Mới đây, một kẻ buôn người ở Trung Quốc Đại Lục đã bắt cóc 11 đứa trẻ trong 3 năm. Vụ giao dịch đầu tiên của kẻ buôn trẻ em này là bán chính đứa con ruột của mình.
Theo lời giới thiệu bản thân của kẻ bắt cóc trẻ em, bà ta tên Dư Hoa Anh (nữ, SN 1963, quê ở huyện Hạc Khánh, tỉnh Vân Nam), sinh ra trong một gia đình rất nghèo, và là con út trong gia đình có 4 anh chị em, chỉ học được 2 năm thì bỏ học về nhà đi làm. Dư Hoa Anh khai nhận tội ác đầu tiên của bà ta là bán đứa con ngoài giá thú của mình. Đến nay đứa trẻ vẫn chưa được tìm thấy.
Vì tiền, từ năm 1993 – 1996, bà Dư Hoa Anh cùng với một người họ Cung (đã chết) bắt cóc 11 đứa trẻ ở tỉnh Quý Châu, TP. Trùng Khánh và những nơi khác, sau đó bán chúng tới nhiều vùng như TP. Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc.
Bà Dư bị kết án tử hình. Bà ta bị bắt do bị cô Dương Nữu Hoa, người bị bán, tố cáo. 26 năm trước, Dương Nữu Hoa bị bà Dư Hoa Anh bắt cóc và bán đi khi mới 5 tuổi.
Ngày 3/5/2021, cô Dương Nữu Hoa (31 tuổi) đăng một video lên mạng Internet tìm người thân, và liên lạc được với gia đình vào ngày hôm sau.
Dương Nữu Hoa trở về quê hương ở Quý Châu, nhưng cha mẹ cô sớm đã lần lượt qua đời bởi quá đau buồn vì thương nhớ cô. Vì vậy Dương Nữu Hoa quyết định tố cáo vụ án. Chưa đầy một tháng sau khi vụ án được khởi tố, bà Dư Hoa Anh bị bắt.
Nhân sĩ truyền thông Lý Nghi Minh nói với Epoch Times: “Các vùng nông thôn của Trung Quốc quá nghèo. Gia đình của kẻ buôn người này đã nghèo từ khi còn nhỏ, và bà ta không được học hành nhiều, chứ đừng nói đến các khái niệm đạo đức. Đối với họ, chỉ cần có được tiền, họ có thể làm bất cứ điều gì. Về căn bản, họ không hiểu ý nghĩa của câu ‘Thương thiên hại lý’ (những hành vi làm tổn hại đến Đạo Trời).”
Ông nói thêm: “Người dân Trung Quốc ngày nay đã bị hủy hoại bởi cuộc tẩy não vô thần của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Nếu một người vẫn còn niềm tin vào Thần và Phật, thì dù nghèo khó đến đâu, người đó cũng sẽ không làm ra những chuyện như buôn người”.
Cô Tần Dao (hóa danh), một cư dân ở TP. Hợp Phì, tỉnh Giang Tô, là họ hàng của một đứa trẻ bị buôn bán. Ngày 22/9, cô nói với Epoch Times: “20 năm trước, chú tôi đang làm việc ở một công trường xây dựng. Dì tôi đã đưa cô em họ 4 tuổi của mình đến mở một quầy hàng trên đường phố trong thị trấn. Dì vừa quay người đi thì cô em họ đã biến mất.
Dì và chú tôi đã mượn tiền của người thân, bạn bè và đi tìm kiếm khắp nơi nhưng không thấy. Cách đây vài năm, chú tôi đã qua đời khi đang tìm kiếm em họ ở Trịnh Châu. Dì tôi cũng trở về quê với cơ thể đầy bệnh tật. Tinh thần của dì không ổn định, khiến gia đình tan nát. Những kẻ buôn người này thực sự là cặn bã, họ đã phá hủy hết gia đình này đến gia đình khác.”
Về số trẻ em mất tích, ĐCSTQ hiện không có số liệu thống kê chính thức mang tính quốc gia, và cũng không có hệ thống thông tin quốc gia về những người mất tích.
Truyền thông Đại Lục đưa tin, số trẻ em mất tích ở Trung Quốc lên tới 200.000 trẻ mỗi năm, trung bình có khoảng 550 trẻ mất tích mỗi ngày. Gần 80% trẻ em mất tích là do bị bắt cóc, và xác suất được tìm thấy chỉ là 1‰.
Theo dữ liệu công bố trên trang web của Bộ Công an ĐCSTQ vào ngày 31/12/2021, tính đến tháng 12 năm đó, tổng cộng 10.932 trẻ em bị mất tích và bắt cóc trong nhiều năm đã được tìm thấy.
Trong số đó, 2.538 người đã mất tích từ 20-30 năm, 1.812 người đã mất tích từ 30-40 năm, 371 người đã mất tích từ 40-50 năm, 190 người đã mất tích từ 50-60 năm và 190 người đã mất tích hơn 60 năm, có 110 người bị bắt cóc phải xa cách người thân tới 74 năm.
Ngày 1/6/2022, Bộ Công an ĐCSTQ báo cáo, các cơ quan công an trên cả nước đã triệt phá 400 vụ án bắt cóc và buôn bán trẻ em tồn đọng, bắt giữ 1.124 nghi phạm, và cứu được 11.198 trẻ em mất tích và bị bắt cóc trong nhiều năm.
Ngày 9/10/2007, Tôn Trác, con trai ông Tôn Hải Dương, chủ một tiệm bánh bao ở Tề Bạch Châu, Thâm Quyến, đã bị bọn buôn người bắt cóc ngay trước cổng nhà mình. Để tìm kiếm con trai, họ gần như đi khắp Trung Quốc.
Cảnh sát không tích cực tìm kiếm những đứa trẻ mất tích. Họ không những không mở vụ án để điều tra, mà còn ngăn cản các bậc cha mẹ tự mình đi tìm con.
Ông nói: “Đến nay rất ít trẻ được tìm thấy. Thậm chí vài năm qua, số trẻ mất tích còn tăng lên”.
Lý Nghi Minh tin rằng nhìn chung, cảnh sát của ĐCSTQ đang phạm tội. “Tại sao trẻ em bị bắt cóc có thể được nhập hộ khẩu tại địa phương? Hệ thống đăng ký hộ khẩu của ĐCSTQ rất nghiêm ngặt. Khi người mua nhập hộ khẩu cho trẻ em, nếu cảnh sát thẩm vấn cặn kẽ, kẻ buôn người sẽ không thể hợp pháp hóa đứa trẻ được mua. Điều này sẽ khiến hiện tượng buôn bán trẻ em giảm xuống.”
Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa được thành lập để tiếp nhận nguồn viện…
Chứng khoán có dấu hiệu hồi phục nhưng thanh khoản vẫn duy trì ở mức…
Bắc Kinh đang chuẩn bị trở thành nước nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân uranium…
Vì đại diện và biện hộ cho nhiều người tập Pháp Luân Công, ông Vương…
Ông Medvedev tuyên bố cuộc xung đột giữa Moskva và Kiev có thể nhanh chóng…
Mình bỗng nhận ra rằng không cần phải làm thuyết khách thuyết phục bất cứ…