Khoảng 7 giờ tối ngày 23/7 (giờ Bắc Kinh), Tân Hoa Xã đăng tin cáo phó nói cựu Thủ tướng Lý Bằng qua đời vì bệnh lúc 23:11 ngày 22/7, hưởng thọ 91 tuổi. Thông tin ông Lý Bằng qua đời đã thu hút được nhiều bàn tán trên mạng xã hội cả trong và ngoài Trung Quốc.
Bản cáo phó chính thức của chính quyền đã bình luận cao về ông Lý Bằng, đặc biệt là liên quan đến một phần sự kiện “Lục Tứ” năm 1989, nói rằng ông Lý Bằng “lựa chọn biện pháp quyết đoán để ngăn chặn bạo động, dẹp yên bạo loạn phản cách mạng, ổn định tình hình trong nước”.
Từ sáng sớm ngày hôm nay (23/7), trên mạng lan truyền tin ông Lý Bằng qua đời, sau đó China News xác nhận ông Lý Bằng đã qua đời, nhưng sau đó thông tin nhanh chóng bị xoá. Có kênh truyền thông đưa tin con trai ông Lý Bằng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc Lý Tiểu Bằng lộ diện vào tối ngày 22/7. Có quan điểm cho rằng, Lý Tiểu Bằng xuất hiện là để gián tiếp bác tin đồn.
Cùng với đó, trang tin Duowei News hôm 23/7 đưa tin, trang tin “Tin tức giao thông Trung Quốc” thuộc Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc tối ngày 22/7 đăng tin nói trong cùng ngày ông Lý Tiểu Bằng xuất hiện tại Đảng bộ Bộ Giao thông Vận tải để tổ chức hoạt động xây dựng đảng. Trong cùng ngày cha mình qua đời, ông Lý Tiểu Bằng vẫn công khai xuất hiện, điều này có vẻ kỳ quặc.
Lần xuất hiện công khai cuối cùng của ông Lý Bằng có lẽ là tại lễ khai mạc Đại hội 19 của đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào tháng 10/2017.
Thông tin công khai cho thấy, ông Lý Bằng sinh ngày 20/10/1928, tên ban đầu là Lý Viễn Bồng, người tỉnh Tứ Xuyên. Ông tốt nghiệp khoa Thuỷ điện tại Học viện Kỹ thuật điện Moscow (Liên Xô). Ông từng là thành viên trong Ban Thường uỷ Bộ Chính trị ĐCSTQ. Từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như Bộ trưởng Bộ Điện lực và Công nghiệp, Chủ nhiệm Uỷ ban Giáo dục quốc gia, Phó Thủ tướng Quốc vụ viện, Thủ tướng Quốc vụ viện, Uỷ viên trưởng Uỷ ban Thường uỷ Nhân đại toàn quốc (tương đương chức Chủ tịch quốc hội).
Năm 1989, ĐCSTQ đàn áp đẫm máu sinh viên trong sự kiện Lục Tứ trên quảng trường Thiên An Môn, ông Lý Bằng được cho là một trong những người có trách nhiệm chính trong sự kiện này.
Năm 2008 trên mạng từng có tin đồn ông Lý Bằng qua đời, khi đó, lãnh tụ phong trào Lục Tứ là Vương Đan đã chia sẻ trên Facebook rằng, nếu thông tin cái chết của Lý Bằng là thật, tuyên bố của tôi như sau: Lý Bằng là người chấp hành và đao phủ trong sự kiện thảm sát Lục Tứ, dù ông ta sống hay đã chết, đều đã bị đóng đinh lên cột mốc ô nhục của lịch sử. Tương lai, sự kiện Lục Tứ lật lại, việc truy cứu trách nhiệm đối với ông ta sẽ không dừng lại vì ông ta đã chết.
Ông Lý Bằng cũng là một trong những người chịu trách nhiệm chính trong việc thúc đẩy xây dựng Đập Tam Hiệp gây nhiều tranh cãi. Ông Lý Bằng từng nói công trình Đập Tam Hiệp là di sản chính trị chính của ông.
Trí Đạt
Xem thêm:
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…
Đội hình Phalanx gắn liền với những cuộc chinh phục của Alexander Đại Đế.