Ngày 17/3, Quốc hội Trung Quốc đã bầu chọn Chủ tịch và Phó chủ tịch nước cùng Ủy viên Trưởng Nhân đại, như vậy đúng như dự đoán, ông Vương Kỳ Sơn đã nhậm chức Phó Chủ tịch nước. Chức vụ này vốn chỉ là chức vụ mang tính tượng trưng, như vậy làm thế nào để ông Vương Kỳ Sơn biến chức vụ ảo này trở thành chức vụ có thực quyền?
Như nhiều nguồn tin từ giới đưa tin Hồng Kông trước đây đã sớm chỉ ra, ông Vương Kỳ Sơn 69 tuổi sẽ trở lại chính trường trong vai trò là Phó Chủ tịch nước Trung Quốc, tuy nhiên không như các người tiền nhiệm, Vương sẽ có quyền lực thực sự, thậm chí có thể chỉ đứng sau ông Tập Cận Bình. Điều này có thể thấy rõ từ cách quay hình của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV): sau khi quay cận cảnh đặc tả ông Tập Cận Bình thì lập tức quay đến cận cảnh đặc tả ông Vương Kỳ Sơn.
Liên quan đến quyền lực của ông Vương Kỳ Sơn sau khi trở lại, truyền thông Hồng Kông dẫn ý kiến của ông Dương Đại Lợi (Yang Dali), Giáo sư Khoa học Chính trị tại Đại học Chicago (Mỹ): “Tại ‘lưỡng hội’ Trung Quốc ông Vương Kỳ Sơn luôn xuất hiện cùng 7 ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị, rất rõ ràng là hiện nay Vương là nhân vật thứ 8 của đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), ông ấy sẽ không là một Phó Chủ tịch nước hữu danh vô thực như nhiều người tiền nhiệm.”
Theo ghi nhận, hầu hết giới quan sát bình luận chính trị Trung Quốc tại Hồng Kông đều cho rằng ông Vương Kỳ Sơn sẽ đóng vai trò quan trọng trong chính trường Trung Quốc 5 năm tiếp theo hoặc thậm chí lâu hơn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là ông Vương chỉ trở lại trong vai trò là Phó Chủ tịch nước, làm thế nào phát huy được quyền lực? Bởi vì trong vài thập niên qua, chức Phó Chủ tịch nước Trung Quốc chỉ là chức vụ mang tính tượng trưng.
Một bài viết trên SCMP Hồng Kông dẫn quan điểm của Giáo sư Mary Gallagher của khoa Chính trị học thuộc Đại học Michigan (Mỹ) cho rằng: “Với việc ông Vương Kỳ Sơn làm Phó Chủ tịch nước, đây là một cải cách lớn đối với chức vụ này. Vương có thể đóng vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại, đặc biệt đối với Mỹ.”
Trong hệ thống chính trị của ĐCSTQ, Đảng mới nắm quyền lực thực sự, Đảng đứng trên Nhà nước và Quốc hội, đa số những cải cách quan trọng liên quan đến con đường phát triển của Trung Quốc đều do một nhóm nhỏ người ở tầng lãnh đạo cao nhất trong Đảng quyết định. Vì thế mà chức Phó Chủ tịch nước gần như không có quyền lực gì, trong khi về mặt Đảng hiện nay ông Vương Kỳ Sơn chỉ là một đảng viên bình thường, vậy thì Vương sẽ phát huy quyền hành bằng cách nào?
Về vấn đề này, giáo sư Gallagher cho rằng: “Ông Vương Kỳ Sơn có thể có ‘chức vụ tạm’ ở nhóm quyết sách, thời ông Đặng Tiểu Bình cũng có nhiều nguyên lão trong Đảng tham chính trong vai trò gọi là cố vấn.”
Còn Giáo sư khoa học chính trị Vương Chính Tự (Wangzheng Xu) thuộc Đại học Phúc Đán thì cho biết: “Tham dự các hội nghị trong Đảng nhưng không bỏ phiếu, đây là một cơ chế có từ lâu của ĐCSTQ, các hội nghị như vậy thường được gọi là ‘hội nghị mở rộng’.”
Ngay trước thềm Đại hội 19, tướng “đả hổ” Vương Kỳ Sơn còn đầy hy vọng ở lại Ban Thường vụ Bộ Chính trị, tuy nhiên dưới đấu tranh quyết liệt của đối thủ chính trị, cuối cùng Vương buộc phải giải nhiệm tại Đại hội 19 vào tháng Mười năm ngoái.
Nhưng vào cuối tháng Giêng năm nay, ông Vương Kỳ Sơn bất ngờ được bầu chọn làm đại biểu Quốc hội và tại kỳ họp Quốc hội này, ông Vương lại nằm trong đoàn chủ tịch, ngồi ngang hàng với ông Tập Cận Bình và các ủy viên Ban Thường vụ khác. Từ cách quay của CCTV, nhiều nhà quan sát am hiểu nguyên tắc ghi hình tại các hội nghị quan trọng của ĐCSTQ đã chỉ ra vị thế chính trị của ông Vương Kỳ Sơn hiện nay có lẽ chỉ đứng sau ông Tập Cận Bình: sau khi CCTV quay cận cảnh đặc tả hình ảnh ông Tập Cận Bình thì lập tức chuyển sang đặc tả hình ảnh ông Vương Kỳ Sơn, trong khi những ủy viên Ban Thường vụ khác thì chỉ quay lướt qua.
Những động thái này cùng với việc sửa đổi Hiến pháp bỏ giới hạn nhiệm kỳ đối với cả hai vị trí Chủ tịch và Phó Chủ tịch nước, có thể thấy rõ ràng ông Tập Cận Bình đã bằng mọi cách để có thể duy trì tiếp tục “thể chế Tập – Vương”. Nhiều khả năng ông Vương Kỳ Sơn sẽ đóng vai dự thính trong các cuộc họp của Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ, trở thành “ủy viên Ban Thường vụ ngoài biên chế” hoặc gọi cách khác là “ủy viên Ban Thường vụ thứ 8.” Tuy nhiên, quyền lực của “ủy viên Ban Thường vụ thứ 8” này chỉ đứng sau ông Tập Cận Bình, sẽ là nhân vật số hai trong ĐCSTQ.
Tuyết Mai
Xem thêm:
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…