Bỏ hạn chế nhiệm kỳ, bộ máy quyền lực tại Trung Quốc sẽ tiếp tục “thể chế Tập – Vương”?
- Tuyết Mai
- •
Ngày 25/2, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã công bố “Kiến nghị về việc sửa đổi một phần nội dung của Hiến pháp”, trong đó có nội dung xóa bỏ hạn chế nhiệm kỳ của Chủ tịch và Phó Chủ tịch nước. Có nhận định cho rằng, một phần quan trọng trong “Kiến nghị” này vì ông Vương Kỳ Sơn chuẩn bị nhậm chức Phó Chủ tịch nước, bộ máy quyền lực tại Trung Quốc sẽ tiếp tục “thể chế Tập – Vương”.
“Kiến nghị” sửa đổi Hiến pháp Trung Quốc đã được đăng trên Tân Hoa Xã, trong đó nội dung sửa đổi liên quan đến nhiệm kỳ Chủ tịch và Phó Chủ tịch nước: Khoản 3 Điều 79 của Hiến pháp Trung Quốc quy định “nhiệm kỳ của Chủ tịch và Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trùng với nhiệm kỳ mỗi khóa của Nhân đại Trung Quốc, đảm nhiệm không quá hai khóa liên tiếp”. Sửa đổi thành: “Nhiệm kỳ Phó Chủ tịch và Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trùng với nhiệm kỳ mỗi khóa Nhân đại toàn quốc.” Phần nội dung “không được vượt quá hai khóa liên tiếp” đã bị lược bỏ.
“Kiến nghị” sửa đổi Hiến pháp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ được xem xét tại Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (Nhân đại) được tổ chức vào đầu tháng Ba, do tổ chức Nhân đại cũng nằm trong kiểm soát của ĐCSTQ, vì thế nhiều quan điểm cho rằng sửa đổi Hiến pháp được thông qua là khá chắc chắn.
Liên quan đến vai trò của ông Vương Kỳ Sơn?
Liên quan đến việc sửa đổi Hiến pháp, nhiều quan điểm cho rằng, điều này có thể khiến lãnh đạo tối cao ĐCSTQ đương nhiệm Tập Cận Bình trở thành “lãnh đạo trọn đời”. Quan điểm này cũng được củng cố nếu nhìn vào Đại hội 19, ông Tập Cận Bình đã không xác định ứng viên kế nhiệm vào đầu nhiệm kỳ thứ hai theo như thông lệ.
Nhưng đáng chú ý là “Kiến nghị” cũng loại bỏ kỳ hạn nhiệm kỳ của Phó Chủ tịch nước, điều này khiến nhiều người liên tưởng về vai trò của ông Vương Kỳ Sơn.
Ngày 25/2, Đài tiếng nói Hy Vọng (Sound of Hope Radio, SOH) tại Mỹ có nhận định, vì “Kiến nghị” sửa đổi Hiến pháp liên quan đến cả hủy bỏ giới hạn nhiệm kỳ chức Phó Chủ tịch nước nên không thể không đặt vấn đề về vai trò trở lại của ông Vương Kỳ Sơn, người có nhiều công lớn trong “chiến dịch đả hổ” của ông Tập Cận Bình nhưng đã mãn nhiệm tại Đại hội 19.
Cựu Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Vương Kỳ Sơn dù rời khỏi Bộ Chính trị và Ủy ban Trung ương tại Đại hội 19, nhưng luôn được đồn đại sẽ trở lại đấu trường chính trị trong vai trò là Phó Chủ tịch nước. Vào cuối tháng Một năm nay, ông Vương đã được bầu vào đại biểu Nhân đại toàn quốc ở khu vực bầu cử Hồ Nam. Ngày 13/2, chính quyền Bắc Kinh đưa ra danh sách thăm hỏi năm mới các cán bộ hưu trí hàng đầu của ĐCSTQ, nhưng ông Vương không có trong danh sách. Như vậy việc ông Vương sẽ trở lại trong vai trò Phó Chủ tịch nước vào “lưỡng hội” (Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn Quốc và Hội nghị Hiệp thương Chính trị) sắp tới là hoàn toàn có khả năng.
Ngày 21/2, Nhật báo Đông Phương (Hồng Kông) đã đăng một bài bình luận cho rằng, việc ông Vương Kỳ Sơn 70 tuổi trở lại chính trường là phá vỡ quy tắc chính trị “68 tuổi phải nghỉ hưu” của ĐCSTQ, trong tương lai quy tắc này có thể chỉ còn giới hạn ở các chức vụ trong Đảng, các vị trí lãnh đạo khác có thể được sắp xếp linh hoạt.
Bài viết cho rằng, việc người lãnh đạo Trung Quốc không còn bị giới hạn độ tuổi, có nghĩa là nhiệm kỳ cũng có thể được điều chỉnh, có thể kéo dài khi cần thiết. Vì ông Vương Kỳ Sơn có thể trở thành Phó Chủ tịch nước tại “lưỡng hội” năm nay nên trong sửa đổi Hiến pháp có thể sẽ có điều chỉnh vấn đề nhiệm kỳ của người lãnh đạo ĐCSTQ.
Nhà quan sát Lương Kinh (Liang Jing) chỉ ra, ông Tập Cận Bình không trực tiếp phá vỡ quy tắc “68 tuổi phải về hưu” để giữ lại ông Vương Kỳ Sơn, nhưng muốn cho ông Vương làm Phó Chủ tịch nước để ông được tiếp tục ở trung tâm quyền lực. Do đó ông Vương không phải quá lo lắng về an toàn sau khi rời khỏi Ban Thường vụ Bộ Chính trị. Ông Tập Cận Bình cũng rất cần ông Vương Kỳ Sơn để uy hiếp thế lực phản đối bên trong bộ máy.
Đài Á châu Tự do (RFA) cũng từng chia sẻ quan điểm cho rằng, ông Vương Kỳ Sơn sẽ được bổ nhiệm Phó Chủ tịch nước Trung Quốc vào “lưỡng hội” tháng Ba. Điều này có nghĩa là Vương vẫn sẽ là người sát cánh nhất bên ông Tập Cận Bình, và hệ thống chính trị của ĐCSTQ vẫn là “hệ thống Tập – Vương”.
Bỏ hạn chế nhiệm kỳ, khó đoán trước tương lai
Có thể nói, thông tin sửa đổi Hiến pháp Trung Quốc với nội dung xóa bỏ hạn chế nhiệm kỳ chức Chủ tịch và Phó Chủ tịch nước đã ít nhiều gây sốc trong dư luận.
Nhưng trả lời Reuters (Anh), nhà sử học Trương Lập Phàm (Zhang Lifan) tại Bắc Kinh lại cho rằng thông tin này không có gì bất ngờ, nhưng rất khó đoán trong tương lai ông Tập Cận Bình sẽ nắm quyền bao nhiêu năm.
“Theo lý thuyết, ông ta có thể cầm quyền thời gian dài hơn Mugabe, nhưng trên thực tế, không ai có thể chắc chắn điều gì sẽ xảy ra.” Ông Trương Lập Phàm nói. Mugabe, cựu Tổng thống của Zimbabwe đã nắm quyền trong 40 năm, vừa bị lật đổ hồi tháng 11 năm ngoái.
Ông Trương Bạc Hối (Zhang Bohui), Giáo sư về Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Lĩnh Nam (Hồng Kông) cho biết, động thái này sẽ cho phép ông Tập Cận Bình có quyền hạn lớn hơn và sẽ loại bỏ bất kỳ cản trở nào dám chống lại ông ấy. Bởi vì, “Một khi mọi người biết ông Tập sẽ nắm quyền bao nhiêu năm, sẽ khuyến khích càng nhiều người tham gia vào phe cánh ông ta, giúp củng cố quyền lực của ông ta”; “Các đối thủ sẽ cảm nhận rõ hơn việc đối đầu với ông Tập là không thể đủ sức, vì thế không dám thách thức”, ông Trương Bạc Hối nói.
Chia sẻ với Nhật báo Đông Phương (Hồng Kông), học giả Hồ Tinh Đẩu ở Trung Quốc Đại Lục cho rằng, nếu quyền lực của người lãnh đạo hiện nay mạnh hơn nữa, dĩ nhiên sẽ có thể đẩy mạnh hơn những cải cách quan trọng để làm cho đất nước “phát triển lâu dài”. Nhưng vấn đề không phải ở số lần tái nhiệm của người lãnh đạo có nhiều hơn hai khóa hay không, quan trọng nhất vẫn là chính sách của họ có tiến bộ hay không, nếu không sẽ là thảm họa.
Còn Giáo sư khoa học chính trị Phạm Thế Bình (Fan Shiping) tại Đại học Sư phạm Đài Loan thì chia sẻ phân tích trên Facebook rằng, việc bãi bỏ thời hạn nhiệm kỳ này sẽ khiến cuộc tranh giành quyền lực cấp cao trong ĐCSTQ khốc liệt hơn, nguy cơ “ám sát” hay “đảo chính” cũng sẽ tăng lên.
Giới truyền tin bên ngoài Đại Lục đã không ít lần chỉ ra, trong 5 năm trở lại đây, ông Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn luôn là một mục tiêu ám sát thường trực của đối thủ chính trị trong nội bộ, đã có nhiều thông tin liên quan đến việc ám sát bị thất bại. Nhiều “hổ to” đã bị hạ trước đây vì tham gia vào âm mưu đảo chính.
Tuy nhiên, ngày 25/2, Thời báo Hoàn Cầu của ĐCSTQ có đăng bài bình luận, theo đó đề cập “Tập hạt nhân” hiện đang mở ra thời đại mới cho Trung Quốc, trong nội bộ đã hình thành thể chế lãnh đạo “tam vị nhất thể”, bao gồm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy, sửa đổi Hiến pháp “không có nghĩa là sẽ phục hồi cơ chế Chủ tịch nước trọn đời”.
Tuyết Mai
Xem thêm:
Từ khóa Tập Cận Bình Vương Kỳ Sơn sửa đổi hiến pháp