Báo cáo điều tra “Hồ sơ Pandora” của Liên đoàn Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ), liên quan đến 11,9 triệu tài liệu mật, bao gồm hơn 200 quốc gia và khu vực, tiết lộ bí mật tài chính của giới tỷ phú và lãnh đạo thế giới. Các vấn đề tài chính tiêu cực của ông Lương Chấn Anh (Leung Chun-ying), cựu Đặc khu trưởng Hồng Kông cũng bị phanh phui trong báo cáo này.

p2944961a33689926
Cựu giám đốc điều hành Hồng Kông và phó chủ tịch Ủy ban quốc gia CPPCC, Lương Chấn Anh lại rơi vào một vụ bê bối mới. (Nguồn: VOA)

Vốn chủ sở hữu gián tiếp của ông Lương đã được bán ra mà không khai báo

Các tài liệu rò rỉ tiết lộ, ông Lương Chấn Anh khi còn đương chức Đặc khu trưởng Hồng Kông, đã thông qua hai công ty vỏ bọc nước ngoài để nắm giữ 30% cổ phần của công ty kinh doanh DTZ tại Nhật Bản. Số vốn cổ phần này đã được bán với giá 200.000 bảng Anh vào tháng 12/2015, trong khi ông Lương đang bị Ủy ban độc lập Hồng Kông chống tham nhũng điều tra việc ông nhận 4 triệu bảng Anh từ công ty niêm yết UGL của Úc.

Ông Lương Chấn Anh chưa bao giờ tiết lộ về việc sở hữu cổ phần liên quan, cũng như không tiết lộ về giao dịch bán cổ phần trong nhiệm kỳ Đặc khu trưởng Hồng Kông của mình.

Việc mua bán không được tiết lộ này đã bị hãng truyền thông Hồng Kông Stand News hợp tác với Liên đoàn Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) phanh phui tại Hồ sơ Pandora.

Ông Lương Chấn Anh phản bác báo cáo và đưa ra lời đe dọa

Đài Á Châu Tự Do đưa tin, ông Lương Chấn Anh đã nhanh chóng phản ứng lại việc này, nói rằng ông không vi phạm các quy tắc. 

Vào tối ngày 4/10, ông Lương đã liên tiếp đăng Facebook, phản bác rằng báo cáo điều tra là “sai lệch“, và rằng luật sư sẽ gửi thư truy cứu báo Stand News vì đã tham gia điều tra. Ông Lương đồng thời cũng đề cập đến Tổng biên tập báo Stand News và vợ với giọng điệu đe dọa: “Đừng có ngu ngốc mà trở thành đặc vụ nước ngoài.”

Chính quyền Bắc Kinh và báo chí nhà nước im hơi lặng tiếng

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là ngoài phản ứng này của ông Lương Chấn Anh ra thì phía chính quyền Bắc Kinh, phe kiến chế và thậm chí cả các tờ báo cánh tả đều im lặng. 

Chỉ có phương tiện truyền thông ủng hộ Bắc Kinh là Báo Văn HốiHeadline News trích dẫn nhận xét của Ủy viên Hội đồng Điều hành và Cố vấn cấp cao Thang Gia Hoa trên chương trình phát thanh: “Công hội không tin rằng ông Lương Chấn Anh đã vi phạm cơ chế báo cáo khi còn tại chức, hơn nữa các cuộc thảo luận không thể biến thành các cuộc tấn công chính trị.” Ngoài ra, không có tổ chức phe kiến chế nào ủng hộ ông Lương.

Hơn nữa, phương tiện truyền thông Hồng Kông thân cộng Oriental Daily còn đưa tin trên trang nhất về vụ bê bối này của ông Lương Chấn Anh vào ngày 4/10. Bài báo thậm chí còn giật tít “Bị ném đá vì không khai báo, Đặc khu trưởng không bị giám sát Lương Chấn Anh đã bán cổ phiếu kiếm lợi lớn.”

Carrie Lam: Hệ thống kê khai là tín nhiệm người khai và rất vững chắc

Mặc dù ông Lương Chấn Anh, với tư cách là Phó chủ tịch Chính hiệp ĐCSTQ, cũng là cấp lãnh đạo quốc gia nhưng đối với lần này, Bộ Ngoại giao ĐCSTQ không hề có biểu hiện gì. 

Khi được các phóng viên hỏi về sự việc của ông Lương Chấn Anh vào ngày 5/10, Đặc khu trưởng Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) đã không đưa ra bất kỳ bình luận cụ thể nào. Tuy nhiên, bà Lâm đặc biệt đề cập rằng các thành viên của Hội đồng điều hành đã khai báo rất chi tiết. 

“Tôi chỉ có thể nói về hệ thống kê khai lợi ích của chúng tôi nói chung. Nó áp dụng cho các thành viên của Hội đồng điều hành và các quan chức chính. Nó mở cửa cho thanh tra công khai. Tôi không muốn bình luận về các trường hợp cá nhân. Chính phủ có hệ thống kê khai lợi ích rất vững chắc. Hệ thống này là tín nhiệm người khai và sẽ không kiểm tra, giám sát hoặc điều tra các mục lợi ích cá nhân của mỗi người đăng ký,” bà Lâm cho biết.

Lương Chấn Anh “tự nói chuyện một mình”, giấc mơ Đặc khu trưởng có thể đã tan vỡ

Theo Hk01, cơ quan truyền thông thân ĐCSTQ, ông Lương Chấn Anh hy vọng có thể một lần nữa cạnh tranh chức vụ Trưởng Đặc khu Hồng Kông. Phe ông Lương Chấn Anh đã tận dụng tối đa các cơ hội để tìm kiếm sự ủng hộ của mọi người từ mọi tầng lớp xã hội, hy vọng rằng chính quyền trung ương Trung Quốc cuối cùng sẽ cho phép ông ta tranh cử.

Tuy nhiên, Chủ tịch Lý Trác Nhân (Lee Cheuk-yan) của Liên minh Hồng Kông ủng hộ các phong trào dân chủ yêu nước của Trung Quốc (Hồng Kông Alliance in Support of Patriotic Democratic Movements of China) chỉ trích ông Lương là “tắc kè hoa ngày 4/6”“Trưởng Đặc khu bán lương tâm”, nói rằng ông ta không thể đại diện cho người dân Hồng Kông. Một số cư dân mạng khiển trách rằng ông Lương coi các giá trị xã hội cốt lõi gồm tự do, dân chủ và công lý như khăn giấy, vứt bỏ sau khi sử dụng xong.

Ngoài ra, trong một bài phân tích gần đây của Đài Á Châu Tự do, ông Chung Kiếm Hoa (Zhong Jianhua), Phó Giám đốc điều hành của Viện dư luận Hồng Kông, cũng đã đưa ra nhận định về việc phía chính quyền dường như không có bất kỳ phản ứng nào về sự việc ông Lương bị phanh phui. Ông Chung Kiếm Hoa nhận định: “Tôi tin rằng không có phản ứng nào có thể chính là phản ứng. Tôi không bao giờ nghĩ rằng chính quyền trung ương muốn ông Lương Chấn Anh lần nữa làm đặc khu trưởng. Nếu chính quyền trung ương muốn thay đổi người, tất nhiên, họ phải thay đổi một người bất đồng với bà Carrie Lam.”

Sau khi báo cáo điều tra được công bố, lúc này chỉ có ông Lương Chấn Anh “tự nói chuyện một mình”, ông Chung Kiếm Hoa cho rằng có thể là do phe kiến chế có quan điểm khác và muốn quan sát trước rồi mới phản ứng. Cũng có thể là do ông Lương Chấn Anh không nhận được sự ủng hộ của phe kiến chế. 

“Tôi cũng tin rằng không có nhiều người trong phe kiến chế muốn ông ta sẽ làm đặc khu trưởng lần nữa. Nếu có nhiều thì ông ta đã không bị sa thải ở nhiệm kỳ trước. Tôi không nghĩ ông ta có cơ hội trong tình hình hiện tại,” ông Chung cho biết.

Ngoài ra, khi nói về phe Giang Trạch Dân và phe Tập Cận Bình, không thể không nói đến điểm khác biệt cơ bản giữa hai phe, đó là vấn đề Pháp Luân Công. Phe Giang được biết đến với cái tên “Băng đảng nợ máu” vì bức hại và mổ cướp nội tạng các học viên Pháp Luân Công. Ông Tập Cận Bình có thể không muốn bị trói vào hay cùng gánh tội ác lịch sử do Giang Trạch Dân khởi xướng này. Trong khi ông Lương Chấn Anh là người phe Giang, khi làm trưởng đặc khu đã nỗ lực đàn áp Pháp Luân Công ở Hồng Kông. Có thể là vì lý do này mà phía Bắc Kinh chưa thấy có động tĩnh gì về việc ông Lương Chấn Anh muốn quay lại ghế trước đó và cũng không có biểu hiện gì về sự việc ông Lương  mới bị phanh phui lần này.

Mộc Lan (t/h)

Xem thêm: