Ngày 16/4, chín vị nguyên lão phe dân chủ Hồng Kông trong đó có ông Lê Trí Anh (Jimmy Lai) – người sáng lập Next Media do tham gia vào cuộc mít-tinh ngày 18/8/2019 phản đối Dự luật Dẫn độ nên đã bị giam giữ từ 8 đến 18 tháng tù. Ông Lê Trí Anh do vi phạm Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông bị giam giữ chờ xét xử, mới đây đã bị tuyên án 12 tháng tù. Hiện tại ông đang đối mặt với 7 vụ án, trong đó liên quan đến Luật An ninh Quốc gia có thời hạn thi hành án nặng nhất, hình phạt cao nhất là tù chung thân. Điều này cho thấy, ông Lê Trí Anh năm nay 73 tuổi có thể phải sống quãng đời còn lại trong tù.
Ông Lê Trí Anh là một tỷ phú Hồng Kông, vì sao ban đầu ông lại bước lên con đường dân chủ để hiện nay lại tiếp tục trở thành phạm nhân chính trị? Mới đây, BBC đã đăng một cuộc phỏng vấn đặc biệt với ông trước khi ông bị bắt vài giờ. Khi được hỏi về việc bị bắt và xa cách người nhà, ông liệu có cảm thấy sợ hãi hay không? Một người vẫn luôn kiên cường như ông Lê Trí Anh bỗng nhiên rơi lệ, nói thẳng rằng bản thân mình đúng là sợ hãi. Thì ra, một người đàn ông kiên cường cũng có chỗ đau khổ khó nói, nhưng vì theo đuổi dân chủ, công bằng chính nghĩa, ông đã lựa chọn chiến thắng nỗi sợ hãi.
Năm 12 tuổi, ông Lê Trí Anh rời Trung Quốc Đại Lục, ngồi thuyền đánh cá đào thoát đến Hồng Kông. Giống như rất nhiều những ông trùm nổi tiếng ở Hồng Kông, ông cũng xuất phát từ tầng lớp thấp nhất trong xã hội, từ công nhân nhà máy làm việc vất vả, đến trở thành một tỷ phú.
Tuy nhiên khác với những người giàu có khác, ông Lê Trí Anh trở thành một trong những người mà chính quyền Bắc Kinh phê bình mạnh mẽ nhất. Cuối năm ngoái, vài giờ trước khi bị truy tố, ông Lê Trí Anh đã nhận trả lời phỏng vấn của BBC. Ông nói thẳng rẳng bản thân mình là “kẻ phản nghịch bẩm sinh”, có “tính cách rất phản nghịch”.
Ông Lê Trí Anh xuất thân trong một gia đình giàu có ở tỉnh Quảng Đông, sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc nắm quyền, gia sản của gia đình ông cũng tiêu tan. Theo thông tin, gia đình ông có 6 anh chị em, khi ông 7 tuổi, trưởng bối trong nhà ly tán khắp nơi, bố ông đến Hồng Kông, chị và anh trai học trung học và đại học được điều chuyển đi đến các nơi khác nhau, rất ít khi về nhà, mẹ ông bị đưa đi lao động cải tạo. Trong nhà chỉ có ông Lê Trí Anh cùng người em gái sinh đôi và người chị bị thiểu năng trí tuệ nhẹ. Ngoài việc thỉnh thoảng được hàng xóm tiếp tế, phần lớn thời gian cả 3 người gần như là tự sinh tự diệt.
Mới đầu, họ bán đồng nát sắt vụn trong nhà để lấy chút tiền chi tiêu cho cuộc sống, khi không có tiền chỉ đành chịu đói. Về sau, ông Lê Trí Anh kiếm tiền bằng cách giúp hành khách chuyển hành lý ở một trạm xe lửa. Trong thời gian đó, mặc dù mẹ được trả tự do, nhưng do trong nhà cần tiền, ông Lê Trí Anh còn nhỏ nhưng vẫn phải lao động kiếm tiền, cho đến năm 12 tuổi ông vượt biên đến Hồng Kông.
Sau khi đến Hồng Kông, ông tự học tiếng Anh, năm 25 tuổi, lần đầu tiên ông tự khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, cộng thêm lợi nhuận từ đầu tư cổ phiếu, năm 1981 ông đặt chân vào ngành bán lẻ, ông mở chuỗi cửa hàng thời trang Giordano và thu được thành công lớn.
Năm 1989, Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa xe tăng đến Quảng trường Thiên An Môn đàn áp phong trào sinh viên, điều này cũng đã viết lại cuộc đời của ông Lê Trí Anh. Từ đó, ông bắt đầu viết các bài chuyên đề lên tiếng cho dân chủ, ông trở thành nhân vật đại biểu cho phong trào dân chủ Hồng Kông. Vì thế mà ông cũng trở thành cái gai trong mắt và cái dằm trong thịt của chính quyền Bắc Kinh.
Khi đó, chính quyền Bắc Kinh đe dọa sẽ đóng cửa tất cả chuỗi cửa hàng Giordano ở Đại Lục, ông Lê Trí Anh buộc phải bán công ty thời trang do một tay ông sáng lập. Sau đó, ông thành lập Next Media – một công ty truyền thông có sức ảnh hưởng lớn ở Hồng Kông. Ông Lê Trí Anh từng nói sự kiện Lục Tứ có ảnh hưởng sâu xa đến ông, không có Lục Tứ thì sẽ không có Next Magazine và Apple Daily.
Đúng vào thời điểm truyền thông bản địa Hồng Kông ngày càng sợ chính quyền Bắc Kinh, những phê bình công kích đối với ĐCSTQ khiến ông trở thành anh hùng trong lòng rất nhiều người Hồng Kông. Ông cũng trở thành “kẻ phản đồ” tạo thành mối đe dọa đến an ninh quốc gia trong mắt của ĐCSTQ. Những năm gần đây, có những kẻ côn đồ che mặt ném bom tại nơi ở và công ty của ông Lê Trí Anh, ông cũng trở thành mục tiêu bị ám sát. Nhưng những điều này đều không ngăn cản được tiếng nói của ông. Ông tích cực tham gia vào các cuộc mít-tinh, tuần hành vì dân chủ ở Hồng Kông, cũng vì tham gia các cuộc mít-tinh chưa được cảnh sát phê chuẩn trong thời gian xảy ra phong trào phản đối Dự luật Dẫn độ nên ông đã bị bắt nhiều lần.
Năm ngoái, Luật An ninh Quốc gia được thực thi đã trở thành tiếng chuông báo tử của Hồng Kông, ông lo lắng Hồng Kông sẽ biến thành hủ bại giống như Đại Lục. Hồng Kông sau khi mất đi pháp trị, địa vị trung tâm tài chính toàn cầu của Hồng Kông cũng bị phá hủy triệt để.
Đối mặt với sự đàn áp của chính quyền, ông Lê Trí Anh vẫn lựa chọn ở lại Hồng Kông. Ông nói với BBC rằng bản thân ông năm xưa đến Hồng Kông chỉ có một đồng tiền trong tay, ngày nay tất cả những gì ông có đều đến từ Hồng Kông, bao gồm cả một gia đình ấm áp và người nhà vô cùng ủng hộ ông. Ông cho rằng hiện tại là lúc ông trả nợ cho Hồng Kông, là thời điểm chuộc tội (Redemption).
Khi được hỏi về việc bị bắt, xa cách người nhà, liệu ông có cảm thấy sợ hãi hay không? Một người vẫn luôn kiên cường như ông Lê Trí Anh bỗng nhiên rơi lệ, nói thẳng rằng bản thân mình đúng là sợ hãi.
Đối với người ủng hộ mà nói, ông Lê Trí Anh là một người dũng cảm, ông đã mạo hiểm rất lớn để bảo vệ tự do của Hồng Kông. Sau khi ông bị bắt, có người để lại lời nhắn trên Twitter của ông rằng: Tôi rất tôn trọng ông Lê Trí Anh, ông rất dũng cảm, cũng là số ít doanh nhân sẽ không bán đứng nguyên tắc làm người của bản thân mình.
Ông Lê Trí Anh cũng thẳng thắn nói, khi xảy ra phong trào phản đối Dự luật Dẫn độ năm 2019, ông từng thúc giục Tổng thống Mỹ Donald Trump giúp đỡ Hồng Kông, và nói ông Trump là người duy nhất có thể giúp cứu Hồng Kông.
Ngày 16/4, đối với việc ông Lê Trí Anh và 8 nguyên lão dân chủ khác bị tuyên án, rất nhiều người Hồng Kông ủng hộ ở bên ngoài đã ôm nhau khóc. Mấy ngày trước, quan chức Hồng Kông và cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ tại Hồng Kông đã nhiều lần chỉ trích Apple Daily của Next Media. Tờ “Đại công báo” còn đăng bài bình luận kiến nghị cấm Apple Daily để vá lỗ hổng của Luật An ninh Quốc gia. Có bình luận cho rằng ông Lê Trí Anh và Apple Daily đại diện cho sự huy hoàng trước đây và sự suy tàn ngày hôm nay của Hồng Kông, đây là khúc bi ai của Hồng Kông!
Lý Hoài Quất, Vision Times
Xem thêm:
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…