Đáp lại lập luận nổi lên trong chính giới Mỹ rằng “Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không đồng nghĩa với Trung Quốc”, lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã nhiều lần nhấn mạnh “5 điều tuyệt đối không chấp nhận”. Ngày 16/9 khi đi thực tế tại tỉnh Hồ Nam, ông Tập đã kể lại “câu chuyện nửa chiếc chăn”, câu chuyện này đã làm dậy sóng cộng đồng mạng người Hoa.
Gần đây, khi hai nước Trung Quốc và Mỹ tiếp tục đối đầu nhau về các vấn đề như nguồn gốc của dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán, an ninh mạng, nhân quyền ở Tân Cương, Luật An ninh Quốc gia tại Hồng Kông, chính giới Mỹ đã tập trung vào phân biệt giữa ĐCSTQ và 1,4 tỷ dân Trung Quốc. Điều này để làm rõ, Mỹ chỉ xung đột với ĐCSTQ chứ không phải người dân Trung Quốc, ĐCSTQ không đồng nghĩa là người dân Trung Quốc. Cách lập luận đơn giản nhưng xác đáng này được sự hưởng ứng của cộng đồng quốc tế đã khiến Bắc Kinh hoảng sợ.
Đáp lại, nhà cầm quyền ĐCSTQ lại tung ra một chiến dịch giáo dục mới về yêu nước và yêu Đảng, hòa trộn Đảng và đất nước.
Theo truyền thông Đại Lục, ngày 16/9, ông Tập Cận Bình đã đến thăm phòng triển lãm chuyên đề “Ấm áp từ nửa chiếc chăn bông” ở thôn Sa Châu của dân tộc Dao tại làng Văn Minh của người Dao huyện Nhữ Thành, thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hồ Nam. Ông Tập chỉ ra rằng “câu chuyện nửa chiếc chăn bông” phản ánh bản sắc và tấm lòng nguyên sơ của những người được gọi là Cộng sản Trung Quốc, vào lúc Hồng quân thiếu cơm ăn áo mặc, sự sống mong manh nhưng vẫn luôn nghĩ đến nhân dân.
Ông Tập “tẩy não” dân làng rằng chính những người Cộng sản Trung Quốc có một chiếc chăn bông cũng chia đôi cho dân chúng. Gần 100 năm xây dựng, Đảng không quên nghĩa tình từ thời đầu này, nhân dân coi ĐCSTQ là đảng của mình, là đảng của nhân dân. Ngày hôm nay ông Tập đến đây cũng để tiếp thu bài học giáo dục này.
Phát ngôn của ông Tập nhanh chóng làm dậy sóng cộng đồng mạng người Hoa với những bình luận như:
“Xưa kia Hồng quân đã không ngừng tàn sát đông đảo người dân. Cái chăn bông của người Cộng sản Trung Quốc có được cũng nhờ vào giết địa chủ, thân hào nông thôn, cướp tài sản của người giàu chăm chỉ làm việc.”
“Từ lâu ĐCSTQ đã tạo thế đối lập với người dân thường, sao có thể gọi Đảng của nhân dân? Lừa ai? Kẻ nắm quyền tham lam vơ vét mà rao giảng làm việc vì dân chúng?”.
“Trước tiên hãy công khai tài sản của quan chức, cho dân chúng biết các quan chức ĐCSTQ có bao nhiêu cái chăn, sau đó hãy nói những lời hoa mỹ về một nửa cái chăn!”
“Ông đến để tiếp thụ giáo dục, nhưng vấn đề là ai dám giáo dục ông? Đến cả vấn đề ‘ngông cuồng với chính quyền trung ương’ cũng bị xác định là tội thì tất cả mọi người chỉ đành lựa chọn im lặng, giống như những năm cuối nhà Minh khi vương triều đi đến diệt vong, khi đó không ai dám ra mặt nói một lời!”
“Chỉ cần nghe kỹ bài phát biểu của ông Tập sẽ thấy rằng hồn Mao Trạch Đông nhập vào Tập Cận Bình, thật quá đáng sợ!”
“Đây là cách làm theo gương Mao Trạch Đông sau thất bại của Đại nhảy vọt. Bề ngoài chấp nhận tiếp thu góp ý phê bình, nhưng sẽ chọn thời điểm để trả thù.”
“Đích thân ra trận để tuyên truyền bảo vệ Đảng, hòa trộn ĐCSTQ với 1,4 tỷ người, cho thấy chế độ ĐCSTQ đang đối mặt nguy cơ và thách thức chưa từng có.”
Trên Vision Times tiếng Trung, nhà bình luận Trịnh Trung Nguyên (Zheng Zhongyuan) đã phân tích rằng, ông Tập Cận Bình đến Hồ Nam để “ca Đỏ”, tự cho mình thay mặt người dân nói rằng người dân xem ĐCSTQ như Đảng của họ, đây là sự quái đản của tư duy văn hóa Đảng, là thuật ngụy biện đặc hữu của ĐCSTQ. Đây là phản ứng tiếp theo của ông Tập liên quan đến quan điểm phân biệt giữa ĐCSTQ và người dân Trung Quốc, lần trước đó là nhấn mạnh “5 điều tuyệt đối không chấp nhận”, nhưng vấn đề cũng cho thấy ông Tập đuối lý lập luận tính hợp pháp cầm quyền của ĐCSTQ.
Trên BBC tiếng Trung, phó giáo sư Mã Chiêu (Ma Zhao) chuyên về Đông Á tại Đại học Washington ở St. Louis chỉ ra rằng, ngay từ thời “Chiến tranh Lạnh” vào những năm 1950, Chính phủ Mỹ đã sử dụng ĐCSTQ để chỉ “Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” để biểu đạt ĐCSTQ cướp được chính quyền bằng đấu tranh vũ trang chứ không phải là chính phủ dân cử.
Hiện nay, quan hệ Mỹ – Trung đang gặp thách thức nghiêm trọng nhất kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao. Điều đáng chú ý là gần đây một số nhà lập pháp Mỹ đã đưa ra dự luật cấm ghi ông Tập Cận Bình là “Chủ tịch nước” trong các văn bản hành chính, chỉ nên ghi là Tổng Bí thư ĐCSTQ.
Về vấn đề này, ông Mã Chiêu cho rằng việc Chính phủ Mỹ thay đổi ngôn ngữ này có ý nghĩa chính trị mạnh mẽ: “Thứ nhất là phủ nhận tính hợp pháp của ĐCSTQ trong đời sống chính trị của Trung Quốc, thứ hai là để nhấn mạnh rằng Chính phủ Mỹ ‘chống ĐCSTQ’ chứ không chống ‘Trung Quốc’, thứ ba là tăng cường liên minh giữa Mỹ và Đông Á trên cơ sở ý thức hệ”.
Những diễn biến cho thấy vài tháng qua, các quan chức cấp cao của Mỹ đã tăng cường công kích ĐCSTQ, nhấn mạnh phân biệt rõ ĐCSTQ và người dân Trung Quốc.
Trong một bài phát biểu hồi tháng Sáu, Cố vấn An ninh Quốc gia của Nhà Trắng là Robert O’Brien tuyên bố rằng chính quyền Trump đang đảo ngược chính sách sai lầm của Mỹ đối với Trung Quốc và chỉ rõ rằng ĐCSTQ không đồng nghĩa với người dân Trung Quốc.
Ngoại trưởng Mỹ Pompeo cũng nhiều lần nhấn mạnh chính quyền ĐCSTQ không đồng nghĩa với người dân Trung Quốc. Vào tháng Bảy năm nay, ông đã có một bài phát biểu tại California, nói rằng ĐCSTQ không thể đại diện cho 1,4 tỷ người dân Trung Quốc.
Quan điểm này cũng lặp lại các bài phát biểu trước đây của ông. Ngay từ tháng Mười năm ngoái, khi ông Pompeo có bài phát biểu tại Viện Hudson, ông đã bắt đầu phân biệt rõ ĐCSTQ và người dân Trung Quốc.
Trước những phát ngôn của Mỹ về vấn đề này, cả ông Tập Cận Bình và bộ máy truyền thông nhà nước Trung Quốc đều phản ứng rất cứng rắn. Vào ngày 24/8 Tân Hoa Xã của nhà nước Trung Quốc đã đăng một bài viết dài để đáp lại bài phát biểu của Pompeo. Bài viết cho rằng phát biểu của ông Pompeo đầy dối trá, “tấn công ác ý vai trò lãnh đạo của ĐCSTQ và hệ thống chính trị Trung Quốc, kích động chia rẽ quan hệ giữa ĐCSTQ và nhân dân Trung Quốc.”
Vào ngày 3/9 khi ông Tập Cận Bình tham dự hội nghị chuyên đề kỷ niệm 75 năm kháng chiến chống Nhật, một lần nữa ông Tập nhấn mạnh rằng “Nhân dân Trung Quốc tuyệt đối không chấp nhận bất kỳ người nào hoặc thế lực nào cố gắng chia rẽ ĐCSTQ và nhân dân Trung Quốc.”
Phát biểu của ông Tập đã gây phản ứng dữ dội trong dư luận. Tiếng nói nước Mỹ (VOA) dẫn phân tích của giáo sư Triệu Huệ Sinh (Zhao Suisheng) tại Viện Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Denver cho rằng, việc ông Tập Cận Bình hô hào “tuyệt đối không đồng ý” là vì ông Tập cảm nhận rõ nguy cơ lớn trong lập luận chia rẽ như vậy, mang hàm ý lật đổ uy quyền của ĐCSTQ, động chạm đến lợi ích cốt lõi của ĐCSTQ…, vì vậy ông Tập đã phải đưa ra phản ứng đặc biệt gay gắt.
Miêu Vi
Xem thêm:
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…