Năm nay là là dịp kỷ niệm tròn 30 năm sự kiện sinh viên kháng nghị tại Quảng trường Thiên An Môn, cộng thêm kinh tế Trung Quốc tăng trưởng ở mức thấp nhất trong 30 năm qua, nên tầng lãnh đạo của Trung Quốc gần đây cũng đặc biệt nhạy cảm với các hoạt động biểu tình. Tuy nhiên, do nhiều chủ sử dụng lao động tại Trung Quốc nợ lương của lao động, vì sinh kế nên họ buộc phải xuống đường.
Năm nay là dịp kỷ niệm 30 năm sự kiện kháng nghị tại Quảng trường Thiên An Môn, cộng thêm nền kinh tế đi xuống nên chính quyền Trung Quốc tương đối nhạy cảm với các cuộc kháng nghị. Hình ảnh công nhân biểu tình tại Chiết Giang năm 2014 (Ảnh từ Getty Images)
Tuần này cũng là thời điểm người dân Trung Quốc đón năm mới, là ngày tết đoàn tụ gia đình quan trọng trong cả năm, tuy nhiên nhiều lao động cho biết họ đang khổ vì không có tiền chi trả cho các khoản chi tiêu cơ bản như tiền thực phẩm, đồ dùng hàng ngày, tiền thuê nhà.
Chia sẻ với tờ New York Times, người đàn ông 46 tuổi tên Zhou Liang cho biết, “Không có ai quan tâm chúng tôi”. Tháng trước ông đã tham gia vào hoạt động kháng nghị ngoài trời của một công ty điện tử tại Thâm Quyến, bởi vì chủ sử dụng lao động nợ tiền lương lên đến hơn 3000 Đô la Mỹ.
Ông nói: “Tôi đã hy sinh sức khỏe của mình vì công ty”, “Hiện giờ tôi lại không mua nổi một bao gạo”.
Số liệu kinh tế của Trung Quốc biểu hiện không tốt, niềm tin người tiêu dùng và doanh nghiệp đi xuống, thị trường bất động sản ảm đạm, ngành sản xuất không khởi sắc, tranh chấp thương mại với Mỹ vẫn chưa giải quyết được. Số liệu của chính quyền Trung Quốc cho thấy, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế năm ngoái là 6,6%, đây là mức tăng trưởng năm chậm nhất kể từ năm 1990.
Do nền kinh tế đi xuống, các nơi ở Trung Quốc liên tục xuất hiện các hoạt động kháng nghị và bãi công, hàng ngàn công nhân yêu cầu chủ sử dụng lao động trả tiền “mồ hôi nước mắt” đang nợ họ hoặc kháng nghị giảm giờ làm; tài xế lái xe bao vây văn phòng làm việc của chính quyền, yêu cầu thực hiện đúng chính sách liên quan; công nhân xây dựng đe dọa nếu không lấy được tiền lương họ sẽ nhảy từ trên lầu cao xuống.
Do không có cơ quan công đoàn, tòa án, hoặc tờ báo nào độc lập lên tiếng cho công nhân, nên nhiều công nhân Trung Quốc buộc phải dùng các phương thức kháng nghị cực đoan.
Một công nhân xây dựng 33 tuổi tên Wang Xiao cho biết, chủ sử dụng lao động của anh thường xuyên nợ lương, số nợ tích lũy lại lên đến 2000 USD, anh đã đòi nhiều lần nhưng đều chỉ là những câu trả lời vòng vo. Tuần trước, Wang Xiao bất đắc dĩ phải đăng lên mạng xã hội nói, muốn nhảy lầu tại trụ sở chính của công ty mà anh đang làm.
Ông Sung Zuhe, 50 tuổi, làm việc tại một nhà máy gạch ngói ở miền nam Trung Quốc cho biết, đã 3 tháng ông không nhận được tiền lương, tổng số tiền mà chủ lao động nợ ông là 1500 USD, ông lo lắng không có tiền để chi trả cho chi phí sinh hoạt và trị bệnh cho vợ con. Ông nói, “Gánh nặng của tôi thật nặng nề, cuộc sống vô cùng khó khăn”.
Theo tổ chức theo dõi các hoạt động kháng nghị “Thông tin lao động Trung Quốc” (China Labor Bulletin) thống kê, năm ngoái Trung Quốc đã xảy ra ít nhất 1700 vụ tranh chấp giữa người lao động và người sử dụng lao động, tăng 500 vụ so với năm trước đó (năm 2017). Do chính quyền Trung Quốc kiểm soát nghiêm ngặt, nên nhiều hoạt động kháng nghị không được báo chí đưa tin.
Theo thống kê này, từ tháng 8 năm ngoái đến nay, chính quyền Trung Quốc đã bắt giữ hơn 150 người, tăng nhiều hơn so với vài năm trước đó, những người bị bắt giữ gồm có giáo viên, tài xế, công nhân xây dựng, sinh viên.
Duy trì ổn định là một trong những biện pháp quan trọng để bảo vệ chính quyền của nhà cầm quyền Trung Quốc, những hoạt động kháng nghị liên tiếp bùng nổ này khiến cho tầng lãnh đạo Trung Quốc đứng ngồi không yên, ngày càng có nhiều người Trung Quốc chỉ trích quan chức Trung Quốc không có nhiều biện pháp để bảo vệ và duy trì quyền lợi cho người dân.
Chuyên gia cảnh báo, nếu lãnh đạo Trung Quốc không dùng nhiều biện pháp để giúp đỡ người dân, thì sẽ càng khiến cho người dân bất mãn hơn nữa đối với chính quyền. Diana Fu – Trợ lý Giáo sư Chính trị học châu Á tại Đại học Toronto cho biết, nếu giáo viên ngừng dạy, tài xế ngừng giao hàng, công nhân xây dựng nghỉ việc, thì tầng lãnh đạo của Trung Quốc sẽ khó có thể “theo đuổi giấc mơ”.
Các cuộc kháng nghị của công nhân Trung Quốc không phải là ít, quan chức địa phương thường xuyên gây áp lực cho các doanh nghiệp, yêu cầu họ nhanh chóng giải quyết tranh chấp. Hiện nay, doanh nghiệp Trung Quốc dù có ý hòa hoãn sự bất mãn của người lao động, nhưng e là khó có thể làm được bởi vì họ không có cách nào kiếm được tiền do nền kinh tế đi xuống.
Để khống chế các hoạt động kháng nghị liên tiếp bùng nổ, chính quyền Trung Quốc đã dùng thủ đoạn đàn áp. Cuối tháng Một vừa qua, trong cuộc trấn áp hoạt động kháng nghị tại Thâm Quyến, chính quyền đã bắt giữ 5 công nhân là người ủng hộ công nhân đòi quyền lợi, đồng thời cáo buộc họ “gây rối trật tự công cộng”, đây là thủ đoạn cáo buộc mơ hồ mà chính quyền Trung Quốc thường áp dụng đối với những người tham gia kháng nghị phản đối.
Trong khi nền kinh tế đang đi xuống và cục thế với các nước phương Tây đang ngày càng căng thẳng, tháng trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhắc đến “7 rủi ro lớn” mà Trung Quốc đối mặt, cần phải phòng chống “Tê giác xám” và “Thiên nga đen”, ông cũng kêu gọi lãnh đạo các tỉnh và quan chức cấp cao nỗ lực hơn, mở rộng kiểm soát tư tưởng và xã hội.
Geoffrey Crothall, người phụ trách truyền thông tổ chức “Thông tin người lao động Trung Quốc” cho biết, lãnh đạo Trung Quốc đang “dùng thủ đoạn nghiêm ngặt nhất để đảm bảo không phát sinh những hoạt động kháng nghị trên quy mô lớn”.
Trí Đạt
Xem thêm:
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…
Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…
Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…