Trong năm 2020, ngày càng có thêm nhiều người Hồng Kông xin tị nạn ở nước ngoài sau nhiều tháng bất ổn xã hội và dưới áp lực của Luật An ninh quốc gia gây tranh cãi. Theo SCMP, Úc và Canada nổi lên là các điểm đến hàng đầu cho những người dân muốn trốn chạy khỏi thành phố.
Tới tháng Chín, 136 người xin tị nạn đã tới Úc, so với 120 người trong năm ngoái và khoảng 50 người trong năm 2018. Trong khi đó, tính đến tháng Sáu, đã có 25 người Hồng Kông xin quy chế tị nạn tại Canada, so với 9 người năm ngoái và 2 người năm 2018.
Đơn xin tị nạn ở Anh, Đức và New Zealand cũng có xu hướng tăng lên.
Cho đến thời điểm hiện tại trong năm 2020, tờ SCMP cho biết tổng cộng 181 người Hồng Kông đã nộp đơn xin tị nạn vào 5 quốc gia, tăng từ 141 người năm ngoái và 62 người năm 2018.
Nhiều người chạy ra nước ngoài được cho là có liên quan tới các cuộc biểu tình chống chính phủ khởi phát từ năm ngoái, bắt đầu bằng việc phản đối Luật dẫn độ (sau đã bị loại bỏ), rồi nhanh chóng mở rộng thành một phong trào rộng lớn hơn kêu gọi trách nhiệm giải trình của cảnh sát và quyền phổ thông đầu phiếu.
Ít nhất 5 nhà hoạt động từng kêu gọi nước ngoài trừng phạt nhà cầm quyền Trung Quốc hoặc ủng hộ nền độc lập của Hồng Kông đã rời thành phố ngay trước hoặc sau ngày 30/6 khi Luật An ninh có hiệu lực.
Hàng trăm nhà hoạt động khác, gồm cả một số bị bắt trong các cuộc biểu tình năm qua, cũng được cho là đã tìm tới những nơi như Đài Loan và Anh để xin tị nạn.
Tiến sĩ Wilson Chan Wai-shun, giáo sư nghiên cứu tại Đại học Trung Quốc cho biết việc ngày càng nhiều người muốn rời Hồng Kông xin tị nạn ở nước khác cho thấy một thông điệp rõ ràng là họ không còn chút lòng tin nào vào hệ thống luật pháp ở Đặc khu nữa.
“Đó thực chất là một đòn giáng vào hệ thống pháp lý nổi tiếng tại Hồng Kông, vì quy tắc thông thường của việc xin tị nạn và cuối cùng là cấp quy chế tị nạn đối với các xã hội phương Tây là nhất định phải có sự sợ hãi hoặc đe dọa sâu xa đối với tự do cá nhân vì khác biệt chủng tộc [hoặc bất đồng] về chính trị hoặc xã hội],” ông nói.
Đầu tháng này, một cặp vợ chồng khoảng hơn 30 tuổi đã rời đi khi các cuộc biểu tình lên đến đỉnh điểm hồi năm ngoái tiết lộ họ đã được Canada chấp nhận là người tị nạn.
Tuần trước, một sinh viên 22 tuổi tại Đại học Trung Quốc – người đang đối mặt với tội danh gây rối cũng đã được được cấp quy chế tị nạn ở Đức.
Động thái này đã khiến phó lãnh đạo của Hồng Kông, ông Matthew Cheung Kin-chung triệu tập Tổng lãnh sự Đức Dieter Lamle lên phản đối, nói rằng hành động của nước này đã gửi đi “một thông điệp sai lầm một cách rõ ràng cho những kẻ phạm tội là họ không bị đối diện với bất cứ trách nhiệm pháp lý nào.”
Năm 2018 và 2019, mỗi năm Đức chỉ có một đơn xin tị nạn từ Hồng Kông. Tới cuối tháng Chín năm nay, nước này đã nhận được hai đơn.
Số liệu từ Bộ Nội vụ Úc cho thấy lượng người Hồng Kông đã đệ đơn yêu cầu quy chế tị nạn đã tăng lên hai con số kể từ tháng 9/2019, khi các cuộc biểu tình ở thành phố leo thang và đụng độ bạo lực giữa những người cấp tiến và cảnh sát đã trở nên ngày càng phổ biến.
Trong khi đó tại Anh, số người Hồng Kông nộp đơn xin tị nạn tăng từ 8 người năm 2018 đến 13 người năm ngoái. Và tới tháng Sáu năm nay đã có 14 đơn xin, gồm hai trẻ vị thành niên.
New Zealadn ghi nhận một người Hồng Kông xin tị nạn năm 2018, hai người vào năm ngoái và tới nay có 3 người cho năm 2020.
Tiến sĩ Simon Shen Xu-hui, một chuyên gia về quan hệ quốc tế Đại học Trung Quốc nói rằng kể từ khi Bắc Kinh áp đặt Luật An ninh quốc gia lên Hồng Kông, hầu hết các nước phương Tây đã bắt đầu đánh đồng Hồng Kông giống như Tây Tạng và Tân Cương, nơi Trung Quốc bị lên án vì vi phạm quyền con người.
Ông nói việc các cá nhân chạy trốn, phản ánh rằng họ tin bản thân đang phải đối mặt với một mối nguy hiểm thực sự hoặc đã mất hết hy vọng.
Ông Shen nhận định Luật An ninh mới đã tạo ra “một cảm giác tuyệt vọng cùng cực” đối với người Hồng Kông và phỏng đoán xu hướng những người xin tị nạn sẽ tiếp tục.
Thứ Năm tuần trước, Anh đã thông báo vào tháng 1/2021 họ sẽ tạo ra một loại visa đặc biệt cho những người Hồng Kông mang hộ chiếu Anh (ở nước ngoài) và những người thân trong gia đình họ, dần dần tiến tới việc có đầy đủ quyền công dân.
Trong tháng Bảy, Úc đã cấp khoảng 10.000 visa sinh viên và visa tạm thời cho người Hồng Kông, bước đầu để có thể trở người thường trú nhân.
Mỹ tháng trước đã lần đầu tiên bổ sung Hồng Kông vào đề xuất hạn ngạch tị nạn hàng năm, một động thái khiến Bắc Kinh hết sức tức giận.
Xuân Lan (theo SCMP)
Xem thêm:
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…