Tướng Lưu Chấn Lập, hiện là Tổng Tham mưu trưởng Quân ủy Trung ương (CMC), hiện là ứng viên số 1 làm Bộ trưởng Quốc phòng Trung quốc khi nhân vật đương nhiệm Lý Thượng Phúc đang mất tích.
Reuters báo cáo hôm 12/10, bộ mặt công chúng của quân đội Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc (65 tuổi), đã không thấy xuất hiện suốt 6 tháng qua.
Theo 5 nguồn thạo tin từ phía quân đội nói với Reuters, ông Lưu Chấn Lập (59 tuổi), người từng tham gia giao tranh trong xung đột biên giới Việt-Trung, Tổng Tham mưu trưởng Quân ủy Trung ương (CMC), cơ quan chịu trách nhiệm các hoạt động tác chiến của Trung Quốc, đang nổi lên như ứng viên hàng đầu thay cho Lý Thượng Phúc. 3 nhà phân tích đều cho rằng việc bổ nhiệm có thể xảy ra trước khi Bắc Kinh tổ chức Diễn đàn An ninh Quốc tế vào cuối tháng này, một sự kiện có thể thúc đẩy các can thiệp của Mỹ, trong bối các quan hệ trong khu vực đang căng thẳng.
Lý Thượng Phúc từng bị Mỹ cho vào danh sách bị hạn chế vào năm 2018 sau một thỏa thuận vũ khí mà ông đạt được với Nga. Trung Quốc đã yêu cầu Mỹ dỡ bỏ các biện pháp hạn chế — bao gồm lệnh cấm thị thực và cấm thực hiện các giao dịch tài chính của Mỹ.
Lưu Chấn Lập chưa từng bị Mỹ trừng phạt hay hạn chế. Ông được cho là người có khả năng làm Bộ trưởng Quốc phòng vì có kiến thức trực tiếp về vấn đề này, theo 2 nguồn tin từ quân đội và 2 nguồn thạo tin tình hình chính trị Trung Quốc. Reuters viết rằng các nguồn tin của họ đều giấu tên.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc và văn phòng thông tin Hội đồng Nhà nước đã không trả lời yêu cầu bình luận. Reuters không thể liên lạc được với cá nhân ông Lưu Chấn Lập để bình luận. Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.
Sự vắng mặt của ông Lý Thượng Phúc vẫn chưa được giải thích một cách chính thức. Nhưng các phương tiện truyền thông đều nhất trí rằng ông ta bị điều tra vì tham nhũng trong việc mua sắm thiết bị quân sự.
Lý Thượng Phúc sẽ là bộ trưởng cấp cao thứ hai mất chức trong những tháng gần đây ở Trung Quốc, nếu sự ra đi khỏi chức vị này của ông cuối cùng được xác nhận.
Tần Cương bị cách chức ngoại trưởng vào tháng 7, một tháng sau khi ông xuất hiện lần cuối trước công chúng.
Không rõ liệu Lý Thượng Phúc có giữ được vị trí là một trong năm ủy viên hội đồng nhà nước của Trung Quốc hay không, một chức vụ cao hơn một bộ trưởng thường trực.
Về trường hợp Tần Cương, ông vẫn chưa chính thức bị loại khỏi chức vụ ủy viên hội đồng nhà nước.
Quan hệ Mỹ-Trung đã đóng băng về phương diện liên quan tới quân sự kể từ tháng 8 năm ngoái, khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ lúc bấy giờ, bà Nanci Pelosi, tới thăm Đài Bắc. Theo Reuters, bất kỳ quyết định nào mang theo khả năng cải thiện mối quan hệ đó, đều phải do đích thân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình quyết định.
Không chỉ làm Chủ tịch nước và Tổng bí thư đảng, ông Tập Cận Bình cũng là Tổng tư lệnh Các Lực lượng vũ trang, và cũng là Chủ tịch Quân ủy Trung ương, cơ quan mà ông Lưu Chấn Lập đang làm việc.
Theo nguồn tin biết về việc này, việc bổ nhiệm ông Lưu Chấn Lập có thể sẽ được công bố trước khi các quan chức quốc phòng nước ngoài đến thăm Bắc Kinh vào quãng thời gian từ ngày 29 đến ngày 31/10 để tham dự Diễn đàn Tương Sơn, một hội thảo an ninh quốc tế lớn.
Về mặt thủ tục, việc bổ nhiệm và bãi nhiệm các quan chức cấp cao được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhân dân toàn quốc công bố, dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Bộ Chính trị dự kiến sẽ họp vào cuối tháng này.
“Nếu ông Tập Cận Bình thực sự có ý định tái tham gia vào cam kết quân sự cấp cao nhất với Mỹ, thì điều này có thể tạo cơ hội cho Lầu Năm Góc cuối cùng kết nối lại với bộ chỉ huy cấp cao (Quân đội Giải phóng Nhân dân PLA),” theo James Char, một học giả của Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam của Singapore.
Washington đã chấp nhận lời mời tham dự Diễn đàn Tương Sơn, mặc dù khó có khả năng Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin sẽ đích thân tham dự.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc có vai trò ngoại giao chủ yếu, chứ không có quyền chỉ huy trực tiếp. Chức vụ này phụ thuộc vào một số quan chức khác của CMC, bao gồm cả hai phó chủ tịch dưới thời ông Tập.
Năm nhà phân tích và tùy viên quân sự nói với Reuters rằng việc bổ nhiệm ông Lưu Chấn Lập có thể nâng cao vị thế của công việc.
Kinh nghiệm gần đây của ông khi lãnh đạo Bộ Tham mưu Liên hợp sẽ cho phép các đối tác nước ngoài đối phó với nhân vật trung tâm trong các hoạt động quân sự và lập kế hoạch chiến tranh của Trung Quốc.
Các quan chức quốc phòng Mỹ từ lâu đã muốn thiết lập lại liên lạc thường xuyên với những người đồng cấp trực tiếp tham gia vào các quyết định chỉ huy.
“Điều này thực sự có thể giúp hít thở chút ô-xy cho chính sách ngoại giao quân sự của Trung Quốc,” theo nhà phân tích quốc phòng Alexander Neill ở Singapore, một thành viên phụ trợ tại Diễn đàn Thái Bình Dương, một viện nghiên cứu chính sách đối ngoại ở Honolulu. “Cuối cùng, Mỹ có thể có người mà họ thực sự muốn nói chuyện.”
Theo báo chí Trung Quốc, ông Lưu Chấn Lập cũng là một trong số ít các nhà lãnh đạo quân sự gần đây của Trung Quốc có kinh nghiệm chiến đấu, từng tham gia vào các cuộc giao tranh căng thẳng ở biên giới với quân đội Việt Nam vào năm 1986 — một phần trong những năm giao tranh tiếp tục xảy ra sau khi Bắc Kinh “xâm chiếm miền Bắc Việt Nam năm 1979”, theo cách miêu tả của Reuters về chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979.
Ngoại giao quốc phòng Trung Quốc được các nhà ngoại giao và các nhà phân tích quốc tế coi là một phần quan trọng trong nỗ lực của ông Tập Cận Bình nhằm xây dựng một quân đội hiện đại hóa có thể hỗ trợ các lợi ích quốc tế ngày càng tăng của Trung Quốc.
Tàu thủy và máy bay của Trung Quốc sẽ cần tiếp cận nhiều hơn các cảng và căn cứ quốc tế để đạt được mục tiêu trở thành cường quốc thống trị thế giới của ông Tập Cận Bình.
Willy Lam, chuyên gia cấp cao tại tổ chức nghiên cứu Jamestown Foundation của Mỹ, phân tích rằng việc loại bỏ hai bộ trưởng cấp cao trong sự kế nhiệm nhanh chóng như vậy đã “làm nổi bật những hạn chế nghiêm trọng trong [cơ chế] chính quyền một người của ông Tập Cận Bình.”
“Ông ta coi trung thành có giá trị cao hơn năng lực và trong sạch khi chọn người để nắm quyền,” ông Lâm chỉ ra. “Hãy nhìn xem họ đã thành công như thế nào?”
Ông Tập Cận Bình đã đặt việc chống tham nhũng thành ưu tiên hàng đầu, đặc biệt là trong quân đội, kể từ khi ông mới trở thành chủ tịch nước. Những người bảo vệ ông nói rằng việc tập trung quyền lực là cần thiết nếu Trung Quốc muốn thành công trong việc điều hướng các căng thẳng toàn cầu.
Ông Tần Cương được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao vào tháng 12/2022 và ông Lý Thượng Phúc trở thành Bộ trưởng Quốc phòng vào tháng 3/2023.
Hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã đưa tin vào tháng 10/2022 rằng ông Tập Cận Bình đã quyết định bổ nhiệm cấp cao sau khi đích thân thực hiện các cuộc phỏng vấn với tất cả các ứng cử viên tiềm năng.
Ba người nắm rõ tình hình cho hay, Tư lệnh Không quân Trương Đình Cầu sẽ thay ông Lưu Chấn Lập làm Tham mưu trưởng Liên quân.
Các sợi lông lỏng lẻo trên bề mặt vải có thể dễ dàng được loại…
Tổng thống đắc cử Donald Trump trong quá trình tranh cử đã nhiều lần chỉ…
Ông Matt Gaetz hôm thứ Năm (21/11) đã tuyên bố rằng ông sẽ rút lui…
Có hơn 1.000 cây guitar acoustic và guitar điện không có chữ ký của ông…
Bệnh tiểu đường có thể gây ra rất nhiều tác hại đối với cơ thể,…
Trước tình hình căng thẳng, Hungary đang lên kế hoạch triển khai hệ thống phòng…