Các tài liệu rò rỉ mới nhất của “Hồ sơ Pandora” (Pandora Papers) cho thấy manh mối về việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sử dụng các cơ quan đại diện nước ngoài hoặc các doanh nghiệp nhà nước của mình để bí mật mua lại doanh nghiệp công nghệ quân sự ngoài nước.
“Hồ sơ Pandora” do Liên đoàn Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) xuất bản ngày 3/10/2021, bao gồm các câu chuyện ẩn giấu trong 11,9 triệu tài liệu bị rò rỉ, liên quan đến hơn 200 quốc gia và khu vực. Hồ sơ này đã phanh phui việc sử dụng các công ty nước ngoài để che giấu tài sản, trốn thuế và né tránh hệ thống kê khai lãi suất của các nhà lãnh đạo, chính trị gia và người nổi tiếng trên thế giới.
Theo tài liệu rò rỉ được tiết lộ trong Hồ sơ Pandora, tỷ phú Trung Quốc Vương Tĩnh (Wang Jing), với sự giúp đỡ của một công ty được thành lập ở trung tâm tài chính nước ngoài, đã gửi đề nghị mua lại nhà thầu quốc phòng duy nhất của Ukraine là công ty chế tạo động cơ máy bay Motor Sich. Việc này lại trùng hợp với nỗ lực của ĐCSTQ nhằm “có được công nghệ lưỡng dụng tiên tiến của nước ngoài”.
Thương vụ mua lại Motor Sich của Vương Tĩnh chủ yếu được điều hành bởi Tập đoàn Xinwei và Công ty Đầu tư Công nghiệp Hàng không Tianjiao Bắc Kinh (Skyrizon) của ông ta. Tuy nhiên, trên thực tế, nguồn vốn khổng lồ của Vương Tĩnh được tài trợ bởi Ngân hàng chính sách lớn nhất của ĐCSTQ CDB.
Đài BBC của Anh đưa tin, các nguồn tin truyền thông Trung Quốc Đại Lục chỉ ra rằng Vương Tĩnh có thể đi “lừa đảo” khắp mọi nơi trên thế giới, bất quá cũng chỉ là hành động như một chiếc “găng tay trắng”. Tuy nhiên, giới truyền thông vẫn luôn giữ bí mật về những nhân vật lớn hưởng lợi đứng sau ông ta.
Hồ sơ Pandora đã cung cấp manh mối về quy mô thành lập các công ty nước ngoài tại các thiên đường thuế của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc trong những năm gần đây.
Ví dụ, vào năm 2018, “gã khổng lồ” Tập đoàn Dầu mỏ Trung Quốc đã thành lập một công ty ở Quần đảo Virgin thuộc Anh để mua lại một mỏ dầu ở Syria. CITIC Capital thành lập các công ty nước ngoài Magic Ocean và Charming Spring.
Vào năm 2017, khi thuê một công ty Hồng Kông để lập kế hoạch ủy thác ra nước ngoài cho quản lý cấp cao của mình, CITIC Capital đã cung cấp một sơ đồ tổ chức chi tiết của tập đoàn. Sơ đồ cho thấy tập đoàn này sở hữu khoảng 160 công ty, trong đó hơn 50% công ty con được đăng ký tại Quần đảo Cayman hoặc Quần đảo Virgin thuộc Anh.
Các nhà phân tích cho rằng trong 20 năm qua, khi ĐCSTQ thúc đẩy chiến lược “tiến ra bên ngoài” của các doanh nghiệp nhà nước, hệ thống tài chính toàn cầu cũng đã có những thay đổi to lớn xung quanh các trung tâm tài chính nước ngoài.
Ông Rasheed Griffith, chuyên gia tài chính và nhà nghiên cứu tại Trung tâm Mercatus thuộc Đại học George Mason nói với “Connect China” rằng “hàng nghìn công ty Trung Quốc đã đăng ký ở nước ngoài, bao gồm cả các công ty nhà nước (công ty con). Do sự kiểm soát tiền tệ của Trung Quốc (ĐCSTQ), ngay cả các doanh nghiệp nhà nước cũng gặp khó khăn trong việc chuyển tiền ra vào Trung Quốc. Vì vậy, họ đã thành lập các công ty ở nước ngoài để tiến hành mua bán và sáp nhập”.
Tạp chí kinh tế The Wire China đưa tin rằng các manh mối tài liệu về trường hợp của Vương Tĩnh cung cấp một cơ hội để mọi người hiểu cách các doanh nghiệp nhà nước của ĐCSTQ đã trở thành những người chơi quyền lực trong trung tâm tài chính nước ngoài hàng đầu thế giới.
Bài báo cho biết: “Các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc – sử dụng cấu trúc VIE do Sina.com tiên phong thử nghiệm – để thành lập các công ty nước ngoài nhằm huy động vốn nước ngoài, trong khi các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc (ĐCSTQ) thường đăng ký các công ty con ở nước ngoài để mua tài sản ở nước ngoài, bao gồm cả năng lượng và tài nguyên thiên nhiên.”
“Do Hoa Kỳ và Châu Âu áp dụng các cuộc rà soát an ninh quốc gia chặt chẽ hơn, các rào cản đối với đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc đã được thiết lập. Tuy nhiên, các công ty vỏ bọc nước ngoài cung cấp một giải pháp thuận tiện, một cách có thể được sử dụng để che giấu thân phận quốc gia, giống như trong trường hợp của Công ty Motor Sich vậy.”
Bài báo cũng nói rằng các nhà phân tích tin rằng ĐCSTQ đang thành lập ngày càng nhiều công ty tại các trung tâm tài chính nước ngoài, điều này trùng hợp với nỗ lực của họ để có được công nghệ lưỡng dụng quân sự – dân sự tiên tiến của nước ngoài, vốn đã khơi dậy tinh thần cảnh giác của Hoa Kỳ và hầu hết các nước phát triển.
Motor Sich là nhà thầu quốc phòng duy nhất ở Ukraine chuyên sản xuất động cơ máy bay. Trong những năm gần đây, mặc dù Ukraine đã chống lại được mối đe dọa trả đũa của ĐCSTQ, họ đã tái quốc hữu hóa Motor Sich trong nỗ lực bảo vệ công nghệ hàng không trọng điểm và công nghệ quân sự không bị rò rỉ ra bên ngoài. Tuy nhiên, trong hai năm qua, ĐCSTQ đã dùng nhiều thủ đoạn phá hoại để đẩy ra một số lượng lớn các kỹ sư của Motor Sich. Ngay cả khi không thể có được kinh nghiệm sản xuất và R&D của Motor Sich, công nghệ động cơ của Trung Quốc cũng có thể tạo ra một bước nhảy vọt bằng cách đánh bật Motor Sich.
Ông William Reinsch, cựu quan chức Bộ Thương mại Hoa Kỳ và hiện là cố vấn cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Washington, nói với Connect China rằng các công ty nước ngoài có thể che giấu nỗ lực của Bắc Kinh nhằm đạt được công nghệ lưỡng dụng, “nếu chúng tôi phát hiện ra Trung Quốc một mực làm như vậy, đó chính là một vấn đề.”
Motor Sich là một trong những công ty công nghiệp quân sự được thành lập ở Ukraine trong thời kỳ Liên Xô. Công ty sản xuất nhiều loại “động cơ hàng không vũ trụ quân sự”. Các sản phẩm chính bao gồm hệ thống động lực cho trực thăng tấn công, động cơ đẩy cho tên lửa vũ trụ và tên lửa tuần tra, động cơ phản lực của các loại máy bay quân sự, v.v, bao gồm cả việc cung cấp động cơ máy bay chiến đấu cho máy bay huấn luyện Không quân tự chế tạo JL-10 của ĐCSTQ.
Năm 2014, Nga xâm phạm Ukraine dẫn đến việc chính phủ nước này cắt kênh xuất khẩu sang Nga, doanh thu bán hàng nước ngoài của công ty Motor Sich sụt giảm nghiêm trọng. Lúc này, ĐCSTQ đã nhân cơ hội nhảy vào và nắm quyền thống lĩnh đầu tư hàng không của Ukraine.
Vào năm 2015, chủ tịch Vyacheslav Boguslayev của công ty Motor Sich đã đồng ý bán hơn 50% cổ phần của công ty cho các doanh nhân Trung Quốc có liên hệ với ĐCSTQ. Vào thời điểm diễn ra giao dịch giữa hai bên, công ty Motor Sich đang gặp khó khăn về tài chính.
Các nhà đầu tư từ Trung Quốc như Vương Tĩnh đã thành lập một loạt công ty nước ngoài cùng mua lại công ty Motor Sich, bao gồm Công ty Đầu tư Công nghiệp Hàng không Tianjiao Bắc Kinh (Skyrizon) được đăng ký tại Quần đảo Virgin thuộc Anh để mua lại hơn 50% cổ phần của công ty Motor Sich, là khoảng 500 triệu USD. Sau đó, nhà đầu tư cầm cố số cổ phần đã mua cho Ngân hàng Phát triển Trung Quốc để đổi lấy một khoản vay.
Vào năm 2019, truyền thông Đại Lục báo cáo rằng Tập đoàn Xinwei thực sự đã sử dụng hoạt động kinh doanh hư cấu ở nước ngoài để lừa gạt các ngân hàng và cơ quan chính phủ nhằm lấy lòng tin và được tạo điều kiện cho vay nợ, đồng thời đẩy giá cổ phiếu lên cao, lừa dối lòng tin của các nhà đầu tư, tận dụng cơ hội để thoát khỏi các tổ chức đầu tư, kiếm lợi lớn từ những nhà đầu tư không biết sự thật.
Năm 2021, Xinwei bị loại khỏi thị trường cổ phiếu hạng A. Tỷ phú Vương Tĩnh nổi đình nổi đám một thời đã bị truyền thông phanh phui là “gian dối tài chính và sử dụng các công ty giả để lừa đảo”. Thực tế, ngay từ năm 2016, Xinwei đã bị nghi ngờ gian lận tài chính khiến việc giao dịch cổ phiếu A bị đình chỉ trong gần 3 năm. Tuy nhiên đến tháng 7/2019, cổ phiếu của công ty này lại được chấp thuận khôi phục giao dịch, lại xuất hiện giới hạn hơn 40 ngày liên tục và liệt vào nhóm cổ phiếu ST (cổ phiếu bị cảnh báo).
Theo dữ liệu doanh nghiệp được công bố công khai, số lượng công ty do Vương Tĩnh thực sự kiểm soát lên tới con số 65. Ông ta khai rằng hoạt động kinh doanh của mình ở Nicaragua, Uganda, Campuchia, Ireland, Nga, Bắc Ireland và các quốc gia khác đều liên quan đến các giao dịch giữa ông ta và công ty túi da (giả mạo) ở địa phương.
Bản kiểm kê “các dự án đầu tư kếch xù” mà ông ta tự khoe khoang bao gồm: đầu tư 100 tỷ Nhân dân tệ để xây dựng Kênh đào Nicaragua vào năm 2012, xây dựng một cảng nước sâu ở Crimea vào năm 2013, mua một công ty động cơ hàng không Ukraine vào năm 2015, mua một công ty vệ tinh Israel vào năm 2016, v.v.
Một số nhà phân tích cho rằng Xinwei không thể có nhiều vốn như vậy để đầu tư vào các dự án ở nước ngoài, mà chắc chắn là có doanh nghiệp nhà nước của ĐCSTQ chống lưng. Dù Xinwei mang danh là doanh nghiệp tư nhân nhưng không sớm thì muộn cũng sẽ bị lôi vào dưới quyền ĐCSTQ.
Vào năm 2021, truyền thông Đại Lục đưa tin rằng Vương Tĩnh, người nắm giữ 35% vốn chủ sở hữu của Tập đoàn Xinwei, đã cam kết đem tất cả vốn chủ sở hữu cho các công ty chứng khoán tài chính lớn trong nước, bao gồm Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, Ngân hàng Thịnh Kinh, v.v. Chỉ trong năm 2017, cá nhân ông ta đã luân chuyển tiền mặt đạt hàng chục tỷ Nhân dân tệ.
Báo cáo cũng cho biết, trong số rất nhiều nhà đầu tư, chỉ riêng Ngân hàng Phát triển Trung Quốc đã cung cấp ít nhất 28 tỷ Nhân dân tệ cho Tập đoàn Xinwei. Thậm chí sau khi Vương Tĩnh bị phanh phui gian lận vào năm 2016, ngân hàng này vẫn tiếp tục đầu tư cho Xinwei.
Ngay từ năm 2016, báo cáo khảo sát của NetEase Finance cho thấy một số cổ đông bí ẩn của Tập đoàn Xinwei đã rút ra một lượng tài sản khổng lồ bằng cách giảm lượng nắm giữ của họ.
Vào năm 2021, Tập đoàn Xinwei, trực thuộc Datang Telecom, một doanh nghiệp trung ương của ĐCSTQ, cuối cùng đã bị hủy niêm yết. Do không trả được nợ nên đã tuyên bố vỡ nợ khoản nợ tín dụng của công ty. Trước khi được bán đấu giá, trụ sở của công ty ở Bắc Kinh vẫn còn treo nhiều bức ảnh của lãnh đạo cấp cao ĐCSTQ chụp trong chuyến thị sát.
Lý Nhất Phàm, Vision Times
Xem thêm:
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…