Cựu Thứ trưởng Bộ Công an Tôn Lực Quân bị kết án tử hình trước Đại hội 20 ĐCSTQ
Trước thềm Đại hội 20 Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), nhiều thành viên thuộc bè phái ông Tôn Lực Quân – cựu Thứ trưởng Bộ Công an, bị kết án nghiêm khắc. Truyền thông Nhật có phân tích chỉ ra, phe của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân đang bị ông Tập đẩy mạnh thanh trừng để hạn chế tối đa bất trắc.
Ông Tôn Lực Quân bị kết án tử hình, hoãn thi hành án 2 năm
Theo truyền thông chính thức của ĐCSTQ, vào ngày 23/9, Tòa án Trung cấp thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm đã kết án tử hình cựu Thứ trưởng Bộ Công an Tôn Lực Quân vì tội nhận hối lộ, 8 năm tù và bị phạt 1 triệu nhân dân tệ vì tội thao túng thị trường chứng khoán, 5 năm tù về tội tàng trữ vũ khí trái phép. Nhiều tội gộp lại, ông Tôn Lực Quân bị kết án tử hình, hoãn thi hành án 2 năm, hết hạn 2 năm sẽ được giảm xuống tù chung thân, bị giam giữ suốt đời và không được giảm án và ân xá, toàn bộ tài sản cá nhân sẽ bị tịch thu.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát, từ năm 2001 đến tháng 4/2020, ông Tôn Lực Quân từng là Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ thuộc Cục Y tế Thành phố Thượng Hải, Giám đốc Phòng Nghiệp vụ tổng hợp thuộc Văn phòng Đối ngoại của chính quyền Thành phố Thượng Hải, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Bộ Công an, Cục trưởng Cục An ninh quốc gia, ủy viên Đảng bộ Bộ Công an, thứ trưởng Bộ Công an… Ông ta đã thu lợi bất chính từ các đơn vị và cá nhân trong các vấn đề như điều hành kinh doanh, điều chỉnh chức vụ, xử lý vụ án… Tổng số tài vật nhận được bất hợp pháp lên đến hơn 646 triệu nhân dân tệ.
Ngoài tội nhận hối lộ, cơ quan công tố còn cáo buộc trong năm 2018, ông Tôn Lực Quân nhận yêu cầu của người khác, đã chỉ đạo những người liên quan liên tục mua bán cổ phiếu thông qua lợi thế vốn tập trung, làm ảnh hưởng đến giá cổ phiếu và khối lượng giao dịch, tình hình đặc biệt nghiêm trọng. Ông Tôn cũng vi phạm quy định quản lý súng và tàng trữ trái phép 2 khẩu súng.
Theo thông tin được chính quyền Trung Quốc công bố, nửa đầu năm 2018, ông Tôn Lực Quân nhận lời yêu cầu của người khác, đã chỉ thị cho những người liên quan tác động đến giá giao dịch và khối lượng giao dịch cổ phiếu, đồng thời giúp người khác tránh được tổn thất hơn 145 triệu nhân dân tệ. Ngoài ra, ông Tôn đã nhận hối lộ số tiền đặc biệt lớn, can thiệp vào các hoạt động kinh tế bình thường trong lĩnh vực y tế, tài chính. Do tình tiết phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nên ông ta bị tuyên án tử hình. Tuy nhiên, vì từng cung cấp manh mối cho các vụ án lớn khác sau khi bị bắt và lập được công lớn, nên án tử hình không được lập tức thi hành.
Đài Á Châu Tự Do từng đưa tin về tội ác ít được biết đến của ông Tôn Lực Quân, chỉ ra rằng ông ta đã thực hiện nhiệm vụ công an bí mật trong một thời gian dài, tham gia vào cuộc đàn áp Pháp Luân Công, vụ bắt giữ ông chủ nhà sách Causeway Bay ở Hồng Kông và Sự kiện 709 bắt bớ các luật sư và người nhà họ vào ngày 9/7/2015.
Hãng tin AFP cho biết, các thành viên của “bè phái chính trị Tôn Lực Quân” bị cáo buộc tham gia vào một “nhóm chính trị chống Đảng”, cũng chính là nhóm chống Tập, khiến ông không thể dung thứ.
Ông Vương Hữu Quần (Wang Youqun), một cây bút của cựu Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Úy Kiện Hành, từng viết rằng lý do khiến ông Tôn Lực Quân bị đưa ra xét xử bề ngoài chủ yếu là vì tội kinh tế, nhưng thực chất là nhắm vào đại tội chính trị của ông ta.
Ông Vương Hữu Quần cho rằng sở dĩ “bè phái chính trị Tôn Lực Quân” dám chống lại ông Tập là vì có những ông chủ lớn đứng sau như: Mạnh Kiến Trụ – cựu Bộ trưởng Bộ Công an ĐCSTQ, Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc, và cũng là cựu Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương, Tăng Khánh Hồng – cựu Thường ủy Bộ Chính trị, cựu Phó Chủ tịch nước, và Giang Trạch Dân – cựu lãnh đạo ĐCSTQ.
Cựu Bí thư Ban Chính pháp Giang Tô bị kết án tử hình
Tòa án Cấp trung Trường Xuân ở tỉnh Cát Lâm đã công khai bản án của ông Vương Lập Khoa trong phiên sơ thẩm vào ngày 22/9 về tội nhận hối lộ, đưa hối lộ, bao che, dung túng cho các tổ chức kiểu xã hội đen và giả mạo giấy tờ danh tính. Qua đó, ông Vương Lập Khoa bị kết án tử hình nhưng cho hoãn thi hành án 2 năm, khi mãn hạn được giảm xuống tù chung thân, không ân giảm hoặc ân xá, tịch thu toàn bộ tài sản cá nhân thu được từ nhận hối lộ.
Theo hồ sơ tòa án, từ năm 1993 – 2020, ông Vương Lập Khoa đã nhận hối lộ dưới nhiều hình thức với số tài sản trị giá tương đương hơn 440 triệu nhân dân tệ. Thời gian này, ông Vương đảm trách nhiều chức vụ: Phó Giám đốc Sở Công an huyện tự trị Bắc Trấn dân tộc Mãn Châu tỉnh Liêu Ninh, Phó Giám đốc Công an thành phố Cẩm Châu, Giám đốc Công an thành phố Hồ Lô Đảo, Phó Giám đốc Sở Công an tỉnh Liêu Ninh, Phó Thị trưởng thành phố Đại Liên, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Giang Tô….
Không chỉ vậy, ông ta còn đưa hơn 97,31 triệu nhân dân tệ hối lộ cho ông Tôn Lực Quân nhằm trục lợi bất chính như thăng chức cho bản thân và người khác. Ông Vương Lập Khoa cũng được xác định là có quen biết với tổ chức xã hội đen Lâu Hà (Louhe), nhưng lại đóng vai trò là “sân sau” của tổ chức tội phạm này.
Ngoài ra, ông Vương còn sử dụng quyền lực để xử lý bất hợp pháp nhiều giấy tờ tùy thân giả cho bản thân, người thân và nhiều người liên quan khác.
Tờ China Newsweek của nhà nước Trung Quốc tiết lộ trước và sau khi ông Vương Lập Khoa “tự nguyện đầu hàng”, nhiều người thân liên quan với ông ta cũng đã bị điều tra như vợ cũ (bà Hạ Quyên), con gái và em trai.
Theo thông tin công khai:
- Ngày 24/10/2020 ông Vương Lập Khoa bị điều tra vì tình nghi vi phạm pháp luật nghiêm trọng;
- Ngày 22/9/2021 bị khai trừ khỏi Đảng và bộ máy công chức;
- Ngày 13/10 cùng năm, bị chuyển sang Viện Kiểm sát để xem xét truy tố về tội nhận hối lộ và đưa hối lộ. Trong bản án kết tội của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương và Ủy ban Giám sát Nhà nước ĐCSTQ đã dùng những từ như “không trung thành và trung thực với Đảng”, lôi kéo băng nhóm, mua quan bán chức, giả mạo và làm sai lệch hồ sơ cá nhân.
Trong diễn biến liên quan, theo điều tra của “Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công” (WOIPEG) ngoài Trung Quốc, ông Vương Lập Khoa đã bị đưa vào “danh sách những kẻ hành ác” của trang Minghui.org vì tích cực theo phe Giang Trạch Dân đàn áp tàn bạo Pháp Luân Công. Ngoài ông ta còn 6 thành viên khác thuộc “bè phái Tôn Lực Quân” cũng đi theo phe Giang tham gia bức hại các học viên Pháp Luân Công và đều bị WOIPEG truy cứu.
Phe cánh Tôn Lực Quân lần lượt bị kết án nghiêm khắc
Ngoài hai ông Tôn Lực Quân và Vương Lập Khoa, các thành viên khác của bè phái này bị kết án nghiêm khắc mới đây còn có:
- Phó Chính Hoa – cựu Thứ trưởng thường trực Bộ Công an và cựu Bộ trưởng Tư pháp;
- Cung Đạo An – cựu Phó thị trưởng Thượng Hải và cựu Giám đốc Thượng Hải;
- Đặng Khôi Lâm – cựu Phó thị trưởng Trùng Khánh và cựu Giám đốc Công an Trùng Khánh;
- Lưu Tân Vân – cựu Phó tỉnh trưởng tỉnh Sơn Tây và cựu giám đốc công an Sơn Tây;
- Lưu Nghiêm Bình – cựu Thứ trưởng Bộ Công an và Bí thư Ủy ban Kỷ luật của Ban An ninh Quốc gia Trung Quốc.
Ông Phó Chính Hoa cũng bị kết án tử hình cùng ngày với ông Vương Lập Khoa. Một ngày trước đó (hôm 2/9), các ông Lưu Tân Vân, Cung Đạo An và Đặng Khôi Lâm lần lượt bị kết án 14 năm tù, chung thân và 15 năm tù.
Ngày 22/9 Thông tấn xã Trung ương Đài Loan (CNA) đưa tin, trước thềm Đại hội 20, hầu hết các quan chức nói trên đã bị kết án nghiêm khắc trong vòng 2 ngày. Điều này có thể là tín hiệu cho thấy chính quyền đương nhiệm muốn “cảnh cáo” ở một mức độ nhất định hệ thống Chính trị và Pháp luật, thậm chí là toàn Đảng. Đây có thể được xem là động thái hiếm thấy từ khi kết thúc “Cách mạng Văn hóa” đã qua hơn 40 năm.
Tin đồn ông Tập đẩy mạnh thanh trừng phe Giang
Bài báo “Chống tham nhũng là cách mạng tự thân triệt để nhất” đăng trên Tạp chí Kiểm tra và Giám sát Kỷ luật Trung Quốc (CCDI) số mới nhất đã đề cập rằng kể từ sau Đại hội 18 của ĐCSTQ đến cuối tháng Tư năm nay, các cơ quan kiểm tra và giám sát kỷ luật quốc gia đã lập án điều tra tổng số 43,8 triệu vụ liên quan 4,709 triệu người. Chỉ trong nửa đầu năm 2022, các cơ quan thanh tra, giám sát kỷ luật quốc gia đã xử lý 739.000 manh mối, lập án 322.000 vụ, xử phạt 273.000 công chức cán bộ…
Bài báo thậm chí còn nêu đích danh 6 “hổ lớn” là những quan to bị thanh trừng giai đoạn đầu nhiệm kỳ của ông Tập Cận Bình như Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai, Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu, Tôn Chính Tài, và Lệnh Kế Hoạch. Qua đó thông điệp được nhấn mạnh rằng không có vùng cấm trong truy cứu trách nhiệm…
Về vấn đề này, tờ Yomiuri Shimbun của Nhật Bản hôm 18/9 có bài viết nói rằng ông Tập Cận Bình đang đẩy mạnh các hoạt động nhằm kiểm soát chắc bộ máy cảnh sát và tư pháp, vì phe cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân vẫn có một số ảnh hưởng tại đây. Ngoài ra, việc ông Tập đẩy mạnh kiểm soát hai bộ phận này xuất phát từ bài học trước đây vào thời ông Chu Vĩnh Khang. Ông Chu là Bí thư Ban Chính pháp Trung ương (thân tín của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân), đã dùng hệ thống này nhằm cản trở việc kế thừa quyền lực trước nhiệm kỳ đầu tiên của ông Tập vào năm 2012. Để đảm bảo an toàn, ông Tập sẽ cố gắng hết sức để kiểm soát hệ thống an ninh. Các bộ phận này cũng có thể nắm được nhất cử nhất động của những người quan trọng.
Mộc Vệ (t/h)
Từ khóa Tôn Lực Quân Đại hội 20 của ĐCSTQ Tập Cận Bình Pháp Luân Công