Jack Ma tiết lộ rằng các nhân viên an ninh quốc gia ĐCSTQ đã trực tiếp tìm đến ông, yêu cầu ông ra mặt thuyết phục H hồi hương.
Trong cuộc gọi, Jack Ma ám thị rằng nếu H đồng ý hợp tác điều tra và hỗ trợ truy tố Tôn Lực Quân, thì mọi rắc rối của H sẽ được giải quyết. Jack Ma nói: “Họ làm tất cả chuyện này là vì Tôn Lực Quân, không phải vì anh.”
Tôn Lực Quân từng là Thứ trưởng Bộ Công an ĐCSTQ, được chỉ định xử lý các vấn đề an ninh tại Hồng Kông vào năm 2017 – thời điểm diễn ra các cuộc biểu tình lớn phản đối Bắc Kinh đàn áp dân chủ. Năm 2020, ông ta bị bắt vì các cáo buộc nhận hối lộ, thao túng thị trường chứng khoán, và tàng trữ vũ khí trái phép. Năm 2022, ông bị kết án tử hình nhưng được hoãn thi hành án trong hai năm.
Bản tin cho biết, thời điểm đó Jack Ma cũng đang trong tình thế khó khăn, sau bài phát biểu vào tháng 10/2020 chỉ trích cơ quan quản lý tài chính của ĐCSTQ, ông đã bị chính quyền trừng phạt, bao gồm bị phạt 18,2 tỷ NDT và từng “biến mất” khỏi công chúng trong một thời gian dài.
Nửa năm sau, Jack Ma gọi lại cho H và than phiền rằng ông bị kéo vào vụ việc Tôn Lực Quân: “Sao anh lại lôi tôi vào chuyện này?” Ông nói rằng các nhân viên an ninh quốc gia đã gọi cho ông với thái độ rất nghiêm trọng: “Họ nói chỉ cần anh quay về, sẽ đảm bảo cho anh một cơ hội được miễn tội. Và anh không còn lựa chọn nào khác, sợi dây sẽ siết chặt thêm.” Sau đó, Jack Ma còn gọi cho luật sư của H để nhấn mạnh lại cùng một thông điệp.
Tuy nhiên, H không tin tưởng chính quyền ĐCSTQ nên không trở về. Đội ngũ luật sư của ông tại tòa án Pháp tích cực phản đối quy trình dẫn độ. Một trong các luật sư – Clara Gérard-Rodriguez – cho biết: “Chúng tôi hiểu rất rõ rằng nếu H quay về Trung Quốc, ông ấy sẽ bị bắt, bị giam giữ, và có thể bị tra tấn để ép cung cho đến khi đồng ý ra làm chứng.”
Rodriguez nói thêm: “Chúng tôi từng tận mắt chứng kiến và cũng biết qua truyền thông rằng Jack Ma từng ‘biến mất’ một thời gian. Người từng được coi là bất khả xâm phạm, quyền lực lớn, mối quan hệ rộng khắp – lại có lúc im hơi lặng tiếng suốt nhiều tháng trời, rồi đột nhiên xuất hiện lại để tuyên bố trung thành với Đảng Cộng sản Trung Quốc.” “Cuối cùng thì, điều mà Bắc Kinh mong muốn ở H cũng giống vậy – muốn ông ấy quay về, chứng minh lòng trung thành, và thể hiện rõ lập trường mình đứng về phía nào.”
Các cáo buộc rửa tiền mà chính quyền ĐCSTQ đưa ra đối với H có liên quan đến một nền tảng cho vay từng được ông đầu tư – “Tuandaiwang”. Người sáng lập công ty này đã bị kết án 20 năm tù vì tội huy động vốn bất hợp pháp, và phía cảnh sát Trung Quốc cho rằng H đã từng giúp chuyển một phần tiền ra nước ngoài, đồng thời cố tình che giấu một số khoản tiền bị chiếm dụng khi cuộc điều tra bắt đầu.
Do đó, Bắc Kinh đã phát lệnh truy nã đỏ đối với H, khiến ông bị đánh dấu là tội phạm tiềm tàng trong hệ thống cảnh sát toàn cầu và không thể tự do di chuyển. Tuy nhiên, nhiều tổ chức vận động đã liên tục cảnh báo rằng hệ thống này rất dễ bị lạm dụng. Các chuyên gia chỉ ra rằng ĐCSTQ thường không sử dụng quy trình dẫn độ chính thức dựa trên lệnh truy nã đỏ, mà thay vào đó dùng Interpol để lần ra vị trí của đối tượng, sau đó gia tăng sức ép thông qua các biện pháp đe dọa đương sự và người thân của họ ở trong nước Trung Quốc, buộc họ phải trở về Trung Quốc.
Khi H đang chờ tiến trình tư pháp tại Pháp, ông liên tục nhận được các cuộc gọi từ bạn bè và nhân viên an ninh quốc gia ĐCSTQ. Có lúc giọng điệu nhẹ nhàng, có lúc lại mang tính đe dọa. Một người bạn thậm chí còn cảnh báo ông qua điện thoại: “Trong 3 ngày tới, cả gia đình anh sẽ bị bắt!” Và quả nhiên, vài ngày sau, gia đình của H ở Trung Quốc đã bị bắt.
Đài Á Châu Tự Do (RFA) đưa tin, do ảnh hưởng từ người chồng cũ H (Hoàng Hữu Long), Triệu Vy cũng phải chịu áp lực rất lớn. Có lần, khi Phó Tổ trưởng tổ chuyên án của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương phụ trách vụ án Tôn Lực Quân – ông Ngôi Phủ Kiệt – gọi điện cho H, ông ta nói: “Tôi đã trò chuyện với vợ anh (Triệu Vy) rồi đấy!”
Vào tháng 12 năm ngoái, Triệu Vy bất ngờ công bố thông tin ly hôn, tuyên bố rằng tất cả phát ngôn và sự việc liên quan đến chồng cũ đều không liên quan đến cô. Nhiều cư dân mạng đã suy đoán rằng sự việc này có thể có liên quan đến vụ việc kể trên.
Triệu Vy xác nhận rằng cô và Hoàng Hữu Long đã hoàn tất thủ tục ly hôn từ ngày 23/7/2021, nhưng chỉ công khai thông tin vào cuối năm 2024. Cô cũng gửi hồ sơ ly hôn tới Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông vào ngày 20/1/2025 để điều chỉnh thông tin, xóa bỏ toàn bộ cổ phần và quyền lợi chung với 3,5 tỷ cổ phiếu tại công ty Shunlong Holdings của Hoàng Hữu Long.
Vào tháng 7/2021, vụ việc của H được đưa ra xét xử tại Tòa phúc thẩm Bordeaux, Pháp. Cuối cùng, tòa án đã bác bỏ yêu cầu dẫn độ của Trung Quốc. Sau đó, Interpol cũng đã rút lệnh truy nã đỏ đối với H khỏi hệ thống của tổ chức.
Nhà bình luận người Hoa Chương Thiên Lượng hiện sống ở Mỹ cho biết, vào thời điểm đó không chỉ có nhân viên an ninh quốc gia ĐCSTQ liên lạc với Hoàng Hữu Long, mà cả các quan chức cấp cao tại Hồng Kông cũng tham gia. Bao gồm cựu Phó Giám đốc Cục Hành chính Hồng Kông – Tăng Quốc Vệ và cựu quan chức cấp cao của Văn phòng Liên lạc Trung ương tại Hồng Kông Lý Giang Chu, đều đã gọi điện cho Hoàng Hữu Long.
Ông Tăng Quốc Vệ nói với Hoàng Hữu Long rằng họ cũng chỉ có hai chiêu cũ – thứ nhất là phong tỏa tài sản của anh, thứ hai là lấy người thân ra đe dọa anh. Ông Lý Giang Chu thì nói, chỉ cần Hoàng Hữu Long chịu hợp tác, phía Trung Quốc sẽ hủy lệnh truy nã, thả người thân của ông và giải tỏa các tài khoản ngân hàng bị đóng băng. Ông còn khuyên rằng Hoàng Hữu Long nên nhanh chóng trở lại Hồng Kông, chỉ cần về Hồng Kông, lệnh truy nã đỏ sẽ được hủy bỏ, sau khi gặp gỡ với các điều tra viên thì mọi chuyện sẽ dễ dàng giải quyết.
Ông Chương Thiên Lượng phân tích thêm, ngay cả khi Hoàng Hữu Long trở về Hồng Kông, ông vẫn có thể bị chính quyền ĐCSTQ bắt cóc và đưa về Đại Lục, giống như trường hợp Tiêu Kiến Hoa từng bị đặc vụ ĐCSTQ bắt cóc ngay tại khách sạn Four Seasons ở Hồng Kông và đưa về Trung Quốc. Tất cả những cuộc điện thoại nói trên cũng đã được Hoàng Hữu Long ghi âm lại. Điều này cho thấy ĐCSTQ sử dụng những thủ đoạn nào để nhắm vào và triệt hạ những người ở nước ngoài mà họ muốn truy bắt.
Những phát hiện này là một phần trong dự án “China Targets” của Liên minh Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ). Dự án ghi lại cách chính quyền Trung Quốc theo dõi và đàn áp các cá nhân bất đồng chính kiến ở nước ngoài.
Các cơ quan truyền thông tham gia cuộc điều tra bao gồm The Guardian, Le Monde và Đài phát thanh Quốc tế Pháp (RFI). Họ đã thu thập được các bản ghi âm cuộc gọi và tài liệu pháp lý liên quan, phơi bày cách Bắc Kinh gây ảnh hưởng trên toàn cầu, thông qua các biện pháp đe dọa và cưỡng ép ngoài pháp luật để kiểm soát những người sống ở nước ngoài.
Ngày 28/4/2025, Liên minh Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) công bố kết quả điều tra mang tên China Targets, vạch trần cách chính quyền ĐCSTQ lợi dụng Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol), Liên Hợp Quốc cùng các tổ chức quốc tế khác để đàn áp những người bất đồng chính kiến đang sống ở nước ngoài.
Cuộc điều tra xuyên quốc gia này được ICIJ thực hiện trong suốt 10 tháng, phối hợp với 43 cơ quan truyền thông tại 30 quốc gia. Họ đã phỏng vấn tổng cộng 105 nạn nhân đến từ 23 quốc gia, từ đó làm rõ quy mô và các thủ đoạn đàn áp xuyên biên giới mà ĐCSTQ đang tiến hành.
Theo kết quả điều tra, chính quyền ĐCSTQ đã sử dụng các biện pháp như đe dọa, giám sát nhằm vào những nhà hoạt động chính trị, người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng và các đối tượng bất đồng chính kiến khác ở nước ngoài. Một nửa số người được phỏng vấn cho biết người thân của họ ở Trung Quốc bị cảnh sát Trung Quốc đe dọa, 60 người bị theo dõi, và tổng cộng 19 người từng bị tấn công mạng do ĐCSTQ thực hiện. Trong đó có nghệ sĩ người Hoa đang sống tại Pháp – Giang Thắng Đạt (Jiang Shengda) – vì lên kế hoạch biểu tình phản đối chuyến thăm Pháp của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nên gia đình ông tại Trung Quốc đã bị ép buộc để cảnh báo ông phải im lặng.
Cuộc điều tra cũng phát hiện rằng ĐCSTQ đã lạm dụng hệ thống truy nã đỏ của Interpol để truy bắt những người bị coi là bất đồng chính kiến – hành vi này vi phạm các quy định quốc tế. Ngoài ra, còn có 59 tổ chức phi chính phủ (NGO) được Liên Hợp Quốc công nhận nhưng thực chất có liên hệ với chính quyền ĐCSTQ, đã tham gia quấy rối những người chỉ trích Bắc Kinh. Các tài liệu nội bộ cũng cho thấy Bắc Kinh sử dụng các biện pháp như “tác động tình thân” hay phong tỏa tài khoản để kiểm soát các đối tượng mục tiêu. Chính quyền ĐCSTQ còn lợi dụng các chuyến công du của Chủ tịch Tập Cận Bình, phối hợp với cảnh sát nước sở tại để hạn chế hoạt động biểu tình của người bất đồng chính kiến.
Hơn nữa, chính sách “quản lý xuyên biên giới” (quản lý kiểu “vươn cánh tay dài”) của ĐCSTQ trong những năm gần đây đã gây ra làn sóng tranh cãi lớn tại các quốc gia dân chủ. Tháng 4/2024, theo báo cáo mới nhất của tổ chức nhân quyền quốc tế Safeguard Defenders, chính quyền Tập Cận Bình đã lấy danh nghĩa “chống tham nhũng” để triển khai các chiến dịch như “Chiến dịch Săn Cáo” (Fox Hunt) và “Chiến dịch Thiên Võng” (Sky Net), thực hiện hoạt động kiểm soát và truy bắt xuyên biên giới.
Trong báo cáo, Safeguard Defenders chỉ rõ rằng ĐCSTQ đã nhanh chóng mở rộng mạng lưới công an ở nước ngoài, đồng thời thường xuyên sử dụng các cơ chế phi pháp lý để cưỡng ép những cá nhân liên quan phải quay về Trung Quốc, thậm chí còn tiến hành bức hại.
Trí Đạt (t/h)
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vào tối thứ Ba (29/4) đã tiết lộ những…
Bộ trưởng Quốc phòng Hegseth gửi thông điệp tới Houthi và Iran: ‘Các vị biết…
Hôm thứ Tư (30/4), các đám cháy rừng lớn bùng phát gần thành phố Jerusalem…
Hôm thứ Tư (30/4), các nhà lập pháp Hàn Quốc trích dẫn nguồn tin từ…
Nhiễm virus hợp bào hô hấp là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây…
TP.HCM sẽ không trình diễn 10.500 drone vào tối ngày 1/5, sau khi màn trình…