Cuộc thảm sát Thiên An Môn 1989: Cựu quân nhân ĐCSTQ tiết lộ chân tướng Lục Tứ
- Trí Đạt
- •
Trước kỷ niệm 30 năm sự kiện thảm sát trên Quảng trường Thiên An Môn, một cựu phóng viên báo quân đội Trung Quốc năm xưa có mặt tại hiện trường đã không còn im lặng nữa, bà quyết định đứng ra nói rõ sự thật cuộc đàn áp đẫm máu sinh viên và người dân của chính quyền Trung Quốc.
Tháng 6/1989, quân đội Trung Quốc đưa xe tăng đến Quảng trường Thiên An Môn, nổ súng vào sinh viên tay không tấc sắt đang kháng nghị hòa bình yêu cầu cải cách dân chủ. Ngày 3/6, Giang Lâm (Jiang Lin, đang mang quân hàm Trung úy trong quân đội đảng Cộng sản Trung Quốc), không hề do dự và nhanh chóng đến Quảng trường Thiên An Môn, khi tiếp cận trung tâm thành phố Bắc Kinh, bà nhìn thấy các binh lính đang chấp hành mệnh lệnh của cấp trên, trong đêm tối mà xả súng vào đám đông không phân biệt phải trái đúng sai, vô số người nằm trên vũng máu, cảnh tượng thê thảm không dám nhìn.
Tận mắt chứng kiến quân đội Trung Quốc xả súng vào người dân, cựu phóng viên báo quân đội Trung Quốc: Người tham dự đều cần vén màn chân tướng
Trong 30 năm qua, cảnh tượng như vậy mặc dù vẫn cứ quanh quẩn trong đầu bà, thân tâm bà đã chịu rất nhiều giày vò, nhưng nhiều năm qua bà đã làm trái lương tâm – lựa chọn im lặng.
Năm nay là kỷ niệm 30 năm sự kiện “Lục Tứ”, bà Giang Lâm 66 tuổi quyết định đứng ra tiết lộ chân tướng cuộc đàn áp đẫm máu của đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
“30 năm qua, tôi vẫn luôn nhẫn chịu sự đau khổ này”, trả lời phỏng vấn của tờ New York Times, bà nói: “Mỗi người tham dự vào trong đó đều cần đem những gì mà họ biết công bố công khai, đây là trách nhiệm của chúng ta đối với người đã chết, người may mắn sống sót và cũng là trách nhiệm với thế hệ sau của chúng ta.”
30 năm qua, sự kiện “Lục Tứ” là chủ đề vô cùng nhạy cảm tại Trung Quốc Đại lục, chính quyền ĐCSTQ vẫn luôn phủ nhận sự kiện thảm sát trên Quảng trường Thiên An Môn, từ chối công bố số người bị quân đội giết hại, và thường xuyên câu lưu những người lãnh đạo phong trào kháng nghị hòa bình năm xưa, và đàn áp người nhà của những người bị hại.
Giang Lâm – người có bối cảnh quân đội Trung Quốc tiết lộ về chân tướng sự kiện Lục Tứ
Giang Lâm năm nay không còn im lặng nữa, bà là một người có bối cảnh khác với những nhân sĩ từng tiết lộ sự thật về cuộc thảm sát “Lục Tứ”. Bà xuất thân là gia đình trong quân đội, cha là tướng lĩnh quân đội, cách đây 50 năm, bà từng gia nhập quân đội một cách đầy tự hào, và trở thành một phóng viên báo quân đội.
Bà Giang nói, bà chưa từng bao giờ nghĩ rằng quân đội sẽ nổ súng vào người tay không tấc sắt.
“Làm sao mà họ lại có thể dùng xe tăng và súng máy để đối phó với người dân bình thường?”. Bà nói: “Đối với tôi mà nói, hành động này rất điên cuồng.”
New York Times đưa tin, Tiền Cương (Qian Gang) hiện đang cư trú ở nước ngoài, là chủ quản của bà Giang Lâm khi bà công tác tại báo quân đội, đã xác nhận nội dung mà bà tiết lộ.
Bà Giang đã chia sẻ lại những hồi ký và nhật ký hàng trăm trang, đây là những ghi chép của bà khi bà cố gắng tìm hiểu về sự kiện thảm sát của ĐCSTQ.
“Không chỉ một lần, tôi từng mơ đến Quảng trường Thiên An Môn, mặc lên bộ đồ phúng viếng, lưu lại một bó hoa bách hợp màu trắng tại đó.” bà viết năm 1990.
Giang Lâm xác nhận một bộ phận tướng lĩnh ĐCSTQ phản đối đàn áp
Tháng 5/1989, tin tức trên truyền hình và phát thanh nói, khi đó lãnh đạo ĐCSTQ quyết định thực thi giới nghiêm phần lớn khu vực Bắc Kinh, đồng thời nói khi cần thiết thì lực lượng vũ trang là một lựa chọn. Giang Lâm nói, khi bà nghe được thông tin này bà cảm thấy sởn tóc gáy.
Về sự kiện “Lục Tứ”, có một số nhà nghiên cứu từng nói rằng, một số quan chức cấp cao và quan chức chỉ huy trong nội bộ ĐCSTQ từ chối sử dụng vũ lực để đàn áp người kháng nghị. Giang Lâm nói, đúng là có chuyện này.
Bà nói, khi đó, lãnh đạo Quân đoàn 38 là tướng Từ Cần Tiên (Xu Qinxian) đã từ chối mệnh lệnh dẫn quân đội vào Bắc Kinh khi chưa có giấy trắng mực đen rõ ràng. Bảy tướng lĩnh cũng đã cùng ký tên vào một lá thư phản đối giới nghiêm, và gửi lá thư này đến Ủy ban quân sự Trung ương.
Giang Lâm nói, thông tin mà bức thư đó truyền đạt rất đơn giản, chính là quân đội không thể tiến vào Bắc Kinh nổ súng với người dân.
Lúc đó bà vội vã muốn đem thông tin đơn giản của những tướng lĩnh này truyền ra, bà dùng điện thoại công cộng để đọc nội dung thư cho một biên tập viên của tờ Nhân dân Nhật báo. Nhưng cuối cùng, tờ báo này lại không hề đưa tin về bức thư, nguyên nhân là một tướng đã ký tên vào bức thư này phản đối rằng đây không phải là thư công khai.
Người đứng đầu ĐCSTQ: Ngày 3/6 quân đội tiến vào Thiên An Môn phải dùng tất cả thủ đoạn để làm sạch quảng trường
Giang Lâm nói, ngày 3/6, bà được biết thông tin rằng lãnh đạo hạ lệnh quân đội tiến vào Quảng trường Thiên An Môn, quân đội đang từ phía Tây Bắc Kinh đi đến Quảng trường Thiên An Môn, và bắt đầu nổ súng vào mọi người. Bà nói, mệnh lệnh của lãnh đạo là cần phải dùng bất cứ thủ đoạn nào để làm sạch trống quảng trường trước sáng sớm ngày 4/6. Hôm đó, người dân được cảnh báo phải ở trong nhà.
Giang Lâm nhớ lại, bà không ở nhà, trong tâm vẫn nghĩ đến những người mà sáng hôm đó bà gặp trên Quảng trường Thiên An Môn, “Họ sẽ bị giết chết?” Giang Lâm nghĩ.
Tận mắt chứng kiến quân nhân xả súng vào người dân
Giang Lâm đạp xe đạp đến Quảng trường Thiên An Môn, trong tâm nghĩ rằng sự kiện này sẽ là ranh giới quan trọng trong lịch sử Trung Quốc. Bà biết rằng bà có thể bị hiểu nhầm là người kháng nghị bởi vì bà đang mặc thường phục. Tuy nhiên, buổi tối hôm đó, bà không muốn bị người khác nhận ra mình là quân nhân.
“Đây là trách nhiệm của tôi”, bà nói, “Công việc của tôi là cần đưa tin tức quan trọng.”
Đến trung tâm thành phố Bắc Kinh, Giang Lâm nhìn thấy binh lính và xe tăng đang xả súng điên cuồng vào mọi người, chính phủ ĐCSTQ đang dùng bộ đội vũ trang để đàn áp người dân tay không tấc sắt.
Giang Lâm nói, khi đó bà cố gắng áp người xuống mặt đất, và nghe thấy tiếng đạn bay qua đầu mình, tim bà đập thình thình, thi thoảng lại nghe thấy tiếng bình xăng nổ và hàng loạt tiếng súng, hơi nóng từ xe buýt bị đốt khiến mặt bà bị rát.
Đến nửa đêm, bà đến gần Quảng trường Thiên An Môn, nhìn thấy các binh lính nổi bật bởi ánh lửa. Một người gác cổng lớn tuổi nói bà đừng đi vào trong. Nhưng Giang Lâm vẫn tiến đến phía trước. Đột nhiên có hơn chục cảnh sát vũ trang dùng bạo lực với bà, có người dùng roi điện tấn công bà, máu từ đầu bà chảy ra, bà ngã xuống đất.
Mặc dù vậy, bà vẫn không đưa ra thẻ nhà báo, trong lòng nghĩ: “Hôm nay tôi không là quân nhân, chỉ là một người dân bình thường”.
Một nam thanh niên đạp xe đạp đến đưa bà rời khỏi hiện trường, một số phóng viên nước ngoài đã đưa bà đến bệnh viện gần đó, tại bệnh viện, các bác sĩ tiến hành khâu lại vết thương trên đầu bà. Giang Lâm nói, vết thương ở đầu vào thời điểm đó đã để lại sẹo và khiến bà thường xuyên đau đầu.
Giang Lâm nói, đêm hôm đó tại bệnh viện, khi nhìn thấy hàng vài chục người tử vong, bà cảm thấy rất ngỡ ngàng, và bị sốc vì với hành vi dã man của ĐCSTQ, nó “khiến người ta không thể nhẫn chịu được”.
ĐCSTQ đã có thể phủ nhận thảm sát nhân dân, thì cũng có thể biên tạo bất cứ điều giả dối nào
Giang Lâm cho biết, vài tháng sau sự kiện đàn áp năm 1989, bà đã bị thẩm vấn. Trong vài năm sau đó, bà đã hai lần bị câu lưu và bị điều tra vì viết hồi ký. Năm 1996, bà giải ngũ, và sống cuộc sống yên bình, chính quyền ĐCSTQ không còn chú ý đến bà ở mức độ lớn nữa.
Giang Lâm nói, nhiều năm qua, bà vẫn luôn chờ đợi lãnh đạo ĐCSTQ có thể nói cho người dân Trung Quốc, năm xưa việc đàn áp sinh viên và người dân kháng nghị hòa bình trên Quảng trường Thiên An Môn là một sai lầm.
Tuy nhiên, ngày đó vẫn chưa đến. Bà cho rằng, nếu ĐCSTQ đã có thể từ chối thừa nhận thảm sát nhân dân, vậy thì chính quyền này có thể biên tạo bất cứ điều dối trá nào.
Bà tin rằng, một chính phủ không có cơ sở vững chắc về sự thành tín, thì sự ổn định và phồn vinh mà họ kiến lập lên sẽ không chịu đựng được thử thách.
Trí Đạt
Xem thêm:
Từ khóa Thiên An Môn Thảm sát Thiên An Môn Lục Tứ