Căn cứ vào luật an ninh mà chính quyền trung ương Trung Quốc vừa ban hành, Trưởng Đặc khu Hồng Kông đã bắt đầu trao nhiều quyền lực hơn cho cảnh sát để đưa bộ luật gây tranh cãi này đi vào đời sống.
Cảnh sát Hồng Kông sẽ được trao quyền tiến hành lục soát các tài sản tư nhân mà không cần lệnh khám xét, hạn chế đi lại của nghi phạm, đóng băng tài sản của họ, chặn thông tin liên lạc và yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ internet phải loại bỏ thông tin được cho là vi phạm luật an ninh.
Vào tối thứ Hai 6/7 (giờ địa phương), chính quyền Đặc khu đã công bố chi tiết Điều 43 của Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông. Động thái công bố này đến sau cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Bảo vệ An ninh Quốc gia của Đặc khu Hồng Kông do bà Trưởng Đặc khu Carrie Lam làm chủ tịch.
Theo tài liệu pháp luật được công bố mới nhất này, một quan chức với cấp bậc phó chủ tịch Ủy ban Bảo vệ An ninh Quốc gia trở lên có thể trao quyền cho các sĩ quan cảnh sát xâm nhập vào nhà dân mà không cần lệnh khám xét theo các tình huống “khẩn cấp” để lục soát tài sản nhằm tìm kiếm bằng chứng. Cảnh sát cũng có thể xin lệnh để yêu cầu các nghi phạm vi phạm luật an ninh quốc gia phải nộp các tài liệu di trú của họ để họ không thể rời khỏi Hồng Kông.
Bộ trưởng An ninh có thể ban hành thông báo bằng văn bản để phong tỏa tài sản nếu cơ quan chức năng có “những căn cứ hợp lý” để nghi ngờ tài sản này có liên quan tới hành vi phạm pháp gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia. Ngoài ra, Bộ trưởng Tư pháp có thể xin lệnh ngăn giữ hoặc lệnh sai áp từ Tòa Sơ thẩm để tịch thu hoặc tước đoạt các loại tài sản như vậy.
Trong khi đó, Cảnh sát Trưởng sẽ được trao quyền kiểm soát việc phổ biến thông tin trên mạng trực tuyến, khi cảnh sát có “những căn cứ hợp lý” để nghi ngờ các thông tin như vậy có thể dẫn tới tội phạm an ninh quốc gia. Trong khi thực thi việc này, cảnh sát có thể yêu cầu các đơn vị liên quan như nhà xuất bản, nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến, nhà cung cấp máy chủ hoặc nhà cung cấp dịch vụ mạng viễn thông phải loại bỏ các thông tin mà giới chức cho rằng đó là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Họ cũng có thể hạn chế hoặc ngăn chặn bất cứ ai tiếp cận những nền tảng internet như vậy.
Nếu nhà xuất bản thông tin không hợp tác ngay lập tức, cảnh sát có thể xin lệnh để tịch thu các thiết bị điện tử có liên quan và loại bỏ các thông tin đó. Các nhà xuất bản không hợp tác với cơ quan chức năng cũng có thể phải đối mặt với án phạt 100.000 đô la Hồng Kông và một năm tù giam.
Cảnh sát có thể yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ internet phải cung cấp các hồ sơ danh tính liên quan hoặc hỗ trợ mã khóa bí mật. Bất kỳ nhà cung cấp dịch vụ internet nào không tuân thủ các yêu cầu này đều sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý với mức phạt 100.000 đô la Hồng Kông và 6 tháng tù giam.
Hôm thứ Hai (6/7), Facebook và dịch vụ tin nhắn của hãng này, WhatsApp cho biết họ sẽ không chấp hành các yêu cầu của chính phủ và các cơ quan thực thi pháp luật Hồng Kông về việc cung cấp thông tin của người dùng dịch vụ. Ứng dụng nhắn tin Telegram cũng nói với HKFP hôm 5/7 rằng họ sẽ tạm thời từ chối các yêu cầu cung cấp dữ liệu theo yêu cầu các nhà chức trách Hồng Kông cho đến khi có sự đồng thuận quốc tế về những thay đổi chính trị đang diễn ra tại hòn đảo này.
Theo những quy định mới, người đứng đầu lực lượng cảnh sát với sự cho phép của Bộ trưởng An ninh – được yêu cầu các tổ chức chính trị quốc tế và các tổ chức chính trị có trụ sở tại Đài Loan phải nộp các thông tin, trong đó bao gồm dữ liệu về các hoạt động của họ tại Hồng Kông, dữ liệu cá nhân, các nguồn thu nhập và chi tiêu. Bất kỳ tổ chức nào không hành động phù hợp với những yêu cầu của các nhà chức trách Hồng Kông đều sẽ phải đối mặt với án phạt 100.000 đô la Hồng Kông và 6 tháng tù giam.
Khi có sự phê chuẩn của Trưởng Đặc khu, cảnh sát có thể chặn thông tin liên lạc và thực hiện giám sát bí mật “ít gây khó chịu”. Các nhà chức trách phải đảm bảo rằng mọi hoạt động bí mật phải đáp ứng tiêu chuẩn về “tính tương xứng” và “sự cần thiết”, theo văn bản pháp luật mới công bố.
Tuần trước, chuyên gia về luật truyền thông Hồng Kông, bà Sharron Fast đã nói với HKFP rằng Điều 43 của luật an ninh quốc gia là động thái “trao quyền” để trao cho các cơ quan thực thi pháp luật quyền “được tự do hành động” nhằm lục soát các thiết bị điện tử. Bà nói rằng với các điều khoản như vậy, các nhà báo bây giờ phải tăng cường các biện pháp bảo mật các thiết bị kỹ thuật số của mình, cũng như bảo vệ các nguồn tin.
Cảnh sát Hồng Kông cho tới nay đã bắt 10 người vì nghi ngờ vi phạm luật an ninh. Hành vi bắt giữ này được cảnh sát tiến hành hôm thứ Tư (1/7) khi hàng nghìn người dân Hồng Kông bất chấp lệnh cấm của cảnh sát vẫn tuần hành tại Vịnh Causeway và quận Wan Chai để kỷ niệm 23 năm ngày Anh Quốc trao trả chủ quyền Hồng Kông cho chế độ Trung Quốc.
Cảnh sát thậm chí đã lấy các mẫu DNA của những nghi phạm, tuyên bố ly khai là tội phạm nghiêm trọng. Tuy nhiên, một luật sư đã lên án động thái này của cảnh sát là “không cần thiết” và “không tương xứng”.
Trong khi đó, tuần trước một người đàn ông lái xe mô tô đã trở thành người đầu tiên tại Hồng Kông bị kết tội ly khai và hành động khủng bố. Ông này đã có mặt tại tòa vào thứ Hai (6/7), nhưng vụ án của ông đã bị hoãn xử đến tháng Mười. Đơn xin bảo lãnh tại ngoại của người này cũng không được tòa chấp nhận.
Như Ngọc (Theo HKFP)
Xem thêm:
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…