Giang Môn, Quảng Đông, Trung Quốc. Ngày 14/6/2025. Khách hàng đang lựa chọn đồ sưu tầm Labubu. (Ảnh: YUROU GUAN / Shutterstock)
Nửa đầu năm 2025, nhân vật đồ chơi Labubu đã khơi dậy làn sóng khởi nghiệp trong giới trẻ Trung Quốc, hàng chục thương hiệu sản phẩm ăn theo nhanh chóng mọc lên. Tuy nhiên, chỉ sau 30 ngày, nhiều “huyền thoại làm giàu chớp nhoáng” đã sụp đổ, các nhà khởi nghiệp lâm vào cảnh nợ nần và rút lui khỏi thị trường. Cơn sốt khởi nghiệp xoay quanh IP (sở hữu trí tuệ) Labubu này phản ánh những vấn đề sâu xa của xu hướng khởi nghiệp theo trào lưu và tình trạng “cắt rau hẹ” (tức lợi dụng sự nhẹ dạ của người mới).
“Thu nhập cá nhân 30.000 tệ/tháng”, “lợi nhuận hàng năm 2 triệu tệ”… – theo Tạp chí Doanh Nhân Trung Quốc, ngành kinh doanh “áo búp bê Labubu” vốn là một thị trường ngách đã bùng nổ vào tháng Năm năm nay. Dự báo doanh thu từ Pop Mart (công ty nắm bản quyền Labubu) cho thấy, doanh thu tăng trưởng hơn 200% so với cùng kỳ.
Loại sản phẩm mới ra mắt là móc khóa nhồi bông Labubu dạng hộp mù vừa lên kệ đã cháy hàng ngay lập tức, mẫu ẩn trong hộp mù Labubu 3.0 có giá gốc 99 tệ nhưng trên chợ đồ cũ bị thổi giá gấp 20 lần, lên tới 2300 tệ.
Labubu là một nhân vật hoạt hình trong thế giới kỳ ảo “The Monsters” (Gia tộc quái thú) do họa sĩ người Hồng Kông Kasing Lung (Long Gia Thăng) sáng tạo. Từ tháng 4/2025, sức nóng của Labubu ngày càng lan rộng, nhiều nơi ở Trung Quốc bùng lên phong trào khởi nghiệp với các sản phẩm ăn theo.
Kể từ khi được Pop Mart tung ra vào năm 2021, Labubu nhanh chóng trở nên nổi tiếng. Trong giai đoạn 2023–2025, các sản phẩm ăn theo Labubu bán cực chạy, mạng xã hội tràn ngập video đập hộp, khoe đồ, chuyển nhượng. Một số phiên bản giới hạn được bán lại với giá cao gấp 10 lần.
Tính đến thứ Hai, ngày 21/7, phóng viên Epoch Times phát hiện trên Xiaohongshu, Douyin và các nền tảng khác vẫn tràn lan video “dạy làm giàu từ Labubu”, như “kiếm 100.000 tệ/tháng từ làm huy hiệu Labubu”, “tự học mô hình 3D để làm máy xông tinh dầu Labubu”…
Tổng hợp từ nhiều nguồn tin, tại các chợ văn hóa sáng tạo như Chợ gấu trúc Thiên Phủ, nhiều sản phẩm ăn theo sản phẩm sở hữu trí tuệ nội địa (Intellectual Property, IP) nổi bật là Labubu được bày bán. Tại Quảng Châu, Hàng Châu, các chợ đêm văn hóa tương tự cũng đầy rẫy sản phẩm “phi chính thống”.
Trên Taobao, cửa hàng khởi nghiệp “Pao lu pu lu” (“泡露不露) chỉ trong một tuần đã đạt doanh số hơn 200.000 tệ (tương đương hơn 700 triệu đồng), người sáng lập tự xưng là “từ người làm việc tự do trở thành chuyên gia khởi nghiệp”.
Đa số người khởi nghiệp là thế hệ sinh sau năm 1990 và sinh sau 1995, gồm nhân viên văn phòng, sinh viên thất nghiệp và các bà mẹ nội trợ, thường đầu tư từ 50.000 – 300.000 tệ vào sản xuất sản phẩm ăn theo IP và trang trí cửa hàng, với giấc mơ “sao chép công thức thành công”.
Sự bùng nổ của Labubu kéo theo những câu chuyện “giấc mộng làm giàu của dân thường”. Tạp chí “Doanh Nhân Trung Quốc” đưa tin, Cốc Hội Kiệt – cô chủ tài ba ở Nghĩa Ô, chỉ trong 2 tháng mở 3 cửa hàng may đồ cho búp bê Labubu, thuê 500 công nhân, doanh thu hàng tháng ước tính hàng triệu tệ. Một bạn trẻ 10x nổi tiếng trên Weibo nhờ tự làm đồ cho Labubu, thu nhập hàng tháng vài chục ngàn tệ.
Đậu Tử, chủ một xưởng may đồ búp bê từ 2017, cũng bất ngờ nổi tiếng trong năm nay. Từ tháng Tư năm ngoái, cô nhận thấy cơ hội kinh doanh, dòng sản phẩm đồ búp bê phong cách mẫu giáo cho Labubu bán ra tới 170.000 bộ – vượt xa mong đợi. Với giá trung bình 30 tệ/bộ (hơn 100.000 đồng/bộ), chỉ một dòng sản phẩm đã mang lại doanh thu khoảng 5 triệu tệ.
Tuy nhiên, từ tháng Năm, khi Labubu trở thành hiện tượng, “giấc mộng giàu nhanh chóng” cũng nhanh chóng tan vỡ trong vòng chưa đầy một tháng. Đầu tháng Sáu, trong các nhóm khởi nghiệp Labubu, liên tục xuất hiện tin đóng cửa, hoàn tiền, tồn kho ứ đọng…
Thẩm Trúc, có ID “labula猪猪丁” trên Xiaohongshu, từng mơ mộng làm giàu nhờ làm đồ búp bê cho Labubu, thậm chí định nghỉ việc để toàn tâm toàn ý khởi nghiệp. Nhưng sau 2 tháng thử nghiệm, cô nhận ra thực tế tàn khốc: “Tôi còn chưa thu hồi được vốn.”
Một cô gái khởi nghiệp tại Hàng Châu chia sẻ trên mạng: “Chỉ trong 20 ngày tôi đã đổ 120.000 tệ, làm khuôn 300 chiếc máy xông tinh dầu Labubu bằng gốm, nhưng bị nền tảng gỡ sản phẩm, nhận cảnh báo vi phạm bản quyền, một ngày chỉ bán được 3 cái, giờ thì tiền cọc chưa trả, xưởng khuôn không liên lạc được.”
Theo tài khoản Weibo “Theo dõi pháp lý IP” (IP法务观察), đến ngày 15/6, có ít nhất 38 thương hiệu khởi nghiệp nhỏ liên quan đến Labubu bị đóng cửa do bị gỡ sản phẩm khỏi nền tảng hoặc khiếu nại bản quyền, trong đó chủ shop ở các thành phố lớn mất trung bình 84.000 tệ (tương đương khoảng 294 triệu đồng).
Một luật sư thương mại điện tử tại Thượng Hải cho biết: “Nhiều người khởi nghiệp không hiểu rõ ranh giới giữa ‘ủy quyền’ và ‘bản quyền’, dễ bị lừa vào bẫy kinh doanh phi pháp do trung gian giăng sẵn.”
Theo báo cáo năm 2025 của iMedia, hơn 63,7% người trẻ thuộc thế hệ Z bị ảnh hưởng trực tiếp bởi nội dung mạng xã hội, từ đó đánh giá quá cao cơ hội và xem nhẹ rủi ro kinh doanh.
Từ tháng 4 đến tháng 5/2025, trên nền tảng Xiaohongshu, các bài viết liên quan đến “Labubu + khởi nghiệp” tăng 560%, với tiêu đề thu hút như: “Chỉ cần 50.000 tệ để mở cửa hàng phụ kiện Labubu”, “Không cần kinh nghiệm vẫn kiếm được thu nhập đầu tiên”…
Tạp chí “Doanh Nhân Trung Quốc” cho biết, toàn bộ chuỗi cung ứng đang có các trung gian chuyên cung cấp dịch vụ “biến đổi mô hình IP”, “tùy chỉnh sản phẩm không gắn nhãn”, “thiết kế quảng bá tránh vi phạm”… dành cho người mới bắt đầu, với giá từ 999 đến 16.800 tệ.
Ví dụ, một nền tảng mạng xã hội cung cấp khóa học khởi nghiệp làm đồ búp bê, bán với giá 1999 tệ/khóa, chỉ trong 1 tháng có hơn 800 người mua, mang về doanh thu trên 1,6 triệu tệ.
Phó giáo sư Hàn Ngọc Minh (Han Yuming) của Đại học Bắc Kinh nhận định: “Đây là huyền thoại khởi nghiệp được bọc trong vỏ hào nhoáng, thực chất là khai thác xu hướng để ‘cắt rau hẹ’ nhanh chóng.”
Một nạn nhân chia sẻ với trang tin Caixin: “Chúng tôi đâu có khởi nghiệp, mà đang tham gia vào một trò chơi đầu cơ được lên kịch bản sẵn để ‘thu hoạch’ người sau.”
“Cắt rau hẹ” ám chỉ hành động lợi dụng hoặc bóc lột người khác, thường là các nhà đầu tư nhỏ lẻ, người tiêu dùng, hoặc những người thiếu kinh nghiệm, để thu lợi nhuận.
Bong bóng khởi nghiệp Labubu sụp đổ nhanh chóng không phải sự cố cá biệt mà là triệu chứng của căn bệnh cấu trúc trong khởi nghiệp trẻ Trung Quốc.
Nhà phân tích marketing nổi tiếng Tiểu Mã Tống (Xiao Masong) viết trên Zhihu: Những thứ như Labubu, khi bị thương mại hóa quá nhanh, sẽ từ “làn sóng xu hướng” biến thành “lưỡi dao cắt rau hẹ”. Ông cảnh báo: “Sự bùng nổ của Labubu chỉ có thể được giải thích sau khi nó đã xảy ra – người đến sau chỉ biết chạy theo. Mà một khi xu hướng trở nên quá tải, thì nó biến thành công cụ thu hoạch.”
Từ “cửa hàng metaverse”, “vườn ươm livestream”, “khởi nghiệp trò chơi kịch bản”, “khởi nghiệp thông qua hội chợ hàng thủ công”, cho đến “phụ kiện Labubu” – mỗi đợt sóng xu hướng đều tạo ra hàng loạt “chuyên gia’, “diễn giả kiếm tiền”, nhưng hiếm ai nói về rủi ro pháp lý hay thực tế kinh doanh.
Tư duy ngắn hạn lan rộng: Khảo sát từ Đại học Thanh Hoa năm 2024 cho thấy, 56% người trẻ khởi nghiệp muốn hồi vốn trong vòng 6 tháng, với hy vọng “biến lưu lượng thành tiền”, trong khi chỉ 18% có kế hoạch kinh doanh và bảng dự toán chi tiết.
Vòng lặp “cắt rau hẹ mini” nở rộ: Các cộng đồng khởi nghiệp trên mạng xã hội trở thành mô hình gần như đa cấp thu nhỏ, người đi đầu kiếm tiền từ đào tạo và hoa hồng bán hàng, người tham gia sau thì bị thu hoạch và rút lui.
Phân tích cho rằng, làn sóng khởi nghiệp Labubu là tấm gương phản chiếu sự hoang mang, khát vọng làm giàu và áp lực xã hội của giới trẻ Trung Quốc. IP không phải máy rút tiền. Mô phỏng không thể thay thế mô hình kinh doanh. Khi “khởi nghiệp” được coi là lối thoát khỏi công việc nhàm chán, thì “môn học thành công” đã trở thành một kịch bản bị điều khiển từ trước.
Báo cáo của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine cho biết gần một nửa…
100% mọi người đều hiểu Định luật Hoa Sen, nhưng 95% không thể thực hiện…
Công an TP.HCM bắt quả tang Nguyễn Công Trí và đồng phạm sử dụng ma…
Một ủy ban đặc biệt của Quốc hội Mỹ cho biết, các băng nhóm lừa…
Các cuộc biểu tình thậm chí cỡ hàng ngàn người nổ ra ở Kiev và…
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Indonesia đã đạt được một thỏa thuận…