Lý giải của các chuyên gia về tin đồn “ông Tập bị giam lỏng”

Truyền thông phương Tây cũng chú ý đến việc ông Tập Cận Bình vắng mặt từ sau chuyến thăm Trung Á làm dấy lên tin đồn ông bị giam lỏng. Một số chuyên gia cho rằng tin đồn có thể không đúng, nhưng nó phản ánh cuộc chiến tranh giành quyền lực khốc liệt trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Alexander Khitrov / Shutterstock)

Truyền thông nước ngoài chú ý tin đồn ông Tập bị giam lỏng

Ngày 25/9, Trung Quốc thông báo công tác bầu cử đại biểu tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc ĐCSTQ lần thứ 20 (Đại hội 20) đã “hoàn thành tốt đẹp”, đồng thời công bố danh sách 2.296 đại biểu tham dự Đại hội 20, trong đó có ông Tập Cận Bình.

Tuy nhiên, đã gần 10 ngày kể từ khi ông Tập Cận Bình trở về sau chuyến thăm Trung Á vào ngày 16/9, ông ấy vẫn ẩn thân. Cho đến ngày 26/9, ông Tập tiếp tục vắng mặt trong Hội nghị về cải cách quân đội và quốc phòng của ĐCSTQ được tổ chức vào ngày 21/9, và chỉ đưa ra “chỉ thị” cho hội nghị.

Trong giai đoạn này, rất nhiều tin tức bất lợi về ông Tập đã được lan truyền trên Twitter và thậm chí trên WeChat ở Trung Quốc Đại Lục. Một trong những tin tức phổ biến nhất trên Twitter là ông Hồ Cẩm Đào và ông Ôn Gia Bảo đã thuyết phục thành công ông Tống Bình (Song Ping), cựu Ủy viên Thường vụ, nắm quyền kiểm soát Cục Cảnh vệ Trung ương. Ông Tập trở về Bắc Kinh vào tối ngày 16/9, bị kiểm soát tại sân bay, và bị quản thúc tại nhà ở Trung Nam Hải, Hội nghị Trung ương 7 khóa 19 (diễn ra vào ngày 9/10) sẽ tuyên bố sự thật, v.v.

Một nhà văn ẩn danh trên mạng Internet Đại Lục, nói với Epoch Times vào ngày 23/9 rằng thông tin mà ông nghe được là hiện giờ ông Tập Cận Bình hiện chỉ gửi thông tin từ xa và đang bị giam lỏng, không được phép lộ diện. Ông cũng không được tham gia cuộc họp quan trọng về cải cách quân ủy.

Vị này cho rằng nếu thực sự bị giam lỏng, thì có thể không cần đợi đến phiên họp toàn thể lần thứ 7 (Hội nghị Trung ương 7) mới tuyên bố, chính sách ‘zero COVID’ cũng sẽ lập tức kết thúc.

Tuy nhiên, một số cư dân mạng trên Twitter cho rằng lý do ông Tập Cận Bình ẩn thân và vắng mặt trong cuộc họp, có thể là do ông cần phải cách ly một thời gian theo quy định phòng chống dịch sau chuyến thăm nước ngoài.

Đã có báo cáo về nhiều chuyến bay bị hoãn và hủy bỏ ở Trung Quốc, và ngay cả các chuyến tàu và xe buýt đi vào thủ đô Bắc Kinh cũng đã bị tạm dừng, Newsweek đưa tin hôm 24/9.

Tin đồn lan truyền trên mạng cho rằng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) có khả năng dàn dựng một cuộc đảo chính chống lại ông Tập, nhưng cũng có báo cáo về một cuộc tập trận quân sự đã được lên kế hoạch dẫn đến việc dừng các chuyến bay. Ngoài ra, một video được chia sẻ trên mạng (không thể xác minh) cho thấy một đoàn xe quân sự dài 80 km tiến vào thủ đô. Những hiện tượng này đã góp phần đẩy mạnh tin đồn liên quan đến việc ông Tập “bị giam lỏng”.

Ngày 24/9, trang tin Newsmax tại Mỹ chú ý đến tin đồn “ông Tập Cận Bình bị giam lỏng”. Chuyên gia về Trung Quốc Gordon Chang đã nói trong một tweet: “Nơi nào có khói, nơi đó có thể có lửa” . 

“Đoạn video về các phương tiện quân sự di chuyển đến Bắc Kinh được đưa ra ngay sau khi 59% chuyến bay trong nước bị dừng hoạt động và các quan chức cấp cao bị bỏ tù,” ông Chang tweet. “Có rất nhiều khói, có nghĩa là có đám cháy ở đâu đó bên trong ĐCSTQ. Trung Quốc đang không ổn định.”

“Việc thiếu tin tức từ Trung Quốc trong vài giờ qua cho thấy tin đồn đảo chính là không đúng sự thật, nhưng bất cứ điều gì xảy ra bên trong quân đội Trung Quốc trong ba ngày qua – rõ ràng là có điều gì đó bất thường đã xảy ra – cho chúng ta biết rằng có sự hỗn loạn bên trong ban lãnh đạo cấp cao của ĐCSTQ,” ông Chang đã tweet vào sáng thứ Bảy tuần trước.

Tướng đã nghỉ hưu Blaine Holt nói trên Newsmax rằng: “Chúng ta đang thấy tất cả những tin đồn này… nhưng cho đến nay tôi vẫn cùng suy nghĩ với Gordon Chang: Điều này có lẽ không đúng sự thật, nhưng những gì chúng ta đang thấy là có điều gì đó đang xảy ra trong nội bộ Trung Quốc, và tôi nghĩ tối thiểu các bạn đang nhìn thấy Cộng sản Trung Quốc Đảng có xích mích nội bộ và chiến tranh thông tin chống lại các phe phái này trước Đại hội, mà dự kiến cơ bản sẽ biến ông Tập Cận Bình trở thành chủ tịch suốt đời.”

“Còn nhiều điều sắp tới, nhưng đây là thời điểm rất thú vị và tiềm ẩn nhiều nguy cơ ở Trung Quốc.”

Nhiều hãng truyền thông như tờ Der Standard tại Áo, Deutsche Welle tại Đức, v.v, gần đây cũng bày tỏ sự chú ý về tin đồn ông Tập Cận Bình bị giam lỏng.

Ông Ngô Tộ Lai: Nhân sự tại Đại hội 20 chưa được quyết định, tin đồn khắp nơi cho thấy vấn đề nghiêm trọng

Trả lời câu hỏi của Epoch Times vào ngày 26/9, ông Ngô Tộ Lai (Wu Zuolai), một học giả và nhà văn đang định cư tại Mỹ, nói rằng quyền quyết định thực sự về nhân sự tại Đại hội 20 là các nguyên lão và các thường ủy Bộ Chính trị của ĐCSTQ. Họ tiến hành các nước cờ, thỏa hiệp và đấu tranh trong nội bộ, từ Hội nghị Bắc Đới Hà đến nay, vẫn chưa hoàn toàn giải quyết xong. Vì vậy, bây giờ những nhân vật quan trọng nhất không xuất hiện. Nhưng những tin đồn được lan truyền khắp nơi, điều này cho thấy rằng vấn đề đang rất nghiêm trọng.

Ông lấy ví dụ: “Hãy nhìn vào biểu đạt thái độ của ông Tập Cận Bình và ông Lật Chiến Thư với Nga, nói rằng phối hợp chặt chẽ với Nga trong cuộc xâm lược Ukraine, đây là quyết định của Trung ương ĐCSTQ hay là quyết định của ông Tập Cận Bình và ông Lật Chiến Thư? Đây là những vấn đề quan trọng, liên quan đến đấu tranh ở cao tầng của ĐCSTQ. Không hoàn toàn là vô duyên vô cớ mà có tin đồn, rất nhiều vấn đề đúng là tương đối nghiêm trọng.”

Ông Ngô Tộ Lai nói rằng sau khi ông Lật Chiến Thư và ông Tập Cận Bình trở về từ Nga, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị gần đây đã gặp gỡ các ngoại trưởng của Mỹ và Ukraine. Ông Vương Nghị nói rằng Trung Quốc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và phản đối việc sử dụng vũ lực như một cách để giải quyết sự chia rẽ.

“Điều đó có nghĩa là, Trung Quốc (ĐCSTQ) không phối hợp với hành động xâm lược của Nga vào Ukraine. Nó đang thay đổi.”

Ông nói rằng ĐCSTQ kiểm soát tin tức đấu đá nội bộ rất chặt chẽ. Trước khi sự thật lộ ra, rất khó để phán đoán đơn giản rằng những người nào đang cố tình tung tin đồn, nói vu vơ không căn cứ, cái nào là “trên bốc khói, dưới đã cháy”.

Ông Phạm Thế Bình: Tin đồn là bên trên tung ra, ông Tập chưa lộ diện có thể là cần giữ bí mật

Ông Phạm Thế Bình (Shih-Ping Fan), giáo sư tại Viện Khoa học Chính trị thuộc Đại học Sư phạm Quốc gia Đài Loan, nói với Epoch Times ngày 26/9 rằng những tin đồn này trước Đại hội 20 tất nhiên liên quan đến đấu đá tranh giành quyền lực. Gần đây chính quyền xử nặng những người như Phó Chính Hoa (cựu Bộ trưởng Tư pháp), Tôn Lực Quân (cựu Thứ trưởng Bộ Công an, v.v.), động thái chỉnh đốn đối với hệ thống chính trị pháp luật cho thấy đấu đá quyền lực diễn ra kịch liệt.

Ông Chương Thiên Lượng (Zhang Tianliang), người dẫn chương trình truyền thông nổi tiếng “Chính luận thiên hạ” cũng cho rằng tin đồn liên quan đến việc ông Tập bị đoạt quyền không phù hợp kiến thức thông thường về chính trị cơ bản. Ông nói, nếu ông Tập Cận Bình mất quyền lực thì làm sao có khả năng kết án nghiêm khắc các thành viên trong băng đảng chính trị của Tôn Lực Quân?

Tuy nhiên, ông Phạm Thế Bình không cho rằng những tin đồn đó đại diện cho dân ý Trung Quốc. “Nguyên nhân chính là quyền lực được phân bổ không đồng đều. Các phe phái khác nhau đang sử dụng các phương pháp khác nhau để tung tin cho truyền thông nước ngoài. Dân ý bình thường của Trung Quốc rất khó lọt ra ngoài, và không có không gian để lan tỏa. Do đó tôi nghĩ đó là cao tầng của ĐCSTQ tung tin.”

Trước Hội nghị Bắc Đới Hà năm nay của ĐCSTQ, vào giữa tháng 5 cũng từng rộ tin đồn về ông Tập Cận Bình mắc chứng “phình động mạch não” và nguy cơ đảo chính do chính sách phòng chống dịch bệnh với áp lực cao, và được tờ Asia International News (ANI) có trụ sở tại Ấn Độ đưa tin, và sau đó trên các phương tiện truyền thông tiếng Trung ở nước ngoài lan truyền rầm rộ. Các tờ báo khác như The SunDaily Mail tại Anh cũng đưa tin.

Tân Hoa Xã từng đưa tin, vào ngày 22/9 ông Tập Cận Bình đã gửi lời thăm tới “Lễ hội thu hoạch của nông dân Trung Quốc”; vào ngày 23/9, ông Tập đã gửi thư chúc mừng kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Thông tấn xã Trung Quốc (CNS). Theo một báo cáo vào ngày 26/9, ông Tập Cận Bình gần đây đã viết lời tựa cho “Tủ sách Phục hưng” sắp được xuất bản phát hành.

Ông Phạm Thế Bình cho rằng ông Tập Cận Bình vẫn chưa xuất hiện, có thể do cần giữ bí mật, chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là đến Đại hội 20 của ĐCSTQ, và chính quyền có lẽ đang toàn lực làm những bố trí cuối cùng.

Ông tin rằng việc ông Tập Cận Bình tái đắc cử sẽ không bị cản trở, nhưng tranh cãi sẽ ngày càng gay gắt trước thềm Đại hội 20. Vấn đề chủ yếu là do tính hợp pháp của nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp của ông, nếu không đã không xảy ra phản ứng dữ dội như vậy.

Ông Lý Nguyên Hoa: Ai trong ĐCSTQ cũng tự cảm thấy nguy cơ, ông Tập ngủ không được

Ông Lý Nguyên Hoa, cựu phó giáo sư tại Đại học Sư phạm Thủ đô (Trung Quốc) nói với Epoch Times vào ngày 26/9 rằng những tin đồn về tình hình chính trị trong và ngoài nước của ĐCSTQ đang lan truyền khắp nơi, và vấn đề thực sự được phản ánh là mọi người trong ĐCSTQ đều đang tự cảm thấy nguy hiểm, bao gồm cả bản thân ông Tập Cận Bình.

“Tôi đã nói trước đây rằng ông ấy không ngủ được, có một số người muốn ông ấy hạ đài bất cứ lúc nào.”

Ông Lý Nguyên Hoa cho rằng những tin đồn này có thể do các đối thủ chính trị cố tình tung ra, nhưng về lý luận thì cũng có thể ông Tập Cận Bình đang bị giam lỏng. Chẳng hạn, ông Tập liên tục thay đổi Cục Cảnh vệ Trung ương bên cạnh ông ta, đẩy những người cũ ra, và đưa những người trong quân đội vào Cục Cảnh vệ, nhưng ông ấy vẫn lo lắng, và sau đó đã đưa những người đó đi.

“Có thể tìm được người trong sạch trong quân đội không? Họ cũng là lên nhờ tham nhũng hủ bại, và các đối thủ chính trị của ông Tập cũng có thể dùng tiền để mua chuộc họ. Những người này không thực sự có khí tiết đến mức muốn bảo vệ các nhà lãnh đạo đất nước, cho nên ông ấy (Tập Cận Bình) không có người có thể dùng được.”

Ông Lý Nguyên Hoa cho rằng ông Tập hiện đang tìm kiếm nhiệm kỳ thứ ba, nhưng ngay cả khi ông được bầu lại, tất cả các loại đe dọa đối với ông sẽ không dừng lại. Những người trong tập đoàn lợi ích bị ông ấy làm tổn hại luôn muốn ông ấy hạ đài, họ vẫn đang tìm cơ hội để lôi ông ấy xuống.

Trí Đạt (t/h)

Trí Đạt

Published by
Trí Đạt

Recent Posts

Bị phạt 20 tháng tù vì hỗ trợ ĐCSTQ đàn áp Pháp Luân Công tại Mỹ

Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…

18 phút ago

Biểu tình bảo vệ quyền lợi ở Trung Quốc tăng mạnh – Báo cáo của Freedom House

Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…

36 phút ago

Ngoại trưởng Ukraine Andrey Sibiga bác bỏ khả năng nhượng bộ lãnh thổ

Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…

42 phút ago

Chuyện danh y thời Tống tích âm đức cải biến mệnh

Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…

52 phút ago

Cuộc sống vốn dĩ là một vòng xoay…

Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…

57 phút ago

Bộ Tư pháp Mỹ: Google cần bán Chrome để chấm dứt độc quyền tìm kiếm trực tuyến

Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…

57 phút ago