Categories: Trung Quốc

Cựu sĩ quan cảnh sát kể lại việc chứng kiến hoạt động thu hoạch nội tạng “công nghiệp hóa” ở TQ

Các tù nhân ngã xuống ngay khi những tiếng súng vang lên. Thi thể của họ vẫn còn ấm, được khiêng đến một chiếc xe cứu thương màu trắng gần đó, nơi có 2 bác sĩ mặc áo trắng đang đợi sẵn. Đằng sau những cánh cửa đóng kín, họ bị mổ phanh, các cơ quan nội tạng bị thu gom để bán trên thị trường cấy ghép.

Cảnh tượng rùng rợn ấy nghe thì có vẻ giống với tình tiết trong phim kinh dị hơn, nhưng thực chất đã xảy ra ngay tại Trung Quốc từ hơn 20 năm trước dưới sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Chuyện này đã được anh Bob (bí danh) chứng kiến tận mắt. Khi đó anh còn là cảnh sát, làm nhiệm vụ canh giữ an ninh tại các địa điểm hành quyết, nơi các tử tù bị hành hình.

Ông Bob, cựu sĩ quan cảnh sát tại thành phố Trịnh Châu, Trung Quốc, hiện đang sinh sống ở Mỹ, nói với The Epoch Times rằng: “Tình trạng thu hoạch nội tạng của tử tù là một bí mật công khai”. Vị cựu sĩ quan này đã dùng bí danh khi chia sẻ trải nghiệm của mình để giữ an toàn cho bản thân. The Epoch Times đã xác thực ID cảnh sát và các thông tin cá nhân khác của ông.

Ông Bob cho hay rằng mình chỉ vô tình tham gia vào chuỗi cung ứng “công nghiệp hóa” nhằm chuyển đổi sinh mạng sống thành hàng hoá giao dịch trong ngành thương mại nội tạng. Những người tham gia vào ngành công nghiệp rùng rợn này bao gồm có hệ thống tư pháp, cảnh sát, hệ thống nhà tù, bác sĩ cùng các quan chức ĐCSTQ – những người ban hành chỉ thị này.

Lời kể của ông từ giữa những năm 1990 đã làm sáng tỏ một giai đoạn trong tiến trình đáng lo ngại của hoạt động thu hoạch nội tạng đã diễn ra trong một thời gian dài của ĐCSTQ từ những người cho tạng không tự nguyện. Trong khi ông Bob mới chỉ chứng kiến việc mổ cướp nội tạng từ những tù nhân đã tử vong, thì trong những năm tiếp sau đó, ĐCSTQ còn tiếp tục thực hiện – và khai triển trên quy mô lớn – một thông lệ còn tà ác hơn nhiều: thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm còn sống, đặc biệt là các học viên Pháp Luân Công.

Thi hành án

Ông Bob đã gia nhập lực lượng cảnh sát năm 1996 và làm cảnh sát dân sự. Đôi khi, ông hỗ trợ duy trì ổn định trật tự tại tòa án nơi các vụ hành quyết được phê chuẩn và tại các địa điểm hành quyết khác nhau trong thành phố. Sau đó, vào năm 1999, do một bài đăng trực tuyến chỉ trích các nhà chức trách, bản thân ông Bob đã bị giam giữ hơn 1 năm. Trong tù, ông đã có thể quan sát việc xử lý các trường hợp tử tù, và qua đó ông có thể xâu chuỗi lại quá trình từ kết án đến hành hình cho đến mổ cướp nội tạng.

Sau khi bị kết án tử hình, một tù nhân sẽ bị còng tay và cổ chân, cái còng nặng tới khoảng 15kg để ngăn khả năng đào tẩu. Một hoặc hai tù nhân khác sẽ luôn canh chừng họ. Việc xét nghiệm máu – một bước để xác định những người có thể hiến tạng – cùng công tác kiểm tra sức khỏe tinh thần và thể chất của họ cũng sẽ được thực hiện trong thời gian này tại một phòng y tế chuyên dụng trong trại giam.

“Theo như tôi biết, không một ai nói với các tử tù rằng các cơ quan nội tạng của họ sẽ bị thu hoạch”, ông Bob cho hay.

Ông cho biết các đợt thi hành án thường xảy ra trước các ngày lễ lớn.

Các tử tù sẽ phải tham dự một phiên điều trần công khai tại một tòa án cao cấp hơn, nơi một thẩm phán sẽ xác nhận hoặc lật lại bản án tử hình mà tòa ban đầu đã ấn định.

Theo ông Bob, những người ấn định bị hành quyết – từ một số ít đến hơn một chục người mỗi lần -sau đó được áp giải khỏi tòa án đến một đội rước từ 20 đến 30 xe đang chờ sẵn bên ngoài. Đoàn xe này cũng vận chuyển các quan chức địa phương được phân công làm nhiệm vụ chứng kiến các vụ hành hình. Họ bao gồm phó giám đốc sở cảnh sát địa phương, thẩm phán cùng các cán bộ khác là những người đã tham gia xét xử các vụ án này.

Tất cả những chiếc xe đều được dán vải hoặc giấy màu đỏ trên cửa sổ và có đánh số.

Ông Bob cho hay rằng những tù nhân nào được xác định là phù hợp cho việc thu hoạch nội tạng (dựa vào kết quả kiểm tra sức khỏe) sẽ bị chích một loại thuốc được cho là để giảm đau. Tuy nhiên, mục đích thực sự của mũi chích này là ngăn không cho máu đông lại sau khi chết não và không làm tổn thương đến các cơ quan nội tạng.

Theo ông Bob, những người được lựa chọn cho việc mổ cướp nội tạng thường là những người đàn ông trẻ, khỏe mạnh, thường ở trong độ tuổi 20 và 30, không có tiền sử bệnh tật nghiêm trọng.

Tại nơi hành quyết, các tù nhân được xếp thành hàng ngang để bị bắn vào sau đầu.

Người bị kết án đứng gần với ông Bob nhất với khoảng cách từ 3m – 5m.

Xe cứu thương màu trắng

Sau khi xử bắn, một giám định viên y tế tại chỗ sẽ tiến hành kiểm tra các thi thể để xác nhận đã chết. Sau đó, họ sử dụng một túi nilon màu đen để trùm đầu các tù nhân này lại. Các thi thể đã được chọn trước là nguồn lấy nội tạng sau đó nhanh chóng được đưa vào một chiếc xe cứu thương màu trắng đang đợi gần đó. Cửa sau của xe thường được đóng kín và rèm cửa sổ được kéo xuống để tránh những ánh mắt tò mò.

Ông Bob đã từng liếc mắt nhìn vào bên trong xe khi cửa sau tình cờ mở. Ông nhìn thấy một giường mổ và 2 bác sĩ mặc áo choàng trắng, đeo khẩu trang và găng tay. Một lớp màng bọc nilon được trải lên sàn xe phòng trường hợp máu bắn tóe ra sàn. Hai bác sĩ này nhanh chóng đóng cửa lại sau khi nhận ra có người đang theo dõi.

Chẳng có ai ngoài 2 vị bác sĩ kia biết được chuyện gì đã xảy ra sau đó. Khi các thi thể được đưa ra, họ được đựng trong một chiếc túi đựng thi thể màu đen và được trực tiếp đưa đi hỏa táng.

Những thi thể của người bị kết án tử hình được gộp chung lại với nhau và hoả táng trong cùng một lò thiêu. Kết quả là, không thể phân biệt tro cốt nào thuộc về ai, ông Bob nói. “Họ chỉ đơn giản là nhặt một chút từ đống tro tàn và đưa cho từng người nhà nạn nhân”.

Tất cả họ đều nhẹ dạ cả tin.

“Phần lớn thân nhân của những tử tù này sẽ chẳng thể hình dung được rằng nội tạng của người thân mình đã bị lấy đi trước khi họ nhận được tro cốt”, ông Bob cho hay.

Trừ những trường hợp ngoại lệ hiếm hoi, hầu hết những tù nhân đó không có cơ hội gặp gỡ hoặc trò chuyện với người thân của mình trong những giây phút cuối cùng. Thân nhân cũng không được nhìn thấy thi thể sau khi người thân yêu qua đời. “Tất cả những gì gia đình nhận được là một hộp tro tàn”.

Bộ máy chuyên hoạt động thu hoạch nội tạng vận hành một cách trơn tru

Quá trình này diễn ra nhanh chóng – vì nội tạng sống phải được vận chuyển nhanh chóng đến bệnh viện phục vụ cho phẫu thuật – và việc lập kế hoạch tỉ mỉ là chìa khóa để việc này diễn ra suôn sẻ, ông Bob cho biết.

Ông nói: “Họ đã nắm chắc được cơ quan nội tạng cụ thể của tù nhân cụ thể mà họ sẽ thu hoạch. Họ cũng nắm chắc được [thi thể tù nhân] nào sẽ được mang lên xe cứu thương … những người trên xe cứu thương này biết chính xác nội tạng nào cần lấy vì mọi thứ đã được sắp xếp từ trước”.

Từ đây, ông Bob đoán rằng những hoạt động này đã diễn ra trong một thời gian dài trước khi ông bắt đầu công việc cảnh sát của mình.

Ông nói: “Quy trình vận hành công việc, sự thành thạo mà họ đã thể hiện và sự phối hợp chặt chẽ này không thể xảy ra chỉ trong 1 hoặc 2 năm”. Ông Bob cho biết thêm rằng ngay cả giá của nội tạng được thu hoạch cũng đã được biết từ trước.

Trung Quốc thực hiện ca cấy ghép nội tạng người đầu tiên vào năm 1960. Vì nước này không có hệ thống hiến tạng chính thức cho đến năm 2015, hầu hết các nội tạng để cấy ghép là từ các tù nhân bị hành hình, theo như những gì chế độ này tuyên bố. Nhưng từ những năm 2000, ngành công nghiệp cấy ghép trong nước đã chứng kiến sự bùng nổ đột ngột và số lượng tù nhân bị hành hình đơn giản là không thể giải thích cho cho số ca cấy ghép đã diễn ra.

Các bệnh viện Trung Quốc, đang tìm cách lôi kéo du khách cấy ghép nội tạng từ hải ngoại, hứa hẹn sẽ cấy ghép nội tạng trong vài tuần hoặc thậm chí vài ngày – một điều chưa từng thấy ở các nước phát triển có hệ thống cấy ghép nội tạng lâu đời nơi mà thời gian chờ đợi có thể kéo dài hàng năm.

Sự gia tăng các ca cấy ghép này diễn ra trùng khớp với sự khởi đầu của cuộc đàn áp của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Công, một môn tu luyện an hòa thu hút 70 triệu đến 100 triệu người theo học đã phải đối mặt với việc bắt bớ, tra tấn và bỏ tù trong suốt 2 thập kỷ qua.

Các học viên Pháp Luân Công tổ chức một buổi thắp nến tưởng niệm trước Lãnh sự quán Trung Quốc ở Los Angeles để tưởng niệm những người đã thiệt mạng do cuộc bức hại của ĐCSTQ vào ngày 15/10/2015. (Ảnh: The Epoch Times)

Trong những năm qua, các bằng chứng ngày càng gia tăng đều cho thấy một hệ thống thu hoạch tạng sống từ các tù nhân lương tâm đã được ĐCSTQ dàn dựng hết sức công phu. Vào năm 2019, một tòa án nhân dân độc lập đã kết luận rằng ĐCSTQ, trong nhiều năm, đã sát hại các tù nhân “trên quy mô đáng kể” để cung cấp cho thị trường cấy ghép của chính quyền ĐCSTQ và đang tiếp diễn hoạt động này. Tòa án trên phát hiện rằng các nạn nhân chính trong số này là các học viên Pháp Luân Công bị cầm tù.

ĐCSTQ cho biết họ đã cấm sử dụng nội tạng của các tử tù vào năm 2015, trong đó tuyên bố rằng chỉ lấy nội tạng từ những người hiến tặng tự nguyện theo hệ thống hiến tặng nội tạng được thiết lập cùng năm đó. Tuy nhiên, các số liệu chính thức về hiến tạng lại không thể giải thích được số lượng lớn các ca cấy ghép được tiến hành, theo kết luận của tòa án trên.

Cỗ máy thu hoạch nội tạng vẫn đang hoạt động

Mô tả của ông Bob phù hợp với lời kể của nhiều nhân chứng khác, những người đã tham gia vào hoạt động kinh doanh ghép tạng mờ ám tại Trung Quốc trong cùng khoảng thời gian trên.

Anh George Zheng, cựu thực tập sinh y khoa Trung Quốc, nhớ lại việc hỗ trợ một ca phẫu thuật lấy nội tạng vào những năm 1990 cùng với 2 y tá và 3 bác sĩ quân y, tại một khu vực miền núi gần nhà tù quân đội gần Đại Liên, một thành phố ở vùng đông bắc Trung Quốc.

Bệnh nhân là một nam thanh niên, dù bất động nhưng thân thể người này vẫn còn ấm. Các bác sĩ đã cắt bỏ 2 quả thận của anh và sau đó hướng dẫn Zheng mổ lấy mắt của bệnh nhân.

Anh Zheng nói với The Epoch Times vào năm 2015 rằng: “Giây phút đó, mí mắt của anh ấy động đậy và anh ấy nhìn tôi, có sự kinh hoàng trong đôi mắt của anh ấy … Đầu óc tôi trở nên trống rỗng và toàn bộ cơ thể tôi bắt đầu run rẩy”.

Kí ức về đôi mắt ấy đã ám ảnh anh Zheng trong suốt nhiều năm.

Anh George Zheng, hiện đang sống ở Toronto, Canada, kể lại việc chứng kiến cảnh mổ cướp nội tạng sống ở tỉnh Thẩm Dương, Trung Quốc vào những năm 1990. (Ảnh: Yi Ling/The Epoch Times)

Tương tự, vào năm 1995, bác sĩ người Duy Ngô Nhĩ Enver Tohti ở khu vực viễn tây Tân Cương đã trợ giúp 2 bác sĩ phẫu thuật chính trong việc lấy gan và 2 quả thận của một tù nhân còn sống mới chỉ vừa bị bắn vào ngực.

Vào tháng 07/2017, ông nói với một ban cố vấn rằng: “Lúc đó máu vẫn đang chảy. Anh ấy vẫn còn sống. Nhưng tôi không cảm thấy tội lỗi. Trên thực tế, tôi không cảm thấy gì ngoài việc giống như một con robot được lập trình đầy đủ đang thực hiện nhiệm vụ của mình. Tôi tưởng rằng tôi đang thực hiện nhiệm vụ của mình để loại bỏ … kẻ thù của nhà nước”. Các bác sĩ phẫu thuật sau đó đã bảo ông ấy hãy ghi nhớ rằng: “Chẳng có gì đã xảy ra cả”.

Một hoạt động buôn bán cấy ghép nội tạng núp bóng “theo nhu cầu” dường như đang tiếp diễn trong những năm gần đây tại các bệnh viện ở Trịnh Châu, nơi ông Bob từng làm việc, dựa trên các cuộc điều tra của Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công (WOIPFG), một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Mỹ.

Một y tá từ Bệnh viện Trực thuộc Đầu tiên của Đại học Trịnh Châu nói với WOIPFG vào năm 2019 rằng bệnh viện của họ được xếp hạng trong số 5 bệnh viện đứng đầu cả nước về ghép thận và đã thực hiện khoảng 400 ca phẫu thuật vào năm 2020.

“Chúng tôi đã làm việc không ngừng kể từ Tết Nguyên Đán và chưa nghỉ ngày nào”, cô nói với các nhà điều tra bí mật của WOIPFG đóng giả những người cấy ghép nội tạng tiềm năng, đồng thời nói thêm rằng họ đã có một quả thận phù hợp vào ngày hôm đó.

Một bác sĩ khác từ bệnh viện này, trong một cuộc điện thoại vào năm 2017, nói với các nhân viên điều tra bí mật rằng họ đã thực hiện hầu hết các ca phẫu thuật ghép gan trong đêm ngay khi nội tạng đến.

Vị bác sĩ này cho biết: “Nếu chúng tôi không tận dụng những khoảng thời gian này và chỉ thực hiện chúng vào ban ngày, thì làm sao chúng tôi có thể phẫu thuật được nhiều như vậy? Làm thế nào chúng tôi có thể cạnh tranh với các bên khác?”

Hoạt động lạm dụng cấy ghép nội tạng mà ông Bob chứng kiến đã chấn động tâm can ông và điều này đi ngược lại với các giá trị của ông ấy. Mặc dù mới làm chưa đầy 3 năm, nhưng chính điều đó đã tạo động lực cho ông ấy quyết tâm từ bỏ công việc này, ông chia sẻ.

Mặc dù đã rời khỏi lực lượng cảnh sát từ lâu, nhưng ông Bob nhận thấy không có lý do nào có thể dừng ngành công nghiệp cấy ghép tạng này lại.

“Được thúc đẩy bởi lợi nhuận khổng lồ, không có chỗ cho cái gọi là các mối quan tâm về nhân quyền và nhân đạo”, ông nói.

Niềm hy vọng của ông Bob là người dân Trung Quốc có thể tự giải phóng mình khỏi sự cai trị độc tài chuyên chế của ĐCSTQ và tìm tự do ở các quốc gia dân chủ.

Trước sự xoay vần của số phận, bí thư thành ủy Trịnh Châu, người đã ra lệnh tạm giam ông Bob, cuối cùng đã phải ngồi tù vì nhận hối lộ. Ông này sau đó đã qua đời trong tù trong khi thụ án chung thân.

Ông nói rằng: “Không một ai được an toàn dưới sự cai trị của ĐCSTQ. Những gì đã xảy ra với bất kỳ ai khác hôm nay rất có thể sẽ xảy ra với chính quý vị vào ngày mai”.

Theo The Epoch Times,

Phan Anh 

Xem thêm:

Phan Anh

Published by
Phan Anh

Recent Posts

Một ứng viên xin rút công nhận chức danh phó giáo sư năm 2024

HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…

3 giờ ago

Ông Vương Đình Huệ bị kỷ luật cảnh cáo

Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…

4 giờ ago

Ông Musk và ông Ramaswamy viết bài xã luận trên WSJ vạch ra tầm nhìn về DOGE

Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…

4 giờ ago

Kiev: Nga dùng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tấn công Ukraine

Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…

5 giờ ago

Việt Nam và Malaysia nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện

Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…

7 giờ ago

TP.HCM đề xuất xóa nợ quá hạn, khó thu hồi cho người nghèo

UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…

8 giờ ago