Nhân kỷ niệm 20 năm Hồng Kông được nước Anh trả lại cho Trung Quốc (1/7/1997 – 1/7/2017), chính quyền đặc khu đã tổ chức hàng loạt các sự kiện long trọng với sự tham dự của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trong đó, nổi bật có lễ thượng cờ và bắn pháo hoa tại Cảng Victoria. Hàng nghìn cảnh sát đã được huy động để bảo đảm an ninh cho các sự kiện.
Song song với các hoạt động kỷ niệm rầm rộ của chính quyền đặc khu, những cuộc biểu tình của cả lực lượng thân Bắc Kinh và các nhà hoạt động vì dân chủ dự kiến cũng sẽ diễn ra trong ngày hôm nay. Đoàn người biểu tình có thể sẽ tuần hành qua các tuyến phố chính tại Hồng Kông.
Ông Tập Cận Bình tham dự lễ kỷ niệm 20 năm Hồng Kông tái nhập Trung Quốc
Trước làn sóng biểu tình dâng cao, giới chức Hồng Kông đã triển khai hoạt động an ninh quy mô lớn và phần lớn thành phố đều đã bị phong tỏa nhiều ngày qua.
Ngay khi đặt chân tới sân bay Xích Lạp Giác (Chek Lap Kok) vào sáng thứ Năm (29/6), Chủ tịch Tập đã có bài phát biểu ngắn gọn cam kết Bắc Kinh luôn ủng hộ Hồng Kông và sau đó gặp Trưởng đặc khu đương nhiệm Lương Chấn Anh và các quan chức khác.
Theo Reuters, vào sáng thứ Sáu (30/6), Chủ tịch Tập đã đi thị sát quân đội tại một căn cứ quân sự tại Hồng Kông, ở đây đã diễn ra một cuộc diễu binh được xem là có quy mô lớn nhất kể từ khi hòn đảo này trở về Trung Quốc năm 1997.
Trong chuỗi sự kiện chính thức ngày 1/7, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga sẽ tuyên thệ nhậm chức Trưởng đặc khu Hồng Kông và giới thiệu nội các mới trước sự chứng kiến của Chủ tịch Tập.
Ông Tập Cận Bình dự kiến sẽ rời Hồng Kông ngay lễ nhậm chức của bà Lâm.
Không khí chính trị tại Hồng Kông đã nóng lên thấy rõ kể từ khi ông Tập đặt chân tới lãnh thổ này sáng thứ Năm (29/6). Hàng chục nhà hoạt động dân chủ đã bị bắt giam từ tối thứ Tư (28/6), trong đó có lãnh đạo sinh viên Hoàng Chi Phong, người tổ chức Phong trào Ô dù năm 2014.
Cảnh sát được huy động đông đảo để đảm bảo an ninh cho các sự kiện kỷ niệm
Hôm thứ Sáu (30/7), người biểu tình ủng hộ dân chủ cũng đã tập trung ở khu vực gần trung tâm hội nghị nơi ông Tập tham dự bữa tiệc chiêu đãi và hàng loạt các sự kiện kỷ niệm khác. Cảnh sát đã được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ trong khi những người biểu tình cùng nhau hô vang: “Chấm dứt độc tài, độc đảng”.
Theo BBC ghi nhận đã có đụng độ xảy ra giữa những người biểu tình vì dân chủ và phe thân Bắc Kinh. Cảnh sát đã phải can thiệp để cách ly hai nhóm biểu tình.
Nhóm biểu tình, những người đòi quyền tự do chính trị lớn hơn, cũng kêu gọi chính quyền Bắc Kinh thả ngay nhà bất đồng chính kiến, chủ nhân giải Nobel hoà bình Lưu Hiểu Ba. Ông Lưu được tin là đang bị ung thư gan giai đoạn cuối.
BBC cho hay lãnh đạo đảng Demosisto, Hoàng Chi Phong và các nhà hoạt động dân chủ khác bị bắt tối thứ Tư (28/6) đã được thả tự do vào sáng thứ Sáu (30/6).
Trong một tuyên bố phát đi từ cảnh sát Hồng Kông cho biết các nhà hoạt động dân chủ chưa bị kết án và đã được tại ngoại, nhưng họ phải đến báo cáo với cảnh sát vào tháng 9.
Yên Sơn
Xem thêm:
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…