Ông Stephan Loewentheil đã giới thiệu 30 bức ảnh quý hiếm của mình tại triễn lãm Tuần Châu Á ở New York (Asia Week New York 2017). Đây là “Những kiệt tác của Nghệ thuật Nhiếp ảnh thủa ban đầu ở Trung Quốc”, là triển lãm duy nhất về những bức ảnh hiếm hoi và chúng không phải để bán.
Những bức ảnh với khiếu thẩm mỹ và chất lượng tuyệt vời này sẽ cho bạn thấy sự thoáng hiện của một thế giới đã bị thất lạc. Việc phát minh ra nhiếp ảnh vào thời nhà Thanh – triều đại hoàng đế cuối cùng của Trung Quốc đã giúp miêu tả những hình ảnh truyền thống của một quốc gia, mà ngày nay chính quốc gia đó trông hoàn toàn khác biệt. Những bức ảnh chứa đựng những manh mối và những dấu vết còn lại của một thế giới, mà chúng ta vẫn có thể học hỏi từ đó và trân quí nó.
Ông Loewentheil đã chọn thu thập những bức ảnh, một phần bởi vì chúng có thể truyền tải không lời. “Nó mở rộng các quốc gia, mở rộng các ngôn ngữ, và mọi người có thể thưởng thức nó. … Nó đã được làm ra để miêu tả mà không cần lời nói,” ông Loewentheil nói trong phòng triển lãm đang trưng bày bộ sưu tập của mình tại Hiệu sách PRPH Books trên đường East 64th Street ở New York.
Do rất ít những bức ảnh thể hiện các dấu vết của một Trung Hoa cổ xưa còn tồn tại, nên nó khiến cho bộ sưu tập của ông Loewentheil là vô giá.
Hai người đàn ông mặc bộ đồ da lông thú đứng bên cạnh nhau với đôi chân mở rộng và vững chắc trên mặt đất, bên cạnh một con lạc đà hai bướu. Cả ba đều nhìn thẳng vào ống kính máy ảnh. Bạn bắt gặp cái nhìn chăm chú của họ, vượt qua thời gian và không gian.
Gần đây, thế giới đã thay đổi rất nhanh. Chúng ta quên mất rằng chỉ 150 năm trước, các nhiếp ảnh gia đã bắt đầu ghi lại được những hình ảnh, chẳng hạn như bức ảnh hai người đàn ông mạnh mẽ dưới thời tiết khắc nghiệt đang đi trên Con đường Tơ lụa cùng với một con lạc đà trông khá vui mừng. Bạn có thể bắt đầu tưởng tượng về những thử thách và nỗi khổ cực mà họ phải đối mặt với việc vận chuyển hàng hoá có lẽ từ rất xa, mãi tận Địa Trung Hải.
Bức ảnh được chụp vào khoảng năm 1890 bởi ông Sanshichiro Yamamoto, một nhiếp ảnh gia người Nhật, người đã thành lập hiệu ảnh thứ hai của mình ở Bắc Kinh. Đây là một trong 15.000 bức ảnh trong bộ sưu tập cá nhân của ông Stephan Loewentheil về nghệ thuật nhiếp ảnh thủa ban đầu ở Trung Quốc.
Loewentheil cho biết: “Vì tình hình văn hóa bên trong đất nước Trung Hoa, đã có một thời gian dài thuộc thế kỷ 20, nhiều trường hợp người ta cố lờ đi hoặc đôi khi hủy hoại những biểu hiện đặc trưng của văn hóa trước đó vì bị cho rằng thuộc về giai cấp tư sản và có thể gây ra rắc rối, phiền phức.”
Là một người buôn bán sách và bản thảo chuyên nghiệp, ông Loewentheil thường xuyên sưu tập ảnh. Hầu hết các bức ảnh của mình, ông mua từ các thương nhân một cách kín đáo, và đôi khi từ các nhà bán đấu giá lớn.
Hầu như tất cả các bức ảnh của ông Loewentheil về Trung Quốc đều được sở hữu trước tiên bởi những du khách, các thương gia, các nhà truyền giáo hay những đại diện từ các nước khác trong số các loại khách du lịch và người di cư khác. “Họ muốn đem về nhà những hình ảnh về nơi mà họ đã đến – những kỳ quan của Trung Quốc. Vì vậy, họ đã mua những bức ảnh này và đưa nó ra khỏi Trung Quốc. Những bức ảnh đó chính là những bức ảnh vẫn còn tồn tại“, ông Loewentheil cho biết.
Một bức ảnh từ hiệu ảnh Trung Quốc A Chan (Ya Zhen), cho thấy hai người đàn ông, tình cờ chuyện trò trước một ngôi chùa nhỏ. Một cây cầu hẹp dẫn đến công trình kiến trúc nhỏ, có lối vào và cửa sổ mở rộng ra bên ngoài. Ngôi chùa kết hợp hoàn hảo với những cây cối xung quanh, tạo cảm giác thanh bình. Bức ảnh được bố cục rất tuyệt và trong tình trạng còn tốt đáng kinh ngạc. Các chi tiết của hình ảnh rất sắc sảo, nhưng tính nghệ thuật của bức ảnh thậm chí còn đáng được khen ngợi nhiều hơn.
Hiệu ảnh A Chan đã từng hoạt động tại thành phố Canton (Quảng Châu), ngoài ra không có nhiều thông tin hơn về các nhiếp ảnh gia của hiệu.
Ông Loewentheil nói về những bức ảnh của hiệu ảnh A Chan: “Đây là một nghệ thuật nổi bật trong bất kỳ bức ảnh nào được chụp bất kỳ đâu ở châu Âu hoặc Mỹ vào cùng thời điểm. Có những nhiếp ảnh gia người Trung Quốc, họ cũng tuyệt vời như những nhiếp ảnh gia ở phương Tây, và điều rất quan trọng là chúng tôi nhận thấy điều đó”.
Nhiếp ảnh gia người Scotland John Thomson là người đầu tiên tạo ra các tác phẩm nhiếp ảnh quan trọng bên trong Trung Quốc, như tác phẩm ‘đi du thuyền trên dòng sông Mân’. Ông đã tạo ra một cuốn sách, gồm 80 bức ảnh in, có tiêu đề “Phúc Châu và Sông Mân” (1873). Chỉ có 7 bộ ảnh của ông Thomson là vẫn còn tồn tại. Ông Thomson không phải là quan chức chính phủ hay nhà truyền giáo, mà là một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, đã sử dụng “phép in ảnh chấm collodion”, một kỹ thuật nhiếp ảnh thủa ban đầu, sử dụng các âm bản thủy tinh và các hóa chất dễ cháy. Do đó, ông phải di chuyển cùng với nhiều thùng gỗ để mang thiết bị của mình, bao gồm một lều phòng tối.
“Hang động tu viện Yuen-Fu”, bức ảnh của nhiếp ảnh gia Thomson trong bộ sưu tập của ông Loewentheil trông có vẻ hơi kỳ lạ và bí hiểm. Tu viện được xây dựng ở trên cao, trên một vách đá trong một bầu trời đen. Các chi tiết của hình ảnh được xác định rất rõ và sắc nét. Nó cho thấy sự nhạy cảm và kỹ năng của ông Thomson, người được biết đến với phong cách phóng sự ảnh của mình, ghi lại cuộc sống của người dân một cách khiêm tốn.
Những bức ảnh của ông Loewentheil về Trung Quốc thủa ban đầu hiếm khi được trưng bày cho công chúng xem, và chỉ đôi lúc cho các học giả được thấy. Để bảo quản, những bức ảnh chủ yếu được giữ che ánh sáng, ở trong các hộp [tối] hoặc đằng sau tấm nhựa UV khi nó được trưng bày trong một thời gian ngắn.
Với sự giúp đỡ của ông Stacey Lambrow, con trai của ông Loewentheil là anh Jacob, hiện đang làm việc để đưa ra một cuốn sách về những bức ảnh của ông Thomas Child, người đầu tiên chụp ảnh Bắc Kinh một cách có hệ thống vào thế kỷ 19.
Giống như các thành phố lớn khác trên thế giới, Bắc Kinh đã trải qua một sự thay đổi mạnh mẽ, với sự phát triển của những tòa nhà cao hơn, lớn hơn và mới hơn. Trong một mức độ đáng kể, sự tăng trưởng này dẫn đến sự biến mất của một lối sống – con người, kiến trúc, di tích và văn hoá – mà ông Child đã ghi lại được trong 200 bức ảnh [của mình] vào những năm 1870.
Ông Child đã sống ở Trung Quốc trong 20 năm. Ông làm việc tại Cục Hải quan Hàng hải Hoàng Gia như một kỹ sư khí đốt, và đã thực hiện công việc nhiếp ảnh với tư cách cả nghiệp dư và chuyên nghiệp.
“Ông Child đã học tiếng Hoa, ông yêu đất nước Trung Hoa. Ông có nhiều bạn tốt ở Bắc Kinh, những người này đã cho ông tiếp xúc với nhiều nơi, mà nếu không thì ông không thể thấy và chụp ảnh được,” ông Loewentheil cho biết.
Cho đến nay, 2 cha con ông Loewentheil đã có được 150 trong số 200 bức ảnh được chụp bởi ông Child, và họ hy vọng cuốn sách sẽ được xuất bản và bán ra công chúng trong một vài năm tới.
Ông Stephan Loewentheil đã thu thập những bức ảnh được hơn 30 năm. Bộ sưu tập của ông bao gồm 7.000 bản in an-bu-min từ trước năm 1850 đến năm 1912, và 8000 bức ảnh, được chụp từ những năm 1920 đến những năm 1940, tập trung vào những công trình kiến trúc ở Trung Quốc, cũng như bộ sưu tập rộng lớn về những bức ảnh của nước Mỹ ở thế kỷ 19. Ông Loewentheil nói: “Tôi cảm thấy thú vị khi bảo vệ nền văn hoá nhiếp ảnh, một phần bởi vì tôi nghĩ rằng chúng ta, những người yêu thích cái đẹp, nghệ thuật và chân lý, có nghĩa vụ giữ gìn những gì là quan trọng”.
Duy Minh (T/H)
Xem thêm:
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…
Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…
Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…
Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…